Vì sao ông Lưu Bình Nhưỡng, Bùi Sỹ Lợi được đề xuất tái cử ĐBQH diện “đặc biệt”?

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản đề xuất Ban Tổ chức Trung ương kiến nghị Bộ Chính trị xem xét trường hợp của hai đại biểu Lưu Bình Nhưỡng và Bùi Sỹ Lợi tái ứng cử ĐBQH khóa XV.
Sputnik

Theo đó, cả hai ông Lưu Bình Nhưỡng và Bùi Sỹ Lợi sẽ được kiến nghị tái cử ĐBQH khóa mới theo diện “chuyên gia” hay “trường hợp đặc biệt”.

Các đồng chí Lưu Bình Nhưỡng, Bùi Sỹ Lợi được kiến nghị tái cử ĐBQH

Thời gian qua, thông tin về việc một số ĐBQH từng hoạt động rất nổi bật và ghi dấu ấn đối với cử tri người dân như nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi hay nữ Trung tá Công an Ksor H'Bơ Khăp (Ksor Phước Hà) không tái cử thu hút sự chú ý của dư luận.

Trung ương 'nhường' 2 suất Đại biểu Quốc hội cho ngành Y, ngành báo chí 'nạnh'

Do đó, việc nhà chức trách Việt Nam có kiến nghị để các đồng chí Lưu Bình Nhưỡng, Bùi Sỹ Lợi tái cử là một trong những thông tin đáng chú ý liên quan đến công tác đại biểu Quốc hội khóa XV sắp tới. Được biết, đây là một số trường hợp đặc biệt được đề xuất ứng cử Quốc hội nhiệm kỳ mới.

Cụ thể, ngày 23/3, tại cuộc họp báo trước kỳ họp 11 Quốc hội, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội có đề cập đến một số vấn đề lựa chọn nhân sự bầu ĐBQH khóa XV, trong đó có trường hợp “đặc biệt” như của hai đồng chí Lưu Bình Nhưỡng và Bùi Sỹ Lợi.

Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết cơ cấu Quốc hội khóa XV dự kiến tỷ lệ đại biểu chuyên trách tăng từ ít nhất 35% lên 40% (trong tổng số 500 đại biểu), tương đương 200 người. Tuy nhiên, đến nay số ứng cử viên được giới thiệu vẫn thiếu so với dự kiến này.

Nói cụ thể hơn, Phó Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo quy định, đại biểu Quốc hội chuyên trách phải đáp ứng nhiều điều kiện, tiêu chuẩn, trong đó có vấn đề độ tuổi.

Theo đó, tuổi của các đại biểu chuyên trách được áp dụng theo Luật Lao động có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 đối với nam được thêm 3 tháng và nữ được thêm 4 tháng.

“Các trường hợp tái cử phải còn đủ tuổi công tác ít nhất 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên tính đến tháng 5/2021”, đồng chí Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, hiện có một số ý kiến mong muốn có thêm nhiều đại biểu chuyên trách trong khóa mới, trong khi đó một số ĐBQH giàu kinh nghiệm, nổi bật trong các cuộc tranh luận “nóng” trên nghị trường Quốc hội như ông Lưu Bình Nhưỡng, Bùi Sỹ Lợi – đã không còn trong độ tuổi tái cử, Phó Ban Công tác đại biểu cho hay, đơn vị này đã tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng giải quyết đối với những trường hợp nhân sự đặc biệt này.

Vì sao các ông Lưu Bình Nhưỡng, Bùi Sỹ Lợi được đề xuất tái cử?

Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh thêm, để đáp ứng yêu cầu tăng số lượng, chất lượng đại biểu chuyên trách, huy động sự đóng góp của những người giàu kinh nghiệm hoạt động nghị trường cũng như các chuyên gia, các Ủy ban của Quốc hội đã đề xuất một số nhân sự thuộc trường hợp đặc biệt.

“Đây là một số nhân sự thuộc trường hợp đặc biệt dù đã quá tuổi công tác, vẫn tham gia tái ứng cử Quốc hội khóa mới”, đồng chí Nguyễn Tuấn Anh cho biết.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Không công bố gian lận thi là nhân đạo với…sai phạm
Vị lãnh đạo khẳng định Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề xuất là “trường hợp đặc biệt” là Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi (62 tuổi), Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Phó ban Lưu Bình Nhưỡng (58 tuổi).

“Có thể nói, đây là các đại biểu dù quá tuổi tái cử, nhưng có nhiều năm công tác và tâm huyết với Quốc hội”, ông Tuấn Anh nói và cho biết các “trường hợp đặc biệt” được Ban công tác đại biểu tập hợp danh sách để trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội cũng đã có văn bản đề xuất Ban Tổ chức Trung ương kiến nghị Bộ Chính trị xem xét các “trường hợp đặc biệt”, chuyên gia nhưng chưa có kết quả cụ thể.

“Đến nay chúng tôi chưa nhận được thông báo cụ thể về các đề xuất này”, đồng chí Nguyễn Tuấn Anh cho hay.

Phó Ban Công tác Đại biểu nhấn mạnh, Bộ Chính trị và Ban Tổ chức Trung ương đã có văn bản quy định tiêu chuẩn ĐBQH khóa XV nên việc những trường hợp chuyên gia hay đặc biệt tái cử phải thông qua ý kiến của các cơ quan chỉ đạo. Cụ thể, Bộ Chính trị có văn bản số 174, Ban Tổ chức Trung ương có quy định 36, nêu rõ về tiêu chuẩn ĐBQH khóa XV.

