Ông Nguyễn Xuân Phúc: Từ Chính phủ “hành động” đến Nhà nước “vì dân”

HÀ NỘI (Sputnik) - Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, đương kim Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu và trúng cử chức vụ Chủ tịch nước. Trên cương vị mới là Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, người dân Việt Nam hi vọng ông Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa sẽ tạo nên kỳ tích.
Sputnik

Ngày 5/4, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã bầu ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị giữ cương vị Chủ tịch nước, kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng. Nhiệm kỳ của nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã để lại dấu ấn khó quên về một Việt Nam “bứt phá” trên mọi phương diện kinh tế - xã hội, đặc biệt là tinh thần Chính phủ hành động, kiến tạo.

Sóng gió không cản được tay chèo vững

Năm 2016, một ngày sau khi nhậm chức Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc phải đối mặt với thảm họa môi trường tại bốn tỉnh miền Trung do Formosa gây ra, thiên tai trên khắp cả nước. Một khởi đầu không mấy dễ dàng đối với tân Thủ tướng lúc bấy giờ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức

Không chỉ có vậy, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, năm 2011-2015 nợ công của Chính phủ “phình to” gần như kịch trần với tỷ lệ 64%, trong đó nợ xấu chiếm 10%. Việt Nam đối mặt với nguy cơ vỡ nợ trong nước và quốc tế. “Con tàu” kinh tế Việt Nam đang lao đao. Bình tĩnh đối mặt, xác định nguyên nhân và từng bước “gỡ nút thắt” kinh tế là cách ông Nguyễn Xuân Phúc và Chính phủ lựa chọn.

Trong suốt nhiệm kỳ Thủ tướng 2016 - 2021, hàng loạt cuộc gặp gỡ, đối thoại thẳng thắn với các doanh nghiệp trong và ngoài nước diễn ra nhằm cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của giới doanh nghiệp, doanh nhân đã được chú trọng tổ chức. Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra hàng năm (2016 - 2020) được coi là “Hội nghị Diên Hồng” của nền kinh tế, giúp “cỗ xe” kinh tế chuyển bánh về phía trước. Phát biểu kết luận tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp (5/2017), ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh:

Ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm Chủ tịch nước

“Tôi nghĩ rằng bình minh đang đến đất nước ta, tôi tin tưởng các bạn, những doanh nghiệp sẽ đóng góp cho bình minh rực sáng trên Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Với tinh thần đó, tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ xây dựng một hệ sinh thái lành mạnh, mà ở đó tất cả các thành phần kinh tế đều phát triển bình đẳng, kết nối và hỗ trợ nhau, đem lại sự thịnh vượng và phát triển kinh tế chung cho Việt Nam”.

Sự ra đời của một loạt các Nghị quyết về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam đã giúp giới doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài như trút được gánh nặng ngàn cân. Đáng chú ý phải kể đến Nghị quyết 35 “Về việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020”; Nghị quyết 19 “Tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”; Nghị quyết 01 với yêu cầu dứt khoát từ Thủ tướng là phải cắt giảm ít nhất 50% tổng số điều kiện kinh doanh và 50% mặt hàng, thủ tục kiểm tra chuyên ngành v.v.

Nhưng đường tới đích của nền kinh tế Việt Nam không đơn giản như thế. Cuối năm 2019, đại dịch COVID-19 ập đến cùng bão lũ miền Trung khiến cả nước một lần nữa “gồng mình” trước gian nan. Chính phủ Việt Nam đã có phản ứng kịp thời, đưa ra những chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Song song với công tác phòng chống dịch tích cực là các chính sách trên diện rộng và đồng bộ để đối phó với Covid - 19 như kích thích nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập, tái cấu trúc mô hình tăng trưởng. Khung chính sách đó giúp tăng cường khả năng hồi phục hậu Covid-19 bằng việc giảm thiểu những tác động tiêu cực lên con người cũng như tiềm năng phát triển kinh tế của tương lai.

“Hoa hồng” cho con đường đầy chông gai

Báo cáo trước Quốc hội khóa XIV tại buổi khai mạc Kỳ họp thứ 11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết lãnh đạo Chính phủ đã thực hiện 570 chuyến công tác “lên rừng, xuống biển” làm việc với địa phương, cơ quan, đơn vị cơ sở, chỉ đạo cụ thể, kịp thời tháo gỡ nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách. Một cách ngắn gọn và sâu sắc, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá về nhiệm kỳ Chính phủ 2016 - 2021, mà đứng đầu là ông Nguyễn Xuân Phúc như sau:

Ngày 05/04: Quốc hội bầu Chủ tịch nước và Thủ tướng

“Dấu ấn nhiệm kỳ mà chúng ta thấy rõ nhất là một Chính phủ rất năng động, sáng tạo, tích cực, chủ động trong công tác quản lý, điều hành của mình. Chính phủ đã thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ, quyền hạn theo đúng quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ”.

