Trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến căng thẳng, nhất là ở khu vực đá Ba Đầu, Trường Sa, động thái bắt tay hợp tác về quân sự quốc phòng - nâng cao năng lực hàng hải giữa Việt Nam và Ấn Độ thu hút sự chú ý của dư luận.
Xuất hiện ý kiến cho rằng, có thể, Hà Nội sẽ cùng New Delhi tạo ‘liên minh quân sự chiến lược’ chống lại những hành vi gây hấn của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, xét theo chính sách đối ngoại quốc phòng chiến lược đầy khôn khéo của Hà Nội khó có khả năng Việt Nam ‘đi với nước này để chống nước kia’.
Động thái mới trong hợp tác quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ
Truyền thông, dư luận trong nước và quốc tế những ngày qua dành sự chú ý nhất định đến mối quan hệ hợp tác quốc phòng, quân sự, an ninh hàng hải giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Lễ hạ thủy, đặt ky cho 2 trong số 12 tàu tuần tra cao tốc đang được đóng cho Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng của Việt Nam theo gói tín dụng quốc phòng trị giá 100 triệu USD của Chính phủ Ấn Độ vừa diễn ra ở thành phố Hải Phòng với bên tổ chức chủ trì là Bộ Tư lệnh Biên phòng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên đóng tàu Hồng Hà, Tổng Cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Cụ thể, thông tin từ Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam xác nhận, Đại sứ Pranay Verma đã có chuyến thăm đặc biệt tới Hải Phòng theo lời mời của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng.
Chuyến thăm Hải Phòng lần này của Đại sứ Ấn Độ có mục đích là cùng với đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam cùng hạ thủy một tàu tuần tra và đặt ky một tàu trong số 12 tàu tuần tra cao tốc, được đóng cho Việt Nam theo gói tín dụng quốc phòng trị giá 100 triệu USD của Chính phủ Ấn Độ.
Cùng với đó, Chính phủ Ấn Độ đã mở rộng gói tín dụng quốc phòng lên tới 600 triệu USD cho phía Việt Nam.
Trong thông cáo của mình, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam cho biết 12 tàu tuần tra cao tốc đang được đóng cho Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng Việt Nam theo gói tín dụng quốc phòng trị giá 100 triệu USD.
Bất chấp những gián đoạn do tình hình đại dịch Covid-19 gây ra, dự án vẫn tiến triển với tốc độ nhanh chóng. Đại sứ quán Ấn Độ cho biết, chiếc tàu đầu tiên đã được hạ thủy vào thời điểm diễn ra hội nghị cấp cao trực tuyến giữa thủ tướng Ấn Độ và thủ tướng Việt Nam vào ngày 21/12/2020.
Được biết, trong số 12 tàu tuần tra cao tốc đóng cho Việt Nam, hiện Công ty Larsen & Toubro (L&T) ở Ấn Độ đang đóng 5 chiếc, còn Công ty đóng tàu Hồng Hà ở Việt Nam đóng 7 chiếc còn lại.
Biểu tượng cho quan hệ đối tác quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ
Đại sứ quán Ấn Độ cũng cho hay, phát biểu tại buổi lễ hạ thủy và đặt ky ngày 9/4, Đại sứ Verma khẳng định dự án đóng tàu tuần tra cao tốc cho Biên phòng Việt Nam là một biểu tượng của quan hệ đối tác quốc phòng Ấn Độ - Việt Nam.
Đóng 12 tàu tuần tra thuộc gói tín dụng quốc phòng 100 triệu USD đồng thời phản ánh cam kết của Ấn Độ trong hợp tác công nghiệp quốc phòng với Việt Nam cũng như nâng cao năng lực của các lực lượng quốc phòng Việt Nam trong thời gian tới.
Đại sứ Verma khẳng định tầm quan trọng của dự án này được thực hiện trùng với thời điểm chuẩn bị kỷ niệm 75 năm ngày độc lập của Ấn Độ và 50 năm quan hệ ngoại giao Ấn Độ - Việt Nam.
