Làm sao ngăn chặn cuộc tự sát của nhân loại?

Chúng ta đang sống trong thời kỳ không hề giản đơn. Biến đổi khí hậu, lũ lụt và cháy rừng, ô nhiễm không khí, đất, nước. Các nhà khoa học đã gọi xã hội mà chúng ta đang sống là «xã hội của những rủi ro».
Sputnik

Rủi ro là khả năng một người đột tử vì những nguyên nhân phi tự nhiên. Và nền văn minh mà chúng ta đang sống mỗi ngày đều tạo ra những rủi ro mà trước đây không từng có. Một trong những nguy cơ rủi ro này là tình trạng ô nhiễm nhựa của biển và đại dương thế giới.

«Nạn ô nhiễm trắng»

Thải gần 2 triệu tấn nhựa mỗi năm, Việt Nam bị thế giới "gọi tên"
Việc phát minh ra nhựa - loại vật liệu nhẹ nhàng, dễ sử dụng và rẻ tiền - tưởng chừng như một liều thuốc vạn năng chữa bách bệnh trong tiêu dùng hiện đại, nhưng cũng giống như tình huống với nhiều phát minh khác của nhân loại, nhựa lại là nguyên nhân gây nhiều vấn đề nghiêm trọng nan giải. Việc sản xuất nhựa hàng loạt chỉ bắt đầu cách đây 65 năm. Trong thời gian đó, sản lượng nhựa đã tăng từ 1,7 triệu tấn vào năm 1954 lên 350 triệu vào năm 2019 (theo dữ liệu của Plastics Europe), và nó trở thành một trong những chất gây ô nhiễm cơ bản cho môi trường biển. Chỉ kể riêng loại hình chai đựng nước, thứ sản phẩm phổ biến nhất đã có mức tiêu thụ 480 tỷ mỗi năm (20.000 chiếc mỗi giây), - theo thống kê của Euromonitor. Trong khi đó chỉ có 9% lượng nhựa được tái chế. Còn 12% khác được đốt chát và 79% cuối cùng dồn vào các bãi rác hoặc ném ra môi trường. Liên Hợp Quốc đã đưa ra dự báo đầy đe dọa: nếu không thi hành động thái gì, lượng nhựa chưa tái chế sẽ tăng lên 100-250 triệu tấn vào năm 2025. Và đến giữa thế kỷ này, nhân loại sẽ tạo ra 33 tỷ tấn sản phẩm nhựa mỗi năm. Kết quả là, khối lượng nhựa trong các biển và đại dương sẽ lớn hơn toàn bộ quần thể động vật biển đang sinh sống, - theo  dự đoán trong báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Quỹ Ellen MacArthur (Ellen MacArthur Foundation).

Đòn đánh vô hình của cuộc tấn công ô nhiễm nhựa giáng vào các đại dương: do chu kỳ vận hành của các dòng chảy tự nhiên, những «đảo rác», «vệt rác» xuất hiện trong nước biển. «Vệt» lớn nhất như vậy là ở Thái Bình Dương, trải dài hơn 1,6 triệu km vuông và chứa khoảng 3,5 triệu tấn nhựa.

Làm sao ngăn chặn cuộc tự sát của nhân loại?

Các nhà khoa học phát hiện thấy rằng các dòng chảy đưa rác thải nhựa đến những ngóc ngách xa xôi nhất của hành tinh, trong đó nhựa không chỉ trôi trên mặt nước mà còn chìm xuống đáy biển, hút dính các hạt có nguồn gốc sinh học. Thậm chí cả trong bức ảnh chụp đáy rãnh Mariana sâu nhất quả đất, chúng ta cũng thấy rõ những mảnh vụn của chiếc túi nhựa. Dữ liệu mới nhất cho biết, mỗi năm có 13 triệu tấn chất thải nhựa - túi, chai lọ, bao bì, thùng chứa, v.v…rơi xuống vùng biển của Đại dương Thế giới. Theo thông tin của các nhà môi trường, 80% rác do xe ben trút dỡ xuống vùng ven biển hoặc qua kênh nước thải từ sông trôi ra biển, 20% - ném xuống từ tàu du lịch, tàu cá, tàu vận tải và chiến hạm.

