Đối với Chính phủ, dù phải tiếp nhận “di sản” các dự án thua lỗ, đại án tham nhũng, thất thoát hàng ngàn tỷ, nợ xấu, nhưng nhiệm kỳ vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ đã “nói đi đôi với làm”, lời hứa khi nhậm chức của Thủ tướng đã được thực hiện.
Đại biểu Quốc hội: Chủ tịch nước “thể hiện xuất sắc”
Chiều 25/3, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 11, Quốc hội tiến hành thảo luận tổ về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước.
Phát biểu tại tổ Hà Nội, ĐBQH Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá cao báo cáo của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Quốc Hội (Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân), Chính phủ (Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc) và các báo cáo của các cơ quan chuyên ngành khác như TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước…
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Chủ tịch nước (đồng chí Nguyễn Phú Trọng – PV) “đã thể hiện xuất sắc” vai trò của nguyên thủ quốc gia, là biểu tượng, trung tâm của đoàn kết dân tộc, biểu tượng của niềm tin cho Nhân dân.
Vị ĐBQH này cho biết, tất cả đều thấy hình ảnh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước xuất hiện ở đâu thì người dân, cán bộ, đảng viên đều rất vui mừng. Ông Hiểu khẳng định, những yếu tố đó tạo nên tình cảm, sự đồng thuận, sự đoàn kết chung trong Đảng, trong xã hội, trong bối cảnh khó khăn.
“Đây là một trong những yếu tố quan trọng để nước ta đạt được nhiều kết quả trong nhiệm kỳ vừa qua”, vị đại biểu nói.
Ông Ngọ Duy Hiểu cũng chia sẻ, nhiệm kỳ qua, ông đặc biệt ấn tượng với việc Chủ tịch nước đã giải quyết được nhiều mối quan hệ đối ngoại, nhất là với các nước lớn, các tổ chức quốc tế, giúp tình hình đất nước ổn định.
Đặc biệt, trong đó có những vấn đề nhạy cảm, phức tạp đều được giải quyết linh hoạt, hài hoà, hiệu quả, lấy lợi ích dân tộc lên trên hết.
“Tinh thần đối ngoại của Việt Nam là đa phương hoá, nước ta làm bạn với tất cả các nước cùng thiện chí, tôn trọng độc lập, chủ quyền”, vị đại biểu nhắc lại.
Biển Đông và các vấn đề nhạy cảm đã xử lý “tế nhị”
Trước đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, trong báo cáo về nhiệm kỳ vừa qua có đề cập đến việc Việt Nam đã cân bằng quan hệ với các nước lớn như thế nào, đặc biệt là các vấn đề nhạy cảm như Biển Đông.
Theo người đứng đầu Đảng và Nhà nước Viẹt Nam khẳng định, cả hệ thống chính trị đã làm rất tốt, đồng thời, kết quả công tác nhiệm kỳ vừa qua của Chủ tịch nước đã góp phần quan trọng vào những thành công, thành tựu của Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, có những việc việc không thể nói công khai nhưng có những thời điểm, hết sức tế nhị, nhưng Việt Nam đã xử lý được.
“Có những thời điểm, những sự cố xảy ra ở Biển Đông xử lý thế nào, phía tây của chúng ta thế nào, phía tây nam thế nào, quan hệ với nước bạn thế nào. Có những cái xử lý phải nói rất thật với các bạn, các đồng chí là hết sức tế nhị, hết sức khôn khéo nhưng cả hệ thống chúng ta làm rất tốt”, đồng chí Nguyễn Phú Trọng bày tỏ.
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, nêu rõ trong báo cáo của mình trước Quốc hội về các nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với trách nhiệm là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng – An ninh Quốc gia, thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, dù không công bố, nhưng theo đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã xây dựng được một loạt chiến lược quốc phòng, an ninh bảo đảm giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
“Chúng tôi đang chỉ đạo xây dựng một số chiến lược có liên quan trực tiếp đến quốc gia (Việt Nam). Trong bất cứ tình hình nào chúng ta cũng không được để bị động bất ngờ về vấn đề quốc phòng và an ninh trên tất cả các hướng, cả phía Đông, phía Tây Nam, phía Bắc, với các nước ở xa, các nước ở gần, nước lớn, nước nhỏ. Vậy bây giờ chiến lược của chúng ta là gì, đây là vấn đề cực kỳ quan trọng và hiện nay đang làm”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định.
