Ai dám nói mô hình chủ nghĩa xã hội của Hà Nội là ‘dị dạng’? Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, GS.TS Phùng Hữu Phú, đất nước giờ đã khác, Việt Nam là hình mẫu cho nhiều quốc gia dân tộc noi theo.
Hình mẫu Việt Nam được nhiều nước noi theo, thế giới trân trọng
GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đã có những phân tích sâu sắc, đáng chú ý mang chủ đề “Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam sau 75 năm giành được độc lập, đặc biệt là sau 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới” tại Hội nghị báo cáo viên trung ương khu vực phía Bắc tháng 4/2021 sáng nay (7/4).
Trong phát biểu của mình, đáng chú ý, theo GS.TS Phùng Hữu Phú, điều đáng mừng nhất là thế giới ngày càng đánh giá cao mô hình phát triển Việt Nam. Thực tế, câu chuyện thành công, những kỳ tích của dân tộc Việt đã được bạn bè quốc tế và dư luận thế giới phân tích, chỉ rõ.
“Trước đây, có ý kiến nói mô hình chủ nghĩa xã hội dị dạng, không giống với mô hình chung của thế giới. Nhưng càng ngày càng thấy mô hình của Việt Nam là đáng học tập, đáng trân trọng”, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nói.
Theo nhà giáo, nhà khoa học ưu tú, GS.TS Phùng Hữu Phú, một ví dụ điển hình là Đảng cộng sản Nhật Bản, một đảng kỳ cựu, có vị thế lâu năm cũng đánh giá rất cao Đảng Cộng sản Việt Nam - đổi mới không vì mình mà vì phong trào cộng sản to lớn của thế giới.
Ngoài ra, sự kiện - mang tính biểu tượng về hòa bình thế giới - khi Nhà Trắng đón Tổng Bí thư Việt Nam là không có tiền lệ trong ngoại giao, khẳng định Hoa Kỳ tôn trọng chế độ chính trị, con đường phát triển của Việt Nam. Hay qua đại dịch Covid-19, càng thấy mô hình đó rất đang nể trọng và học tập.
“Việt Nam là hình mẫu cho nhiều quốc gia dân tộc noi theo”, ông Phú khẳng định.
Chia sẻ với các đại biểu, GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc “đất nước Việt Nam chưa bao giờ có cơ đồ, vị thế, uy tín như hôm nay” thời gian qua trên thực tế, mang tính khoa học rất cao.
“Đây không chỉ là ý kiến cá nhân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà có thể coi đó là một tổng kết mang tính khoa học cao”, nhà giáo, nhà khoa học ưu tú GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia, đây là cách tổng kết và đánh giá một cách ngắn gọn, khái quát cao về thành tựu của đất nước trong hơn 90 năm Đảng lãnh đạo cách mạng, hơn 75 năm xây dựng nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đặc biệt là thành tựu của hơn 30 năm tiến hành công cuộc Đổi mới.
Phân tích về cơ đồ đất nước, cơ đồ của Việt Nam, GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh, phải khẳng định đó là tiềm lực kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, là hệ thống chính trị ngày càng hoàn thiện, vững mạnh.
Theo Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Đảng Cộng sản Việt Nam với trên 5.000.000 đảng viên, có hệ thống tổ chức xuống tới cơ sở, đang triển khai quyết liệt công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngày càng trong sạch vững mạnh, xứng đáng với vai trò lãnh đạo, đứng đầu và niềm tin của người dân. Việt Nam còn có nhà nước pháp quyền từng bước đi vào hiện đại, đồng thời, toàn Đảng, toàn dân, toàn Quân cũng xây dựng nhà nước kiến tạo, liêm chính, vì dân…
Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng mở rộng hệ thống các tổ chức hội nghề nghiệp, phi chính phủ, tạo ra một không khí, xã hội dân chủ đang từng bước đi đến văn minh, công bằng.
“Có thể nói đó là bước tiến rất dài so với trước đây”, đồng chí Phùng Hữu Phú nêu rõ.
Chuyên gia phân tích thêm, gần đây, cả thế giới đều lao đao vì Covid-19, kể cả những cường quốc cũng không thể đứng vững. Trong bối cảnh đó, Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia khống chế thành công đại dịch.
Theo GS.TS Phùng Hữu Phú, có được thành quả đó là vì đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ Trung ương xuống cơ sở, địa phương.
“Lâu nay có nhiều ý kiến nói hệ thống đó cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, nhưng hóa ra không phải. Lúc cần đến mới thấy hệ thống đó có sức mạnh rất lớn”, VOV dẫn lời Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định.
Việt Nam không còn là nước nông nghiệp lạc hậu
Thành tựu được Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nêu ra chính là xã hội Việt Nam trước đổi mới có 70% hộ nghèo, giờ sau 35 năm đổi mới còn 4%, đó là thành tích lớn, đã được thế giới thừa nhận. Việt Nam là một trong những nước giảm nghèo thành công nhất.
Trong tham luận của mình, GS.TS Phùng Hữu Phú cho rằng quan niệm Việt Nam là quốc gia nông nghiệp lạc hậu, nền nông nghiệp chiếm tới 90% giờ đã không còn nữa.
Việt Nam có nền kinh tế độc lập tự chủ, đang hướng đến cơ cấu nông nghiêp, công nghiệp, dịch vụ theo hướng hiện đại, nông nghiệp ngày càng giảm, công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng. Đáng chú ý, tỷ lệ cơ cấu nông nghiệp của Việt Nam giảm nhưng giá trị không giảm mà ngày càng tăng lên. Ông Phú phân tích, từ nền kinh tế tự cung tự cấp là chính, Việt Nam đã chuyển sang nền kinh tế thị trường giao thương cả nước, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, trở thành một những nền kinh tế mở của thế giới.
