Kẹt tàu ở kênh đào Suez ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu của Việt Nam

HÀ NỘI (Sputnik) - Ngoài việc khiến giá cước vận chuyển tàu biển bị tăng lên, sự cố kẹt tàu ở kênh đào Suez còn có tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với châu Âu.
Sputnik

Lãnh đạo Bộ Công thương vừa cho biết, sự cố siêu tàu mắc kẹt tại kênh đào Suez gây tắc nghẽn nghiêm trọng đường hàng hải quốc tế. Đây cũng là tuyến đường quan trọng để đưa hàng xuất nhập khẩu Việt Nam sang châu Âu - thị trường quan trọng của Việt Nam.

Cụ thể, lãnh đạo Bộ Công thương cho hay năm 2020, Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu với kim ngạch 43,7 tỉ USD và nhập khẩu từ thị trường này 18,5 tỉ USD. Trong 2 tháng đầu năm 2021, con số xuất khẩu là 7,5 tỉ USD và nhập khẩu 3,1 tỉ USD, tương ứng với tốc độ tăng trưởng 18% và 12%.

Song song với đó, tình trạng giá cước tàu biển đã tăng cao do tác động của dịch COVID-19, thêm với việc sự cố này xảy ra sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với khu vực châu Âu. Mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào tiến độ giải phóng tàu Ever Given.

Kênh đào Suez đi vào hoạt động từ năm 1869, với độ dài 190km, rộng 205m và sâu 24m - là một trong những tuyến hàng huyế mạch của toàn thế giới. Theo ước tính, khoảng 12% thương mại toàn cầu được vận chuyển qua kênh đào này. Tới năm 2020, gần 19.000 lượt tàu thuyền đã đi qua kênh đào Suez với tổng trọng tải khoảng 1,17 tỉ tấn.

Tuy nhiên vào ngày 23/03, tàu Ever Given - một trong những tàu container lớn nhất thế giới thuộc hãng Evergreen đã bị mắc cạn khi di chuyển qua kênh đào Suez trên đường di chuyển từ châu Á sang châu Âu. Sự việc này làm dừng lại toàn bộ di chuyển của các con tàu khác theo cả hai hướng trên kênh đào Suez, gây ùn tắc tại khu vực này. Trong trường hợp việc giải phóng tàu Ever Given kéo dài, nếu các tàu đi vòng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi) sẽ khiến hành trình từ châu Á tới châu Âu kéo dài thêm 2 tuần, làm chi phí gia tăng đáng kể.

Trước tình hình trên, lãnh đạo Bộ Công thương cho hay đã có chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập theo dõi sát tiến độ giải phóng tàu Ever Given, để thông tin kịp thời đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Hé lộ nguyên nhân khiến tàu Ever Given mắc kẹt

Theo tin từ AFP, trong cuộc họp báo ngày 27/03 vừa qua, người đứng đầu cơ quan quản lý kênh đào Suez - Osama Rabie - cho biết:

"Gió mạnh và các yếu tố thời tiết không phải là nguyên nhân chính khiến con tàu mắc kẹt, đó có thể do lỗi kỹ thuật hoặc con người. Tất cả những yếu tố này sẽ trở nên sáng tỏ sau cuộc điều tra''.

Ngoài ra, khi được hỏi khi nào con tàu có thể hoạt động trở lại, ông Rabie gợi ý rằng có thể "hôm nay hoặc ngày mai, tùy thuộc vào khả năng đáp ứng của con tàu khi thủy triều lên".

Kênh Suez bị tắc sẽ ảnh hưởng như thế nào đến xuất khẩu cà phê từ Việt Nam?

Tính đến hiện tại, có hơn 300 tàu đang bị tắc nghẽn cả ở hai đầu kênh Suez. Phát biểu trước buổi họp báo ở Suez, ông Rabie cũng nêu rõ những nỗ lực của Ai Cập trong việc giải cứu con tàu mắc kẹt. Họ đang cố gắng dùng tàu kéo và máy xúc để khơi thông, giải phóng phần mũi tàu và chân vịt, hy vọng sớm khôi phục lưu thông trên kênh.

Ông Rabie cũng thông tin thêm, tới 10h30 tối 26.3, các chân vịt của siêu tàu đã có thể quay, mặc dù không ở tốc độ tối đa. Tuy nhiên, các chân vịt tiếp tục bị kẹt do sự lên xuống của thủy triều. Chính vì thế, lực lượng cứu hộ một lần nữa phải dùng đến máy xúc, hoạt động suốt đêm để tiếp tục quá trình nạo vét. Người đứng đầu cơ quan quản lý kênh đào Suez nói:

“Loại đất mà chúng tôi đang đào rất khó xử lý, cùng với sự ảnh hưởng của thủy triều lên con tàu do kích thước và tải trọng hàng hóa của nó''

Theo dữ liệu của Lloyd's List, việc con tàu bị mắc cạn đang làm ách tắc 9,6 tỉ USD hàng hóa mỗi ngày giữa Châu Á và Châu Âu. Trong khi đó, ông Rabie cũng ước tính Ai Cập đang mất khoảng 12 triệu đến 14 triệu USD doanh thu từ kênh đào mỗi ngày do sự tắc nghẽn này.

Hôm 26/03, phía Mỹ cho biết sẵn sàng gửi hỗ trợ, cử nhóm chuyên gia Hải quân Mỹ đến giúp giải cứu kênh đào Suez. Đồng thời, Ông Rabie đã gửi lời cảm ơn sự hỗ trợ của Mỹ cùng với Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Thảo luận