Theo bà Carolyn Turk, với việc khống chế kiểm soát thành công đại dịch Covid-19, quản lý kinh tế vĩ mô, cải cách hành chính hiệu quả, tăng thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là cắt giảm mạnh tỷ lệ nợ công hơn 8 điểm %, Việt Nam rất xứng đáng được khen ngợi.
Việt Nam xứng đáng được khen ngợi về thành tích cắt giảm mạnh nợ công
Ngày 29/3, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) tại Việt Nam, bà Carolyn Turk đã đưa ra nhiều nhận định về những thành tựu đáng khen của Chính phủ Việt Nam nhiệm kỳ 2016 – 2021 dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Đánh giá về năng lực điều hành của Chính phủ Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021, đặc biệt là những thành tựu nổi bật mà Chính phủ Việt Nam đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, trong cuộc trao đổi với VGP, bà Carolyn Turk đã dùng từ “xuất sắc” để nói về những gì mà hệ thống chính trị và chính quyền Việt Nam đã làm được.
“Ngân hàng Thế giới chúc mừng Chính phủ trong nhiệm kỳ qua đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra. Rõ ràng, Chính phủ đã làm rất tốt trên nhiều mặt”, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nêu rõ.
Phân tích sâu hơn, bà Turk cho biết, thứ nhất là việc tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh và cải cách hành chính. Bên cạnh việc tập trung cải cách nhằm mở cửa thương mại và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Cùng với đó, Việt Nam cũng thực hiện một loạt cải cách nhằm giảm chi phí kinh doanh, khắc phục quan liêu cho doanh nghiệp, trong đó đáng chú ý là Luật Doanh nghiệp do Chính phủ khởi xướng, có hiệu lực từ tháng 1/2021.
Số liệu cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã cắt giảm 3.893 trong tổng số 6.191 điều kiện kinh doanh (chiếm 63%).
Đối với công tác cải cách hành chính, Việt Nam đã thực sự thúc đẩy quá trình chuyển đổi số với việc triển khai các dịch vụ công đa dạng trên không gian số và khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia đầu tiên.
Đặc biệt, gần đây, Chính phủ đốc thúc triển khai cơ sở dữ liệu kỹ thuật số cho căn cước công dân, quản lý an sinh xã hội và đất đai.
Thứ hai, theo bà Carolyn Turk, Chính phủ Việt Nam đạt thành công trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cắt giảm mạnh tỷ lệ nợ công từ 63,7% năm 2016 xuống 55,3% năm 2020, giảm hơn 8% trong vòng bốn năm.
“Đây là thành tích ‘chưa từng có tiền lệ’ trên thế giới và Chính phủ Việt Nam xứng đáng được khen ngợi về thành quả này”, Giám đốc WB tại Việt Nam khẳng định.
Việt Nam đạt thành tựu mà không nhiều quốc gia làm được
Lãnh đạo WB tại Việt Nam cũng nhấn mạnh, Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có khả năng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô với mức tăng trưởng kinh tế đạt hơn 7% năm 2018 và 2019.
Bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng dương 2,91% trong năm ngoái.
Thứ ba, theo vị chuyên gia, trong khi rất nhiều quốc gia trên thế giới đang phải vật lộn khống chế đại dịch Covid-19, Việt Nam trở thành điểm sáng khi giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch này đến sức khỏe của người dân, nhờ sự kết hợp của các chính sách nhanh chóng và nghiêm ngặt, bao gồm hạn chế đi lại trong nước và quốc tế, cũng như tích cực truy vết, xét nghiệm, theo dõi và cách ly.
“Bất chấp đại dịch Covid-19, nền kinh tế tiếp tục phát triển, khiến Việt Nam trở thành một trong số rất ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng dương”, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nói.
Bà Turk đánh giá, những thành tựu này và nhiều thành tựu khác đã tạo nền tảng vững chắc cho Chính phủ mới khởi động triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2026) và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (2021-2030).
WB khuyến nghị gì với Chính phủ Việt Nam nhiệm kỳ mới?
Chia sẻ về những gợi ý chính sách, hành động, kế hoạch để Chính phủ Việt Nam tiếp tục phát huy thành tích trong nhiệm kỳ tới, bà Carolyn Turk cho rằng, năm 2021 là “năm bản lề” để Việt Nam triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm.
Theo đó, Chính phủ mới được giao nhiệm vụ thực hiện kế hoạch này, để đưa đất nước lên quỹ đạo nhằm đạt được các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2020 tầm nhìn 2045, như các nhà lãnh đạo của đất nước đã đề ra gần đây.
Theo vị chuyên gia, để làm được như vậy, cần có những nỗ lực mới và mạnh mẽ hơn để đất nước trở nên cạnh tranh hơn, thông qua việc tập trung nhiều hơn vào các chương trình nghị sự tập trung vào khoa học, công nghệ, và đổi mới (STI).
“Để trở thành một nước có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam sẽ cần tạo ra năng suất cao động cao hơn thông qua đổi mới, phát triển kỹ năng và tăng tốc chuyển đổi số”, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Carolyn Turk nhấn mạnh.
Đại diện Ngân hàng Thế giới ở Việt Nam phân tích, trong giai đoạn này, khả năng tiếp cận giáo dục đại học của Việt Nam, được đo bằng tỷ lệ nhập học chung (Gross enrollment rate -GER) còn thấp dưới 30%, thuộc nhóm thấp nhất trong các nước Đông Á, chỉ hơn một nửa so với Thái Lan, bằng một phần ba Hàn Quốc.
Ngoài ra, theo bà Turk, Việt Nam cần giải quyết dứt điểm những vấn đề kém hiệu quả trong mô hình đô thị hóa và phân cấp như hiện nay.
Cụ thể, Chính phủ mới của Việt Nam sẽ vẫn cần giải quyết các vấn đề như chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực của một bộ phận người dân trong các cộng đồng dân tộc thiểu số (chiếm 86% tổng số người nghèo), đồng thời đối phó với những thách thức mới nổi từ sự gia tăng tầng lớp trung lưu và tốc độ già hóa dân số ngày càng nhanh.
“Việt Nam hiện là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu, mức độ ô nhiễm (không khí, nước)”, bà Carolyn Turk cảnh báo.
Vị chuyên gia phân tích rõ ràng, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của nước biển dâng, và khoảng 12 triệu người ở các tỉnh ven biển đang phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt dữ dội.
Cùng với đó, mỗi năm, trung bình 852 triệu USD - tương đương 0,5% GDP - và 316.000 việc làm trong các ngành kinh tế chủ chốt đang gặp rủi ro do lũ lụt ven sông và ven biển. Giám đốc WB tại Việt Nam đánh giá đây có thể là một trọng tâm nữa của Chính phủ mới.
“Cuối cùng, Việt Nam cần phải kiên trì theo đuổi tăng trưởng xanh và sạch để trở thành quốc gia ‘đáng sống’”, bà Carolyn Turk nhấn mạnh.
Vị lãnh đạo một lần nữa khẳng định, Ngân hàng Thế giới đã trở thành một đối tác đáng tin cậy lâu dài của Việt Nam trong hơn 25 năm qua.
“Rõ ràng, chúng ta cần hành động”, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam khẳng định và cho biết, Ngân hàng Thế giới cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ mới của Việt Nam nhằm hiện thực hóa những kỳ vọng phát triển của quốc gia.