Kỳ vọng, thách thức nào mà các vị lãnh đạo mới phải đối mặt?

HÀ NỘI (Sputnik) - Vị trí cao nhất dành cho 3 ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính và Vương Đình Huệ nắm giữ là điều đúng đắn nhưng cũng không kém phần “áp lực”.
Sputnik

Lý giải về lựa chọn của Việt Nam cho 3 vị trí cao nhất

Mặc dù có nhiều kỳ vọng ở những lãnh đạo của Chính phủ mới, tuy nhiên vẫn một số ý kiến băn khoăn việc tân Thủ tướng là lãnh đạo chuyển từ trưởng một ban Đảng qua Chính phủ, chưa đứng đầu ở các cơ quan hành pháp Trung ương. Nhận xét về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết điều này chỉ đúng về mặt hình thức, chứ chưa chắc đã đúng về mặt thực chất. Tiến sĩ Dũng nói thêm:

“Trong mô hình thể chế của chúng ta, tất cả những ai đã từng làm ủy viên Bộ Chính trị thì đều có kinh nghiệm tương đương với thành viên nội các trong mô hình thể chế của nhiều nước khác. Ông Phạm Minh Chính đã có trọn một nhiệm kỳ 5 năm làm Ủy viên Bộ Chính trị”.

Theo quan điểm của nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã từng kinh qua chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an - thực chất là người điều hành của một ngành ở tầm quốc gia. Nhân đây, những chuyển biến mang tính đột phá của tỉnh Quảng Ninh đã được bắt đầu kể từ khi ông Chính làm Bí thư Tỉnh ủy ở đó. Đóng góp của ông Chính cho những chuyển biến này là một thực tế khách quan. Làm Thủ tướng Chính phủ là một công việc mới nhưng vị trí này cũng đều mới với bất kỳ ai lần đầu tiên giữ trọng trách này.

"Hộ chiếu vaccine" vào Việt Nam, sẽ áp dụng ra sao? Với đối tượng nào?

Đối với chức danh Chủ tịch nước, ông Nguyễn Xuân Phúc là một lựa chọn rất phù hợp. Bởi, trước đây trên cương vị Thủ tướng, ông Phúc đã đạt được những thành tích ấn tượng trên mặt trận chống dịch Covid-19 và duy trì sự phát triển của nền triển kinh tế. Sự xông xáo, sự chân tình và tấm lòng rộng mở đã tạo cho ông Phúc một hình ảnh công chúng rất tốt. Ông thật sự là người được quần chúng mến mộ. Đây chính là quyền lực mềm của tân Chủ tịch nước. Sự mến mộ của người dân là yếu tố rất quan trọng để vận hành thể chế Chủ tịch nước. Bởi vì Chủ tịch nước là biểu tượng cho khối đại đoàn kết và cho sự thống nhất và toàn vẹn của đất nước.

Tiến Dũng nói thêm về nhận định của mình:

“Theo quy định của Hiến pháp, Chủ tịch nước còn có cả quyền lực cứng. Nhưng theo tôi, quyền lực mềm quan trọng hơn”.

Ông Dũng cũng cho biết với vị trí Chủ tịch Quốc hội của Vương Đình Huệ cũng là một lựa chọn đúng đắn và phù hợp. Bởi, ông Vương Đình Huệ có nền tảng kiến thức của một giáo sư, được đào tạo bài bản, hiểu biết sâu về tài chính và kinh tế. Ngoài ra, việc ông Vương Đình Huệ từng làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương giúp ông thấy được bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế, từ vĩ mô tới vi mô, từ các động lực tới các thể chế giúp nền kinh tế phát triển.

Tóm lại, Đại hội Đảng XIII đã thành công trong việc tìm chọn ra nhân sự cấp cao. Cả 3 vị trí lãnh đạo đều đủ năng lực và phẩm chất để vận hành các thể chế quan trọng nhất của nền quản trị quốc gia.

