Ngày 2/4, cư dân mạng Trung Quốc đã phát hiện H&M Trung Quốc đăng bản đồ nước này nhưng không có đường lưỡi bò. Từ khóa liên quan đến vấn đề này lập tức nhảy lên hạng 2 trên BXH tìm kiếm của trang mạng xã hội Weibo.
Cục Quy hoạch và Tự nhiên Thành phố Thượng Hải đã lập tức triệu tập lãnh đạo của H&M tại Trung Quốc và yêu cầu công ty này phải nhanh chóng thay đổi bản đồ. Ít giờ sau, phía H&M cho biết đã chấp nhận đề nghị của cơ quan quản lý và đồng ý đăng tải lại bản đồ Trung Quốc có đường lưỡi bò.
Hành động trên của H&M đã khiến cộng đồng mạng Việt Nam phẫn nộ. Nhiều người cho rằng, bản đồ Trung Quốc chứa đường lưỡi bò là loại bản đồ không hợp pháp, chưa được thế giới công nhân. Việc H&M đồng ý sửa bản đồ có đường lưỡi bò chính là một trong những hành vi phi lý, không trung lập. Làn sóng tẩy chay H&M nhanh chóng lan toả rộng rãi trên khắp các trang mạng xã hội Việt Nam.
Trước đó, vào cuối tháng 12/2020, Trung Quốc bị cáo buộc về việc ép buộc người dân tộc thiểu số làm việc trong môi trường khắc nghiệt để thu hoạch được bông vải. Được biết, bông vải Tân Cương (khu vực lãnh thổ ở phía Tây Bắc Trung Quốc) là nguồn cung ứng đến 1/5 nguồn nguyên liệu bông cho thế giới và là nơi cung cấp sợi bông chủ yếu trong ngành thời trang toàn cầu.
Nhà bán lẻ Thụy Điển cũng như một số hãng khác nói rằng, họ quan ngại sâu sắc về các báo cáo cho thấy tình trạng bóc lột lao động đã xảy ra tại khu vực này. Hãng H&M đã quyết định ngừng tìm nguồn cung ứng các sản phẩm từ Tân Cương.
Sau H&M, nhiều thương hiệu lớn khác như: Uniqlo, Nike, Adidas, GAP, Fila, New Balance... cũng tuyên bố ngừng sử dụng bông vải Tân Cương. Tất cả những sản phẩm của các nhãn hàng trên đều đã bị gỡ bỏ khỏi các trang thương mại điện tử lớn ở đất nước tỉ dân.