Quyết định này không được các nước xung quanh đồng tình, gây ra phản ứng dữ dội không chỉ ở cấp chính thức, mà còn gây bất ổn mạnh mẽ ở những người mua hàng bình thường, lo lắng về khả năng ô nhiễm thủy sản ở các khu vực nước xung quanh.
Nhật Bản vẫn là một trong những nhà cung cấp thủy sản lớn nhất cho Hàn Quốc: năm ngoái, 27 000 tấn thủy sản đã được xuất khẩu sang đó. Tuy nhiên, cách đây một thập kỷ, con số này cao gấp 2,5 lần. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm đáng kể, đó là vụ tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, sau đó chính phủ Hàn Quốc ra lệnh ngừng nhập khẩu hải sản từ 8 tỉnh gần Fukushima.
“Chúng tôi đã không bán hải sản Nhật Bản kể từ năm 2012 và không có kế hoạch bán hàng này trong tương lai”, giám đốc báo chí của E-mart - một trong những chuỗi cửa hàng bách hóa lớn nhất Hàn Quốc, nói trong cuộc phỏng vấn với SBS Biz.
Công ty tiến hành kiểm tra phóng xạ ngẫu nhiên đối với các sản phẩm thủy sản của mình hàng tuần, và các nhà bán lẻ lớn khác như Lottemart cũng tìm cách thắt chặt việc kiểm tra độ an toàn sản phẩm. Việc từ bỏ kinh doanh hàng Nhật cũng được chuỗi bán lẻ Hanaromart và dịch vụ giao thực phẩm tươi sống phổ biến Market Kurly thực hiện, họ không bán hải sản Nhật Bản, dự kiến có thể có tác động đến nhu cầu tổng thể.
Chính phủ tăng cường kiểm tra các sản phẩm thực phẩm từ Nhật Bản
Chính phủ Hàn Quốc cũng cho biết sẽ tăng cường kiểm tra phóng xạ đối với các sản phẩm thực phẩm từ Nhật Bản ,và sẽ xem xét áp đặt lệnh cấm nhập khẩu từ nhiều tỉnh hơn. Tuy nhiên, điều này vẫn không thể khiến mọi người yên lòng. Tại các chợ hải sản chuyên biệt, người mua hàng đã bắt đầu phớt lờ mọi thứ được dán nhãn "sản xuất tại Nhật Bản", và việc giải thích cá được đánh bắt ở những nơi xa Fukushima không giúp ích được gì ở đây.
Những người bán hàng, được hãng tin Newsis trích dẫn, phàn nàn COVID-19 đã làm sụt giảm doanh số bán hàng, và nếu nước phóng xạ được rút khỏi nhà máy điện hạt nhân Fukushima, niềm tin của người dân vào sự an toàn hải sản - dù là Nhật Bản hay Hàn Quốc - cuối cùng sẽ suy giảm. Tất cả những điều này càng kích động người Hàn Quốc chống lại quyết định của chính phủ Nhật Bản.
“Sắp đến sinh nhật chồng, tôi định mua sashimi cho anh ấy, nhưng biết Nhật Bản sẽ đổ nước ô nhiễm ra biển, không hiểu sao tôi lại thấy không còn hứng thú như trước nữa. Thỉnh thoảng lại có tin tức về việc vi phạm các quy tắc ghi rõ quốc gia xuất xứ, khiến bạn bắt đầu lo lắng liệu mình có thể tin tưởng vào ai đó để ăn hải sản hay không”, một khách hàng cho biết.
Cơ quan quản lý thị trường nhấn mạnh thủy sản Nhật Bản chỉ chiếm 3% tổng sản lượng và tất cả đều được kiểm tra phóng xạ ba lần một tuần. Tuy nhiên, các cuộc tranh luận về những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra do các hành động của chính phủ Nhật Bản vẫn tiếp tục, và một số khách hàng đã nghĩ đến việc từ bỏ hoàn toàn sử dụng hải sản trong một thời gian, cho đến khi có xác nhận sự an toàn sau khi diễn ra việc xả thải nước nhiễm phóng xạ Fukushima ra biển.