Trong khi đó, ông Đỗ Văn Hồng, cựu Tổng Giám đốc PVC Kinh Bắc, đại gia “núp sau” Trịnh Xuân Thanh mua đất ở Tam Đảo cho biết không dám đòi nợ hay kiện tụng vì lo sợ địa vị của Trịnh Xuân Thanh quá cao.
Các bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh đều phủ nhận trách nhiệm liên quan đến vụ án Ethanol Phú Thọ.
Vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh: Vì sao phải chỉ định thầu dự án Ethanol Phú Thọ?
Sáng nay, 9/3, phiên tòa xét xử vụ án Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra ở dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ tiếp tục diễn ra.
Ông Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam – PVN, Trịnh Xuân Thanh, nguyên Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam tiếp tục bị cách ly khi đại diện VKSND Hà Nội và một số luật sư tham gia xét hỏi các bị cáo khác.
Trình bày tại phiên tòa sáng nay, bị cáo Vũ Thanh Hà, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học (PVB) lên tiếng thừa nhận việc bản thân đã ký tờ trình đề nghị Hội đồng Quản trị của PVB phê duyệt chỉ định thầu dự án Ethanol Phú Thọ đúng như cáo trạng đã nêu.
Đồn thời, ông Hà cũng là người ký quyết định phê duyệt chỉ định thầu dù liên danh PVC/Alfa Laval/Dealta-T không đáp ứng một số tiêu chí cần thiết theo quy định của pháp luật.
Thừa nhận việc dự án Ethanol Phú Thọ được th công từ cuối năm 2009 nhưng đến tháng 3/2013 phải tạm dừng vì nhà thầu không đủ năng lực. Đồng thời, việc dừng thi công gây thiệt hại cho PVB hơn 543 tỷ đồng. Ông Hà thừa nhận đúng như cáo trạng truy tố.
Khai trước Hội đồng xét xử (HĐXX) về những thiếu sót trong hồ sơ đánh giá nhà thầu đối với dự án Ethanol này, ông Vũ Thanh Hà cho biết vì không đủ thời gian kiểm tra nội dung. Do đó, khi tổ giúp việc đấu thầu và thẩm định thầu trình hồ sơ, cựu sếp của PVB đã ký mà không đắn đo.
Đặc biệt, theo lời khai của ông Hà, do ông Đinh La Thăng chỉ đạo nên mọi việc phải khẩn trương nhanh chóng, nên bản thân bị cáo coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng.
“Tiến độ (dự án Ethanol) theo bị cáo hiểu lúc đó rất gấp gáp khi anh Đinh La Thăng đã chỉ đạo. Bị cáo có thể đã hiểu sai nhưng bị cáo vẫn nghĩ rằng đó là nhiệm vụ chính trị, cố gắng ra quyết định làm sao triển khai cho nhanh”, ông Hà khai.
Theo ông Vũ Thanh Hà khai tại tòa, khi được tổ chuyên gia báo cáo về việc liên danh nhà thầu không đáp ứng tiêu chí chỉ định thầu, cựu sếp PVB đã ký công văn gửi Tổng công ty Dầu Việt Nam và Phó Tổng giám đốc PVN.
Sau đó khoảng hai ngày, phía Tập đoàn Dầu khí PVN đã tổ chức cuộc họp giải quyết vấn đề này.
Trả lời VKS về vấn đề vì sao dù biết liên danh PVC/Alfa Laval/Dealta-T không đủ năng lực nhưng bị cáo vẫn phê duyệt kết quả đấu thầu, ông Vũ Thanh Hà nhấn mạnh, đúng là trong báo cáo thể hiện nhà thầu thiếu một số chỉ tiêu. Nhưng trong cuộc họp, lãnh đạo tập đoàn cho biết ban chỉ đạo triển khai dự án phát triển nhiên liệu sinh học sẽ hỗ trợ hướng dẫn thực hiện.
“Bị cáo cho rằng mình chỉ có trách nhiệm đàm phán về giá”, ông Hà nói.
Theo cựu sếp PVB Vũ Thanh Hà, sau khi có biên bản làm việc giữa PVB và liên danh nhà thầu thể hiện một số chỉ tiêu không đạt, PVB vẫn chưa chỉ định thầu.
