Công ty phân tích IHS Markit của Anh liên kết sự suy giảm tốc độ tăng trưởng dịch vụ hiện nay với tình hình đại dịch ngày càng khó khăn trên thế giới.
Sự chậm lại trong tăng trưởng các ngành dịch vụ đi cùng với sự phát triển chậm lại trong khu vực sản xuất. Theo dữ liệu được công bố trong tuần này, chỉ số PMI công nghiệp cũng giảm xuống 50,6 - mức thấp nhất trong thời gian 9 tháng qua. Giới phân tích cho rằng tốc độ tăng trưởng công nghiệp chậm lại là do số lượng đơn hàng xuất khẩu giảm xuống.
Ở nhiều quốc gia, vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn sự lây lan dịch COVID-19 và thiết lập một quy trình tiêm chủng suôn sẻ. Vì một vài lý do, một số nước Đông Âu, trong đó có Cộng hòa Séc và Hungary, đã quay sang Trung Quốc đề xuất cung cấp vắc xin. Tình hình dịch tễ khó khăn không đóng góp vào sự tăng trưởng kinh doanh và nhu cầu giảm xuống đối với hàng hóa nhập khẩu, kể cả hàng từ Trung Quốc.
Mặt khác, không giống như thời kỳ bắt đầu dịch bệnh, khi các nước hoàn toàn chưa có sự chuẩn bị và thiếu thốn ngay cả các thiết bị bảo vệ cá nhân cơ bản cũng như các mặt hàng y tế khác, thì giờ đây, nhìn chung, họ đã có thể tạo ra các nguồn dự trữ cần thiết. Nếu ngay từ đầu thời kỳ đại dịch, Trung Quốc tích cực xuất khẩu các mặt hàng y tế — trong 11 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu nhóm hàng này tăng 42,5% về số lượng - thì hiện nay nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng này đang giảm dần. Đương nhiên, điều này được phản ánh trong thống kê xuất khẩu của Trung Quốc: đơn hàng xuất khẩu giảm tháng thứ ba liên tiếp, một số công ty buộc phải giảm quy mô sản xuất.
Tất nhiên, sự sụt giảm chỉ số PMI ngành luôn gắn liền với những ngày nghỉ Tết cổ truyền. Trong thời gian này, cả nước nghỉ dài ngày, nhiều cơ sở công nghiệp ngừng hoạt động. Văn phòng Thống kê Nhà nước Trung Quốc giải thích về chỉ số PMI thấp trong lĩnh vực sản xuất trong tháng Hai là do những ngày nghỉ kéo dài. Nhưng khu vực dịch vụ lại có xu hướng tăng trưởng trong các kỳ nghỉ lễ, do mọi người tăng tiêu dùng cá nhân trong thời gian này.
Nhưng năm nay tình hình đã khác
Chính quyền Trung Quốc khuyến cáo người dân không đi du lịch trong những ngày nghỉ lễ để ngăn chặn sự lây lan một làn sóng đại dịch mới. Do đó, vào ngày đầu tiên của kỳ nghỉ, người Trung Quốc đã thực hiện số chuyến đi ít hơn 74% so với năm 2019. Tổng công ty Đường sắt Nhà nước Trung Quốc thống kê cho biết từ ngày 28 tháng Một đến ngày 11 tháng Hai, mọi người đã thực hiện 52,33 triệu hành trình bằng đường sắt, thấp hơn 68,8% so với năm 2020. Du lịch, đi du học nước ngoài - là những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch. Và điều đó đã ảnh hưởng đến số liệu thống kê chung cho các ngành dịch vụ, Zhou Nianli - thành viên Trung tâm Nghiên cứu WTO về Trung Quốc tại Đại học Kinh tế và Thương mại Quốc tế, nói với Sputnik cho biết.
“Tôi nghĩ điều này chủ yếu do tình hình dịch tễ. Hiện giờ khu vực dịch vụ nói chung đang hoạt động bình thường và thị trường vẫn đang phát triển. Nhưng việc tăng trưởng chậm lại tất nhiên có liên quan đến dịch bệnh. Chúng ta thấy du lịch, du học và các dịch vụ khác là những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch. Và lĩnh vực dịch vụ hầu hết sẽ phụ thuộc vào tình hình phát triển như thế nào trong thời gian tới”.
Các ngành dịch vụ là thành tố quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc
Do Trung Quốc đang dần rời bỏ mô hình phát triển định hướng xuất khẩu, và với tiềm năng to lớn của thị trường nội địa, các ngành dịch vụ là động lực tăng trưởng chính trong những năm gần đây. Hơn nữa, xu hướng này không chỉ đặc trưng cho Trung Quốc, mà còn đối với phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu. Do đó, nếu viêc suy giảm tốc độ tăng trưởng của dịch vụ trở thành xu hướng dài hạn, điều này chắc chắn sẽ tác động nghiêm trọng đến sự phát triển chung của nền kinh tế thế giới, chuyên gia giải thích.
“Khu vực dịch vụ đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế Trung Quốc. Dịch vụ là lĩnh vực lớn nhất ở Trung Quốc, với giá trị gia tăng trong GDP trên 50%. Chúng ta có thể nói ở một số địa phương, ví dụ như ở Bắc Kinh, tỷ trọng của dịch vụ trong GDP lên tới 80%. Hơn nữa, ở góc độ toàn cầu, thế giới đang bước vào kỷ nguyên của nền kinh tế dịch vụ. Hiện giá trị gia tăng của các ngành dịch vụ trong GDP thế giới đạt 69%. Do đó, nếu tốc độ tăng trưởng dịch vụ chậm lại, điều này chắc chắn sẽ có tác động nhất định đến toàn bộ tình hình nền kinh tế ”.
Theo nghiên cứu của công ty McKinsey & Co, từ 20% đến 30% người dân Trung Quốc sẽ thận trọng hơn nhiều trong chi tiêu sau đại dịch. Do đó, chính quyền Trung Quốc sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để kích cầu tiêu dùng, ngay cả trong thời kỳ đại dịch. Ví dụ, năm ngoái, chính quyền Nam Kinh đã phát hành chứng từ mua hàng trị giá 300 triệu nhân dân tệ. Sau đó, 170 thành phố khác ở Trung Quốc đã noi gương làm theo Nam Kinh. Ngoài ra, Trung Quốc đang tích cực thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số DCEP, với các cuộc thử nghiệm thí điểm diễn ra ở bốn thành phố trong nươc. Trong đó, một số người dân được bốc thăm nhận về chiếc "phong bì đỏ" ảo chứa 200 nhân dân tệ kỹ thuật số.
Các khoản tiền này có thể được chi trả để mua hàng hóa, dịch vụ từ các công ty hợp tác với Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tham gia thử nghiệm đồng nhân dân tệ kỹ thuật số. Sau đó, sẽ nhanh chóng đưa ra các cơ chế thanh toán tiền kỹ thuật số mới vào lưu thông. Giờ đây, điều quan trọng đối với Trung Quốc là đảm bảo thị trường trong nước hoạt động trơn tru để tăng trưởng GDP dựa vào nguồn lực trong nước, mà không quá phụ thuộc vào môi trường bên ngoài. Như vậy các biện pháp kích cầu tiêu dùng sẽ còn tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.