Anh hùng Việt Nam Phạm Tuân và chuyến du hành vũ trụ lịch sử

Hà Nội (Sputnik) – Nhân dịp kỷ niệm 60 Ngày Yuri Gagarin bay vào vũ trụ (12/4/1961 – 12/2/2021), nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Việt Nam Phạm Tuân đã trả lời phỏng vấn Sputnik về hành trình chinh phục vũ trụ của ông.
Sputnik

Khó khăn, áp lực của nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân

Ngày 23/7/1980, Phạm Tuân được Hội đồng Quốc gia Nga lựa chọn trở thành phi công vũ trụ chính thức trong chuyến bay trên con tàu vũ trụ (Liên hợp-37. Đến nay, ông vẫn là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất bay vào vũ trụ. Ở tuổi 74, dù đã nghỉ hưu nhiều năm nhưng ông vẫn thường xuyên dõi theo tin tức về chinh phục vũ trụ và cảm xúc chuyến bay ngày nào vẫn vẹn nguyên trong ông.

Chia sẻ với Sputnik về những khó khăn, áp lực khi được tuyển chọn để đào tạo để bay vào vũ trụ, ông bộc bạch:

“Bay vũ trụ là một lĩnh vực hết sức mạo hiểm nên quá trình học tập phải đến nơi đến chốn và có kỷ luật cao để có thể xử lý tốt tất cả tình huống. Và người ta phải kiểm tra mình học tốt cái này mới cho mình học cái khác, cho nên các phi công Việt Nam rất cố gắng học tập để làm sao nắm vững kiến thức và kết quả là đội tuyển Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn rất tốt và đã bay thành công.

Các nước đều phải học 3 năm nhưng riêng phi công Việt Nam được ưu tiên học 1,5 năm bởi ông đã học qua phi công, chiến đấu và thời gian ở Học viện. Chính vì thế, ông Phạm Tuân cho biết mức độ học càng khó, càng phức tạp.

Có bao nhiêu bức tượng phi công vũ trụ Liên Xô tại Việt Nam?

Nói về điều kiện sức khỏe để đảm bảo trở thành phi công, ông cho biết:

“Sức khỏe con người nó phải biến đổi, lúc tốt, lúc chưa tốt. Lúc chưa tốt thì phải rèn luyện cho tốt. Tôi thì có cái là tim không tốt lắm ở trạng thái tĩnh, tức kiểm tra lúc bình thường thì đôi khi nhịp đập không bình thường. Nhưng lúc quá tải, làm việc càng nặng thì càng ổn định, chính vì thế mà tôi vượt qua được những cái mà nhiều người không đạt được. Ví dụ, đến tôi, khi kiểm tra chạy, nhảy thì lại ổn định. Và đến trước chuyến bay thì họ đánh giá là tất cả hệ thống thần kinh tim, phổi của tôi hoạt động hoàn toàn bình thường. Hơn nữa, tôi đã trải qua quá trình rèn luyện, chiến đấu, đánh nhau, qua cửa sinh tử cả rồi thì bây giờ những chuyện này cũng là bình thường.

Ông cho biết khoa học - công nghệ của Việt Nam thời đó còn chưa phát triển nhưng với sự giúp đỡ của các nước đi trước và đặc biệt là Liên Xô, Việt Nam có thể nắm vững khoa học, công nghệ để không những trong chiến tranh, mà trong các điều kiện khác Việt Nam đều có thể vươn tới và làm được. Nghĩa là có sự hợp tác quốc tế thì mọi sự Việt Nam cũng có thể làm được.

Anh hùng Việt Nam Phạm Tuân và chuyến du hành vũ trụ lịch sử

Chuyến bay của Phạm Tuân đã trở thành sự kiện lịch sử trong đời sống nhân dân hai nước Liên Xô/Nga – Việt Nam, đánh dấu mốc son mới vào sự phát triển tình hữu nghị truyền thống và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Liên Xô trước đây, cũng như Việt Nam - Liên bang Nga ngày nay.

Trong toàn bộ thời gian trên quỹ đạo, con tàu thực hiện 142 vòng quỹ đạo quanh Trái Đất, tiến hành gần 40 thí nghiệm viễn thám hàng không, hòa tan các mẫu khoáng chất và các thí nghiệm khoa học cây trồng trên bèo hoa dâu.