“Khi ông Đinh La Thăng có bút phê vào biên bản, bị cáo “nghĩ đó là nhiệm vụ chính trị” nên thực hiện”, ông Hà nhấn mạnh.
Cựu lãnh đạo khẳng định, với tư cách chủ đầu tư và là “dân kỹ thuật”, bị cáo không muốn chỉ định thầu.
“Nhưng trong bối cảnh PVN thực hiện nhiều dự án tốc độ nhanh, chưa bao giờ làm sai, bị cáo đã thực hiện nghị quyết của Đảng ủy cấp trên”, cựu sếp PVB nêu rõ.
Trả lời HĐXX, ông Vũ Thanh Hà nhiều lần nói rằng khi các chuyên gia giúp việc đánh giá hồ sơ năng lực liên danh nhà thầu, bị cáo đã báo cáo cấp trên không thể chỉ định thầu.
“Sau khi nghe ý kiến của tôi, tôi thấy tập đoàn vẫn chỉ đạo là phải thực hiện. Thời gian thẩm định phải mất nhiều tháng nhưng khi chỉ có mấy ngày thì tôi chỉ biết thực hiện nhiệm vụ”, ông Hà phân trần.
Còn đứng trên tư cách chủ đầu tư, PVB có trách nhiệm đánh giá năng lực nhà thầu. Tuy nhiên, thực tế, công ty không được làm việc này.
Đến ngày 14/6/2010, do không đồng ý với một số đề xuất thay đổi thiết kế, vốn đầu tư dự án nên ông Vũ Thanh Hà đã bị điều chuyển công tác.
Vị cựu lãnh đạo PVB cũng khẳng định, đối với dự án Ethanol Phú Thọ, hiệu quả đầu tư chưa được phát huy, chi phí đào tạo nhân lực lãng phí, hàng trăm kỹ sư, công nhân, lao động bị mất việc, trang thiết bị nhà máy để lâu, hư hại và hỏng hóc, gây lãng phí lớn cho Nhà nước và là 1 trong 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương.
Sếp PVC Kinh Bắc Đỗ Văn Hồng không dám đòi nợ Trịnh Xuân Thanh vì địa vị quá cao
Cũng tại phiên xét xử, trả lời về mối quan hệ với bị cáo Trịnh Xuân Thanh về lô đất ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc, ông Đỗ Văn Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Kinh Bắc – PVC Kinh Bắc tiết lộ nhiều thông tin đáng chú ý.
Ông Hồng bị truy tố đồng phạm với Trịnh Xuân Thanh về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan đến việc mua 3.400m2 đất Tam Đảo, gây thiệt hại cho PVC 13,2 tỷ đồng.
Năm 2019, ông Đỗ Văn Hồng đã lĩnh 13 năm tù vì hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước tại dự án Xơ sợi Dầu khí và tiếp tục bị truy tố là đồng phạm của Trịnh Xuân Thanh ở vụ án này. Khai trước HĐXX, ông Hồng nhận Trịnh Xuân Thanh có bàn bạc với bị cáo về việc thành lập PVC Kinh Bắc vì là “cổ đông có tiềm năng”.
Theo cáo trạng truy tố, năm 2009, Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) góp 2,5 tỷ đồng (khoảng 5%) để thành lập PVC Kinh Bắc và ký hợp đồng số 173 cho PVC Kinh Bắc thi công một số hạng mục tại nhà máy Xơ sợi Đình Vũ với giá trị hơn 132 tỷ đồng.
Kho đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh - Chủ tịch PVC đã tiến hành bàn bạc với Đỗ Văn Hồng, Chủ tịch PVC Kinh Bắc việc tìm mua đất xây dựng khu nghỉ dưỡng.
Ông Hồng sau đó giới thiệu khu đất 3.400m2 tại thị trấn Tam Đảo, Vĩnh Phúc đang được rao bán với giá 23,8 tỷ đồng. Ông Trịnh Xuân Thanh đồng ý và khẳng định sẽ dùng chức vụ của mình để PVC ‘rót tiền’ cho PVC Kinh Bắc tạm ứng 25 tỷ đồng theo hợp đồng số 173 đã nêu nhằm có tiền mua đất dù việc này trái hợp đồng.
