Nguồn gốc của Ngày Quốc tế Hạnh phúc
Tháng 6/2012, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon chính thức tuyên bố chọn 20/3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Đến nay, 193 nước thành viên, trong đó có Việt Nam đã cam kết ủng hộ, hành động và nỗ lực nhiều hơn để xây dựng một thế giới đại đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, đem lại hạnh phúc cho nhân loại.
Liên Hợp Quốc quyết định kỷ niệm Ngày Hạnh phúc theo đề xuất của Vương quốc Bhutan, quốc gia nhỏ bé ở Nam Á nằm sâu trong lục địa phía Đông dãy Himalaya. Bắt đầu từ những năm 1970, Nhà vua Bhutan đã đưa ra cách thức mới đánh giá sự thịnh vượng của xã hội: thông qua chỉ số hạnh phúc quốc gia. Bên cạnh các chỉ số kinh tế thông thường để đánh giá về sự giàu có vật chất, chỉ số hạnh phúc cũng dựa trên các yếu tố về sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon từng nói: “Đối với mỗi người khác nhau, hạnh phúc có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta đều công nhận rằng hạnh phúc nghĩa là làm việc để chấm dứt xung đột, nghèo đói và các điều kiện không may khác mà rất nhiều đồng loại của chúng ta hiện đang phải sống trong các điều kiện đó. Hạnh phúc không phải là điều phù phiếm cũng không phải là điều gì xa xỉ. Hạnh phúc là khao khát sâu xa của mọi thành viên trong gia đình nhân loại. Hạnh phúc không nên từ chối một ai và phải là của tất cả mọi người. Khát vọng này ẩn chứa trong cam kết của Hiến chương Liên Hợp Quốc để thúc đẩy hòa bình, công bằng, nhân quyền, tiến bộ xã hội và mức sống được cải thiện”.
Liên Hợp Quốc đã tổ chức Ngày Quốc tế Hạnh phúc lần đầu tiên vào ngày 20/3/2013 với thông điệp chính được phát động trên toàn thế giới: “Hãy hành động vì hạnh phúc”.
Liên Hợp Quốc chọn ngày 20/3 hàng năm là Ngày Quốc tế Hạnh phúc vì đây là ngày đặc biệt trong năm. Vào ngày này, mặt trời nằm ngang đường xích đạo, nên độ dài ngày và đêm bằng nhau - biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ. Điều này cũng là biểu tượng cho sự cân bằng giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực… Với ý nghĩa đó, ngày 20/3 truyền tải đi thông điệp: cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc.
Ý nghĩa của Ngày 20/3 ở Việt Nam
Việt Nam là một trong số những quốc gia tích cực hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Từ khi ra đời đến nay, quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và sau này là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn đi kèm với tiêu ngữ: “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc”, đã khẳng định mục tiêu mang tính bản chất và nhất quán mà chế độ chính trị Việt Nam hướng tới.
Gần đây nhất, “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” được nêu bật trong dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XIII, thể hiện quyết tâm hướng tới giá trị quan trọng ấy của dân tộc Việt Nam.
Trên thực tế, kết quả xếp hạng chỉ số hạnh phúc quốc gia của Việt Nam liên tục được cải thiện trong vài năm gần đây. Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới (World Happiness Report) mới nhất năm 2019, Việt Nam đứng thứ 94 trong xếp hạng mức độ hạnh phúc của 156 quốc gia. Thứ hạng năm 2019 đã tăng 1 bậc so với năm 2018, và vượt trội ở 2 chỉ số: quyền tự do lựa chọn cuộc sống và kỳ vọng sống lành mạnh. Đây là thứ hạng tương cao đối với một đất nước có mức thu nhập trung bình thấp.
Năm 2014, Việt Nam lần đầu tiên tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 với chủ đề “Yêu thương và chia sẻ”. Từ đó, thông điệp này cũng trở thành chủ đề chính của Ngày 20/3 hàng năm. Qua đó, Việt Nam muốn cùng thế giới bày tỏ mong muốn, niềm tin và quyết tâm phấn đấu vì một thế giới hòa bình, không có chiến tranh, không còn đói nghèo; một thế giới phát triển thịnh vượng và bền vững; một thế giới mà tất cả mọi người dù khác màu da, dân tộc, tôn giáo đều được hưởng trọn niềm hạnh phúc.
