Thủ tướng chỉ đạo rà soát đất đai tại 30 tỉnh, thành trong "cơn sốt đất"

HÀ NỘI (Sputnik) - Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra tình trạng phân lô, bán nền không rõ ràng tại các tỉnh sau.
Sputnik

Ngày 12/04 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, Cơ quan này vừa ban hành Công văn số 1009/BTNMT-TTr về việc chấp thuận kế hoạch kiểm tra năm 2021. Theo quyết định này, Bộ TN&MT giao Tổng cục Quản lý đất đai tiến hành kiểm tra tại 26 tỉnh, thành phố.

Rà soát trên diện rộng

Để chấp hành các quy định của Luật Đất đai trong việc thực hiện quy hoạch, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, nội dung của đợt kiểm tra lần này là:

  • Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp phải xin phép;
  • Việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa;
  • Việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để thực hiện các dự án tại địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận từ trước ngày 1-7-2014.

Cụ thể tại các tỉnh, thành gồm: Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Hà Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Bình Định, Kon Tum, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An...

Trong đó,  tại TP Hải Phòng sẽ kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong việc đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19-1-2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước về đất đai và Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31-12-2017 của Chính phủ về quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Tại TP HCM, Đồng Nai, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Cần Thơ sẽ kiểm tra việc chấp hành các quy định của Luật Đất đai trong thực hiện quy hoạch, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất tập trung vào các nội dung: các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp phải xin phép; việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa; việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để thực hiện các dự án tại địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận từ trước ngày 1-7-2014.

Khánh Hòa trở thành “điểm nóng”

Trước đó, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cũng đã ký ban hành Quyết định số 262 ngày 5-2-2021 phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2021, trong đó giao Tổng cục Quản lý đất đai thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại tỉnh Lâm Đồng, Hưng Yên, Ninh Bình và Bình Thuận.

Người dân Nha Trang đang ‘đòi lại’ bãi biển từ doanh nghiệp

Ngày 12/4, lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Khánh Hòa cho biết thanh tra Bộ TN&MT đã công bố quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật về lĩnh vực đất đai tại tỉnh Khánh Hòa. Vấn đề mà mà tỉnh này đang phải đối diện gần đây là tình trạng phân lô, bán nền.

Dự kiến, đợt thanh tra lần này sẽ kéo dài trong 30 ngày. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT sẽ thực hiện tại 3 tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Thuận nhằm làm rõ tình trạng phân lô, bán nền bát nháo tại Nam Trung Bộ.

Đồng thời, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, kiểm tra và xử lý kịp thời tình trạng tự san nền, làm đường, xây dựng công trình hạ tầng trái phép trên địa bàn quản lý, kiên quyết yêu cầu tổ chức, cá nhân sử dụng đất khắc phục nguyên trạng khu đất. Tuy nhiên, việc phân lô bán nền tràn lan vẫn đang diễn ra và chưa hết “sốt”.

Cụ thể, sàn giao dịch vẫn tiếp tục chào bán những dự án tự phong ví dụ Cường Thịnh Land rao bán Cam Lâm Central Park với những lời mời gọi như:

Bộ TN&MT sẽ thanh tra quản lý đất đai tại một số tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

"Cam Lâm Central Park là dự án khu dân cư trong lòng thị trấn Cam Đức… là trọng tâm của làn sóng bất động sản tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa”.

Giá đất Cam Lâm tăng mạnh khi tiềm năng du lịch tại khu vực biển Bãi Dài được nhiều chuyên gia đánh giá là rất lớn và có nhiều ưu điểm tự nhiên hiếm có. Tuy nhiên, tìm hiểu thực tế, cái gọi là Cam Lâm Central Park chỉ là 29 lô đất tại thôn Bãi Giếng (thị trấn Cam Đức). Hay sàn giao dịch bất động sản Hưng Vượng Land chào bán dự án Suối Tân Diamond, Cam Lâm Future City tại khu vực huyện Cam Lâm… Thực chất các "dự án" nói trên là những lô đất được phân thành vài chục nền riêng lẻ.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, đơn vị này đã mời hơn 80 sàn giao dịch và cơ sở kinh doanh môi giới bất động sản hoạt động trên địa bàn đến tuyên truyền, yêu cầu không tự tiện môi giới chuyển nhượng đất nền do tổ chức, cá nhân tự gom đất mà không lập dự án đầu tư; đồng thời xử lý vi phạm về xây dựng trái phép (hạ tầng) trên khu đất tự phân lô chuyển nhượng đất nền không lập dự án đầu tư theo thẩm quyền.

Nhiều cán bộ “nhúng chàm”

Trong thời gian qua, song song với việc giá đất lên cơn sốt là những sai phạm về công tác quản lý đất đai của nhiều cán bộ được phát hiện, xử lý. Ví dụ như chỉ từ tháng 9/2019 đến nay, nhiều cán bộ lãnh đạo của TP Phan Thiết và ngành TN-MT tỉnh Bình Thuận đã bị kỷ luật, thậm chí bị kết án do vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

Đất ít, người đông, ‘cơn sốt’ giá: Bức tranh thị trường bất động sản Việt Nam

Cụ thể, tại TP Phan Thiết, trong giai đoạn từ tháng 2/2016 đến tháng 12/2018, lãnh đạo địa phương này đã cho chuyển 132 thửa từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn trái pháp luật với diện tích hơn 170.000 m2. Từ các thửa đất này, nhiều khu dân cư trái phép hình thành, gây nên tình trạng bát nháo phân lô bán nền, phá vỡ quy hoạch sử dụng đất tại 3 xã: Tiến Lợi, Thiện Nghiệp, Phong Nẫm. Hệ quả kéo theo gồm 6 người nguyên là lãnh đạo, cán bộ TP Phan Thiết đã bị kết án với tội danh "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai". Hàng loạt cán bộ ngành TN-MT tỉnh Bình Thuận đã phải nhận kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cách chức, giáng chức.

Những hạn chế, sai phạm liên quan đến công tác quản lý đất đai xảy ra ở một số địa phương tại Bình Thuận thời gian qua có phần thể hiện sự buông lỏng, xử lý các vi phạm trong sử dụng đất đai, trật tự xây dựng chưa nghiêm. Các vi phạm kéo dài phá vỡ quy hoạch đất đai, gây bức xúc và tạo dư luận không tốt.

Sốt đất ở Việt Nam, nhiều nghi vấn vẫn đang bỏ ngỏ?

Trước tình trạng trên, Tỉnh ủy Bình Thuận đã có Công văn số 1461-CV/TU năm 2019 yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách về đất đai. Định kỳ hằng năm phải chỉ đạo cơ quan chức năng tham mưu xây dựng kế hoạch thanh - kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất để phát hiện hạn chế, thiếu sót. Tỉnh ủy Bình Thuận cũng yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, trật tự xây dựng đã phát hiện, nhất là các địa bàn: TP Phan Thiết, các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Phú Quý; chú ý khu vực ven biển, khu vực giáp ranh đô thị…

Thảo luận