Đến ngày 29/6/2010, PVC tiến hành tạm ứng cho PVC Kinh Bắc 25 tỷ đồng và ông Đỗ Văn Hồng đã dùng tiền này thanh toán vụ thâu tóm khu đất 3.400m2.
Đến năm 2010, các bị cáo Thanh, Hồng bàn bạc việc tăng vốn điều lệ của PVC Kinh Bắc từ 50 tỷ lên 150 tỷ đồng. Do các cổ đông khác góp được 129 tỷ đồng, bị cáo Hồng gửi văn bản đề nghị PVC góp 21 tỷ đồng còn lại cho đủ số 150 tỷ đồng.
Cáo trạng xác định, Trịnh Xuân Thanh lợi dụng việc này để hợp thức hóa 25 tỷ đồng dùng để mua đất Tam Đảo. Theo truy tố, ông Thanh cũng đã yêu cầu cấp dưới tại PVC làm thủ tục chuyển số 25 tỷ đồng tạm ứng theo hợp đồng 173 thành tiền góp vốn, nâng tỷ lệ góp tại PVC Kinh Bắc lên 15,67%, từ 50 tỷ lên thành 150 tỷ. Trong đó, PVC góp thêm 21 tỷ đồng và được gán trừ vào tiền tạm ứng.
Cùng với đó, ông Trịnh Xuân Thanh còn thành lập Công ty Mai Phương, nhờ bố đẻ là ông Trịnh Xuân Giới đứng tên và dùng doanh nghiệp này mua lại khu đất 3.400m2 trên của PVC Kinh Bắc với giá đúng 23,8 tỷ đồng nhưng nợ lại 3 tỷ đồng, đến nay vẫn chưa thanh toán.
Đến năm 2016, Công ty Mai Phương cùng khu đất được vợ Trịnh Xuân Thanh bán cho người khác với giá 45 tỷ đồng. Hiện cơ quan điều tra đã tạm giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng 3.400m2 đất trên phục vụ công tác điều tra.
Cáo trạng nêu rõ, Trịnh Xuân Thanh đã lợi dụng tiền góp vốn của PVC vào PVC Kinh Bắc để mua khu đất tại Tam Đảo. Đến năm 2020, các cơ quan giám định kết luận phần vốn trị giá 21 tỷ đồng của PVC tại PVC Kinh Bắc chỉ còn giá trị hơn 7,7 tỷ đồng, tức việc ông Thanh mua đất khiến PVC thua lỗ hơn 13,2 tỷ đồng.
Tại phiên xét xử, ông Đỗ Văn Hồng thừa nhận đã giúp Trịnh Xuân Thanh mua khu đất tại Tam Đảo nói trên và đến nay, bị cáo Thanh vẫn nợ 3 tỷ đồng.
Đáng chú ý, khi đại diện Viện Kiểm sát đặt vấn đề, tại sao không đòi nốt số tiền 3 tỷ đồng, bị cáo Hồng cho biết, có đòi, nhưng không được.
“Tôi có đòi ông Trịnh Xuân Giới (bố đẻ Trịnh Xuân Thanh) và ông ấy hứa sẽ trả làm 2 lần nhưng chỉ nói chuyện, không đòi bằng văn bản”, cựu lãnh đạo PVC Kinh Bắc nêu rõ.
Phía VKS dẫn lời khai tại giai đoạn điều tra thể hiện, ông Hồng từng khai không dám đòi tiền Trịnh Xuân Thanh vì vị trí của người này quá cao.
“Khi đó, điều tra viên hỏi tôi sao không kiện đòi tiền hoặc áp dụng các biện pháp dân sự khác, tôi trả lời vị trí của ông Thanh cao nên tôi không kiện”, ông Đỗ Văn Hồng phân trần.
