Tổng Bí thư Lê Duẩn - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam

HÀ NỘI (Sputnik) – Gần 60 năm hoạt động cách mạng, từ đảng viên cho đến người lãnh đạo cao nhất, Tổng Bí Thư Lê Duẩn đã để lại những dấu ấn vô cùng đậm nét trên con đường phát triển của dân tộc Việt Nam
Sputnik

Tổng Bí thư Lê Duẩn là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, người đã dẫn dắt đất nước đi qua những giai đoạn phức tạp và khó khăn của lịch sử. Ông không chỉ là tấm gương sáng về lòng trung thành với lý tưởng cách mạng, mà còn là nhà lãnh đạo có ảnh hướng lớn đến Việt Nam trong những năm tháng tại vị.

Nhân kỷ niệm 114 năm ngày sinh của ông (7/4/1907- 7/4/2021), cùng Sputnik nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp vẻ vang của cố Tổng Bí thư có thời gian tại vị lâu nhất: 25 năm, 303 ngày.

Từ thanh niên giàu lòng yêu nước đến đảng viên Cộng sản kiên trung

Tổng Bí thư Lê Duẩn tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh ngày 7/4/1907, trong một gia đình lao động có truyền thống yêu nước, cha ông làm nghề mộc, còn mẹ làm ruộng. Quê ông ở làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông nghỉ học sau một năm học Trung học do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Lớn lên, chứng kiến đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, Lê Duẩn đã ấp ủ hy vọng cứu nước. Ông tâm sự:

“Hồi 15 tuổi, đọc lịch sử, tôi buồn lắm, nghĩ nhất định phải đi cứu nước”.
  • Lê Duẩn tham gia phong trào yêu nước từ năm 1926, tham gia và hoạt động trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên từ năm 1928. Đến năm 1930, ông trở thành một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương.
  • Năm 1931, ông là Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ. Cùng năm đó, ông bị thực dân Pháp bắt tại Hải Phòng và bị kết án 20 năm tù. Ông bị giam ở các nhà tù Hỏa Lò, Sơn La và Côn Đảo. Ngay tại đây, ông cùng nhiều đảng viên cộng sản lãnh đạo các cuộc đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù và truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin cho anh em trong tù.
  • Tháng 10/1936, trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ và thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp, thực dân Pháp buộc phải trả tự do cho Lê Duẩn và nhiều chiến sĩ cách mạng khác. Vừa ra khỏi nhà tù, ông tham gia ngay vào các hoạt động cách mạng sôi nổi ở Trung Kỳ. Năm 1937, ông giữ chức Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Tại đây, ông cùng tập thể Xứ ủy lãnh đạo phong trào Mặt trận Dân chủ ở miền Trung.
  • Năm 1939, Lê Duẩn được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Cuối năm này, ông cùng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương, thành lập Mặt trận Phản đế Đông Dương thay Mặt trận Dân chủ. Cuộc đấu tranh bước sang trang mới.
  • Năm 1940, ông lại bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn (nay là TP. HCM), bị kết án 10 năm tù và đày ra Côn Đảo lần thứ hai.
  • Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được Đảng và Chính phủ đón về đất liền. Một năm sau đó, ông được cử ra Hà Nội làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần chuẩn bị cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cuối năm 1947, Bác Hồ và Trung ương Đảng cử ông vào miền Nam lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ.
  • Từ năm 1946 đến năm 1954, Lê Duẩn là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, rồi Bí thư Trung ương Cục miền Nam, lãnh đạo Đảng bộ miền Nam tổ chức cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Tại Đại hội lần thứ II Đảng Lao động Việt Nam năm 1951, ông được bầu vào Bộ Chính trị.
  • Từ năm 1954 đến năm 1957, sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, Lê Duẩn ở lại miền Nam để lãnh đạo phong trào cách mạng. Trong những năm tháng vô vàn khó khăn này, Lê Duẩn kiên trì bám trụ ở những vùng nông thôn hẻo lánh miền Tây và Trung Nam Bộ, đến Sài Gòn, Đà Lạt để củng cố các cơ sở cách mạng, chuẩn bị kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Những năm tháng hoạt động sôi nổi ở miền Nam, tình cảm của người dân Nam Bộ đã in hằn trong trái tim của Lê Duẩn. Ông đã trào nước mắt khi thấy cảnh đồng bào, đồng chí sau Hiệp định Geneve hồ hởi chia tay với niềm ước hẹn 1-2 năm sau xum họp khi đất nước thống nhất. Vì ông biết rõ dã tâm của kẻ địch muốn chia cắt lâu dài đất nước. Hai năm bám trụ ở miền Nam, ông đã tác động mạnh mẽ để Trung ương Đảng thông qua Đề cương cách mạng miền Nam, dẫn đến Nghị quyết 15 ra đời, chuyển hình thức đấu tranh chính trị đơn thuần sang kết hợp đấu tranh vũ trang.