“Điểm lại lời hứa khi nhậm chức thì thấy Thủ tướng nói đi đôi với làm”
Tại buổi thảo luận tổ, theo ông Đinh Duy Vượt - Phó trưởng Đoàn đại biểu quốc hội chuyên trách tỉnh Gia Lai, thì Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã xây dựng một nền tảng vững chãi cho nhiệm kỳ sau. Bên cạnh các thành quả đạt được trong kinh tế - xã hội thì niềm tin của doanh nghiệp, người dân mới là thứ tài sản vô giá.
Đại biểu Đinh Duy Vượt nhận định, việc sàng lọc cán bộ cho Đại hội Đảng các cấp, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và sắp tới là bầu cử Quốc hội khoá XV và HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 đã và đang được làm rất tốt, rất hiệu quả. Chính việc sàng lọc, tuyển lựa kỹ càng này sẽ tạo nên một bộ máy ưu tú, được chọn lọc một cách nghiêm chỉnh.
“May mắn đã sàng lọc một bước, nhưng chắc chưa phải đã hết. Ông bà đã nói “nhà dột từ nóc dột xuống” thì ảnh hưởng ghê gớm nên đã sàng lọc từ cấp cao nhất và như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói là dù không mong muốn nhưng “kỷ luật một vài người để cứu muôn người”, phải làm để có bộ máy liêm chính, trong sạch, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu”, đại biểu Vượt dẫn lại lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Sau khi tiếp nhận “di sản” nợ xấu, đại án, nhà máy thua lỗ... thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có hàng loạt những quyết sách, chỉ đạo, phương châm điều hành để giải quyết vấn đề và từng bước khắc phục, vượt qua.
“Khi nhậm chức, Thủ tướng thể hiện quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, kỷ cương. Điểm lại lời nói có đi vào cuộc sống hay không thì thấy Thủ tướng đã nói đi đôi với làm. Người đứng đầu đã truyền cảm hứng mạnh mẽ tới địa phương với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, – đại biểu tỉnh Gia Lai nhận xét.
Ông Vượt cũng đánh giá cao chỉ đạo của Thủ tướng trong việc thành lập Tổ công tác để theo dõi, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ ở các bộ, ngành trong cả nước. Điều này vừa tác động dến người đứng đầu, vừa lan toả đến các tỉnh, thành địa phương, thúc đẩy chính quyền các cấp thực hiện tốt công việc được giao.
“Những kết quả tích cực đó đã nâng tầm vị thế, vai trò và sức ảnh hưởng của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”, ông Bùi Thanh Tùng nhấn mạnh.
Dù nhiệm kỳ qua có rất nhiều khó khăn nhưng Việt Nam vẫn vững vàng và giành được nhiều thành công. Dư trữ ngoại tệ đến đã đạt hơn 100 tỷ USD, nợ công từ 64% giảm xuống 55%, lạm phát được giữ dưới 4%, xuất khẩu luôn luôn rất cao và hiện đang xuất siêu, luôn đạt và vượt thu ngân sách.
Ngoài ra, đại biểu Bùi Thanh Tùng cũng rất ấn tượng khi Thủ tướng Chính phủ tham dự đầy đủ các cuộc tiếp xúc cử tri, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để chỉ đạo xử lý kịp thời. Thủ tướng cũng luôn có mặt ở những sự kiện quan trọng cần tháo gỡ vướng mắc, các Phó Thủ tướng cũng hành động hết sức quyết liệt, nhờ đó cho ra nhiều quyết sách, sáng kiến mới và hiệu quả trong nhiệm kỳ.