Ngày 23/7/1980 Phạm Tuân cùng với nhà du hành vũ trụ Xô viết Viktor Vassilyevich Gorbatko được phóng vào không gian từ sân bay vũ trụ Baikonur trên tàu Soyuz 37. Ngày 31/7/1980, tức sau một tuần, cả hai trở về Trái Đất trên tàu Soyuz 36. Họ thực hiện nhiệm vụ trên trạm không gian Salyut 6 cùng với hai nhà du hành vũ trụ Xô viết khác. Nhớ lại khoảnh khắc du hành không gian, ông Phạm Tuân từng nói:

“Lần đầu tiên tôi nhìn thấy quả đất tròn xoay nằm lơ lửng giữa một không gian xanh thẳm, trong không gian không trọng lực, cảm giác rất đặc biệt. Thú vị thứ hai là ngày đêm chỉ kéo dài trong 90 phút, trong đó 60 phút ban ngày, 30 phút là đêm. Tàu bay qua tất cả các nước, nhìn qua cửa sổ tôi thấy sao lấp lánh, to hơn và cũng sáng hơn nhiều vì không gian tinh sạch, rồi cảnh mặt trời, mặt trăng. Tôi đã cố gắng tìm dải đất hình chữ S thân thương để ngắm nhìn. Trước đó tôi cũng lái máy bay rất nhiều nhưng để bay cao như thế thì có lẽ cả đời chỉ có một, cảm giác quá tự hào”.

60 năm Yuri Gagarin bay vào vũ trụ

Nhân dịp tròn 60 năm chuyến bay vào vũ trụ của nhà du hành Yuri Gagarin và 40 năm chuyến bay vào vũ trụ của anh hùng Phạm Tuân, chiều 12/4, tại Hà Nội, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ Việt Nam) và Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga đã phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm các sự kiện đặc biệt này. Chương trình tiếp nối chuỗi sự kiện chào mừng 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Liên bang Nga.

Anh hùng Việt Nam Phạm Tuân và chuyến du hành vũ trụ lịch sử

Tại sự kiện, Ban tổ chức cũng trình chiếu bộ phim tài liệu “Yuri Gagarin - Bảy năm cô đơn”, do Công ty Phát thanh và Truyền hình Trung ương Toàn Nga cung cấp. Bộ phim kể về một số câu chuyện thú vị trong cuộc đời của nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin. Các ngôi sao thế giới xếp hàng dài để xin chữ ký của anh. Những người quyền quý xin phép được chụp ảnh cùng anh. Còn anh mơ ước duy nhất một điều là: bay, khám phá những nơi chưa được biết đến. Vinh quang đến với anh vào năm 27 tuổi và 34 tuổi là lúc anh qua đời.

Từ tên lửa xuyên lục địa R-7 đến tên lửa đưa các tàu vũ trụ lên không gian

Tham dự sự kiện, về phía Nga có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Konstantin Vasilievich Vnukov cùng phu nhân – bà Yulia Borisovna; Trưởng đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam Kharinov Viacheslav Nikolaivich, Giám đốc Trung tâm khoa học và văn hoá Nga Victor Vasilaivich Stepanov. Phía Việt Nam, có Trung tướng Phạm Tuân, nhà du hành vũ trụ, Anh hùng Liên Xô, Anh hùng Lao động Việt Nam; Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng cùng một số đại diện bộ, ban ngành.

Anh hùng Việt Nam Phạm Tuân và chuyến du hành vũ trụ lịch sử

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Nga K.V.Vnukov cho biết ông đặc biệt vinh dự được đón đồng chí Phạm Tuân - Anh hùng Liên Xô và Anh hung các Lực lượng vũ trang nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhà du hành vũ trụ huyền thoại và người bạn vĩ đại của nước Nga. Ông nhớ lại:

“Tôi đã trải qua thời thơ ấu và những năm học ở thị trấn quân sự Chkalovsky gần Moscow. Vào thời điểm đó, “Thành phố Ngôi sao”, nơi đồng chí Phạm Tuân được đào tạo mới được xây dựng. Do đó, đội ngũ đầu tiên của các nhà du hành vũ trụ đã sống và làm việc tại Chkalovsky. Con đường dẫn đến trường của tôi, nay được mang tên Phi hành gia số 2 German Stepanovich Titov chạy ngang qua ngôi nhà, nơi Yu.A. Gagarin sinh sống, mà tôi nhìn thấy khá thường xuyên. Tôi không bao giờ quên cuộc trò chuyện với anh khi anh dạy con gái Lena đi xe đạp trong sân nhà. Khi đó anh hỏi tôi có biết đi xe đạp không. và tôi vui mừng trả lời có, tôi đi rất thành thạo, Yuri Alekseevich cười và nói con gái Elena của anh cũng sẽ biết đi! Và điều đó đã xảy ra. Hơn nữa, chúng tôi với Elena Yuryevna đã trở thành người thân của nhau”.
Anh hùng Việt Nam Phạm Tuân và chuyến du hành vũ trụ lịch sử