Ông Verma bày tỏ tin tưởng rằng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và quốc phòng giữa Hà Nội và New Delhi sẽ tiếp tục phát triển như một nhân tố quan trọng đối với sự ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Đồng thời, quan hệ ngày càng được củng cố giữa Việt Nam và Ấn Độ cũng nằm trong định hướng “Tầm nhìn chung về hòa bình, thịnh vượng và người dân” được Thủ tướng hai nước (thời điểm đó là ông Nguyễn Xuân Phúc và người đồng cấp Narendra Modi) thông qua tại hội nghị cấp cao trực tuyến ngày 21/12/2020.
Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ những năm gần đây phát triển đặc biệt tích cực và vững chắc, nhất là khi nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện năm 2016.
Với dự án này, một lần nữa Hà Nội và New Delhi tái khẳng định, hợp tác quốc phòng là một trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Ấn Độ và Việt Nam.
Bộ Quốc phòng Việt Nam và Ấn Độ thường giữ mối quan hệ chặt chẽ và tăng cường hợp tác song phương. Hà Nội cùng New Delhi nhất trí tiếp tục thúc đẩy, phát huy các cơ chế tham vấn, đối thoại, mở rộng hợp tác công nghiệp quốc phòng, huấn luyện và phối hợp trong các hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc, đẩy mạnh hợp tác ứng phó các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Quan hệ hợp tác quốc phòng quân sự giữa Việt Nam và Ấn Độ phát triển đa dạng từ các cuộc trao đổi giữa các lực lượng đến trao đổi các đoàn quân sự, bao gồm những chuyến thăm của các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao, các chương trình đào tạo và nâng cao năng lực cũng như các cuộc tập trận, diễn tập song phương. Ấn Độ cũng là quốc gia thừa nhận quần đảo Trường Sa là của Việt Nam, đồng thời ủng hộ lập trường của Hà Nội đối với các tranh chấp ở Biển Đông.
Việt Nam và Ấn Độ có tạo ‘liên minh quân sự’ chống Trung Quốc?
Việc quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ ngày càng toàn diện, trong đó có việc đẩy mạnh các dự án về hợp tác quân sự quốc phòng thu hút sự chú ý rất lớn từ giới quan sát quốc tế cũng như dư luận trong nước, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp với sự gia tăng hiện diện quân sự của Trung Quốc.
Đầu tháng 1 năm 2021, Đối thoại chính sách Quốc phòng lần thứ 13 Việt Nam - Ấn Độ đã diễn ra, hai bên thống nhất “tiếp tục triển khai hiệu quả các nội dung hợp tác”, đặc biệt là kết quả Hội đàm cấp cao trực tuyến giữa Thủ tướng hai nước vào ngày 21/12/2020 và Điện đàm trực tuyến giữa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hai nước vào ngày 27/11/2020.
Cùng với đó, Hà Nội – New Delhi cũng nhấn mạnh tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đào tạo cán bộ, hợp tác giữa các quân binh chủng, hợp tác công nghiệp quốc phòng, gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, hợp tác trên các diễn đàn đa phương.
Hay hồi tháng 3, trong cuộc điện đàm giữa Trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam với Đại tướng Manoj Mukund Naravane, Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ, hai bên nhất trí tiếp tục phát triển quan hệ toàn diện, thực chất, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của khu vực và hai nước.
Cùng với việc thống nhất tăng cường hợp tác giữa Bộ Quốc phòng, lực lượng Lục quân hai nước, đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam và Ấn Độ cũng cho biết sẽ chủ động hợp tác thêm về lĩnh vực đào tạo (quân sự), quân y, công nghệ thông tin, thể thao quân sự…
Tờ EurAsian Times trong bài bình luận hôm 8/4 đã đặt ra câu hỏi liệu có khả năng Việt Nam và Ấn Độ tạo “liên minh chiến lược” về quốc phòng, an ninh hàng hải nhằm hạn chế sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực hay không. Qua đó cho thấy, đại diện chính quyền Ấn Độ và Việt Nam đã thảo luận về kế hoạch tăng cường hợp tác quân sự và các chiến lược đối thoại chung để phát triển quan hệ song phương và đa phương trong khu vực khi Bắc Kinh ngày càng có xu hướng gây hấn ở Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng đã có thông cáo báo chí hôm thứ Ba (6/4) về việc chính quyền New Delhi và Việt Nam tổ chức đối thoại an ninh hàng hải lần thứ hai theo hình thức trực tuyến.
