Vĩnh biệt nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm: “Nếu tôi chết, rượu buồn hãy cạn”

Thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm, nhà thơ hiện đại nổi tiếng của Việt Nam vừa đột ngột qua đời ở tuổi 69 tại nhà riêng ở Hà Nội. Vậy là, nền thi ca Việt Nam đã mất đi một tài năng, một nhân cách vô cùng đặc biệt.
Sputnik

Cố nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, người nổi tiếng ở Việt Nam không chỉ bằng sự nghiệp thi ca, văn chương, ông còn được biết đến nhiều trong vai trò điện ảnh (với hình ảnh Bác sĩ Hoa Súng), nhà biên kịch tài năng cũng như mảng truyền hình và tham gia nhiều chương trình phát thanh…

Sự ra đi đột ngột của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm khiến không ít người bàng hoàng, xót xa, tiếc thương vô hạn. Vĩnh biệt Hoàng Nhuận Cầm, vĩnh biệt một tài năng thi ca, một phong cách, nhân cách thơ được nhiều thế hệ người Việt Nam yêu mến.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đột ngột qua đời

Thông tin từ Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã từ trần vào chiều ngày 20/4/2021, hưởng thọ 69 tuổi.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm sinh năm 1952 tại Hà Nội. Ông là con trai đầu của nhạc sĩ Hoàng Giác. Năm 1971, khi còn là sinh viên khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông Hoàng Nhuận Cầm lên đường nhập ngũ và chiến đấu ở Sư đoàn 325B tại mặt trận Quảng Trị.

Quyền Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đột ngột qua đời ở Yên Bái

Đến năm 1975, ông quay về để hoàn tất chương trình đại học. Năm 1981, ông làm việc cho Hãng Phim truyện Việt Nam rồi sau đó chuyển sang Đài Truyền hình Việt Nam một thời gian ngắn rồi lại quay về Hãng phim truyện Việt Nam năm 2005. Thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm cũng cùng vợ lập hãng phim tư nhân Điệp Vân. 

Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm nổi tiếng với nhiều bài thơ (mà phần lớn là thơ tình) một giọng điệu trẻ trung, sôi nổi. Những thi phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến như: “Chiếc lá buổi đầu tiên”, “Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu”, “Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến”, “Viên xúc xắc mùa thu”...

Nhiều tập thơ của ông đến nay đã được xuất bản như: “Thơ tuổi hai mươi”, in chung năm 1974; “Những câu thơ viết đợi mặt trời” năm 1983; “Xúc xắc mùa thu” năm 1992; “Thơ với tuổi thơ” năm 2004; “Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến” năm 2007…

Bên cạnh thơ ca, thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm còn có nhiều đóng góp trong lĩnh vực điện ảnh. Ông sáng tác nhiều kịch bản phim và thậm chí từng tham gia diễn xuất trong một số bộ phim. Những kịch bản phim do ông chấp bút có thể kể đến như: “Đêm hội Long Trì”, “Hà Nội mùa Đông năm 46”, “Áo chàm Bắc Sơn”, “Mùi cỏ cháy”, “Lỗi lầm”, “Đằng sau cánh cửa”, “Pháp trường trắng”, “Ai lên xứ hoa đào”, “Đoạn trường chiêm bao”, “Nhà tiên tri”…

Trong sự nghiệp thơ ca của mình, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm từng nhận các giải thưởng như: giải Nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1972-1973, Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1993 với tập thơ “Xúc xắc mùa thu”.

Với mảng sân khấu điện ảnh, ông giành giải thưởng Bông sen Vàng cho Biên kịch xuất sắc nhất (Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 17 - năm 2011) và Giải thưởng Biên kịch xuất sắc nhất (Giải Cánh diều - Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2011) cùng với kịch bản phim điện ảnh “Mùi cỏ cháy”.

Vai diễn kinh điển của ông là nhân vật "Bác sĩ Hoa Súng" trong chương trình “Gặp nhau cuối tuần” của Đài Truyền hình Việt Nam và vai “Nhà thơ” trong phim “Số đỏ”.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã “tiên tri” về sự ra đi của mình như thế nào?

Sự ra đi đột ngột của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm khiến cho không chỉ những người yêu thơ, mà còn với những người dân bình dị nhất, biết và yêu thơ của ông, đều bàng hoàng xót xa.

Ông Nguyễn Thanh Quang qua đời

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, tác giả của những dòng thơ đầy xúc cảm, với chất thơ đặc trưng mang đúng phong cách “Hoàng Nhuận Cầm” đã không còn nữa…”chiếc lá đầu tiên”, đã không níu được cành.

Có người cho rằng, trong những dòng thơ của mình, Hoàng Nhuận Cầm đã từng có những dòng thơ đặc biệt, “tiên tri” về sự ra đi của mình. Theo tác giả Việt Chiến, người từng có thời gian gắn bó, trao đổi về thơ ca với cố nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm cho biết, ông từng nghe cố nhà thơ chia sẻ rằng, tiêu chí của thơ hiện đại hôm nay là những câu thơ hay phải biết cách “tự sát” để cho phần hồn của câu chữ cháy lên và đóng đinh vào cảm xúc người đọc.

“Một mai chết thật âm thầm/Mấy nhành cỏ dại khẽ trầm ngâm ru/ Một mai chết hết hận thù/Mắt chầm chậm khép, tay từ từ xuôi/Một mai chết thật buồn cười/Tóc tôi buông xuống như người ngủ mơ/Một mai chết thật tình cờ/Thuốc trên tay khói vẫn dờ dật bay...Một mai chết thật hao gầy/Xanh xao quần áo tháng ngày thủy tinh/Một mai chết hết tội tình/Một mình mình hát, một mình mình nghe/Một mai đi chẳng trở về/Rượu buồn đổ đắng vỉa hè buồn thiu/Một mai chết thật đìu hiu/Má lằng lặng tái, môi dìu dịu say/Một mai ngủ lá phủ đầy/Miền tâm tư vỡ tháng ngày thật xa/Một mai nằm xuống bao la/Buồn ơi, chào nhé! Khóc òa vầng trăng/Một mai chết thật ăn năn/Tôi nằm xuống đất không cần thở than…”, trích thơ Hoàng Nhuận Cầm.

Những dòng thơ trong bài “Một mai” ẩn chứa nét buồn thời cuộc, một kiếp nhân sinh, góc nhìn vừa đau đáu, vừa bình dị của Hoàng Nhuận Cầm về cái ngày phải xa rời “cõi tạm”.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời ở tuổi 71

Theo tác giả Việt Chiến bày tỏ trong bài viết trên Thanh Niên, những dòng thơ “tiên tri” về sự ra đi của mình, Hoàng Nhuận Cầm đã viết cách đây 30 năm. Chỉ có điều, ở thời điểm đó, không hiểu vì sao cố nhà thơ lại viết những bài có tứ thơ lạ lùng và độc đáo đến thế. Những bài thơ này sau đó được in trong tập Xúc xắc mùa thu (1992) và nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam 1993.

“Nếu tôi chết - gia tài để lại/Thơ mấy bài nào có gì đâu/Bạn đến viếng mua hoa thật rẻ/Cắm trên mồ cho được bền lâu/Kẻo bạn về, tôi buồn phát khóc/Chỉ có hoa thủ thỉ đôi lời/Đừng đốt nhé nến hồng, nến trắng/Tôi chết rồi nào thích dạo chơi/Nếu tôi chết – rượu buồn hãy cạn/Thôi lạy người! Uống hộ một ly/Sống tôi đã như loài cây cỏ/Chết đừng làm say bắt tôi đi…”, trích thơ Hoàng Nhuận Cầm.

