Thao túng tiền tệ: Mỹ ‘nương tay’ hay Việt Nam nỗ lực?

Vì sao Mỹ “chủ ý”, cố tình tìm cách gắn mác thao túng tiền tệ cho Việt Nam? Đâu là nguyên nhân khiến Việt Nam liên tục rơi vào “tầm ngắm” của chính quyền Hoa Kỳ với cáo buộc điều hành chính sách tiền tệ nhằm hưởng lợi thế cạnh tranh thương mại?
Sputnik

Để Mỹ phải thừa nhận ‘không có đủ bằng chứng’ cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ là điều không dễ. Chính quyền Hà Nội, Đảng, Nhà nước, Chính phủ của nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hay đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nỗ lực rất lớn

Theo chuyên gia, chính thặng dư thương mại Việt Nam với Mỹ là do Washington tạo ra – hệ quả của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, khi dòng vốn FDI đổ mạnh vào đất nước này chứ không phải chính phủ Việt Nam cố tình thao túng tiền tệ.

Việt Nam thoát mác thao túng tiền tệ: Mỹ ‘nương tay’ hay Hà Nội đã cố gắng?

Việc Mỹ xóa Việt Nam khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ khi Bộ Tài chính Hoa Kỳ thừa nhận “không có đủ bằng chứng” được coi là một thành công lớn và nỗ lực rất lớn của chính quyền Hà Nội nhằm tránh những hiểu lầm, bất đồng với Washington.

Đây là sự nỗ lực không mệt mỏi của phía Việt Nam nhằm trao đổi thẳng thắn, cởi mở với chính quyền Washington từ thời cựu Tổng thống Donald Trump đến ông chủ Nhà Trắng Joe Biden hiện tại.

Bộ Tài chính Mỹ xóa Việt Nam khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ

Những cuộc điện đàm, các cuộc làm việc liên tục giữa đại diện Ban lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ của nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Ngoại giao… cùng với bộ máy mới của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thể hiện Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Chính phủ, các cơ quan ban ngành liên quan đã cố gắng nhiều như thế nào để chứng minh Hà Nội không thao túng tiền tệ.

Việt Nam cũng được giới quan sát quốc tế đánh giá là “rất khôn khéo”, “tế nhị” trong xử lý cáo buộc thao túng tiền tệ. Khác với Trung Quốc, với lối ngoại giao “chiến lang” cùng những cuộc chiến ngôn từ không hồi kết với Mỹ, Việt Nam “khôn ngoan” hơn nhiều. Làm những việc cần làm, nói những điều cần nói, hiểu rõ vấn đề, nắm đúng vị thế quốc gia để hành xử cho phù hợp, tránh “đổ thêm dầu vào lửa”, gây nên những bất đồng hay chỉ làm tình hình thêm căng thẳng không cần thiết.

Theo thông cáo báo chí từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, ngày 17/4 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với cơ quan này, chỉ đạo xử lý dứt điểm những vấn đề trọng điểm, cấp bách, đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, Việt Nam đã “nỗ lực rất lớn” để Mỹ gỡ mác thao túng tiền tệ.

Theo đó, bắt đầu buổi làm việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề cập việc ngày 16/4/2021, Bộ Tài chính Hoa Kỳ (hay còn gọi Bộ Ngân khố Mỹ) đã ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”, xác định trong giai đoạn năm 2020 “không có đủ bằng chứng, dấu hiệu” khẳng định Việt Nam là quốc gia thao túng tiền tệ.

“Đây là sự nỗ lực lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong tiếp xúc ngoại giao và sự làm việc tích cực, trách nhiệm của một số bộ ngành, nhất là Ngân hàng Nhà nước để Hoa kỳ có đánh giá phù hợp liên quan đến vấn đề tiền tệ của Việt Nam”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Với tiền đề gỡ được mác thao túng tiền tệ ở thời điểm này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ trong tổng thể Kế hoạch hành động để hướng đến cán cân thương mại hài hoà bền vững giữa Hà Nội và Washington.

Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, đầu tháng 4 này, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương, kiêm Chủ tịch Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ (TIFA) đã có cuộc điện đàm với Trưởng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) Katherine Tai nhằm trao đổi về các vấn đề kinh tế, thương mại song phương, củng cố tăng cường quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.

Thao túng tiền tệ: Mỹ ‘nương tay’ hay Việt Nam nỗ lực?

