Ngày 12-3, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì vấn đề chính sách “visa vaccine”, “hộ chiếu vaccine” đã được đề cập. Về chính sách “visa vaccine”, Bộ Y tế đã có những bước chuẩn bị ban đầu. Tuy nhiên, Việt Nam khẳng định, chính sách cụ thể liên quan đến “visa (hộ chiếu) vaccine” phải căn cứ vào những đánh giá tiếp theo về tính an toàn, khả năng miễn dịch của từng loại vaccine và ở từng nước, từ đó có cơ chế phù hợp, trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi để phục vụ mục tiêu kép nhưng phải đảm bảo an toàn.
Tại sao Việt Nam thận trọng trong vấn đề “visa vaccine”, “hộ chiếu vaccine”?
Vì sao Việt Nam không xem nó là “bùa hộ mệnh toàn năng”?
Phóng viên Sputnik đã phỏng vấn nhà phân tích nổi tiếng, chuyên gia về những vấn đề đối nội và đối ngoại của Việt Nam Nguyễn Minh Tâm về đề tài nóng này.
“Hộ chiếu vaccine” góp phần làm tan băng một số lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội toàn cầu
Sputnik: Một số nước đang xem xét và thực hiện cơ chế “hộ chiếu vaccine”. Ông có bình luận gì về cơ chế này? Nó cần thiết như thế nào? Những khó khăn khi thực hiện là gì?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm:
Trước hết, “hộ chiếu vaccine” giải quyết vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, thể thao,v.v… Trong đó có các lĩnh vực quan trọng như hoạt động đối ngoại của các nhà ngoại giao, hoạt động của các chuyên gia kỹ thuật và công nghệ ở nước ngoài, hoạt động biểu diễn của các nghệ sĩ, diễn viên, hoạt động của các vận động viên thể thao tại các giải đấu, hoạt động của khách du lịch v.v… Do đó, “hộ chiếu vaccine” giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc, góp phần làm tan băng một số lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội toàn cầu đã bị ngưng trệ suốt một năm qua vì COVID-19.
Thứ hai, nhiều nhà xã hội học lo ngại rằng “hộ chiếu vaccine”sẽ dẫn đến sự phân biệt đối xử giữa những người đã tiêm vaccine phòng ngừa SARS-COV-2 và những người chưa được tiêm vaccine này. Tuy nhiên, theo tôi, “hộ chiếu vaccine”không có lỗi. Lỗi là ở hệ thống điều hành cung cấp vaccine và chính sách sử dụng vaccine của các nước.
Nếu vaccine phòng ngừa COVID-19 được phân phối bình đẳng, công bằng trên toàn cầu thì sẽ không có hiện tượng phân biệt đối xử hoặc chí ít thì hiện tượng đó sẽ bị giảm thiểu tới mức thấp nhất. Còn nếu như khoảng 6 tỷ người trên trái đất; nghĩa là khoảng 80% dân số nhân loại được tiêm vaccine phòng chống COVID-19 thì vấn đề phân biệt đối xử sẽ được giảm thiểu tối đa, Và sau đó, khi đã đạt được miễn dịch cộng đồng thì vấn đề “hộ chiếu vaccine”sẽ không còn cần thiết nữa.
Vì vậy, vấn đề “hộ chiếu vaccine”chỉ là vấn đề nhất thời, giúp giải quyết tình huống chứ không hề có tác dụng lâu dài. Nhân loại đã từng có nhiều dịch bệnh nghiêm trọng không kém COVID-19 nhưng vẫn có thể vượt qua mà không cần đến “hộ chiếu vaccine”. Hay nói một cách khác, chính các vaccines phòng chống SARS-COV-2 sẽ phủ định “hộ chiếu vaccine”.
“Hộ chiếu vaccine” không phải là “giấy chứng nhận an toàn” 100%
Sputnik: Việt Nam nhìn nhận vấn đề “hộ chiếu vaccine” có vẻ rất thận trọng? Việt Nam gặp những khó khăn hay trở ngại gì trong xây dựng cơ chế “hộ chiếu vaccine”?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm:
Quan điểm của Chính phủ Việt Nam là: Vaccine phòng ngừa SARS-COV-2 chỉ là một trong những “giải pháp cứu cánh” chứ không thể là một “giải pháp toàn năng” trong phòng chống COVID-19 và các loại dịch bệnh khác. Có hai nguyên nhân dẫn đến quan điểm này:
Thứ nhất, không có một thứ vaccine nào đạt hiệu quả phòng chống dịch bệnh 100%. Ngay cả vaccine Pfise/BionTech được cho là có hiệu quả cao nhất cũng chỉ đạt hiệu quả 96% đến 98% tùy theo hoàn cảnh sử dụng.
Thứ hai, không có một vaccine nào được coi là an toàn 100%; nghĩa là không gây ra bất kỳ một phản ứng phụ không mong muốn nào.
Thứ ba, ngành y tế Brazil vừa phát hiện nhiều trường hợp nhiễm ít nhất hai biến chủng của SARS-COV-2. Nhưng có một số loại vaccine đang được sử dụng chỉ có tác dụng đối với một chủng SARS-COV-2 nhưng lại bị giảm hiệu quả đối phó với một biến chủng khác. Đây là điều đáng lo ngại.
Từ các tiền đề trên, có thể thấy rằng vaccine luôn phải đi cùng với những biện pháp phòng ngừa COVID-19 đơn giản, dễ thực hiện nhưng lại rất có hiệu quả mà ngành Y tế Việt Nam đã đúc kết thành 5K: Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tụ tập đông người và Khai báo y tế.
Trên quan điểm này, “hộ chiếu vaccine” chỉ có thể được coi là một trong những yếu tố tin cậy để làm giảm bớt nguy cơ lây nhiễm COVID-19 chứ không thể là “giấy chứng nhận an toàn” 100%, nghĩa là không thể loại trừ 100% nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Do đó, Chính phủ Việt Nam sẽ có những quy định phù hợp nhưng không bao giờ coi “hộ chiếu vaccine” là một thứ “bùa hộ mệnh toàn năng” trước hiểm họa COVID-19. Trong vấn đề này, sự an toàn của người dân Việt Nam là mục tiêu có tính chiến lược lâu dài và luôn luôn được Chính phủ Việt Nam đặt lên trước hết và trên hết so với các mục tiêu khác.
Sputnik: Chân thành cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn cho Sputnik.