Theo vị chuyên gia, từ lúc nền kinh tế thô sơ với con trâu, cái cày, giờ nông dân đã sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, nắm bắt nhu cầu thị trường, ứng dụng công nghệ trong trồng trọt chăn nuôi.
“Nông dân Việt Nam không khác nhiều so với nông dân phương Tây, ngày đi ô tô ra ruộng, tối mặc comple đội mũ phớt đi uống cà phê nghe nhạc. Khác quá xa, quá nhanh so với ít năm trước đây”, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương bày tỏ.
GS.TS Phùng Hữu Phú cho biết thêm, nhiều nhà máy, doanh nghiệp đi rất nhanh đến hiện đại. Từ thương mại truyền thống đi rất nhanh sang thương mại điện tử. Trong một số năm nữa khi đẩy nhanh chuyển đổi kinh tế số, kinh tế Việt Nam sẽ còn tiến nhanh hơn nữa.
“Quốc tế đánh giá tốt lắm. Chúng ta không say sưa với những thành tựu đó, nhưng có thể thấy đó để tự tin hơn trong thời gian tới”, GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh.
Việt Nam có tiềm lực quốc phòng mạnh
Đối với an ninh quốc phòng, theo vị chuyên gia, những năm gần đây, chủ trương đưa một số quân binh chủng đi nhanh lên hiện đại, sản xuất vũ khí tối tân hơn, có khả năng tăng tiềm lực quân sự, phòng thủ quốc gia: tàu ngầm, tên lửa, máy bay hiện đại của Bộ Quốc phòng Việt Nam được ưu tiên, chú trọng.
“Không giàu nhưng phát triển công nghiệp quốc phòng, cải tiến vũ khí khí tài có hiệu suất chiến đấu cao. Chúng ta có được một xã hội ổn định, bình yên là nhờ có tiềm lực quốc phòng an ninh đủ mạnh để đảm bảo ổn định môi trường hòa bình”, GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh.
Nhờ đó, theo ông Phú, Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng của giới đầu tư nước ngoài, trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về thu hút đầu tư nước ngoài. Vấn đề bây giờ là làm sao để thể chế thông thoáng hơn, cơ sở kết nối hạ tầng thông thoáng hơn. GS. Phùng Hữu Phú khẳng định, những tiềm lực ấy kết nối với nhau tạo thành tiềm lực tổng hợp, tăng sức mạnh tổng hợp của quốc gia.
Thế giới phải ngỡ ngàng trước vị thế của Việt Nam?
Trong tham luận của mình, GS.TS Phùng Hữu Phú cho rằng, Việt Nam từng là quốc gia không có tên trên bản đồ, bị bao vây, cấm vận, “thân thể” đầy vết thương sau chiến tranh, “chỗ dựa” thì sụp đổ.
Tuy nhiên, nhờ thực hiện đúng đường lối đối ngoại, là đối tác, là bạn, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã thực hiện bằng hành động chứ không chỉ lời nói, dẫn tới vị thế quốc tế được nâng lên rõ rệt.
Ông Phú dẫn chứng, điển hình là Việt Nam đã đăng cai tổ chức nhiều hội nghị quốc tế lớn, hội nghị của liên minh nghị viện, đón các nguyên thủ quốc gia, nhiều nguyên thủ nước lớn đến Việt Nam với tần suất cao.
“Đặc biệt, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều được tổ chức ở Hà Nội, đã khiến thế giới ngỡ ngàng. Đó là sự kiện biết nói, khách quan, cho thấy vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao”, GS.TS Phùng Hữu Phú khẳng định.
Từ cơ đồ tiềm lực, vị thế tạo ra uy tín khách quan của Việt Nam. Trước hết là uy tín đối với Đông Nam Á, Việt Nam là một thành viên tích cực có trách nhiệm, nhiều đóng góp. Theo ông Phú, những lần Việt Nam đóng vai trò Chủ tịch khối ASEAN đã thể hiện rất xuất sắc. Những năm Việt Nam làm Chủ tịch, hoạt động của khối rất sôi động có nhiều sáng kiến.
“Từ đó dẫn đến hệ quả tất yếu là các nước lớn muốn đặt chân và phát huy ảnh hưởng ở khu vực đều muốn qua Việt Nam. Trong các cuộc gặp, họ bày tỏ mong muốn “hy vọng Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để thâm nhập rộng hơn vào ASEAN”. Như vậy, tiếng nói của Việt Nam có trọng lượng trong khu vực”, vị chuyên gia chỉ rõ.
Chốt lại, GS.TS Phùng Hữu Phú cho rằng, phải thống nhất đánh giá chưa bao giờ Việt Nam có cơ đồ tiềm lực vị thế uy tín như hôm nay, đồng thời, đây là cơ sở để tin vào bản thân, có đủ khả năng để tiếp tục đi tới với những mục tiêu cao hơn nữa.
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cũng thẳng thắn thừa nhận, con đường đi lên chắc chắn còn nhiều khó khăn, cạm bẫy, nhưng tuyệt đối không được để mất niềm tin.
“Tư tưởng phải thống nhất, nhưng tuyệt đối không được chủ quan, những “tật bệnh” (tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, bộ máy cửa quyền, quan liêu – PV) phải kiên quyết xử lý, để phát triển nhanh và bền vững hơn”, nhà giáo ưu tú, nhà khoa học GS.TS Phùng Hữu Phú khẳng định.