Bà Tai đã nhắc lại một số “phàn nàn” về chính sách quản lý tiền tệ của Việt Nam gây bất lợi cho doanh nghiệp Mỹ, mức độ thâm hụt thương mại, cáo buộc thao túng tiền tệ cũng như vấn đề điều tra mặt hàng gỗ. Tháng 1/2021, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã công bố kết quả điều tra về Khoản 301 nhắm vào chính sách tiền tệ của Việt Nam nhưng không đưa ra quyết định trừng phạt.

Tương lai quan hệ Việt – Trung, Việt – Mỹ và cáo buộc thao túng tiền tệ
Trong cuộc trao đổi này, Bộ Công Thương Việt Nam khẳng định, trong thời gian tới, các bộ ngành Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục chủ động hợp tác để giải quyết một cách toàn diện các quan tâm của Mỹ và Việt Nam. Qua đó, duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, hai bên cùng có lợi.

Trước đó, nhiều hãng tin quốc tế cho rằng, Việt Nam luôn nằm trong “tầm ngắm” của Washington khi điều hành chính sách tiền tệ “chưa hợp lý”, gây ảnh hưởng đến thương mại song phương, lợi ích của các doanh nghiệp Hoa Kỳ dù “hai cựu thù chiến tranh nay đã thành bạn bè, đối tác”. Cũng xuất hiện quan điểm rằng, Mỹ đã “tiết chế”, “nương tay” không giáng đòn trừng phạt với Việt Nam như đã từng làm với Trung Quốc, thổi bùng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gay gắt và chưa có hồi kết.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào những gì Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã làm, có thể khẳng định, chính quyền Hà Nội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, của Nhà nước, sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chính phủ của nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hay tân Thủ tướng Phạm Minh Chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng cả “hệ thống chính trị” tích cực phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà phía Mỹ, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump hay đương kim lãnh đạo Joe Biden quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, tiến tới quan hệ thương mại hài hoà, bền vững.

Thặng dư thương mại Việt – Mỹ do Hoa Kỳ tạo ra, Việt Nam bị oan?

Vì sao Mỹ lại gắn mác thao túng tiền tệ cho Việt Nam? Có nhiều yếu tố để xác định lý do vì sao Bộ Ngân khố Hoa Kỳ liên tục để mắt đến Việt Nam, Trung Quốc hay Thụy Sĩ.

Theo phân tích của nhóm Chính sách Hathaway với đại diện là TS. Kinh tế Nguyễn Xuân Hải (Đại học Johns Hopkins) và Ths. Lê Quỳnh Trang (Đại học Indiana) thì Việt Nam bị chính quyền Washington “gắn mác” thao túng tiền tệ do lý do khách quan như dịch Covid 19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu và vì chính sự thành công đặc thù trong công tác thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa ổn định, phát triển kinh tế.

Việt Nam phủ nhận thao túng tiền tệ

Cùng với đó, trong vấn đề thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ không thể không nói đến vấn đề căng thẳng thương mại Mỹ - Trung kéo dài từ 2018 tới nay.

Khi Mỹ liên tục tăng thuế trên các mặt hàng của Trung Quốc, cùng với việc Trung Quốc là nước đầu tiên chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid 19, giá trị xuất khẩu một số mặt hàng giá rẻ của Trung Quốc sang Mỹ, bao gồm hàng điện tử, nội thất, máy móc thiết bị cơ khí, dày dép, may mặc... (những mặt hàng vốn là lợi thế của Việt Nam) khi đó lại sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng đó của nền kinh tế Mỹ không hề suy giảm.

“Cùng nội lực sẵn có, Việt Nam đã khai thác thành công khoảng trống trong nhu cầu tiêu dùng của người dân Mỹ để đẩy mạnh xuất khẩu, ngày càng gia tăng khả năng đáp ứng cho thị trường tiêu thụ của Mỹ trong suốt năm 2020”, chuyên gia kinh tế Lê Quỳnh Trang nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, GS David Dapice, chuyên gia kinh tế cấp cao của Đại học Harvard (Harvard Kennedy School) đã từng nêu ra những luận điểm xác đáng trên EAF đằng sau việc Mỹ “chủ ý” gắn mác thao túng tiền tệ cho Việt Nam.

