Tôi không tin “không có oan sai nào cả”: Vụ án Hồ Duy Hải Quốc hội XV có xem xét?

Ông Lưu Bình Nhưỡng đặt câu hỏi liệu Quốc hội Khóa XV có xem xét vụ án tử tù Hồ Duy Hải? Các vụ bức xúc khác nuhư Trần Thị Kim Tân, Trương Huy Liệu ở Quảng trị hay vụ Phạm Hồng Thái Ninh Bình cùng với gần 10.000 kháng nghị, kiến nghị thì không thể nào đánh giá là không có oan sai.
Sputnik

Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng băn khoăn với báo cáo của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình. ĐBQH cho rằng khó mà không có oan sai, hoặc chưa được phát hiện ra mà thôi.

Trong khi đó, đại biểu Hoàng Đức Thắng lo lắng về công tác nhân sự khi thay đổi toàn bộ lãnh đạo Quốc hội, cả Chủ tịch, các Phó Chủ tịch đều nghỉ, tính kế thừa sẽ không cao.

Đưa các tập đoàn, doanh nghiệp ra giải trình ở Quốc hội

Như Sputnik Việt Nam, chiều nay 25/3, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước.

Khai mạc kỳ họp thứ 11 - kỳ họp cuối cùng Quốc hội khóa XIV

Tại phiên thảo luận này, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó ban Dân nguyện của Quốc hội đánh giá cao với nỗ lực của các cơ quan và Quốc hội với những thành tích đã được trình bày trong các báo cáo.

Sau khi lắng nghe, đánh giá báo cáo của các cơ quan, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, hoạt động của Quốc hội đã tạo nên xung lực mới, tạo “áp lực” cho các cơ quan khác thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ, giúp cho Đảng, Chính phủ và các cơ quan đánh giá lại quá trình thực hiện chính sách và chỉ đạo, điều hành của mình.

“Trong thắng lợi của Chính phủ, Tòa án, Viện kiểm sát, Kiểm toán Nhà nước, hoạt động của Chủ tịch nước đều có bóng dáng, công lao của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Quốc hội. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải chịu trách nhiệm một phần về những hạn chế, tồn tại mà những cơ quan đó đang mắc phải”, ông Nhưỡng nói.

Đối với Quốc hội, Phó Ban Dân nguyện cho rằng, hoạt động của Quốc hội mang tính sâu đậm, lan tỏa trong lòng cử tri, giúp Đảng, Chính phủ và các cơ quan đánh giá lại chính sách, sự lãnh đạo, chỉ đạo trong hoạt động.

Tôi không tin “không có oan sai nào cả”: Vụ án Hồ Duy Hải Quốc hội XV có xem xét?
“Quốc hội đồng hành với Chính phủ, nhưng sự đồng hành không có nghĩa là xuê xoa, mà tạo "áp lực" để Chính phủ điều chỉnh các hoạt động của mình tốt hơn”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói.

Mặc dù vậy, còn một số vấn đề tồn tại, vị ĐBQH Đoàn Bến Tre mong sẽ sớm khắc phục được.

Trong đó, việc giải trình tại Quốc hội của các cơ quan vẫn chưa cao, vẫn còn hình thức.

“Quốc hội chưa yêu cầu tập đoàn nào giải trình trước Quốc hội. Ngoài ra, việc giám sát của các Đoàn ĐBQH và cá nhân đại biểu chưa cao, nhất là đại biểu rất ngại đụng chạm đến các vấn đề của địa phương”, ông Lưu Bình Nhưỡng lưu ý.

Từ đó, vị đại biểu đề xuất cần nghiên cứu để tập đoàn Nhà nước phải giải trình trước Quốc hội, để có thể giao chỉ tiêu giám sát cho đại biểu.

“Có lẽ, nên nghiên cứu vấn đề này. Trước hết là các tập đoàn nhà nước cần giải trình trước Quốc hội nếu cần”, ông Nhưỡng đề xuất.

Vụ Hồ Duy Hải thế là xong?

Đánh giá về các báo cáo công tác nhiệm kỳ của TAND tối cao và Viện KSND tối cao, Phó ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng, còn rất nhiều vụ việc chưa được giải quyết mà cử tri rất băn khoăn, rất bức xúc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lên tiếng về vụ án tử tù Hồ Duy Hải

Vị đại biểu cũng hiểu các cơ quan như TAND Tối cao, VKSND Tối cao đã thực hiện khối lượng công việc lớn nhưng cần quan tâm đến hoạt động tư pháp bằng việc tăng cường và cải cách tư pháp.

“Như vụ Hồ Duy Hải hiện nay rất bức xúc. Người ta đặt rất nhiều câu hỏi nhưng chúng tôi chỉ nói ở mức độ thôi. Ngoài ra còn nhiều vụ việc khác mà cử tri đã trực tiếp kiến nghị đến tôi cũng chưa được giải quyết thỏa đáng”, ông Nhưỡng nói và đặt vấn đề, Quốc hội khoá XV có tiếp tục làm về vụ việc này không.

Ngoài ra, còn các vụ việc khác như vụ bà Trần Thị Kim Tân, vụ Trương Huy Liệu ở Quảng trị hay vụ Phạm Hồng Thái bị xử 8 năm từ sau đó được Tòa án Ninh Bình minh oan.

