Câu chuyện quy hoạch: "Đã trễ mà còn chậm nữa thì không đảm bảo được"

HÀ NỘI (Sputnik) - Chủ tịch Bạc Liêu cho biết: "Quy hoạch phải chính xác, có chất lượng, thông tin đúng, chứ không thể nay số liệu này, mai số liệu khác...", đồng thời đặt trách nhiệm công tác quy hoạch với lãnh đạo sở, ngành, địa phương.
Sputnik

"Đã trễ rồi mà còn chậm nữa thì không đảm bảo được"

Chiều ngày 14/4, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức triển khai công tác lập quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Bạc Liêu của Thủ tướng Chính phủ, phạm vi quy hoạch phần lãnh thổ tỉnh Bạc Liêu có tổng diện tích tự nhiên là 2.699km2, gồm 7 đơn vị hành chính cấp huyện.

Bí thư Hậu Giang được phân công làm Bí thư Bạc Liêu

Trong đó, một trong những quan điểm, nguyên tắc của việc lập quy hoạch là xây dựng, thiết lập tầm nhìn, xác định mục tiêu, định hướng không gian phát triển mới để phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh đặc thù, riêng biệt, độc đáo của Bạc liêu so với các địa phương lân cận. Về vấn đề này, UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, theo kế hoạch đề ra, đến tháng 11/2021 cơ bản hoàn thiện hồ sơ quy hoạch và khoảng tháng 2/2022 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với tỉnh Bạc Liêu.

Tuy nhiên theo Bí thư Bạc Liêu, quỹ thời gian không nhiều, 10 tháng nữa phải xong nên cần bám vào lịch trình thời gian để hoàn thành công việc lập quy hoạch tỉnh nhà. Do đó, yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp thực hiện cho thật tốt việc lập quy hoạch, không được chậm với mốc thời gian đã đề ra. Bí thư Bạc Liêu lưu ý:

"Đã trễ rồi mà chậm nữa thì không đảm bảo được. Người đứng đầu các ngành, địa phương cần phải sắp xếp, phân công công việc, người phù hợp, để khi đơn vị tư vấn cần thì mình đáp ứng. Không thể hôm nay phân công ông này rồi ngày mai lại bà khác".

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng cho rằng, trong công tác quy hoạch, đòi hỏi tỉnh phải có quy hoạch phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của cả nước, các ngành quốc gia, vùng ĐBSCL…, đồng thời loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, cản trở đầu tư phát triển trên địa bàn.

"Trung ương cho 50 tỷ rồi, lập quy hoạch không xong là không được"

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - ông Phạm Văn Thiều, việc quy hoạch là cực kỳ quan trọng, bởi đất nước, tỉnh muốn phát triển thì quy hoạch phải đi trước. Vì thế, nhiệm vụ của chúng ta phải làm và làm cho bằng được việc quy hoạch. Chủ tịch Bạc Liêu cho rằng, tỉnh không thoát khỏi vùng ĐBSCL được, do đó mong muốn đơn vị tư vấn đưa ra hướng quy hoạch phù hợp cho tỉnh, cho liên kết vùng.

Với tư lệnh các sở, ban, ngành, địa phương, Chủ tịch Bạc Liêu lưu ý, đơn vị tư vấn chưa hiểu nhiều về tỉnh, còn chúng ta sống ở địa phương, làm việc lâu năm ở ngành, cho nên đặt ra câu hỏi hiện nay là chúng ta phải có tầm nhìn, tư duy mới, sáng tạo…. cho 10 năm, 30 năm tới. Ông Thiều đặc biệt nhấn mạnh:

Giao thông, quy hoạch, môi trường – vấn đề nào mà Tân Bí thư Thành ủy Hà Nội phải đối mặt?

"Chính phủ đã phê duyệt rồi, tiền chúng ta có rồi, Trung ương đã cho 50 tỷ rồi, nên nhiệm vụ lập quy hoạch không xong, không theo kịp nữa thì không thể chấp nhận được. Chúng ta phải làm tăng tốc, quyết liệt, mà muốn làm được thì trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương phải cao".

Ông Phạm Văn Thiều cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương phải thành lập tổ quy hoạch của đơn vị tham gia sâu vào việc này, chứ không giao nhiệm vụ chung chung, để đơn vị tư vấn xuống kiếm ông này, kiếm ông kia là không được. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nói:

"Đặc biệt, khi đơn vị tư vấn xuống gặp, trao đổi nắm số liệu, thông tin thì chúng ta phải cung cấp kịp thời, cũng như có trách nhiệm với thông tin của mình. Quy hoạch là phải chính xác, có chất lượng, muốn thế thì thông tin phải đúng, chứ không để nay số liệu này, mai lại số liệu khác. Tôi khẳng định là Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố và Thủ trưởng, Giám đốc các sở, ban ngành phải chịu trách nhiệm thông tin của đơn vị mình".

 

Thảo luận