“Để giải quyết được những trường hợp chuyên gia hay trường hợp đặc biệt thì phải thông qua ý kiến của các cơ quan chức năng”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

“Chất lượng ứng viên rất cao”

Liên quan đến vấn đề chất lượng nhân sự các ứng cử viên được giới thiệu để bầu ĐBQH, ông Nguyễn Tuấn Anh khẳng định, Quốc hội khóa XV sẽ làm sao để bầu ra những đại diện xứng đáng nhất. Đặc biệt, không có chuyện “con ông cháu cha” được phép “cài cắm” vào Quốc hội mà không đạt các tiêu chuẩn theo quy định.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng: "Ông Hải xin từ chức là có liêm sỉ!"

Phó Ban Công tác Đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chia sẻ, “điều đáng tiếc nhất”, hạn chế của nhiệm kỳ trước (Quốc hội khóa XIV) là có nhiều đại biểu Quốc hội, trong đó có cả những người giữ vị trí rất cao trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước nhưng lại vi phạm và bị kỷ luật.

Lần này, đồng chí Nguyễn Tuấn Anh khẳng định, tất cả 494 đại biểu Quốc hội của khoá XIV khi bước vào kỳ họp thứ nhất đều đủ điều kiện tiêu chuẩn, chỉ trong quá trình triển khai nhiệm vụ mới phát sinh những vi phạm.

Về vấn đề lựa chọn nhân sự bầu cử Quốc hội khóa XV, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin cho biết, trong 205 người được các cơ quan Trung ương giới thiệu ứng cử Quốc hội khóa XV, số ĐB có học hàm Giáo sư, Phó giáo sư là 16 (chiếm 7,8%), học vị tiến sĩ 63 (30,7%), thạc sĩ là 94 (45,8%), còn lại đều ít nhất là có trình độ đại học...

“Chất lượng các ứng viên được khối cơ quan Trung ương giới thiệu ứng cử rất cao”, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.
Ông Lưu Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục không ngại “va chạm”

Trước đó, trả lời báo chí về việc không tham gia tái ứng cử ĐBQH, ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết, bản thân đã quá tuổi quy định.

Ông Nhưỡng dẫn chứng cụ thể, theo Hướng dẫn 36 của Ban Tổ chức Trung ương, cán bộ công chức, viên chức được tái cử là nam sinh từ tháng 8/1963, nữ sinh từ tháng 7/1968 trở lại đây.

“Tôi sinh tháng 2/1963 nên đã quá tuổi để giới thiệu ứng cử”, ông Lưu Bình Nhưỡng thừa nhận.

Về vấn đề sau khi kết thúc nhiệm kỳ ĐBQH khóa XIV, ông Nhưỡng liệu có còn công tác ở Ban Dân nguyện nữa không vị đại biểu cho hay, tháng 12/2022 tới ông sẽ kết thúc thời hạn bổ nhiệm nhiệm kỳ.

Vắng ĐB Dương Trung Quốc, Lưu Bình Nhưỡng, Ksor H'Bơ Khăp, nghị trường Quốc hội có “buồn”?

Ông Nhưỡng nhấn mạnh, thực tế, có trường hợp không phải là ĐBQH vẫn làm việc ở Ban Dân nguyện.

“Còn sau năm 2022, cấp trên phân công việc gì thì tôi sẽ chấp hành thực hiện công việc ấy”, đồng chí Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng là gương mặt vô cùng quen thuộc, nổi bật ở nghị trường Quốc hội Việt Nam. Ông nổi tiếng là người sẵn sàng chất vấn thẳng thắn, gai góc, không ngại va chạm với lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương, đi thẳng vào các vấn đề nóng của đất nước, liên quan đến cuộc sống của người dân được cử tri quan tâm, ủng hộ.

Trong nhiều lần chia sẻ với báo giới trước đó, ông Lưu Bình Nhưỡng khẳng định bản thân là Đại biểu Quốc hội, ông phải có trách nhiệm lắng nghe ý kiến cử tri và truyền tải những vấn đề được nhiều cử tri quan tâm, những vấn đề bức xúc, thiết thực nhất trong đời sống, xã hội tới nghị trường Quốc hội, tới các thành viên Chính phủ.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng cũng thẳng thắn thừa nhận, ông chấp nhận mọi rủi ro khi dám “đụng chạm”, nhưng vì là người đại biểu của nhân dân, đồng thời những phát biểu của ông ở nghị trường đều mang tính xây dựng, nhằm phục vụ nhân dân, phục vụ Đảng, không có gì mang tính chất cá nhân nên vị đại biểu khẳng định không ngại việc rủi ro, phiền phức đối với cá nhân ông.

“Tôi vẫn sẽ tiếp tục công việc này của mình bởi vì khi xác định người dân, cử tri đã đặt niềm tin thì mình không thể thoái thác. Phản ánh tâm tư và nguyện vọng chính đáng của cử tri một cách khách quan và trung thực là nhiệm vụ cao cả nhất của một người Đại biểu Quốc hội”, ông Lưu Bình Nhưỡng tâm niệm
Thảo luận