«Tử thần trắng» với những con vật và chim muông

Một trong những nơi gây ô nhiễm đại dương nặng nhất là vùng Đông Nam Á. Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik,  bà Ekaterina Shalunova giảng viên chính từ Bộ môn An toàn môi trường và phát triển bền vững của các khu vực thuộc ĐHTH Quốc gia Saint-Peterburg cho biết như sau:

«Năm 2018, Trung Quốc từ chối tiếp nhận rác nhựa từ Mỹ và các nước phương Tây khác để tái chế, rồi dòng rác thải này lại được nhập vào các nước Đông Nam Á, vốn không đủ năng lực và công nghệ để xử lý chất thải nhựa. Rác thải nằm ven bờ, chất đống cao hàng mét. Xảy ra phản ứng hóa học từ sự phân rã chất thải hữu cơ, đống rác polyme và chất thải tổng hợp, dẫn đến phát triển bệnh ung thư trong cư dân, gây ra cái chết cho cá tôm ven biển, chim biển và động vật, đồng thời phá huỷ môi trường».

Rác thải nhựa mà cư dân các nước này và đông đảo khách du lịch vứt bỏ cũng sẽ trôi xuống đại dương. Theo dữ liệu của tổ chức "Ocean Conservancy" chuyên chăm lo bảo vệ môi trường biển, Việt Nam là 1 trong 5 nước đứng đầu về gây ô nhiễm môi trường biển bằng rác thải, chiếm tới 60% lượng rác thải nhựa thế giới ném ra biển.

Chuyên gia Ekaterina Shalunova nói tiếp:

Mỹ hay các nước Châu Á. Ai phải chịu trách nhiệm lớn nhất về ô nhiễm chất thải nhựa

«Nhựa phân chia thành các hạt và vi hạt - có chiều dài nhỏ hơn 5 mm. - Các loại sợi tổng hợp thêm vào thành phần của quần áo cũng thuộc loại vi hạt. Khi cọ xát với bề mặt hoặc trong quá trình giặt, hàng ngàn sợi vải li ti bị tách ra, «treo lơ lửng» trong không khí hoặc trôi xuống cống. Một cái chai bị ném xuống đại dương thì không tan ra; dưới tác động của mặt trời, nước, muối và nhiều va chạm, chai nhựa rã thành những hạt nhỏ lan rộng trong các tầng nước phía trên. Các hạt này thu hút phát triển vi sinh vật quá mức, rồi các loài chim và động vật sống nhờ tiêu thụ sinh vật phù du sẽ ăn vào. Nhựa thành vật thể lạ, là yếu tố căng thẳng bổ sung gây ra quá trình đau đớn trong trong cơ thể động vật. Nhựa tích tụ các chất hóa học trôi nổi trong đại dương, thuốc trừ sâu, và các hợp chất clo hữu cơ chứa trong chế phẩm, đặc biệt là chất dioxin bền vững ghê gớm cực kỳ khó phân hủy. Nhựa đầu độc động vật và chim, phá hoại quá trình tiêu hóa bình thường và làm chúng chết mòn vì kiệt sức».

Ý kiến của chuyên gia được khẳng định bằng thực tế nghiên cứu của các nhà khoa học. Các nhà sinh vật học chuyên nghiên cứu hải âu đã tìm thấy trong dạ dày của chim non đã chết những mảnh nhựa mà chúng ăn và chất lạ này lấp đầy ruột chim non, không cho nó tiếp nhận thêm thức ăn khác rồi dẫn đến cái chết. Mỗi năm có hàng chục nghìn gia cầm trưởng thành và gà vịt con chết vì rác thải nhựa. Nhựa lấp đầy dạ dày của những con cá voi và cá heo chết. Trong dạ dày của 35% cá đánh bắt để nghiên cứu ở Bắc Thái Bình Dương đã tìm thấy những mẩu nhựa. Khi lấy mẫu vẹm xanh ngoài khơi bờ biển Pháp, Bỉ và Hà Lan, người ta cùng đã tìm thấy các mảnh nhựa siêu nhỏ trong mỗi mẫu. Cá và hải sản từ biển và đại dương được đưa đến các cửa hàng và chợ ở mọi nơi khắp thế giới, và tiếp theo những vi hạt nhựa chứa trong cá tôm lại tiếp tục hành trình đi vào bao tử của con người.

