“Họ được đặt biệt hiệu là “người xanh" của Trung Quốc, có giả thiết cho rằng đây thực ra là lực lượng dân quân do Bắc Kinh kiểm soát và theo đánh giá của các nhà phân tích, cơ số có thể đến hàng trăm tàu và hàng nghìn thành viên thủy thủ đoàn. Trung Quốc không thừa nhận sự tồn tại của họ như vậy nhưng khi hỏi về họ thì người ta gọi đó là “hình thái vũ trang của dân đi biển”, - CNN thông báo.
Các chuyên gia phương Tây nhấn mạnh rằng lực lượng đang nói đến chính là “bộ phận không thể thiếu trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hiện thực hóa tham vọng lãnh thổ ở Biển Đông và xa hơn nữa". Theo quan điểm của một số chuyên gia, các tàu sơn xanh và thủy thủ đoàn đều do Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cấp kinh phí và kiểm soát, có thể triển khai và củng cố nhanh chóng sự hiện diện của CHND Trung Hoa trên các đảo và rạn san hô tranh chấp, hiệu quả đến mức gần như không thể chống lại mà không kích động đụng độ quân sự.
Theo lưu ý của kênh truyền hình CNN, tháng trước, "hình thái dân quân" của Trung Quốc đã thể hiện mình khá ấn tượng khi 200 tàu cá Trung Quốc tập hợp gần bãi đá ngầm Whitsun thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Như các chuyên gia Samir Puri và Greg Austin từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Singapore tuyên bố, đây là một chiến dịch "chưa từng thấy về quy mô và độ dài thời gian tập trung" - trước đây, các tàu Trung Quốc chưa bao giờ dừng ở hòn đảo nào trong suốt mấy tuần lễ như vậy, hơn nữa còn là với số lượng đông đảo..
Philippines gửi công hàm phản đối Bắc Kinh
Khi đó, Philippines đã gửi công hàm phản đối Bắc Kinh, gọi sự hiện diện của các tầu Trung Quốc là "sự đe dọa" và đòi các tàu này rời khỏi lãnh thổ. Về phần mình, CHND Trung Hoa cũng lên tiếng phản đối, tuyên bố rằng các tàu mà ở một số thời điểm, như khẳng định của Manila, lên tới 220 chiếc, chỉ đơn giản là ghé vào tránh thời tiết xấu bên bãi đá ngầm mà Trung Quốc coi là của mình.
Tuy nhiên, bất chấp sự phủ nhận của phía Trung Quốc, dư luận phương Tây ít ai ngờ vực về cái gọi là “lực lượng dân quân trên biển” của Trung Quốc, - như CNN cho biết. Theo ông Karl Schuster cựu Giám đốc chiến dịch tại Trung tâm tình báo thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, lực lượng này "không đánh cá" – những con tàu được bọc thép và trang bị vũ khí tự động, là đội hình cực kỳ nguy hiểm ở cự ly gần. Ngoài ra, theo quan sát của chuyên gia Mỹ, tốc độ mà những con tàu bí ẩn của Trung Quốc có thể triển khai là 18-22 hải lý/giờ, tức là nhanh hơn 90% tàu cá trên thế giới.
Nhắc nhớ về "người xanh" của Nga, những quân nhân mặc trang phục màu xanh lá cây không có phù hiệu, "đã thâm nhập Crưm từ trước khi Matxcơva thôn tính bán đảo này* vào năm 2014", một số nhà phân tích cũng gọi hình thái “tàu cá” của Trung Quốc là "người xanh" - theo màu sơn trên thân tàu. Ngay từ năm 2017, hai chuyên gia hàng đầu của Mỹ nghiên cứu về lực lượng vũ trang Trung Quốc là Conor Kennedy và Andrew Erickson đã viết rằng "các hình thái vũ trang" là một thành tố quan trọng của quân đội Trung Quốc, là "lực lượng do Nhà nước tổ chức, phát triển và kiểm soát, hoạt động trong khuôn khổ mệnh lệnh từ trên xuống theo ngành dọc”.
Cũng có giả thiết là hình thái đang nói tới thuộc hạm đội khai thác hải sản Trung Quốc, lớn nhất thế giới với hơn 187 nghìn chiếc. Song đúng như học giả Erickson lưu ý, cho đến nay các chuyên gia phương Tây vẫn chưa rõ số lượng tàu thực sự trong "hình thái" này là bao nhiêu.
Theo kênh CNN, khái niệm "hình thái vũ trang biển" như là lực lượng hải quân không thường trực tạo điều kiện cho Bắc Kinh công bố các thể loại lực lượng của mình tại vùng lãnh thổ này hay địa bàn khác mà không cần đưa quân đội vào việc. Như giả thiết của các chuyên gia phương Tây, những con tàu bọc thép có thể dẫn đầu các đội tàu cá thực thụ.
Ông Derek Grossman, nhà phân tích của RAND Corporation nêu ý kiến: “Đây là những chiến dịch kinh điển trong các “vùng xám” mà nhiệm vụ là “giành chiến thắng nhưng không cần phải lao vào trận đánh”, bằng cách dùng vô số tàu cá áp đảo đối phương”.
