Đại biểu Dương Trung Quốc: Ý kiến “ngược gió” trên chính trường

HÀ NỘI (Sputnik) - Ngày 26/3, tiếp tục kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai ông Dương Trung Quốc đã đóng góp một số ý kiến tại Hội trường.
Sputnik

Là người tham gia hoạt động Quốc hội khá lâu và cũng tham gia nghiên cứu lịch sử Quốc hội và theo dõi Quốc hội với tư cách một người làm báo, Đại biểu Dương Trung Quốc bày tỏ mong muốn tiếp cận các vấn đề từ góc độ đó.

Đại biểu Quốc hội lên tiếng: "Dừng điện hạt nhân là đúng đắn"

Đừng ngăn cản người dân đến quan sát hoạt động Quốc hội

Phát biểu tại Hội trường, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho biết, đây có thể là lần phát biểu cuối cùng của mình tại Quốc hội sau 20 năm tham gia. Ông khẳng định thành tựu, đóng góp và những dấu ấn của Quốc hội khóa XIV. 

“Chắc chắn chúng ta nhận thức được Quốc hội khóa XIV và có thể những nhiệm kỳ tiếp theo sẽ luôn luôn phải hướng về phía trước, theo kịp với thời đại. Nhưng tôi muốn nói rằng, những đỉnh cao không ở phía trước, đôi khi những đỉnh cao ở phía sau mình. Nếu chúng ta ý thức được rằng, chúng ta kế thừa truyền thống của dân tộc, của tổ tiên, truyền thống của Quốc hội, của các bậc tiền nhiệm” - Ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh

Tuy rất tự hào về những gì Quốc hội đã làm được, nhưng theo ông Dương Trung Quốc, nếu soi lại những gì mà các bậc tiền nhân làm được, chúng ta phải suy nghĩ.

“Quốc hội khóa I được thành lập sau cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ở một nước thuộc địa phong kiến vừa giành độc lập. Chúng ta đã áp dụng tất cả những tiêu chí, giá trị hiện đại nhất. Khi Quốc hội triệu tập, người triệu tập,đại biểu Quốc hội cao niên nhất là cụ Huỳnh Thúc Kháng, vị Tổng thư ký đầu tiên cũng là người trẻ tuổi nhất Quốc hội là nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Và khi đó Quốc hội đã có một tập quán cực kỳ quan trọng là để cho dân tiếp cận với hoạt động Quốc hội. Lúc đó Quốc hội họp ở Nhà hát lớn, một tiết chế văn hóa của chế độ cũ, nhưng đã dành toàn bộ phần trên cùng để cho không chỉ báo chí mà mọi người dân có quyền đến xem”. - Đại biểu Dương Trung Quốc lấy dẫn từ kinh nghiệm lịch sử.

Đại biểu Dương Trung Quốc: Ý kiến “ngược gió” trên chính trường
Ông bày tỏ quan điểm của mình:

“Ngày nay chúng ta có cả một cái tòa nhà hoành tráng như thế này nhưng vắng bóng người dân. Những hàng ghế trên kia chỉ thỉnh thoảng có đại biểu nước ngoài hoặc một số đối tượng nào đó ngồi cho có thôi. Quốc hội xây dựng hẳn cả một nhà truyền thống và một bảo tàng rất giá trị nhưng ngay cả những người trong nghề như chúng tôi cũng không được đến. Đương nhiên chúng ta phải bảo đảm an ninh, vấn đề hết sức quan trọng. Nhưng không thể vì thế mà ngăn cản người dân đến quan sát hoạt động Quốc hội được. Đấy là trách nhiệm của cơ quan chức năng. Tôi rất mong rằng, một ngày không xa, người dân sẽ được vào đây không những tham quan và được quan sát, theo dõi hoạt động của Quốc hội”. 

Chính phủ vẫn “né tránh” các luật quan trọng với dân?

Đại biểu Dương Trung Quốc lấy dẫn chứng trong lịch sử, ngay sau khi Quốc hội triệu tập, vì thời gian không phép nên chỉ thông qua được Hiến Pháp và bộ luật rất cơ bản là Luật Lao động, sau đó thì chiến tranh bùng nổ. Tuy nhiên, vào thời điểm đó đã có những sắc lệnh, văn bản dưới Hiến Pháp liên quan đến quyền con người. Ông Dương Trung Quốc nêu rõ:

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng bổ nhiệm ông Lê Khánh Hải làm Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước

“Theo cách nói của chúng ta bây giờ là liên quan đến Quyền biểu tình, Quyền hội họp, lập hội v.v. Hiến pháp 2013 chúng ta đã cố gắng đưa ra các mục tiêu và cố gắng thực hiện các mục tiêu xây dựng luật pháp, nhưng chúng ta mới thông qua được trưng cầu dân ý và chưa bao giờ được áp dụng. Trong khi đó rất nhiều luật khác, rất quan trọng, đang là đòi hỏi của đời sống ngày hôm nay, chúng ta vẫn né tránh. Chúng tôi nói chữ né tránh là bởi vì sao? Vì mỗi lần Quốc hội đặt vấn đề, thì được Chính phủ trả lời là “chưa hoàn thành”, “chưa làm xong”. Điều đó cho thấy mặt khó khăn, tính chất nhạy cảm của những luật ấy. Nhưng không vì thế mà chúng ta không làm. Tôi rất mong rằng nhiệm kỳ tới, chúng ta sẽ hoàn thiện Hiến pháp mà năm nay đã gần 10 năm rồi”. 

Đã bao giờ Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội được chất vấn chưa?