Các nhà khoa học cũng thường tìm thấy nhựa trong xác động vật và chim muông. Nhưng các nhà sinh vật học Ý không chỉ nghiên cứu loài rùa mà còn cứu những con vật chậm chạp này, giải thoát rùa khỏi nhựa và thả chúng trở lại với biển cả. Một trung tâm cứu hộ loài rùa biển khổng lồ trên đảo Sardinia đã phát hiện ra rằng những con rùa biển hiện đại gặp khó khi nổi lên, lặn và di chuyển ở vùng nước sâu. Một số lượng lớn «thức ăn khó tiêu» là nhựa và các mảnh túi nilon được lấy ra từ dạ dày của rùa. Rùa biển ngây thơ đã nhầm những mảnh túi nổi chập chờn là sứa và chén luôn. Các nhà khoa học từ ĐHTH Bologna đã kiểm tra phân của hàng chục con rùa Caretta caretta được giải cứu, là loài rùa sống phổ biến trên khắp Địa Trung Hải, và tìm thấy lượng lớn các hạt nhựa, cũng như vi khuẩn gây bệnh liên quan đến các chất hóa học mà nhựa hấp thụ. Các chuyên gia cho rằng có thể dùng loài rùa này như một tham biến để xác định mức độ ô nhiễm chung của hệ sinh thái biển.

Làm sao ngăn chặn cuộc tự sát của nhân loại?

Con đường dẫn đến cứu rỗi

Nhiệm vụ giải cứu thiên nhiên khỏi «nạn ô nhiễm trắng» liệu có khả thi?  

Ông Dmitry Kavtaradze, nghiên cứu viên chính tại Bộ môn Sinh thái cơ sở và Thủy sinh học thuộc Khoa Sinh học ĐHTH Quốc gia Matxcơva (MGU) nói với Sputnik:

Các nhà khoa học làm sáng tỏ khi nào rác thải nhựa sẽ bao phủ kín Trái Đất

«Có một mô hình toán học là Giới hạn Tăng trưởng do một nhóm các nhà khoa học quốc tế lập ra, mô tả rất chính xác những gì con người đang làm với Trái đất và những gì nó sẽ đáp lại. Mô hình xem xét 12 kịch bản phát triển của nhân loại. Trong kịch bản cơ sở, giả định rằng con người không làm gì cho môi trường xung quanh và khả năng sinh sản, số dân Trái đất trong thế kỷ này sẽ tăng lên mức 10-12 tỷ người, tiếp theo là sự diệt vong thảm khốc xuống còn 1-3 tỷ với mức sống giảm đột ngột. Để không diễn ra viễn cảnh như vậy, ngăn chặn sự cạn kiệt tài nguyên của hành tinh và ô nhiễm môi trường cuối cùng, các quyết định cần được đưa ra ở cấp Chính phủ (về tái chế rác, ngừng chặt phá rừng, xây dựng các đô thị sinh thái, v.v…) và tổ chức giáo dục môi trường cho cư dân,  mọi người sẽ thấm nhuần ý tưởng bảo vệ thế giới nơi họ đang sống. Khoa học đóng vai trò to lớn trong sự nghiệp này. Nhưng cũng có những phức tạp khó khăn đáng kể. Ví dụ, các nhà khoa học đã dành nhiều năm tìm kiếm các vi sinh vật có thể phân hủy dầu và nhựa, rồi đã tìm thấy, đã tạo ra được loại túi nilon tự phân hủy. Thế nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu như loại vi khuẩn này trong môi trường nhựa rơi vào đại dương, bắt đầu «nuốt chửng» lớp cách điện của cáp viễn thông và cáp điện ngầm dưới nước?».

Cần có chiến lược sinh thái, ý chí chính trị sáng suốt và trình độ nhận thức cao của cư dân thì khi đó sẽ từng bước giải quyết vấn đề ô nhiễm của hành tinh chúng ta, - chuyên gia kết luận.

Thảo luận