Theo ông Dapice, mức thặng dư thương mại của Việt Nam là do chính Mỹ tạo ra chứ không phải chính phủ Việt Nam chủ đích thao túng tiền tệ. Cụ thể, thương chiến Mỹ - Trung đã dần đến dòng vốn đầu tư FDI tăng mạnh vào Việt Nam chứ không phải Hà Nội điều hành chính sách tỷ giá, tiền tệ “bất hợp lý”.

Chuyên gia kinh tế của Đại học Harvard cũng nhấn mạnh, Bộ Tài chính Mỹ thiếu các lập luận và chứng cứ quan trọng để gắn mác thao túng tiền tệ cho Việt Nam như định giá thấp đồng tiền để điều chỉnh GDP, dự trữ ngoại hối cao, cán cân thương mại chênh lệch lớn.

Bộ Tài chính Hoa Kỳ cáo buộc Việt Nam và Thụy Sĩ thao túng tiền tệ
Cùng với đó, điểm đáng chú ý là những chính sách thương mại mà thời gian qua Washington áp dụng đã vô tình thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng như dây chuyền sản xuất dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đây là hệ lụy từ chính những căng thẳng xung quanh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến giới đầu tư quốc tế cân nhắc đa dạng hóa chuỗi sản xuất bên ngoài Trung Quốc.

Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho thấy, dòng vốn FDI ròng đổ mạnh vào Việt Nam từ 9,2 tỷ USD năm 2016 lên trên 16,1 tỷ USD năm 2019. Trong khi đó, số liệu mà Cục Đầu tư nước ngoài, Tổng Cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho thấy, năm 2020 vừa qua, bất chấp đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn thu hút đến trên 28,35 tỷ USD tổng vốn đầu tư nước ngoài.

Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, việc Chính phủ Nhật Bản khuyến khích các doanh nghiệp nước này tăng cường di dời sản xuất khỏi Trung Quốc khiến dòng vốn FDI dịch chuyển sang Việt Nam tăng mạnh vì đây là điểm đến ưa thích của giới đầu tư Nhật.

Ngoài ra, theo GS. David Dapice hàng hóa xuất khẩu từ khu vực FDI tại Việt Nam sang các nước thường có giá trị gia tăng không cao, trong khi thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ có một phần không nhỏ là từ việc nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào từ các nước châu Á khác trong bối cảnh thương chiến leo thang.

Chuyên gia kinh tế của ĐH Harvard nhấn mạnh, do mặt trái, tác động dán tiếp của thương chiến Mỹ - Trung, Việt Nam nổi lên như một mắt xích ngày càng quan trọng trong chuỗi sản xuất trước khi hàng hóa được xuất sang Hoa Kỳ.

“Điều càng chỉ rõ một thực tế là thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ chính là do phía Mỹ tạo ra”, báo cáo của GS. David Dapice cho thấy.

Bên cạnh đó, cũng không loại trừ khả năng nhiều công ty Trung Quốc chuyển sản xuất qua Việt Nam để né bị Mỹ áp thuế suất cao với hàng hóa Trung Quốc khi xuất sang Hoa Kỳ. Điều này lại càng dồn Việt Nam vào thế bị động.

Những lập luận trên cho thấy, nguyên nhân chính là do Mỹ áp thuế lên hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc, thặng dư thương mại của Việt Nam là do chính quyền Washington tạo ra chứ Việt Nam không hề có chủ đích thao túng tiền tệ nhằm hưởng lợi thế cạnh tranh thương mại.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói gì về việc Mỹ gỡ mác thao túng tiền tệ?

Ngày 17/4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có phản hồi chính thức về việc trong “Báo cáo chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ” tháng 4/2021, Mỹ xóa tên Việt Nam khỏi danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, trong kỳ báo cáo lần này, Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách giám sát gồm 11 nền kinh tế (đáp ứng từ 1 đến 2 tiêu chí theo quy định) gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ireland, Ý, Ấn độ, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Mexico. Ngoài ra, các quốc gia như Thụy Sỹ, Đài Loan và Việt Nam đáp ứng 3 tiêu chí.

Mỹ nghi Việt Nam thao túng tiền tệ: Hà Nội làm gì để tránh Trump “hiểu lầm”?

Ngân hàng Nhà nước thông tin thêm rằng, danh sách các nền kinh tế trên được xác định trên cơ sở quy định của Đạo luật Thuận lợi hóa và thực thi thương mại năm 2015.