Sự đánh giá của các tổ chức quốc tế cho thấy sự phát triển vượt bậc của Việt Nam qua nhiệm kỳ Chính phủ 2016 - 2021. Thành tựu về kinh tế có thể kể đến: Năm 2020, quy mô GDP của Việt Nam tăng khoảng 1,4 lần so với 2015, đạt trên 340 tỷ USD. Trong 5 năm qua, Việt Nam đã tạo ra khoảng 1.300 tỷ USD giá trị tăng thêm (GDP) và năm 2020 đã vượt lên trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 4 trong ASEAN, đứng thứ 37 thế giới. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), GDP năm 2020 của Việt Nam đạt 340,6 tỷ USD, vượt Singapore 337,5 tỷ USD, Malaysia 336,5 tỷ USD.

Về xã hội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) trong Báo cáo Phát triển con người toàn cầu 2020 đánh giá chỉ số Phát triển con người (HDI) của Việt Nam là 0,704, xếp thứ 117/189 quốc gia. Việt Nam tăng 4 bậc (79/189) theo Báo cáo Hạnh phúc của Liên hợp quốc (3/2021). Ông Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Quốc hội khóa XIV:

“Phát biểu trước Quốc hội thời điểm đầu nhiệm kỳ, tôi đã nêu, Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới về dân số nhưng quy mô nền kinh tế chỉ đứng thứ 48. Nhưng rất tự hào là đến nay xếp hạng của nước ta đã tăng 11 bậc (vượt qua 11 quốc gia) đứng thứ 37 thế giới. Dù con đường đi lên còn đầy khó khăn, thử thách, nhưng chúng ta hoàn toàn tin tưởng không lâu nữa Việt Nam sẽ bước sang ngưỡng thu nhập trung bình cao và gia nhập Nhóm nước phát triển có thu nhập cao vào 2045”.

Đặc biệt hơn nữa, trong Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố vào ngày 26/03 vừa qua, Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia phục hồi kinh tế “hình chữ V” sau đại dịch COVID-19. Chỉ có Trung Quốc và Việt Nam được chứng kiến phục hồi theo hình chữ V khi sản lượng hai nước đã vượt mức trước đại dịch.

Đây chính là “hoa hồng” dành cho Chính phủ Việt Nam trong việc chỉ đạo áp dụng rất tốt các biện pháp bảo đảm mục tiêu “kép” giữa khống chế dịch và phục hồi tăng trưởng.

Nhà lãnh đạo “vì dân”, Người bạn quốc tế “thân thiết”

Hình ảnh người đứng đầu Chính phủ đi thẳng vào vùng hạn tại Đồng bằng Sông Cửu Long, “vi hành” chợ đầu mối hoa quả Long Biên để kiểm tra tình hình an toàn thực phẩm hay bức thư động viên bệnh nhân ung thư trẻ Đặng Trần Thủy Tiên đều chứng tỏ Ông Nguyễn Xuân Phúc khi đảm nhận chức vụ Thủ tướng nổi tiếng là nhà lãnh đạo “vì dân”, luôn tiếp xúc và lắng nghe ý kiến của mọi tầng lớp. Phương châm của vị lãnh đạo này luôn là “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Ông luôn kêu gọi phải tạo ra sinh kế cho người dân thoát nghèo bền vững, thay vì chỉ tặng quà và những lời kêu gọi sáo rỗng. Là một người quan tâm đến môi trường, ông đi đầu trong việc “nói không với rác thải nhựa” hay “không đánh đổi môi trường vì kinh tế”. Năm 2021, sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh của ông được hưởng ứng nhiệt liệt trên toàn quốc.

Ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ thay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước?

Trong các hoạt động đối ngoại, ông Nguyễn Xuân Phúc luôn thể hiện sự năng động với hàng chục cuộc gặp song phương bên lề các hội nghị lớn. Tại Hội nghị G20 năm 2019, nhà lãnh đạo này đã chủ động gặp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump để trao đổi. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khi chủ trì cuộc tiếp đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Tokyo đã chia sẻ rằng:

“Tôi xin nhiệt liệt chào mừng Ngài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là bạn bè thân thiết của tôi đến thăm Nhật Bản”.

Có thể thấy, phong cách chủ động, cởi mở chân tình của ông luôn tạo được sự tin cậy, đồng cảm nơi người đối thoại. Cũng chính vì vậy trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, hàng loạt chuyến thăm cấp cao của nguyên thủ quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản...đến Việt Nam đã cho thấy sự tin cậy của bạn bè quốc tế dành cho nhà lãnh đạo Đông Nam Á này.

Trên cương vị Tân Chủ tịch nước, đây chính là những nền tảng vững chắc để ông Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục “cầm lái” đưa “con tàu” Việt Nam hướng về tương lai.

Ông Nguyễn Xuân Phúc: Từ Chính phủ “hành động” đến Nhà nước “vì dân”
Thảo luận