Hội Thánh Đức Chúa trời lại xuất hiện ở Việt Nam

Hội Thánh Đức Chúa trời, từng gây xôn xao dư luận Việt Nam hồi 2018, đột nhiên xuất hiện trở lại. Công an Thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn đã phát hiện nhiều người trong các nhóm sinh hoạt “Hội Thánh Đức Chúa trời mẹ” tại địa phương.
Sputnik

Theo lãnh đạo Công an Bắc Kạn, hoạt động của tổ chức Hội Thánh Đức Chúa trời mẹ đã và đang gây nhiều phức tạp về trật tự xã hội, làm xáo trộn đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, do đó, phải đặc biệt nâng cao cảnh giác.

Nhóm hoạt động Hội Thánh Đức Chúa trời ở Bắc Kạn

Ngày 29/3, Công an tỉnh Bắc Kạn có thông báo cụ thể về hai nhóm gồm nhiều thành viên tham gia sinh hoạt “Hội thánh Đức chúa trời mẹ” trái pháp luật trên địa bàn tỉnh này.

Theo đó, Công an tỉnh Bắc Kạn khẳng định cơ quan chức năng đã phát hiện hai nhóm “Hội thánh Đức chúa trời mẹ” tại phường Huyền Tụng và phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn.

Ban Tôn giáo Chính phủ nói về "nước thánh" của "Hội Thánh Đức Chúa Trời"

Theo thông báo của Công an Bắc Kạn, ngày 27/3, từ nguồn tin báo của nhân dân, Công an thành phố Bắc Kạn đã tiến hành kiểm tra phát hiện tại phường Huyền Tụng và phường Đức Xuân có hai nhóm hoạt động tôn giáo trái pháp luật Việt Nam.

Cụ thể, tại tổ Tổng Nẻng, phường Huyền Tụng, lực lượng chức năng phát hiện 6 người gồm ông Lục A Hợp (60 tuổi), bà Nguyễn Thị Thung (vợ ông Lục A Hợp) – cùng trú tại thị trấn Đồng Tâm, huyện Chợ Mới, ông Phạm Bá Quyết cùng vợ là Trần Thị Điểm – trú ở phường Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Đình Hoàng – phường Huyền Tụng, Nguyễn Nam Xuân – quê ở huyện Thạch Thành, Thanh Hóa, tạm trú ở phường Đức Xuân, đang tổ chức sinh hoạt “Hội thánh Đức chúa trời mẹ” tại nhà trọ của ông Hợp.

Nhóm thứ 2 sinh hoạt “Hội thánh Đức chúa trời mẹ” bị Công an thành phố Bắc Kạn phát hiện gồm bà Lương Thị Thuyên (trú huyện Na Rì), Nguyễn Thị Huế (trú phường Đức Xuân), Nông Thị Thêu (huyện Bạch Thông), Hoàng Thị Hải Chiều (thị trấn Vân Tùng, huyện Ngân Sơn) và Bế Thị Chầm (thành phố Bắc Kạn).

Công an thành phố Bắc Kạn cho biết các đối tượng trên vào thời điểm bị kiểm tra đang sinh hoạt tại nhà trọ của Mai Thị Anh (28 tuổi, tạm trú tại tổ 1A, phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn).

Đáng chú ý, tại hai địa điểm này, lực lượng Công an thu giữ nhiều tang vật, tài liệu liên quan đến “Hội thánh Đức chúa trời mẹ” và hành vi sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật Việt Nam.

Sự nguy hiểm của Hội Thánh Đức Chúa Trời đến đời sống văn hóa Việt Nam

Theo lãnh đạo Công an thành phố Bắc Kạn, hiện tại, mặc dù không được nhà nước công nhận nhưng tổ chức Hội Thánh Đức Chúa Trời mẹ vẫn lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để thực hiện việc truyền đạo trái phép.

Nghi theo "Hội Thánh Đức Chúa Trời", con dùng dao đâm chết mẹ đẻ

Thông qua nhiều hoạt động khác nhau, Hội Thánh Đức Chúa Trời lén lút tiếp cận người dân và né tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng. Từ đó tuyên truyền, lôi kéo, dụ dỗ những người nhẹ dạ, cả tin tham gia vào hội nhóm, sinh hoạt tôn giáo trái phép.