Bộ Tài chính Mỹ xem xét các đối tác thương mại đáp ứng ba tiêu chí. Thứ nhất, thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD. Thứ hai, thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP. Thứ ba, can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.

“Tại báo cáo này, trên cơ sở tiếp xúc bước đầu với Việt Nam cũng như dựa trên các số liệu, phân tích sâu hơn, Bộ Tài chính Mỹ xác định trong giai đoạn năm 2020, không có đủ bằng chứng, dấu hiệu cho rằng Việt Nam thao túng tiền tệ theo quy định của Đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988”, Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.

Ngoài ra, cơ quan này cũng khẳng định, trong quá trình làm việc với Mỹ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trao đổi thẳng thắn trên tinh thần hợp tác, thiện chí từ cấp kỹ thuật tới cấp cao.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam một lần nữa tái khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua – trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung - nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

Việt Nam không thao túng tiền tệ

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, suốt thời gian qua đã áp dụng các giải pháp để từng bước nâng cao tính linh hoạt của tỷ giá trong khi vẫn duy trì hoạt động ổn định, thông suốt của thị trường ngoại tệ.

“Những diễn biến tích cực trên thị trường ngoại tệ cũng như trong hoạt động điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã được Mỹ ghi nhận”, Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đồng thời khẳng định, sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Hoa Kỳ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, tiến tới quan hệ thương mại hài hoà, bền vững.

Thao túng tiền tệ: Mỹ ‘nương tay’ hay Việt Nam nỗ lực?

Ngân hàng Nhà nước của Việt Nam cũng sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý.

“Việt Nam điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng”, Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.
Việt Nam hoan nghênh Mỹ gỡ mác thao túng tiền tệ

Ngày 17/4, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị nêu phản ứng của Việt Nam trước việc Mỹ xóa mác thao túng tiền tệ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Hà Nội hoan nghênh động thái này của Washington.

“Chúng tôi hoan nghênh sự điều chỉnh tích cực về nội dung liên quan đến Việt Nam trong Báo cáo trên, theo đó Bộ Tài chính Hoa Kỳ đánh giá không đủ căn cứ để xác định Việt Nam thao túng tiền tệ”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.

Theo phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng, trong thời gian qua, các cơ quan hữu quan của Việt Nam đã trao đổi thông tin và tham vấn với phía Hoa Kỳ để làm rõ chính sách tỷ giá của Việt Nam.

Việt Nam không thao túng tiền tệ để giành lợi thế thương mại

Đại diện Bộ Ngoại giao nêu rõ, các chính sách tiền tệ, tỷ giá của Việt Nam được các cơ quan quản lý điều hành đồng bộ, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn Việt Nam nhằm ổn định các cân đối vĩ mô và không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế.

“Trên tinh thần coi trọng quan hệ kinh tế-thương mại với Hoa Kỳ, một trụ cột của quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước, Việt Nam sẽ duy trì đối thoại và tham vấn xây dựng với phía Hoa Kỳ về vấn đề này”, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng khẳng định.

Có thể nói, việc Mỹ xóa tên Việt Nam khỏi danh sách thao túng tiền tệ là thành công và nỗ lực không mệt mỏi, không thể phủ nhận của phía Việt Nam. Tuy nhiên, đây mới chỉ là khởi đầu. Hợp tác kinh tế Việt – Mỹ là con đường rất dài, sự trỗi dậy của Việt Nam càng mạnh mẽ, kinh tế càng phát triển, đụng chạm lợi ích càng lớn, sẽ càng dễ bị chính quyền Hoa Kỳ “để mắt tới”.

Theo các chuyên gia, trước hết, Việt Nam nên tiếp tục duy trì đối thoại cởi mở, thẳng thắn, trao đổi thường xuyên, giải quyết tốt các bất đồng phát sinh (nếu có) với chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Đồng thời, cần hiểu rõ, hiểu đúng bản chất sự việc, ổn định tâm lý nền kinh tế nội địa, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào các quyết sách đúng đắn của chính quyền Hà Nội và tiếp tục tập trung cho các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dài hạn của đất nước, chủ động thích ứng với những “cú sốc”, “đòn giáng” từ bên ngoài. Nội lực kinh tế phải mạnh thì mới có sức chống chịu với những tác động ngoại lực không mong muốn.

Thảo luận