Trịnh Xuân Thanh phủ nhận chuyện không chịu trả nợ vụ đất Tam Đảo
Tại phiên xét xử, ông Hồng phủ nhận việc có bàn bạc với Trịnh Xuân Thanh. Theo bị cáo, việc thi công công trình tại dự án nhà máy xơ sợi Đình Vũ bị cáo thực hiện đúng tiến độ, không chiếm dụng vốn của PVC để gây thiệt hại. Việc mua đất thực sự không nằm trong thỏa thuận với ông Thanh.
Bị cáo Hồng cho biết, đã thiết kế chia nhỏ đất thành 8 ô đất. Nhưng do kinh tế khó khăn nên khó bán, ông Thanh nhận mua hết đất nên bị cáo đã bán đất trên cho Thanh.
“Việc thỏa thuận chuyển nhượng đất bị cáo trực tiếp làm việc với Thanh, một vài lần ông Giới chuyển tiền, còn bị cáo không làm việc với ai khác. Còn về hành vi tạm ứng 25 tỷ đồng không gây hậu quả vì nếu có thiệt hại bị cáo phạm vào tội đưa hối lộ. Nhưng bị cáo đã được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự”, ông Đỗ Văn Hồng nói.
Trong khi đó, khai tại phiên tòa, bị cáo Trịnh Xuân Thanh không thừa nhận việc bàn bạc về việc tạm ứng tiền để mua đất. Về việc là ‘con nợ khó đòi’, ông Trịnh Xuân Thanh cũng khẳng định không biết gì về khoản nợ 3 tỷ đồng, cũng không thấy ông Hồng nói gì.
Vụ án Ethanol Phú Thọ: Hai ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh đều phủ nhận trách nhiệm
Trả lời thẩm vấn tại phiên tòa, ông Đinh La Thăng cho rằng, Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) không phải đơn vị thuộc hệ thống PVN nên ông không thể chỉ đạo.
Đồng thời, theo lời ông Thăng, PVB cũng không có trách nhiệm thực hiện các nghị quyết của PVN. Cựu lãnh đạo PVN nêu rõ, bản thân là trưởng ban chỉ đạo thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ và ban chỉ đạo này chỉ có trách nhiệm đôn đốc tiến độ, đặt ra các mốc thời gian để chủ đầu tư là PVB phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.
Liên quan đến mức giá xây dựng gói thầu là 59 triệu USD, ông Đinh La Thăng cho biết đây là giá PVB đưa ra, ông và ban chỉ đạo không thể quyết định việc này vì nguyên tắc là không làm thay việc của chủ đầu tư.
Cùng với đó, ông Đinh La Thăng cũng phủ nhận việc ép PVC phải tham gia đấu thầu và thực hiện dự án.
“Tôi từng yêu cầu Hội đồng Quản trị của PVC phải họp, thống nhất tham gia dự án với giá của chủ đầu tư. Tôi không ép PVC, nguyên tắc là phải có lãi mới làm”, ông Thăng nhấn mạnh.
Trong khi đó, trong phần thẩm vấn, ông Trịnh Xuân Thanh cho biết, nếu không có văn bản của PVN thì PVC sẽ không ký hợp đồng xây dựng dự án Ethanol Phú Thọ.
Ông Thanh cho hay, các thành viên của Hội đồng quản trị từng nói, với 59 triệu USD thì không làm được dự án này mà phải hơn 85 triệu USD.
“Tôi báo cáo Tập đoàn PVN nhưng tập đoàn yêu cầu tôi kiểm điểm. Nếu không có chỉ đạo của PVN, chúng tôi sẽ không làm dự án đó”, ông Thanh khẳng định.
Ông Trịnh Xuân Thanh cũng phủ nhận trách nhiệm của bản thân hay các bị cáo thuộc PVC khác về vấn đề liên danh của PVC sau đó dừng thi công dự án hồi năm 2013 với lý do “chỉ là người làm thuê”.
“Mọi người ở đây chỉ làm thuê thôi, các đơn vị góp vốn vào PVB là ngân hàng, PVOil... Họ thấy dự án không hiệu quả nên nhân việc chúng tôi đòi tăng tiền, họ dừng lại luôn. Hợp đồng chìa khóa trao tay nên nếu chúng tôi không làm được phải chịu thiệt hại nhưng họ không cho”, ông Thanh khai.
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo.