Bất chấp dịch Covid-19, dân tình ồ ạt đổ về đền Hùng

HÀ NỘI (Sputnik) – Hàng chục nghìn người dân tứ xứ đã đổ về đền Hùng (tỉnh Phú Thọ) trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch. Đây là không chỉ là dịp để người Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng, mà còn là dịp để quảng bá ra thế giới một Di sản văn hóa tồn tại hàng nghìn năm.
Sputnik

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ. Trước đó hàng tuần, lễ hội đã diễn ra với nhiều hoạt động văn hoá dân gian và kết thúc vào ngày 10 tháng 3 âm lịch với Lễ rước kiệu và dâng hương tại Đền Thượng.

Giỗ tổ Hùng Vương, hay còn gọi là Lễ hội Đền Hùng hoặc Quốc giỗ là ngày lễ truyền thống của Việt Nam nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng – những vị vua đầu tiên của dân tộc.

Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Giỗ tổ Hùng Vương

Truyền thuyết kể rằng Kinh Dương Vương sinh một con trai, sau nối ngôi vua cha lấy niên hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng nở ra 100 người con là tổ tiên của người Bách Việt. Một lần, vua Lạc Long Quân bảo Âu Cơ:

“Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó”.

Do đó, 50 người con theo Cha xuống biển, 50 người con theo Mẹ lên núi. Lạc Long Quân phong cho con trưởng Hùng Vương nối ngôi, làm vua. Trải qua 18 đời, Hùng Vương thứ 18 đã nhường ngôi cho Thục Phán – An Dương Vương. Vì vậy, Vua Hùng được coi là vị Vua Thủy Tổ dựng nước, là tổ tiên của dân tộc Việt Nam.

Để ghi nhớ công ơn của các Vua Hùng có công khai thiên, lập địa, Vua Lê Thành Tông năm 1470 và Vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, đồng thời chọn ngày 11 và 12/03 âm lịch làm ngày Giỗ tổ Hùng Vương. Đến thời nhà Nguyễn năm Khải Định thứ 2 chính thức chọn ngày 10/03 âm lịch làm ngày Giỗ tổ Hùng Vương để tưởng nhớ các Vua Hùng và nhắn nhở người dân Việt Nam cùng tưởng nhớ thờ cúng Tổ tiên.

Bất chấp dịch Covid-19, dân tình ồ ạt đổ về đền Hùng

Chính vì thế, Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch hàng năm là dịp để cả dân tộc tưởng nhớ, biết ơn tiền nhân đã có công sinh thành giống nòi; khai mở bờ cõi, tạo dựng hình hài đất nước; để nhắc nhở thế hệ con cháu nhớ về cội nguồn, công ơn của những người đi trước. Cứ vào ngày này, người Việt Nam ở mọi miền Tổ quốc cũng như kiều bào ở nước ngoài cùng hướng về ngày Quốc Tổ, về cội nguồn dân tộc.

Ngày 6/12/2012, UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng” là kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Giỗ Tổ Hùng Vương và Đền Hùng là biểu tượng đã ăn sâu vào tâm khảm thiêng liêng của mỗi người dân đất Việt. Đây là điểm hội tụ tâm linh, hội tụ bản sắc văn hóa và tinh thần đại đoàn kết dân tộc; là nguồn sức mạnh tinh thần giúp cho dân tộc Việt Nam vững vàng vượt qua mọi gian nan thử thách, đoàn kết, gắn bó keo sơn để chiến thắng mọi thiên tai và kẻ thù.

Bất chấp dịch Covid-19, dân tình ồ ạt đổ về đền Hùng

Từ năm 2007 đến nay, Giỗ tổ Hùng Vương trở thành ngày Quốc lễ, được tổ chức vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, lễ hội thực chất đã diễn ra từ hàng tuần trước đó với những phong tục như đâm đuống (đánh trống đồng) của dân tộc Mường, hành hương tưởng niệm các vua Hùng, và kết thúc vào ngày 10 tháng 3 âm lịch với lễ rước kiệu và dâng hương trên đền Thượng. Lễ hội đền Hùng hiện được Việt Nam nâng lên thành giỗ Quốc Tổ và tổ chức lớn vào những năm chẵn.

Bất chấp dịch Covid-19, dân tình ồ ạt đổ về đền Hùng

Lễ hội có 2 phần: lễ và hội. Phần lễ gồm 2 lễ được cử hành cùng thời điểm ngày chính hội: lễ rước kiệu vua (đám rước kiệu, nhiều màu sắc của rất nhiều cờ, hoa, lọng, kiệu, trang phục truyền thống xuất phát từ dưới) và lễ dâng hương (người hành hương tới đền Hùng chủ yếu vì nhu cầu của đời sống tâm linh. Mỗi người đều thắp lên vài nén hương khi tới đất Tổ để nhờ làn khói thơm nói hộ những điều tâm niệm của mình với tổ tiên).

Về phần hội, có nhiều trò chơi dân gian được tổ chức trong dịp lễ lớn của dân tộc này. Đó là những cuộc thi hát xoan (tức hát ghẹo), một hình thức dân ca đặc biệt của Phú Thọ, những cuộc thi vật, thi kéo co, hay thi bơi trải ở ngã ba sông Bạch Hạc, nơi các vua Hùng luyện tập các đoàn thủy binh luyện chiến.

Đền Hùng đón lượng khách “khủng” bất chấp đại dịch

Anh Anh Hùng, 27 tuổi, người dân Phú Thọ, gần như năm nào cũng đi lễ đền Hùng vào 10/3 âm lịch, nhưng năm nay anh chọn đi sớm hơn vài ngày. Chia sẻ với Sputnik về không khí lễ hội, anh cho biết:

“Năm nay giỗ Tổ Hùng vương có 2 thời điểm chính là 17/4 và 21/4 (mùng 6 và 10/3 Âm lịch), lại vào lúc đại dịch Covid-19 chưa qua hẳn, nên mình chọn đi sớm hơn vài ngày. Mình đi hôm 17/4, đúng vào cuối tuần nên khá đông. Dù mưa lác đác nhưng tiết trời mát, dễ chịu nên dòng người vẫn đổ về ngày một đông. Ngày giỗ Tổ là dịp để con cháu chúng ta đến đền Hùng dâng nén hương, bày tỏ lòng thành kính và biết ơn đến các vua cha. Là những người con Phú Thọ, mình và gia đình không quên chuẩn bị mâm cơm cúng tổ theo phong tục cổ truyền. Trong đó, có những món không thể thiếu là: bánh chưng, bánh giày và cơm tẻ. Đây là hai loại bánh gắn liền với văn hóa thời kỳ Hùng Vương, còn cơm tẻ cũng do Vua Hùng dạy dân ta cấy lúa mà ra. Năm nào nhà mình cũng chuẩn bị mâm cơm cúng như thế trong ngày 10/3”.
Bất chấp dịch Covid-19, dân tình ồ ạt đổ về đền Hùng

Bên cạnh các nghi lễ truyền thống, tỉnh Phú Thọ cũng tổ chức một số hoạt động văn hóa dân gian truyền thống tại Đền Hùng và thành phố Việt Trì. Trong đó có chương trình nghệ thuật với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương”; thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy; giải bơi chải thành phố Việt Trì mở rộng; vòng chung kết Cúp Hùng Vương - Giải bóng chuyền vô địch quốc gia năm 2021. Đặc biệt, năm nay, tỉnh Phú Thọ sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm cao vào tối 20/4 (tức 9/3 âm lịch) tại hồ Công viên Văn Lang (Việt Trì).

Trong dịp này, Phú Thọ tổ chức trình diễn hát Xoan làng cổ tại miếu Lãi Lèn, đình An Thái, đình Hùng Lô; tổ chức festival sinh vật cảnh và các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, múa rối nước tại sân khấu Trung tâm và hồ Khuôn Muồi thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, ban quản lý di tích đền Hùng đã tuyên truyền, tổ chức các điểm phát khẩu trang, sát khuẩn, yêu cầu đồng bào du khách thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế cũng như đeo khẩu trang trong suốt quá trình hành lễ. Toàn bộ lực lượng cán bộ quản lý di tích, lực lượng bảo vệ đều có loa cầm tay để nhắc nhở du khách trước và trong lúc vào đền. Đặc biệt hệ thống loa truyền thanh được lắp dọc đường lên đền. Ông Lê Trường Giang, Giám đốc khu di tích lịch sử đền Hùng, cho biết:

“Trong 2 ngày cuối tuần (17 và 18/4), có khoảng trên 30.000 lượt khách tới đền Hùng, chiếm một nửa lượng khách từ Tết Nguyên đán đến nay. Riêng trong ngày chủ nhật (18/4), đền Hùng đón 20.000 lượt khách. Qua 2 ngày nghỉ cho đến giờ phút này, có thể nói việc chấp hành của đồng bào du khách về với đền Hùng khá tốt. Nhưng có một cái khó là trong quá trình leo núi, vì nóng và mệt, có người kéo khẩu trang xuống để thở. Tuy nhiên, khi vào đền thì phải chấp hành các biện pháp phòng chống dịch”.
Bất chấp dịch Covid-19, dân tình ồ ạt đổ về đền Hùng

Theo ông Giang, trong những ngày tiếp theo của Lễ hội, ban quản lý khu di tích vẫn tiếp tục duy trì các nội dung phòng chống dịch. Đặc biệt, trong ngày 10/3 âm lịch, có lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự dâng hương thì tất cả các lực lượng đều tăng cường. Chiều 9/3 âm lịch - trước ngày hành lễ, đền Hùng sẽ có một đợt phun khử khuẩn. Anh Hùng nói thêm:

“Mình thấy đa số mọi người vào đền đều đeo khẩu trang. Ngoài cửa có đội ngũ của ban quản lý phát tận tay khẩu trang cho những ai chưa có và tiến hành xịt khử khuẩn tay cho mọi người. Tuy nhiên, đúng ngày 10/3 âm lịch có thể lượng người đổ về rất đông nên vấn đề đảm bảo giãn cách xã hội sẽ khó khăn”.

Chị Hương Ly, người dân Hồ Chí Minh, tranh thủ ngày nghỉ giỗ tổ để cùng gia đình bay ra Bắc, về thăm đền Hùng. Chị Ly nói với Sputnik ngày 21/4:

“Như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, chúng tôi về đền Hùng ngày này để tri ân sâu sắc các Vua Hùng – điểm tựa vĩ đại của chúng ta – hồn thiên sông núi, hồn thiêng dân tộc. Đây cũng là truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” mà tôi muốn truyền lại cho các con”.
Thảo luận