Trước đó, rất nhiều nhãn hàng nước ngoài cũng từng bị “Tẩy chay” khi bỏ qua những giá trị về văn hóa quốc gia, vùng miền. Sau đây là câu chuyện về những thương hiệu nổi tiếng nhưng “Phép vua thua lệ làng” khi du nhập vào thị trường nước khác.
“Ông vua đồ uống” Coca-cola
Theo Business Insider, 94% dân số thế giới có thể phân biệt được logo của Coca-cola. Điều đó chứng minh độ nổi tiếng và phổ biến của thức uống được ưa chuộng đối với tất cả mọi đối tượng từ già đến trẻ. Tuy nhiên vào năm 2020, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL) của Việt Nam đã có công văn gửi các địa phương yêu cầu chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm Coca- Cola. Cụ thể, nội dung quảng cáo sản phẩm Coca- Cola Việt Nam trên truyền hình và một số phương tiện hiện nay có sử dụng cụm từ “mở lon Việt Nam”.
Theo Cơ quan này, cụm từ này dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam. Quảng cáo này cũng không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung với sản phẩm, hàng hóa được quảng cáo, vi phạm các quy định tại Khoản 3, Điều 8 và Khoản 1, Điều 19 Luật Quảng cáo. Văn bản nêu:
“Yêu cầu tháo dỡ sản phẩm quảng cáo trong trường hợp tổ chức, cá nhân không thực hiện thông báo sản phẩm quảng cáo đối với quảng cáo trên bảng biểu, băng rôn”.
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho rằng “Mở lon Việt Nam” của Coca Cola nếu bị thêm dấu thêm mũ trong các quảng cáo ngoài trời sẽ rất khủng khiếp.
D&G bị tẩy chay vì “một đôi đũa”
Thương hiệu thời trang Dolce & Gabbana của Ý cũng từng bị buộc tội phân biệt đối xử chủng tộc chống lại người dân và văn hóa Trung Quốc khi phát hành ba đoạn giới thiệu trên phương tiện truyền thông xã hội cho chương trình The Great Show ở Thượng Hải. Show này đã bị huỷ diễn trước giờ biểu diễn có một giờ đồng hồ do trailer quảng cáo là một cô gái trẻ châu Á mặc đồ trang sức D & G đang sử dụng một đôi đũa gỗ truyền thống để ăn thức ăn phương Tây.
Trong đoạn trailer, cô gái đã chứng minh cách sử dụng đũa để ăn bánh pizza margherita, xốt canola và mì Ý hay món Ý như spaghetti hay bánh cannoli bằng một đôi đũa giống như đang dùng kéo, kìm, người Trung Quốc đã trở nên giận dữ về hành động này. Tài khoản WeChat của tờ People's Daily cảnh báo:
"Nếu một người nào đó không sẵn sàng để hiểu văn hóa Trung Quốc, thì cuối cùng họ sẽ không thể hoạt động ở thị trường Trung Quốc cũng như mất đi những lợi ích đến từ sự tăng trưởng của đất nước chúng tôi".
Đồng loạt Các trang thương mại điện tử lớn ở Trung Quốc như Tmall - thuộc Alibaba, JD.com và Yangmatou đều loại bỏ hết có sản phẩm thương hiệu D&G, các diễn viên nổi tiếng đại diện cho hãng đơn phương chấm dứt hợp đồng, các cửa hàng trong trung tâm thương mại đồng loạt đóng cửa. Trước làn sóng tẩy chay, D&G đã lâm vào khó khăn trong bối cảnh các thương hiệu xa xỉ toàn cầu ngày càng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc để tăng trưởng.
