Số người chết trong các cuộc biểu tình ở Myanmar lên đến 250 người

MOSKVA (Sputnik) - Số người chết trong các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người tham gia các cuộc biểu tình quần chúng tiếp diễn từ đầu từ tháng 2 đến nay ở Myanmar đã tăng lên đến 250 người, Hiệp hội Hỗ trợ tù nhân chính trị Myanmar (APPZ) đưa tin.
Sputnik

Tin cho biết từ ngày 5 tháng 2, ngày bắt đầu các cuộc biểu tình rầm rộ chống lại chính quyền quân sự, đến ngày 21 tháng 3, đã có 250 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình với lực lượng cảnh sát và quân đội. Vào ngày 20 tháng 3, con số này là 247 người.

Theo thông tin đăng trên tài khoản Facebook của APPZ, nơi công bố số liệu thống kê hàng ngày về những người bị bắt và thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với quân đội và cảnh sát, tổng số những người bị bắt tính đến ngày 21/3 là 2.665 người, trong khi ngày 20/3 con số này là 2.345 người. Hiệp hội lưu ý rằng con số này chỉ phản ánh số lượng những người bị bắt và bị buộc tội một cách chính thức, chứ không phải là con số thật, thực tế tổng số người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình còn cao hơn thế khá nhiều.

Ý kiến chuyên gia: Phái quân sự sẽ dẹp yên biểu tình ở Myanmar và tổ chức bầu cử sau một năm

Biểu tình bến thành các trận chiến xung quanh hàng rào chướng ngại vật

Các cuộc biểu tình có đông đảo quần chúng tham gia chống lại chính quyền quân sự vẫn tiếp tục diễn ra tại nhiều thành phố ở Myanmar. Quân đội và cảnh sát sử dụng vòi rồng, hơi cay, đạn cao su và cả súng quân dụng để giải tán người biểu tình. Những người biểu tình dựng rào chắn chướng ngại vật, nấp sau đó để đáp trả bằng cách dùng súng cao su và cung nỏ thể thao tự chế để bắn gạch đá, bi bóng vào cảnh sát.

Đảo chính quân sự ở Myanmar

Vào ngày 1 tháng 2 ở Myanmar đã xảy ra đảo chính quân sự, quyền lực nhà nước được chuyển giao cho Tổng tư lệnh các Lực lượng vũ trang Myanmar là Thống tướng Min Aung Hlaing. Tổng thống Win Myint và Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi đã bị bắt giữ. Động thái này diễn ra sau nhiều ngày leo thang căng thẳng giữa chính phủ và quân đội, lực lượng vốn không công nhận kết quả cuộc bầu cử tháng 11 ở nước này. Những người tổ chức đảo chính đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở Myanmar trong thời hạn một năm.

Đọc thêm:

Thảo luận