  • Năm 1957, Lê Duẩn được Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi ra Hà Nội để giữ chức quyền Tổng Bí thư Đảng.
  • Tháng 9/1960, tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, giữ chức Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đến năm 1976.
  • Từ năm 1976, ông giữ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đến năm 1986.

Tổng Bí thư Lê Duẩn mất vào ngày 10/7/1986 ở tuổi 79. Trước những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đảng và Nhà nước ta đã tặng ông Huân chương Sao Vàng. Các nước bạn bè Liên Xô, Lào, Campuchia, Ba Lan, Bungari, Cu Ba, Cộng hòa Dân chủ Đức, Hunggari, Mông Cổ, Tiệp Khắc cũng đã tặng ông nhiều huân chương cao quý.

Người hết lòng vì dân tộc

Trong hồi ức về người cha của mình, những người con của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn không thể quên câu chuyện khi gia đình nghèo khó, nghe mẹ thủ thỉ “Đến bao giờ nhà mình mới có một nồi khoai như nồi khoai nhà bên cạnh để ăn”, cậu bé 10 tuổi Lê Văn Nhuận đã bật khóc. Ông khóc vì thương xót cho cái ước ao nhỏ nhoi của mẹ lẫn cả chế độ đã tạo ra một dân tộc nghèo khổ. Và vì điều đó, ông chọn theo con đường cách mạng.

Quan điểm thống nhất của Stalin và Hồ Chí Minh

Con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thiếu tướng Lê Kiên Trung, người từng là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an, nói về cha mình:

“Và nếu không phải vì Bác Hồ đã kiên quyết yêu cầu ba tôi ra miền Bắc năm 1957 để nhận nhiệm vụ mới, có lẽ ba tôi sẽ vẫn ở lại miền Nam, dù có lẽ ông hiểu, khi Trung ương gọi ông ra miền Bắc, có nghĩa là ông sẽ được tin cậy giao những vai trò quan trọng hơn trong bộ máy lãnh đạo đất nước. Một con người độc đoán, sẽ khó có tình cảm như thế với đồng bào, đồng chí”.

Theo con trai Lê Duẩn, Bác Hồ đã chọn ông là người lãnh đạo cách mạng ở miền Nam vì ông vừa nắm rõ đường lối của Trung ương vừa có trình độ lý luận, hiểu Chủ nghĩa Mác.

Trước ý kiến nhiều người phê phán cố Tổng Bí thư duy trì nền kinh tế bao cấp quá lâu, ông Lê Kiên Trung giải thích bối cảnh lịch sử khi đó đã khiến ba ông không dễ thực hiện khát vọng và mục đích của mình:

“Khi mà Mỹ từ chối quan hệ ngoại giao với Việt Nam, và bản thân những nhà lãnh đạo trong nước thời đó đều tin theo hệ thống xã hội chủ nghĩa mô hình Xôviết của Stalin, thì việc đưa ra một ý tưởng như thế là trái với lý tưởng của nhiều người”.

Ông Lê Kiên Trung cho biết ba ông đã muốn giữ nền kinh tế thị trường ở miền Nam, song song với nền kinh tế bao cấp ở miền Bắc để so sánh ưu nhược điểm của hai cơ chế đó, nhưng bản thân Lê Duẩn cũng cho rằng làm chính trị là phải biết chờ đợi. Vì có những việc dù nghĩ đúng, nhưng vẫn phải chờ đợi sự đồng lòng từ những người xung quanh. Khi đó, nhiều người Việt Nam vẫn còn coi Mỹ là kẻ thù, và ngược lại.