Việt Nam đã bắt kịp xu thế dù Covid-19 là cú sốc rất lớn
Về phần mình, đại biểu Dương Quốc Anh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định, dù trong nhiệm kỳ qua có nhiều thiên tai, dịch bệnh, sự cố môi trường, nhưng hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã cho thấy rõ một Chính phủ kiến tạo, năng động và vì dân.
Một loạt những đổi mới và chỉ số tăng trưởng kinh tế, cải cách thủ tục hành chính, chính sách, chỉ đạo đã thể hiện rõ điều đó.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành khẳng định, các đại biểu, cử tri đều đồng tình, ủng hộ và tự hào về sự phát triển của đất nước sau khi nghe báo cáo tổng kết nhiệm kỳ vừa qua của Chính phủ. Dưới sự dẫn dắt của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Quốc hội và Chính phủ, con tàu Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn từ dịch bệnh, thiên tai đến vấn đề địa chính trị.
“Covid-19 là cú sốc rất lớn của thế giới nhưng sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ tạo được sắc diện mới cho Việt Nam. Chúng ta tận dụng cơ hội trong hoàn cảnh khó khăn để phát triển. Về toàn diện, nhiệm kỳ qua rất thành công”, – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhận xét.
Những thành tựu đạt được đã mang lại cho người dân niềm tự hào, hạnh phúc và nhận thấy giá trị của cuộc sống an toàn khi giữ được trạng thái sản xuất, sinh hoạt trong trạng thái bình thường mới, giữa lúc rất nhiều quốc gia khác trên thế giới đang lao đao vì đại dịch Covid-19.
Tuy là nền kinh tế đi sau, Việt Nam vẫn bắt kịp xu thế khi xây dựng nền kinh tế số. Đảng, Nhà nước cũng khẳng định không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế. Nhiều cải cách hành chính, thể chế đã được thực hiện hết sức quyết liệt trong suốt nhiệm kỳ qua.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng, trong thời gian tới, cần nỗ lực tiếp cận quan điểm mới hơn nữa trong giáo dục vì giáo dục là cội nguồn xây dựng nên giá trị, tạo dựng nền tảng phát triển cho đất nước.
Từ ngành giáo dục cũng liên quan trách nhiệm của ngành Nội vụ trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng và đánh giá cán bộ. Chỉ khi đánh giá chuẩn thì mới chọn được con người tốt vào bộ máy.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội hy vọng, nhiệm kỳ tới sẽ có chỉ đạo nghiên cứu sâu sắc hơn về vấn đề này, tạo sự kết nối chặt chẽ giữa giáo dục và nội vụ. Chỉ khi giải quyết tốt hai khâu này thì mới có thể làm tốt các khâu khác.
ĐBQH Ngọ Duy Hiểu đánh giá về nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua cho rằng, công tác điều hành của Chính phủ đã có sự đổi mới, quyết liệt, tạo sự chuyển động cơ bản của cả hệ thống.
“Chính phủ đã có sự sâu sát, quan tâm, lắng nghe doanh nghiệp, người dân và các quyết sách đã quan tâm tới thực tiễn. Chính phủ cũng xử lý được nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn đời sống”, ông Hiểu nói.
Bộ trưởng Giáo dục phải được chất vấn nhiều hơn
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng chia sẻ, thời gian tới, Chính phủ cần theo đuổi mục tiêu nền kinh tế số, xã hội số bằng những giải pháp quyết liệt, đồng bộ. Bên cạnh đó cũng cầns phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cấp dưới; tạo ra sự chuyển động của cả hệ thống.
“Sự trì trệ chính là đối tượng cần phải tấn công trong nhiệm kỳ mới của Chính phủ”, ông Hiểu lưu ý.
Ông Ngân bày tỏ mong muốn kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế nhưng hiện vẫn chưa được như kỳ vọng. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần ưu tiên, quan tâm hơn cho giáo dục để làm sao có thế hệ học sinh phát triển toàn diện, có đạo đức tốt, đáp ứng nhu cầu phát triển của quốc gia trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
“Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phải được chất vấn nhiều hơn trước Quốc hội”, ĐB Trần Hoàng Ngân nói.