“Trong vụ ông Phạm Hồng Thái, khối tài sản to lớn đã bị tẩu tán từ những năm 90 nên giờ chưa thể tìm được người chịu trách nhiệm cho số tiền 600 tỷ mà ông ấy đòi”, ông Nhưỡng cho biết.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, với gần 10.000 kháng nghị, kiến nghị đã được các cơ quan xem xét thì nghĩa là có sai sót nhưng các báo cáo đều nhận định là không có oan sai là chưa phù hợp.

“Thế mà chúng ta nhận được câu đánh giá là không có oan sai. Oan sai có thể 10 năm sau, 20 năm sau mới phát hiện ra, bây giờ chúng ta nhận định như thế tôi cho rằng chưa phù hợp, cần phải nhận định là chưa phát hiện thì hay hơn”, ông Nhưỡng thẳng thắn.

Từ cơ sở này, ông Nhưỡng kiến nghị Quốc hội phải giám sát kỹ phối hợp trong hoạt động tư pháp, bởi nếu không sẽ dẫn đến điều tra, truy tố, xét xử trái pháp luật.

ĐBQH Dương Trung Quốc: “Tôi không tin không có vụ oan sai nào cả”

Cũng liên quan đến báo cáo ngành tòa án trong nhiệm kỳ vừa qua, trong phiên làm việc buổi sáng, bên lề hành lang Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng có một số chia sẻ, quan điểm nhận định khá tương đồng với ĐB Lưu Bình Nhưỡng.

Vắng ĐB Dương Trung Quốc, Lưu Bình Nhưỡng, Ksor H'Bơ Khăp, nghị trường Quốc hội có “buồn”?

Trước khẳng định của Chánh án Tòa Tối cao Nguyễn Văn Bình rằng, việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, trong nhiệm kỳ không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội. Việc giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, vụ án hành chính đúng pháp luật, nhà sử học Dương Trung Quốc dù đánh giá cao con số được đưa ra nhưng vẫn cho rằng, cá nhân ông nghĩ, không thể nào không có oan sai, có chăng là chưa được phát hiện mà thôi.

“Tôi không tin không có vụ án oan sai nào, có chăng chỉ là chưa được phát hiện thôi”, ông Dương Trung Quốc cho biết.

Vị ĐBQH Đoàn Đồng Nai nhấn mạnh tầm quan trọng phải nâng cao nhận thức của người dân thông qua công tác tuyên truyền giáo dục để chính họ hiểu quyền lợi của mình.

Nhà sử học cũng cho rằng, có một hiện tượng khá phổ biến đó là phiên sơ thẩm thì thắng mà đến phúc thẩm lại thua, làm cho người ta rất khó hiểu, và không thể đặt ra những câu hỏi tại sao chân lý lại dao động như thế.

Tôi không tin “không có oan sai nào cả”: Vụ án Hồ Duy Hải Quốc hội XV có xem xét?
“Tôi cho rằng những chuyện này các cơ quan cần phải vào cuộc, chúng ta tôn trọng các quyết định của tòa án nhưng đồng thời phải giám sát. Chất lượng của tòa án phần nào quyết định đến sự phát triển của xã hội, ý thức của người dân, tạo nên sự tin tưởng”, ông Dương Trung Quốc khẳng định.
Băn khoăn khi Chủ tịch và tất cả các Phó Chủ tịch Quốc hội đều nghỉ

Cũng tại phiên thảo luận tổ về báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đề cập tới công tác nhân sự và tỏ ra lo lắng khi thay đổi toàn bộ lãnh đạo Quốc hội.

Theo đồng chí Hoàng Đức Thắng, cả Chủ tịch và tất cả phó chủ tịch Quốc hội đều nghỉ, vấn đề kế thừa cũng như chuyển giao thế hệ lãnh đạo Quốc hội sẽ có nhiều vấn đề. Chưa kể, chỉ có 5 trong tổng số 18 ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục công tác trong khóa mới.

Quốc hội sẽ bầu chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội

Ông Hoàng Đức Thắng cho hay, qua các hội nghị Trung ương, cử tri và cả đại biểu Quốc hội có thể tiếp cận phần nào đó thông tin, nhưng nhiều người lo lắng tính kế thừa để có thể đảm bảo sự liên tục của đội ngũ lãnh đạo trong Quốc hội.

“Cả Chủ tịch và các Phó Chủ tịch đều nghỉ….Tôi thấy rất e ngại về việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo Quốc hội kỳ này khi tính kế thừa của khóa XIV cho khóa XV là rất ít”, vị đại biểu trăn trở.

Theo quan điểm của ông Thắng, nhiều lãnh đạo các ngành khác về Quốc hội không dễ bắt ngay vào công việc khi chưa có kinh nghiệm.

“Chắc chắn sẽ có những lúng túng, bỡ ngỡ và điều đó sẽ ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động giai đoạn tới”, ông Thắng cho biết.

Trong bối cảnh này, ông Hoàng Đức Thắng gợi ý cần suy nghĩ về chiến lược quy hoạch cán bộ để những nhiệm kỳ sau để Quốc hội đảm bảo được tính kế thừa, vững chắc.

Thảo luận