Tổng Bí thư Lê Duẩn từng báo cáo với Bác Hồ:

Ông Nguyễn Thành Tài khai gì về khu đất vàng Lê Duẩn dưới thời Bí thư Lê Thanh Hải?

“Chúng ta muốn thắng Mỹ thì nhất định không được sợ Mỹ, nhất định không sợ Trung Quốc, nhất định không được sợ Liên Xô…”.

Yêu thích và đọc nhiều về lịch sử, ông hiểu rằng Việt Nam có bề dày kinh nghiệm đánh đuổi giặc ngoại xâm, nên chưa từng nao núng trước giặc phương Bắc. Đồng thời, ông luôn giữ tinh thần cảnh giác trước Trung Quốc, ngay cả khi họ là nước viện trợ lớn cho Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ.

Suốt thời gian dài, trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, thử thách, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, Lê Duẩn cùng Đảng đã kiên trì đường lối độc lập, tự chủ, tranh thủ sự viện trợ, giúp đỡ và đoàn kết quốc tế, sáng suốt lãnh đạo nhân dân và các lực lượng vũ trang cách mạng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Trí tuệ lớn, nhân cách lớn

Nhà thơ Lưu Trọng Lư từng viết về Tổng Bí thư Lê Duẩn:

Khoảnh khắc thiêng liêng khi Tổng bí thư Lê Duẩn chứng kiến Bác Hồ viết di chúc

“Một nhà tư tưởng/ Một người tình của cuộc sống/ Luôn luôn, anh có những câu hỏi với đời.../ Một tấm lòng thủ thỉ/ Ở đâu anh cũng nói chuyện con người/ Con người yêu lẽ phải/ Biết trọng tình thương.../ Anh thường đi rất nhanh/ Nhưng với ai, Anh cũng có lòng chờ đợi”.

Ngoài tên gọi đời thường trìu mến là Anh Ba, Lê Duẩn còn được đồng bào gọi là “Ông Hai trăm Bu-gi” (tiếng Pháp là Hai trăm ngọn nến). Biệt danh này ngoài diễn tả sự sáng suốt, uyên bác của một nhà hoạch định sách lược, chiến lược đấu tranh cách mạng, còn nói tới sự thấu hiểu cuộc đời, con người của ông. Theo hồi ức của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt:

“Bất cứ vấn đề gì, ở tầm nào, Anh Ba cũng đều có thể thuyết phục được bên đối thoại”.

Nhiều người dân, nhiều gia đình, đủ các thành phần từ nông dân, tiểu chủ đến cả các sĩ quan ngụy đã không quản ngại hiểm nguy để nuôi dưỡng, bảo vệ ông trên con đường cách mạng.

Ông Đinh Thanh Tuấn, nhà nghiên cứu lịch sử, chia sẻ với Sputnik nhận định về cố Tổng Bí thư:

“Lê Duẩn không chỉ là người lãnh đạo 3 cuộc tấn công giải phóng miền Nam: Tổng tiến công Mậu thân 1968. Chiến dịch Xuân – Hè năm 1972 và Chiến dịch Mùa Xuân 1975; mà còn đưa đất nước vượt qua hai cuộc Chiến tranh biên giới Tây Nam và Chiến tranh biên giới phía Bắc hết sức cam go. Đó đều là những cột mốc lịch sử vẻ vang không chỉ với dân tộc ta, mà còn với bạn bè năm châu bốn bể. Ngoài ra, ông còn là nhà tư tưởng lớn, hiểu việc, hiểu người, có lý có tình, quyết liệt nhưng tình cảm. Ông là người đi theo đường lối cứng rắn với Trung Quốc.

Ông Tuấn còn thông tin thêm:

"Năm 1971 trong cuộc gặp với Chu Ân Lai, ông từng thẳng thắn nói:  “Đồng chí có thể nói bất cứ điều gì đồng chí thích, nhưng tôi sẽ không nghe theo. Đồng chí là người Trung Quốc, tôi là người Việt Nam. Việt Nam là của chúng tôi, không phải là của đồng chí”. Dù trả lời như vậy, nhưng Chu Ân Lai đã phải nhắc đến lòng ái quốc, tính tình cương trực của ông ấy trong biên bản cuộc họp”.
Thảo luận