Burger King “ăn theo” nhưng không thành
Gần đây nhất, hàng loạt các thương hiệu lớn đã cho ra đời những chiêu trò PR “ăn theo” vụ việc tàu Ever Given mắc kẹt ở kênh đào Suez. Hãng đồ ăn nhanh Burger King đã “nhái” sự kiện này bằng cách đăng bức ảnh họ ghép chiếc bánh burger cỡ lớn của mình vào kênh đào Suez, thế chỗ cho con tàu. Kèm với đó, họ viết:
“Với việc Burger King tự giao hàng, thì không có “kênh” nào có thể làm ngắt quãng được, kể cả đó là một chiếc bánh Double Whopper to đùng đi nữa”.
Cư dân mạng Ai Cập cho rằng đây là một quảng cáo đầy tiêu cực và ngay sau đó, hashtag #BoycottBurgerKing (Tẩy chay Burger King) liên tục được đăng. Tất nhiên, cũng có một số người nghĩ quảng cáo này là buồn cười, nhưng phần lớn cư dân mạng chỉ thấy phản cảm vì vụ việc tàu Ever Given thực tế gây ra rất nhiều hậu quả lớn.
Trước đó, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh này cũng từng bị Việt Nam tẩy chay khi đã tung một quảng cáo, miêu tả việc sử dụng đũa để ăn bánh mỳ kẹp thịt. Trong đó, những khách hàng phương Tây phải vật lộn để ăn một chiếc burger mới, được quảng cáo với phong cách "rất Việt Nam" với một đôi đũa quá khổ. Quảng cáo viết:
"Đưa vị giác của bạn đến TP HCM với món bánh Tendercrisp (sandwich gà) sốt ớt ngọt kiểu Việt Nam”.
Nhiều người cho rằng Burger King đang có ý phân biệt chủng tộc và châm biếm cách dùng đũa của một số quốc gia châu Á. Trong đó làn sóng phản đối điển hình nhất là trên Facebook, Twitter ở Việt Nam.
Ngay sau đó, Burger King đã xin lỗi và buộc phải xóa quảng cáo nhạy cảm về văn hóa này.
Dove và câu chuyện “trắng sáng”
Năm 2017, Dove - nhãn hiệu sữa tắm thuộc sở hữu của Unilever đã phải xin lỗi vì quảng cáo bị cho là phân biệt chủng tộc khi cố gắng truyền tải thông điệp trắng sáng thuần khiết ở Trung Đông.
Theo đó, quảng cáo của hãng có hình ảnh một cô gái da màu, sau khi tắm sữa tắm Dove đã biến thành một cô gái da trắng. Nhãn hàng đã phải lên tiếng xin lỗi thế nhưng cuộc khủng hoảng này khiến cho Dove mất một lượng khách hàng không hề nhỏ.
Pepsi và gạch đá từ người Mỹ gốc Phi
Pepsi cũng không ngoại lệ khi có ra đời quảng cáo có nội dung một ngôi sao nổi tiếng bất ngờ bỏ dở việc chụp hình để hòa vào dòng người biểu tình trên phố. Sau đó, cô đưa lon Pepsi cho viên cảnh sát và mọi người cùng vui vẻ thưởng thức Pepsi.
Ngay lập tức, quảng cáo trên đã hứng chịu gạch đá của cộng đồng mạng, vì theo họ, nó được lấy cảm hứng từ cuộc biểu tình của những người tham gia phong trào "Black Lives Matter" chống lại bất bình đẳng và bạo lực của cảnh sát với người Mỹ gốc Phi.
Câu chuyện về thương hiệu nước ngoài và tôn trọng văn hóa ở nước sở tại không còn mới nhưng đã, đang và sẽ luôn tồn tại. Tất cả những sai lầm của các nhãn hiệu nổi tiếng ở trên minh chứng rằng “Phép vua luôn thua lệ làng”, khi bạn muốn thâm nhập vào thị trường một quốc gia, phải đủ hiểu biết về văn hoá, chính trị,...vùng miền của quốc gia đó. Còn không, bạn sẽ bị nhận “trái đắng” và trả một cái giá không hề rẻ.