Việt Nam đối mặt với "sức ép" nào trong vị trí Chủ tịch HĐBA LHQ trong tháng 4 này?

HÀ NỘI (Sputnik) - Trong tháng 4 này, Việt Nam đang đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp quốc (LHQ). Giữa “đấu trường” quốc tế với nhiều sức ép, đây là 3 vấn đề ưu tiên Việt Nam cần phải khẩn trương thực hiện.
Sputnik

Có 3 ưu tiên Việt Nam cần thực hiện trong tháng 4

Trên cương vị Chủ tịch HĐBA, ngoài việc phải thực hiện nhiều việc định kỳ theo tháng, cũng như tổ chức, chủ trì, điều hành các cuộc họp của HĐBA; Việt Nam còn tổ chức trao đổi với nhiều cấp để thống nhất chương trình làm việc và các ưu tiên trong tháng làm chủ tịch.

Đồng thời, Việt Nam sẽ đại diện HĐBA trong quan hệ, thông tin với các nước thành viên ngoài HĐBA, các cơ quan của LHQ, tổ chức quốc tế và báo chí để thực hiện nỗ lực tăng cường thông tin và minh bạch hóa hoạt động của HĐBA. Đặc biệt, trong vai trò Chủ tịch HĐBA, trong tháng 4/2021, Việt Nam triển khai một số sự kiện điểm nhấn, đồng thời là 3 ưu tiên sau:

  1. Tăng cường hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột;
  2. Khắc phục hậu quả bom mìn; Duy trì hòa bình bền vững, tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn;
  3. Bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang.

Lịch và chủ đề các phiên họp HĐBA LHQ sắp tới

Việt Nam đưa ra quyết sách gì trong ngày đầu tiên là Chủ tịch HĐBA LHQ?
Trong đó, phiên họp tối 08/04 của cấp bộ trưởng trực tuyến về chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hoà bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn” do Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn chủ trì đã thực hiện. Sắp tới vào ngày 19/04, sẽ là phiên thảo luận cấp cao trực tuyến về chủ đề “Tăng cường hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột” do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Ngày 27/04, Phiên thảo luận mở trực tuyến về chủ đề “Bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang” do lãnh đạo Bộ Ngoại giao chủ trì.

Phương châm của Việt Nam là dựa trên kinh nghiệm đảm nhận vị trí chủ tịch HĐBA tháng 1/2020 và năm đầu tiên tham gia HĐBA, Việt Nam sẽ thể hiện vai trò chủ tịch một cách tích cực, chủ động, có trách nhiệm; khách quan, minh bạch; xử lý hài hoà, cân bằng mối quan tâm của các nước đối với vấn đề được thảo luận tại HĐBA và thúc đẩy hợp tác, đồng thuận tại HĐBA.

Từ nay cho đến hết nhiệm kỳ vào cuối năm 2021, chúng ta sẽ tiếp tục thúc đẩy các ưu tiên đề ra từ khi ứng cử là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ.

 

Thảo luận