Hạnh phúc từ những điều bình dị
Chia sẻ với Sputnik quan điểm về hạnh phúc, Chuyên gia Tâm lý học Nguyễn Thanh Tâm cho biết:
“Hạnh phúc là một dạng cảm xúc không thể cân đo đong đếm, cũng không thể mong chờ nhận được từ bất cứ nơi nào hay bất cứ ai. Bởi hạnh phúc đến từ trong chính mỗi chúng ta. Đó là khi ta biết cân bằng giữa những điều ta khao khát và những điều mà ta đang có. Hạnh phúc đến từ những điều đơn giản, có thể là cho đi mà không cầu nhận lại. Sống hạnh phúc sẽ tạo cho chúng ta nguồn năng lượng tích cực để lan tỏa những điều tốt đẹp cho cộng đồng”.
Anh Lê Quốc Việt, Kỹ sư xây dựng đang sinh sống và làm việc tại Paris (Pháp), nói với Sputnik:
“Đối với mình thì khái niệm về hạnh phúc rất đơn giản: có sức khỏe để làm việc, chơi thể thao, đi chơi đây đó là hạnh phúc rồi. Ở Pháp, khí hậu ôn hòa, môi trường trong sạch, địa lý thì tuyệt vời, rất phù hợp với những ai coi trọng sức khỏe và thích đi du lịch, bản thân mình thì tận dụng điều đó triệt để hàng ngày để cuốc bộ đi làm. Cả đi và về khoảng 6 km, nhưng đó là quãng đường mình có thể thả mình vào những dòng suy nghĩ, chiêm nghiệm của bản thân, không phải lo lái xe, bon chen trên đường, mà cũng xả được stress từ công việc. Bản thân mình thấy được sống cuộc đời bình thường, làm công việc bản thân yêu thích, lại vừa cống hiến cho xã hội là điều hạnh phúc”.
Ngọc Mai, chủ một thương hiệu mỹ phẩm Organic thuần chay do cô gây dựng, cũng tìm thấy niềm hạnh phúc trong công việc.
“Trước khi là một nữ doanh nhân tôi cũng là một người phụ nữ. Tôi luôn cảm thấy bản thân mình vui và hạnh phúc hơn khi mình đẹp hơn. Đó cũng là động lực khiến tôi tạo ra thương hiệu mỹ phẩm Organic 100% tự nhiên của riêng mình. Không chỉ giúp phụ nữ đẹp hơn, nó còn gửi đi thông điệp mạnh mẽ về môi trường. Với tôi, hạnh phúc là được làm công việc với trọn vẹn đam mê”.
Lê Dũng, nhân viên văn phòng 28 tuổi, người từng chứng kiến cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc của bố mẹ, chia sẻ:
“Tuổi thơ mình đã từng chứng kiến nhiều lần bố mẹ cãi nhau, chửi bới thậm tệ có, xô bát xô đũa cũng có, thậm chí là cả đánh đập. Mãi nhiều năm sau mình mới hiểu rằng, với gia đình mình, bố mẹ ly dị là một lựa chọn hạnh phúc. Với những cặp vợ chồng đã không thể chia sẻ, cảm thông cho nhau nữa, thì chia tay chính là con đường giải thoát, cởi trói cho chính mình và những người trong gia đình”.
Chị Nguyễn Ngọc Diệp, nữ nhà báo lâu năm, cũng là mẹ của 2 cô công chúa nhỏ, nói với Sputnik rằng cô cảm thấy thoải mái và hạnh phúc với cuộc sống, công việc ở Việt Nam.
“Tôi đã có thời gian dài học tập và sinh sống ở Nhật Bản. Khỏi phải nói thì bạn cũng biết Nhật là quốc gia phát triển, kinh tế đứng thứ 3 thế giới. Chất lượng cuộc sống vô cùng tốt và hiện đại. Nhưng ngược lại, cũng có những điểm trừ. Giới trẻ gần như chịu áp lực rất lớn từ công việc, tài chính. Học sinh, sinh viên cũng phải chạy đua học tập khốc liệt, tốn kém. Chính ở Việt Nam, bản thân tôi xuất thân nghèo khó nhưng với nỗ lực học hành xứng đáng, tôi vẫn có nhiều cơ hội được vươn lên trong cuộc sống, mở mày mở mặt, có điều kiện đi đây đi đó không kém gì ai. Bởi vậy, tương lai tôi sẽ để các con quyền quyết định nó sẽ học ở đâu, trong hay ngoài nước tôi đều ủng hộ, miễn là con thấy thích và hạnh phúc với lựa chọn đó. Đâu nhất thiết phải bằng mọi giá cho con du học Mỹ, Italy, Australia, Nhật Bản mới là nhất”.