Vấn đề thứ ba được Đại biểu Dương Trung Quốc nhắc tới là chất vấn. Theo vị Đại biểu này, chất vấn là hình thức giám sát tối cao tạo ra được hiệu ứng rất lớn với xã hội. Người dân có thể trực tiếp chứng kiến hoạt động Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cũng như các thành viên của cơ quan hành pháp.

“Nếu như chúng ta nhớ lại cuộc chất vấn đầu tiên vào tháng 11/1946, Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ 2 thì không phải chỉ các Bộ trưởng được chất vấn mà ngay cả Chủ tịch nước cũng được chất vấn. Chúng tôi nói chữ “được” chứ không phải “bị” chất vấn” - Ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Đại biểu tỉnh Đồng Nai tiếp tục nêu lên ý kiến của mình:

Bộ trưởng Bộ Y tế: ‘Việt Nam tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện đợt dịch thứ 4’

“Chất vấn trong Quốc hội được thay đổi rất nhiều, đặc biệt được tiếp sóng bởi các phương tiện thông tin, mang lại niềm tin của người dân. Nhưng cho đến bây giờ chúng ta vẫn chưa làm được như người xưa. Đã bao giờ Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước được chất vấn chưa? Vì những nhân vật ấy, tiếng nói ấy có vai trò cực kỳ quan trọng làm cho người dân có thể tin tưởng hơn về bộ máy nhà nước của mình”.  

Không phải lúc nào công nghệ cũng tốt 

Cũng theo ông Dương Trung Quốc, Quốc hội đã đạt được thành tựu rất lớn mà trong Báo cáo của Chủ tịch Quốc hội đã đề cập tới là Việt Nam theo kịp với thời đại, ứng phó kịp với tình huống, ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, Đại biểu Dương Trung Quốc lại có góc nhìn khác:

“Đôi khi công nghệ cao lại đi ngược lại. Điều này tôi đã phát biểu nhiều lần ở Quốc hội nhưng chưa bao giờ được tiếp thu. Đó là ứng dụng việc “bấm nút” vào biểu quyết, mà theo Hiến pháp - biểu quyết phải công khai. Nhưng không bao giờ ai được biết chính kiến của từng Đại biểu Quốc hội. Chúng ta chỉ có một con số vô nhân xưng, con số ấy tôi tin là rất chính xác. Nhưng làm sao người dân giám sát được Đại biểu quốc hội của mình, chính kiến như thế nào, để có thể tín nhiệm đóng góp thêm? Tôi mong rằng trong thời gian tới với ứng dụng công nghệ, chúng ta hoàn toàn có thể hiển thị trên ipad của Đại biểu quốc hội, trên các phương tiện thông tin đại chúng và đến với người dân. Lúc đó người dân mới trả lời câu hỏi đã nêu ra “Làm sao người dân giám sát được Đại biểu Quốc hội của mình?” 

Ai chịu trách nhiệm cho sai sót không được đề cập?

Theo ý kiến của Đại biểu Dương Trung Quốc, giám sát là vấn đề rất quan trọng. Phát biểu trước Quốc hội từ những kinh nghiệm của mình, ông cho biết:

“Nhiều lúc tôi chứng kiến những đại án diễn ra mà những nhân vật có liên quan đến sự việc có liên quan đã từng tồn tại ở trong thực tiễn mà nhiệm kỳ Quốc hội nhiệm kỳ ấy không đề cập tới. Vậy trách nhiệm của Quốc hội và đại biểu Quốc hội ở những nhiệm kỳ xảy ra sai sót đó, ai chịu trách nhiệm? Nếu chúng ta phát hiện được, chúng ta sẽ ngăn chặn được, tránh được lãng phí về tài chính và nhân lực. Ai đảm bảo rằng sau kỳ họp XIV này không xảy ra thất thoát, tham nhũng nữa? Lúc đó, chúng ta đánh giá về chúng ta như thế nào?” 

Tròn 90 năm Thành lập Đoàn: Tinh thần ‘đâu khó có thanh niên’ luôn rực cháy
Đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh rằng, Quốc hội cần nhận thức mỗi thành công của Chính phủ có vai trò của Quốc hội, thất bại của Chính phủ có trách nhiệm của Quốc hội. Những đại án xảy ra trong nhiệm kỳ nào, phải có trách nhiệm của Quốc hội nhiệm kỳ ấy.

Đừng biến Quốc hội thành cơ quan hành chính

Đây là mong muốn của vị Đại biểu tỉnh Đồng Nai tại nhiệm kỳ cuối cùng của mình. Ông Dương Trung Quốc bày tỏ, bản thân đã 75 tuổi, có nhiều đồng nghiệp đề cử ông ở lại, ứng cử tiếp nhiệm kỳ tiếp theo, nhưng ông từ chối với lý do “tuổi cao và sức khỏe sẽ đi ngược lại với sự sáng suốt”. Tuy nhiên, ông Dương Trung Quốc lại có một nguyện vọng khác với Đại biểu Quốc hội là cán bộ chuyên trách: 

“Đừng biến Quốc hội thành cơ quan hành chính, đặc biệt là các đại biểu chuyên trách, những người làm toàn vẹn công việc cho Quốc hội. Vì họ có tích lũy về mặt kinh nghiệm, tri thức và kỹ năng, đặc biệt là tích lũy uy tín. Tích lũy uy tín thì phải có thời gian. Tôi rất tiếc có một số vị chuyên trách bị dừng do tuổi tác. Chúng ta phải coi Quốc hội là tinh túy, tinh hoa chứ đừng coi Quốc hội là sức vóc thuần túy. Tôi rất mong chúng ta có thể thay đổi trong những nhiệm kỳ tiếp theo”./.
Thảo luận