Xin vĩnh biệt Hoàng Nhuận Cầm

Nhà báo Trần Nhật Minh, tác giả cùng nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm thực hiện chương trình phát thanh “Khách đến chơi nhà” và “Đôi bạn văn chương” chia sẻ, cuộc đời Hoàng Nhuận Cầm nhiều thăng trầm, nốt buồn nhiều hơn nỗi vui.

Nghệ sĩ Hoàng Dũng đột ngột qua đời ở tuổi 65

Những ngày cuối đời, sức khỏe của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm yếu đi nhiều do buồng phổi bị tổn thương, nhưng ông vẫn đến Đài thu chương trình, vẫn tình nguyện đi những nơi xa, đem tình yêu thơ và những giá trị sống tốt đẹp đến gần hơn với người đọc, người nghe.

“Anh luôn lạc quan nhờ viên thuốc kỳ diệu thi ca và sự tử tế trong cuộc đời. Anh ôm bên mình “viên xúc xắc” buồn thương để sống cho ngày mai”, nhà báo Trần Nhật Minh bày tỏ.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, đánh giá Hoàng Nhuận Cầm là cây bút xuất sắc thời kỳ chống Mỹ. Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhấn mạnh, thơ Hoàng Nhuận Cầm chính là cảm xúc của những lớp học trò cầm súng ra trận, rất trong trẻo, tươi sáng, đẹp như làn sương sớm bay trên thảm cỏ ban mai.

“Ông rất nhiệt huyết với thi ca. Mỗi lần nói chuyện, bình thơ, ông như một ngọn lửa bùng cháy”, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.

Con người thực ngoài đời của Hoàng Nhuận Cầm, đối với nhà thơ Trần Đăng Khoa đó là một người có lối nói chuyện dí dỏm, thường được mời đi giao lưu nhiều chương trình, dành cho nhiều đối tượng khác nhau.

Được biết, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm mắc bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính đã lâu. Chiều 20/4, nhà thơ có lịch làm việc với chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, nhưng khi TS Đỗ Anh Vũ của Đài liên lạc với nhà thơ thì không được. Khi người thân về đến nhà, mở cửa vào mới phát hiện nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã qua đời.

Dù mắc bệnh phổi đã lâu, nhưng nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm vẫn nhiệt tình tham gia nhiều chương trình thơ, giao lưu với bạn đọc, khán thính giả. Những ngày cuối cùng, sức khỏe rất yếu, thở cũng khó khăn, nhưng ông vẫn có mặt đều đặn ở các chương trình của mình, đem tình yêu thơ truyền đến biết bao thế hệ thính khán giả, độc giả.

Vân Quang Long qua đời vì đột quỵ

Thơ ca đã đem lại năng lượng làm việc cho Hoàng Nhuận Cầm, và ông cũng cháy hết mình đến tận phút cuối cùng cho nghệ thuật. Như nhà báo Trần Nhật Minh chia sẻ, chưa bao giờ, kể cả trong những lúc đời sống tưởng chừng suy sụp nhất, anh gục ngã mà vẫn gắng gỏi sống với thơ.

“Ta đã thực vào đời bằng nước mắt/Để con ta mơ mộng ngủ bên đàn/Ta đã đi như mèo trên phố vắng/Gọi tên con như gọi các thiên thần/Có một nốt không bao giờ con biết tới/Là nốt buồn, cha đã nuốt thay con…”, xin vĩnh biệt Hoàng Nhuận Cầm…

Xin được dành những tình cảm tốt đẹp nhất cho nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Cuộc sống có vất vả, cay nghiệt cũng không thể giết chết nét đẹp trong thơ ông. Vĩnh biệt thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm! vĩnh biệt nhà biên kịch điện ảnh tài năng “Bác sĩ Hoa Súng” của Gặp nhau cuối tuần!. Hoàng Nhuận Cầm, thơ và người, sẽ còn gắn bó và để lại trong lòng nhiều thế hệ khán giả, thính giả, độc giả Việt Nam những ấn tượng không bao giờ phai.

Thảo luận