Giao thông, quy hoạch, môi trường – vấn đề nào mà Tân Bí thư Thành ủy Hà Nội phải đối mặt?

HÀ NỘI (Sputnik) - Ngoài tuyến đường sắt đô thị chậm trễ nhiều năm, Bí thư Đinh Tiến Dũng cần tìm giải pháp sớm thúc đẩy các quy hoạch phân khu, cải thiện môi trường, nâng diện tích đất giao thông.
Sputnik

Ngày 3/4, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt thành phố để công bố quyết định của Bộ Chính trị. Với sự thống nhất cao từ Bộ Chính trị, ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Tài chính, được phân công, chỉ định giữ cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội. Đồng thời, ở vị trí là người đứng đầu Đảng bộ thành phố, ông Đinh Tiến Dũng sẽ phải giải quyết nhiều nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách sau.

Giao thông, metro hay đường sắt Cát Linh – Hà Đông

Nhiệm vụ đầu tiên và cũng rất quan trọng của tân Bí thư là đưa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vào vận hành thương mại. Sau hơn 10 năm triển khai với vô số lần lỡ hẹn, người dân thủ đô đang dần mất kiên nhẫn với tuyến metro này.

Nếu không phải 31/3, vậy bao giờ tàu Cát Linh – Hà Đông mới “chạy thật”?

Ngoài tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Tân Bí thư còn phải giải quyết vấn đề liên quan đến mạng lưới metro của Hà Nội có 8 tuyến. Đây là các tuyến đang triển khai nhưng đều rơi vào tình trạng chậm tiến độ, vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng, quy hoạch... Chính vì thế, để cụ thể hóa mục tiêu phương tiện công cộng đạt khối lượng chuyên chở 8-10% trong 10 năm, tân Bí thư Hà Nội còn rất nhiều việc đang chờ ông phía trước.

Một trong những vấn đề luôn “nóng” là các dự án giao thông còn dang dở. Cụ thể, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cần chú trọng, đẩy nhanh tiến độ các quy hoạch phân khu nội đô lịch sử cũng như nghiên cứu, làm việc với các bộ, ngành để sớm phê duyệt quy hoạch phân khu sông Hồng.

Quy hoạch – vấn đề luôn nóng

Việc quy hoạch phân khu Sông Hồng góp phần quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô, tạo nguồn dư địa rất lớn, là điểm tựa cho TP trong tương lai. Bên cạnh đó, các quy hoạch này là cơ sở quan trọng để TP thu hút đầu tư, cải thiện bộ mặt đô thị, dân sinh cho thủ đô.

Đây là thời điểm ‘chín muồi’ để quy hoạch lại 2 bờ sông Hồng

Trong các vấn đề liên quan đến quy hoạch, không thể không nhắc tới vi phạm trật tự xây dựng, sai quy hoạch. Cụ thể, nhiều sai phạm nghiêm trọng đã xảy ra như dự án CT6 Bemes, Công viên nước Thanh Hà ở Hà Đông hay 8B Lê Trực ở Ba Đình do sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, do vướng mắc về cơ chế, chính sách và nguồn vốn, việc cải tạo chung cư cũ trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, gần như giậm chân tại chỗ nhiều năm qua. Nhiều tòa nhà ngay giữa các quận trung tâm nhưng xuống cấp đến mức báo động, nguy hiểm đến người dân

Tồn đọng về Ô nhiễm môi trường

Môi trường luôn là vấn đề tồn đọng năm này qua năm khác của Hà Nội. Trong đó, rác thải gây nhiều bức xúc do tỷ lệ chôn lấp quá lớn, sông ngòi ô nhiễm nghiêm trọng và chất lượng không khí suy giảm đến mức báo động. Chính vì thế, Tân Bí thư sẽ phải xử lý vấn đề về hạ tầng xã hội, hệ thống này đang được nâng cấp với tốc độ khá chậm, phát triển chưa tương xứng với quy mô dân số.

Phát triển giao thông công cộng có giúp Hà Nội giảm ô nhiễm không khí?

Đồng thời, hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn sẽ khó lòng đáp ứng và có thể tiếp tục xảy ra các bức xúc trong đời sống xã hội. Chất lượng môi trường sẽ là thách thức lớn đối với lãnh đạo Thành ủy, UBND Hà nội. Cùng với xây mới các tuyến đường sắt đô thị, Bí thư Hà Nội cần quan tâm, chỉ đạo quyết liệt dự án giao thông có tính chất kết nối, các phương tiện trung chuyển giữa đường sắt đô thị và các loại hình giao thông khác. TP cũng cần sớm có cơ chế đẩy mạnh giao thông sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường.

Thảo luận