“Hoạt động của tổ chức này đã và đang gây nhiều phức tạp về trật tự xã hội, làm xáo trộn đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người dân”, Công an Bắc Kạn khẳng định.

Theo cơ quan chức năng, Hội Thánh Đức Chúa Trời đã tuyên truyền những hành vi trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam, như: bỏ bát hương, bàn thờ, không thờ cúng tổ tiên ông bà từ ngàn đời xưa.

Cơ quan Công an Bắc Kạn cũng đồng thời khuyến cáo người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, tuyên truyền vận động cho người thân hiểu và không tham gia hoạt động “Hội thánh Đức chúa trời mẹ” trái pháp luật trên địa bàn.

Về Hội Thánh Đức Chúa Trời

Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, Hội Thánh Đức Chúa Trời, còn gọi là Hội Thánh Chúa Trời Mẹ, là một phong trào tôn giáo mới bắt nguồn từ Hàn Quốc và hiện nay đã có mặt tại 185 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Hội thánh Đức Chúa Trời dẫn đến đâu?

Tại Việt Nam, Hội Thánh của Đức Chúa Trời được truyền vào từ năm 2001. Hồi năm 2018, truyền thông Việt Nam bắt đầu đưa tin về các nhóm, hội sinh hoạt theo Hội Thánh Đức Chúa Trời (mẹ) trái pháp luật.

Những năm gần đây, một số người cầm đầu hoạt động của Hội Thánh Đức Chúa Trời đã chủ trương phát triển một cách cực đoan, bất chấp quy định của pháp luật Việt Nam.

Trong đó, Hội Thánh Đức Chúa Trời có những tác hại tiêu cực, trái với truyền thống, đạo đức của người Việt, như: cưỡng ép, xúi dục người theo từ bỏ phong tục thờ cúng ông bà, tổ tiên, bất hiếu với cha mẹ, dùng mê tín, thần quyền o ép tín đồ. Những hành vi này gây ra những bất ổn về an ninh, trật tự trong xã hội.

Phương thức lôi kéo phổ biến người vào Hội Thánh Đức Chúa Trời là núp dưới danh nghĩa hoạt động doanh nghiệp tư nhân, cửa hàng giới thiệu sản phẩm, thậm chí là theo mô hình “đa cấp”.

Theo đó, họ tổ chức cho thành viên gia nhập nhanh chóng. Buộc mỗi người đã được làm lễ Baptem phải lôi kéo thêm ít nhất một người vào tổ chức.

Ngoài ra, theo các thông tin cơ quan chức năng nắm được, các tín đồ bị ép buộc dâng hiến 1/10 thu nhập, nhưng lại không công khai, minh bạch về tài chính. Đây là hành vi “Lợi dụng hành nghề mê tín để trục lợi”, bị pháp luật ngăn cấm.

Hội thánh Đức Chúa Trời được cấp phép ra sao?

Đồng thời, việc xúi giục tín đồ bỏ bàn thờ, bất kính cha mẹ, chỉ tin và thờ “Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ” là đi ngược lại đạo đức và truyền thống văn hóa người Việt từ trước đến nay.

Tại Việt Nam, nhiều người coi đây là tà giáo, hình thức sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật. Ban Tôn giáo Chính phủ tỏ ra khá thận trọng khi khẳng định cơ quan chức năng cần thêm thời gian để kiểm chứng về các nhóm tôn giáo “Đức Chúa Trời mẹ”.

Theo Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng yêu cầu hồi tháng 4/2018, các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương cần lưu tâm đến hoạt động của tổ chức “Hội Thánh Đức Chúa Trời”.

Ban Tôn giáo Chính phủ nhấn mạnh cần kiểm chứng các hoạt động của tổ chức này và phân biệt với các nhóm Tin Lành khác có tên gọi tương tự, tránh đánh đồng với các tổ chức Tin Lành nói chung.

Thảo luận