Không chỉ được ôn lại những câu chuyện cũ về hành trình chinh phục vũ trụ của Yuri Gagarin và Phạm Tuân, để kỷ niệm cột mốc đặc biệt này, Cục Văn thư là Lưu trữ đã ra mắt ấn phẩm tài liệu “Chuyến du hành vũ trụ lịch sử”.

“Cuốn sách dày 130 trang, giới thiệu các tài liệu, hình ảnh tiêu biểu được lựa chọn từ các cơ quan lưu trữ và văn hóa của hai nước. Đặc biệt, trong sách có một số tài liệu vừa giải mật, lần đầu tiên được công bố giới thiệu tới bạn đọc, cung cấp những thông tin, tài liệu có giá trị không chỉ đối với các nhà nghiên cứu về thành tựu khoa học kỹ thuật ý nghĩa nêu trên, về lịch sử quan hệ quốc tế mà còn với tất cả những ai quan tâm đến lịch sử quan hệ hai nước Việt Nam và Liên bang Nga”, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng nói.

Từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, qua các giai đoạn, thời kỳ lịch sử, Việt Nam và Liên Xô đã triển khai ký kết hàng loạt các văn bản, hiệp định, hiệp nghị, hiệp ước hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật, quân sự, trong đó có lĩnh vực về hàng không, vũ trụ. Từ đó, dẫn tới sự kiện lịch sử năm 1980 với việc nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Việt Nam - Phạm Tuân bay vào không gian vũ trụ trên con tàu “Liên hợp-37” cùng với người bạn đồng hành Liên Xô Viktor Vassilyevich Gorbatko.

Nhà du hành vũ trụ Nga nghi ngờ giả thiết về cái chết của Yuri Gagarin

Có mặt tham dự sự kiện, Trung tướng, nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân nói:

“Liên Xô là một đất nước vĩ đại, đã lập nên rất nhiều kỳ tích, đặc biệt trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ vì mục đích hòa bình. Đối với Việt Nam chúng ta, Liên Xô đã có nhiều tình nghĩa sâu sắc. Đặc biệt, Bác Hồ của chúng ta hết sức quan tâm đến tình hữu nghị đoàn kết giữa Việt Nam – Liên Xô và đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực chinh phục vũ trụ của Liên bang Xô Viết trước đây, khát khao mong muốn với sự giúp đỡ của các nước, trong đó trực tiếp là Liên Xô, Việt Nam sẽ vươn lên và theo kịp các nước trên thế giới. Tôi hết sức vinh dự được thực hiện mong muốn đó, là người Việt Nam đầu tiên cùng với các bạn Nga sánh vai bay vào vũ trụ”.

Anh hùng Liên Xô, Anh hùng Lao động Việt Nam nói rằng khi đó phe xã hội chủ nghĩa đã thể hiện ưu thế tuyệt đối. Khi đó, Việt Nam đoàn kết với Liên Xô trên mặt đất, trên biển, trên trời và đến bấy giờ, tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam với Nga mở ra cả trong vũ trụ.

Anh hùng Việt Nam Phạm Tuân và chuyến du hành vũ trụ lịch sử

Cũng từ chuyến bay vào vũ trụ lịch sử trên con tàu con tàu “Soyuz-37” (Liên hợp-37), các nhà khoa học Việt Nam đã được tiếp cận với lĩnh vực khoa học vũ trụ. Anh hùng Phạm Tuân nhận định đây là cơ sở nền tảng cho các nhà khoa học Việt Nam tiếp tục nghiên cứu về vũ trụ, phục vụ cho mục đích hòa bình, phát triển kinh tế - xã hội.

“60 năm chuyến bay vào vũ trụ đầu tiên của con người và 40 năm chuyến bay vào vũ trụ của Việt Nam chúng ta, tôi nghĩ rằng ý nghĩa vĩ đại của chuyến bay đầu tiên của Gagarin vẫn còn tồn tại cho đến bây giờ”, ông Phạm Tuân nói.

Mong rằng tình hữu nghị giữa hai nước, trải qua các thời kỳ khó khăn gian khổ, tiếp tục trở thành động lực lớn cho chúng ta xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thảo luận