Những kỳ vọng người dân đặt vào ban lãnh đạo phải đối mặt

Thủ tướng nói gì trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ mới?
Nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng Chính phủ cho biết, ông kỳ vọng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tiếp tục vun đắp, xây dựng hình ảnh công chúng vốn có của mình. Chủ tịch nước dẫn dắt bằng sức mạnh của đạo đức và thông qua các thông điệp của mình. Những thông điệp đó phải thể hiện tình đoàn kết, phẩm cấp trí tuệ và nhân văn của toàn dân tộc.

Về người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính được kỳ vọng sẽ là một nhà lãnh đạo nhìn xa, trông rộng và quyết đáp. Để thúc đẩy công việc, ông Chính cần làm sao để cả bộ máy phải chuyển động theo mình. Ngoài ra, kỹ năng và năng lực thuyết phục Quốc hội cũng rất quan trọng. Một Chính phủ mạnh là Chính phủ được Quốc hội ủng hộ. Mọi việc sẽ ách tắc, nếu chính sách, pháp luật không được Quốc hội kịp thời thông qua. Chính vì thế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đứng đầu Quốc hội với đứng đầu Chính phủ là hai công việc khác nhau. Quốc hội hoạt động theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. Không ai có thể ra lệnh cho Quốc hội được. Chính vì thế quyền lực của Chủ tịch Quốc hội nằm ở khả năng áp dụng quy trình, thủ tục, khả năng xác lập ưu tiên và xác lập đa số.

Thử thách nào cho Chính phủ mới?

Tuy nhiên cũng không thể không nhắc đến những thử thách mà 3 vị lãnh đạo phải đối mặt, có lẽ thách thức đầu tiên chính là năng lực vận hành thể chế. Chính phủ và Quốc hội là hai thiết chế của một nền quản trị quốc gia. Nếu năng lực quan trọng nhất của Chính phủ là "hoạch định chính sách" thì năng lực quan trọng nhất của Quốc hội là "thẩm định chính sách". Nghị viện các nước thường thẩm định chính sách qua 3 lần đọc (3 lần xem xét ở phiên họp toàn thể). Có vẻ như Quốc hội nước ta vẫn chưa có được một công nghệ thẩm định chính sách mạch lạc và có chất lượng như vậy.

Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII và Bộ máy Chính phủ mới của Việt Nam

Thử thách thứ 2 là chủ trương “có cơ chế đột phá để thu hút và trọng dụng người tài”, cũng cần có được những cải cách thể chế mang tính đột phá mới có thể hiện thực hóa được.

Cuối cùng, yếu tố có tính cấp bách trước mắt chính là biến số Covid-19. Chúng ta đã đi đầu trong việc phòng, chống dịch bệnh song có vẻ đã chậm trễ trong việc tiêm phòng vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng. Ở thời điểm hiện tại, nước ta mới tiêm được vài chục nghìn liều, nhưng ở các quốc gia con số này đã lến tới hàng triệu, hàng chục triệu. Một số nước có thể sẽ đạt miễn dịch cộng đồng trong vài tháng tới. Từ đó, họ sẽ có mức độ mở cửa và tăng trưởng rất cao. Do vậy, thách thức trong năm 2021 với Chính phủ là sớm tìm được nguồn cung và đẩy nhanh tiến độ, thủ tục để tiêm vaccine tới được với toàn dân. Tránh việc nước ta bị bỏ lại, lỡ một nhịp phát triển với thế giới.

Tổng kết lại phát biểu của mình, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng cho biết:

“Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đều là những chính khách lão luyện và có trình độ. Họ cũng đều có cá tính mạnh. Tôi tin rằng, sự hợp tác tốt giữa hai lãnh đạo đứng đầu cơ quan hành pháp và lập pháp sẽ là cơ sở quan trọng để đất nước ta có một gian đoạn phát triển nhanh và thuận lợi”.
Thảo luận