“Tham vấn bao gồm việc trao đổi, thảo luận về những tiến trình phát triển trong hợp tác về an ninh hàng hải, các hoạt động thúc đẩy liên kết trong khu vực và cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ”, thông cáo của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết.
EuraAsian Times cũng nhắc lại Hội đàm cấp cao trực tuyến Việt Nam-Ấn Độ hôm 21/12 năm ngoái, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi coi Việt Nam là “trụ cột quan trọng trong Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ” và Hà Nội là “một đối tác quan trọng trong Tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương của New Delhi”.
Thủ tướng Cộng hòa Ấn Độ Modi khẳng định: “Hòa bình, ổn định và thịnh vượng là mục đích chung của chúng ta (Việt Nam - Ấn Độ) ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
EuraAsian Times cho rằng, quan hệ ngày càng được gắn kết giữa Ấn Độ với các nước ASEAN nhằm tìm kiếm lập trường chung chống lại sự gây hấn và lối ứng xử hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông là điều cần thiết mang tính chiến lược.
Bên cạnh việc duy trì quan hệ hợp tác trong các vấn đề quốc phòng, theo EuraAsian Times, Việt Nam xem xét tăng cường quan hệ đối tác với Ấn Độ để thăm dò tài nguyên trên Biển thuộc Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Việt Nam (cũng như đã hợp tác với phía Nga).
“Việc cả Ấn Độ và Việt Nam đều có chung vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc có khả năng giúp hai bên đạt được chiến lược chung nhằm tạo thế đối kháng chống lại Bắc Kinh”, EuraAsian Times nhận định.
Do đó, theo giới quan sát quốc tế, mối quan hệ ngày càng tăng giữa Ấn Độ và Việt Nam là một thông điệp rõ ràng để Trung Quốc kiềm chế các hoạt động quân sự mang tính gây hấn, hung hăng và độc đoán, đồng thời giữ cho tuyến đường liên thông và vận tải ở Biển Đông được duy trì ổn định, cởi mở, công bằng theo đúng luật pháp quốc tế.
“Theo giới chuyên gia, Ấn Độ và Việt Nam có thể hưởng lợi nhất định từ mối quan hệ đối tác chiến lược này trong môi trường địa chính trị đang thay đổi khó lường nhằm tạo sự ổn định ở một mức độ nào đó đối với các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông hay khu vực Đông Á”, EuraAsian Times nhận định.
Việt Nam không ‘chọn phe’, không đi với nước này chống nước kia
Như Sputnik đã thông tin cụ thể về chính sách đối ngoại quốc phòng “bốn không” của Việt Nam, việc lập “liên minh quân sự chiến lược” chống lại bất kỳ quốc gia nào gần như là điều không thể.
Dù Hà Nội hoan nghênh sự tham gia của các bên như Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia, hay Ấn Độ trong khu vực theo nguyên tắc cùng chia sẻ nguyện vọng và mục tiêu chung về việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông, tuân thủ luật pháp quốc tế, tuy nhiên, chính sách đối ngoại của Việt Nam cũng như cả khối ASEAN đủ khôn ngoan để tìm thế cân bằng, tế nhị giải quyết cuộc cạnh tranh địa chính trị chiến lược nhạy cảm.
Sách Trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 nêu rõ, Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác và không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Đúng như Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh từng khẳng định, không có nước nào có thể ép Việt Nam chọn phe.
Với triết lý “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước và giải quyết các thách thức an ninh chung.
Tùy diễn biến tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
“Mục tiêu tối thượng là bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi. Chúng ta không đứng về bên này để chống bên kia”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nêu rõ.
Phải khẳng định, cũng như hợp tới với Liên bang Nga, Mỹ, EU, Nhật Bản…vấn đề tăng cường hợp tác quân sự, quốc phòng an ninh giữa Việt Nam và Ấn Độ là “hoàn toàn bình thường” trong quan hệ quốc tế và phù hợp với lập trường, chính sách đối ngoại chiến lược của Hà Nội.