Điểm lại các hoạt động của “người xanh” Trung Quốc trong những tuần lễ gần đây, ông Jay Batonbakal, Giám đốc Viện Các vấn đề Hàng hải tại ĐHTH Philippines tuyên bố rằng hình thái dân quân của CHND Trung Hoa “trên thực tế hiện nay đang chiếm đóng Whitsun Reef chỉ đơn giản bằng sự hiện diện của những con tàu. Qua đó cũng bộc lộ mục tiêu chiến lược của Trung Quốc - nhằm thiết lập quyền kiểm soát và thống lĩnh đối với toàn bộ Biển Đông thông qua cuộc điều động tăng dần này”.
Các chuyên gia chỉ ra rằng dưới góc độ chiến thuật các tàu cá gây không ít khó khăn cho một hạm đội quốc phòng Nhà nước thông thường, kiểu như Hải quân Mỹ. “Bởi giá thành rẻ, tàu cá sẽ luôn vượt trội hơn tàu chiến về số lượng”, - các nhà phân tích La Thư Hiền (Luo Shuxian) và Jonathan Panther nhận xét. Với chiêu thức tập trung số lượng lớn, tàu cá có thể gây trở ngại cho tàu chiến khi tiến hành hoạt động chống tàu ngầm và các phương tiện bay.
Còn từ góc độ quan điểm chiến lược, cũng theo các chuyên gia La và Panther, tấn công các tàu như vậy cũng có thể nguy hiểm.
“Những nước yếu hơn ở Đông Nam Á chắc đều hiểu mối liên hệ giấu kín giữa tàu cá Trung Quốc và ban lãnh đạo Bắc Kinh, vì vậy các nước này có thể do dự về những hành động có thể gây phản ứng trả đũa từ phía Chính phủ Trung Quốc”, - các chuyên gia phân tích.
Trong chừng mực luôn khẳng định rằng những con tàu này không phải là tàu chiến và các thuyền viên không phải là lực lượng quân sự, chính giới Trung Quốc sẽ vin vào lập luận rằng bất kỳ hành động của hải quân hoặc Cảnh sát biển nước ngoài chống lại các “tàu cá” này đều là cuộc tấn công nhằm vào thường dân của CHND Trung Hoa.
“Sức mạnh của hình thái vũ trang trên biển hàm chứa ở khả năng bác bỏ phủ nhận phần tham gia của họ trong hoạt động quân sự, đồng thời lại cho phép các tàu này quấy nhiễu và đe dọa tàu dân dụng và tàu chiến của nước ngoài, trong khi Trung Quốc ra sức xoa dịu căng thẳng bằng cách không thừa nhận mối liên hệ của Nhà nước và quân đội với hoạt động của “tàu cá” đó”, - các học giả La và Panther lý giải.
Trong bối cảnh này, theo ý kiến của các chuyên gia, hiện hữu mối đe dọa là Trung Quốc sẽ ngày càng muốn sử dụng hình thái này thường xuyên hơn để thực thi mục tiêu lợi ích then chốt của Bắc Kinh, từ đó làm tăng cao nguy cơ xảy ra xung đột với các tàu chiến Mỹ đang muốn thay đổi tình hình.
Khái niệm “hình thái vũ trang biển” sản sinh ở Trung Quốc từ khi nào?
Theo dữ liệu của các chuyên gia, khái niệm "hình thái vũ trang biển” khởi đầu ở Trung Quốc từ năm 1949, sau cách mạng, khi Chính phủ Mao Trạch Đông không đủ nguồn lực đáng kể đã cố gắng củng cố tuyến bờ biển của đất nước. Vào những năm 60, với sự ra đời của Hải quân, các hình thái này bắt đầu được huấn luyện quân sự đầy đủ, và trong những năm 70, với việc sử dụng các phương tiện cơ động quen thuộc với tàu cá, họ đã giúp Bắc Kinh chiếm quyền kiểm soát quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ở Biển Đông.
Các nhà phân tích cho rằng, xét hoạt động thành công của hình thái vũ trang dân biển Trung Quốc, trong những năm tới rõ ràng trên bình diện cán cân sức mạnh sẽ phải tính đến lực lượng này vì Bắc Kinh chắc không từ bỏ loại công cụ hữu hiệu như vậy.
“Vụ việc với bãi đá ngầm Whitsun là xác nhận rất rõ về việc Trung Quốc sẵn sàng đi theo con đường mạo hiểm tập trung tàu đông đặc trong vùng tranh chấp”, - các ông Puri và Austin giải thích.
Theo nhãn quan của các chuyên gia, việc để cả thế giới tù mù không rõ ràng về ý đồ thực sự của lực lượng “người xanh” chỉ có lợi cho Bắc Kinh. Trong bối cảnh mơ hồ như vậy, các chiến lược gia của CHND Trung Hoa có thể thấy hiệu quả từ chiêu thức răn đe nhất định, bởi các đối thủ phải liên tục đau đầu cố gắng đoán kế hoạch của Bắc Kinh mà không dám hành động kiên quyết.
*Crưm nhập vào thành phần LB Nga sau khi đa số cư dân trên bán đảo bỏ phiếu tán thành trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 16 tháng 3 năm 2014 (ghi chú của Sputnik).