Công an TP. Cần Thơ cũng thông tin vụ búp bê ‘ma’ Kumanthong.
Công an Cần Thơ nói gì vụ bắt Facebooker Trương Châu Hữu Danh?
Chiều 22/4, tại cuộc họp báo định kỳ Quý I/2021, Đại tá Hồ Trung Lập, Phó Giám đốc Công an TP. Cần Thơ thông tin về vụ án bắt giữ Facebooker Trương Châu Hữu Danh cùng đồng phạm cũng như sự việc liên quan đến “búp bê ma” Kumanthong.
Buổi họp báo do UBND TP.Cần Thơ tổ chức. Về vụ án bắt Facebooker Trương Châu Hữu Danh và đồng phạm, Đại tá Hồ Trung Lập thông tin, ngày 17/12/2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an Cần Thơ ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bị can Trương Châu Hữu Danh theo khoản 2 Điều 331 BLHS năm 2015 (Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân).
Đại tá Lập cũng cho hay, thông qua quá trình điều tra mở rộng, Công an TP bắt thêm ba đồng phạm của Trương Châu Hữu Danh gồm: Nguyễn Thanh Nhã, Đoàn Kiên Giang và Nguyễn Phước Trung Bảo.
Vụ án này hiện vẫn tiếp tục mở rộng điều tra. Dự kiến sẽ kết thúc điều tra chuyển VKS vào khoảng tháng 7/2021, đó là thời gian theo luật định”, Đại tá Hồ Trung Lập nhấn mạnh.
Hôm 20/4 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.Cần Thơ đã tiến hành khởi tố, bắt tạm giam 3 bị can, gồm: Nguyễn Thanh Nhã (41 tuổi, ngụ Phường Phước Long B, TP.Thủ Đức, TP.HCM), Đoàn Kiên Giang (36 tuổi, ngụ Phường 11, Quận 6, TP.HCM) và Nguyễn Phước Trung Bảo (39 tuổi, ngụ Phường Khuê Trung, Quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng).
Các quyết định khởi tố, bắt tạm giam được Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Cần Thơ phê chuẩn tương ứng. Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Cần Thơ cho biết, Quá trình khám xét nơi ở của các bị can, cơ quan điều tra đã thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu liên quan vụ án.
Ba đồng phạm của Facebooker Trương Châu Hữu Danh bị bắt về để điều tra về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được quy định tại Điều 331 Bộ Luật Hình sự.
Vì sao Facebooker Trương Châu Hữu Danh bị bắt?
Như Sputnik đã thông tin trước đó, hôm 17/12/2020, Cơ quan An ninh Điều tra Công an Thành phố Cần Thơ đã thi hành quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trương Châu Hữu Danh, chủ tài khoản Facebook Trương Châu Hữu Danh về tội “Lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Ông Trương Châu Hữu Danh sinh ngày 1/1/1982, đăng ký thường trú ở số 85, đường Khương Minh Ngọc, ấp Vĩnh Hòa, xã An Vĩnh ngãi, thành phố Long An. Được biết, ông Hữu Danh từng công tác ở một số cơ quan báo chí và được biết đến rộng rãi ở Việt Nam trong vai trò một Facebooker nổi tiếng.
Ông Trương Châu Hữu Danh nổi tiếng ở Việt Nam trong vai trò chủ tài khoản Facebook thường xuyên cập nhật tình hình thời sự, chính trị, xã hội ở Việt Nam với tư tưởng chống phá Đảng và Nhà Nước.
Ông Danh được cho là từng công tác làm việc với một số tờ báo của Việt Nam như Báo Long An, Lao Động, Nông thôn Ngày nay…
Ngoài là chủ Facebook Trương Châu Hữu Danh, ông còn là thành viên “top” của nhóm “Bạn hữu đường xa” tích cực chống BOT bẩn – hoạt động thu phí không minh bạch ở các trạm BOT. Ông Danh cũng là thành viên sáng lập nhóm “Báo sạch” nổi tiếng trên mạng xã hội.
Gần đây, cơ quan chức năng xác định, ông Danh lợi dụng sự nổi tiếng của bản thân với 167,917 người theo dõi, Facebooker này thường đăng nhiều bài viết chống phá chính quyền, Đảng và Nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Gần đây nhất, trang Facebook của ông Danh thường xuyên cập nhật về việc chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, bắt Cựu Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Diệp Dũng và vụ bắt ông Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM.
Đồng thời, đáng chú ý, trong quá trình điều tra, Cơ quan An ninh Điều tra Công an Cần Thơ cũng giám định được 31 bài viết trên trang cá nhân của Facebooker Trương Châu Hữu Danh, kết quả xác định nội dung, hình ảnh lồng ghép trong các bài viết kèm nhiều bình luận tiêu cực, một chiều.
Công an Cần Thơ đánh giá những bài viết này thể hiện rõ mục đích chống phá, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước, ảnh hưởng uy tín lãnh đạo địa phương.
Cùng với đó, các bài viết này có hình ảnh, video bị cho là mang nội dung kích động, gây mất an ninh trật tự trạm thu phí BOT tại Cần Thơ, xuyên tạc, thông tin sai sự thật về Quỹ đầu tư Phát triển Cần Thơ, Công ty Xổ số Cần Thơ, Công ty Cadif Cần Thơ và một số lãnh đạo thủ phủ Tây Đô.
Công an Cần Thơ nói gì về búp bê Kumanthong?
Liên quan đến vụ búp bê “ma” Kumanthong, đại diện Công an Cần Thơ thông tin cho biết, qua công tác nắm tình hình công an phát hiện hai địa điểm (ở phường Hưng Phú và phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ) có dấu hiệu lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tâm linh để kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, gồm mặt hàng búp bê Kumanthong và nhiều mặt hàng phong thủy trái quy định thuần phong mỹ tục khác.
Tại cuộc họp báo hôm nay, Đại tá Lập cho biết, ngoài hai địa điểm ở phường Hưng Phú và phường Ba Láng thì Công an chưa phát hiện thêm địa điểm nào kinh doanh loại hình búp bê này trên địa bàn.
Căn cứ tài liệu chứng cứ thu được, Công an quận Cái Răng xác định hành vi của Thái Thị Yến Nhi có dấu hiệu vi phạm hành chính về hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan theo quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 99 Nghị định 15/2020.
“Do đó, thời gian tới công an sẽ chỉ đạo xử lý vi pham hành chính”, Đại tá Lập nêu rõ.
Được biết, búp bê “ma” Kumanthong cùng với Lukthep là hai loại “bùa ngải” (dân Việt Nam vẫn hay gọi là “chơi ngải”) dưới dạng búp bê, thường mang hình hài trẻ em trong tín ngưỡng dân gian ở Thái Lan.
Sau vụ scandal của Youtuber Thơ Nguyễn, búp bê Kumanthong thu hút sự chú ý rất lớn của dư luận Việt Nam. Thời gian qua, cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện một số đối tượng đưa hai loại búp bê này về Việt Nam rồi miêu tả rằng đây là “bùa linh” nhằm lừa đảo những người nhẹ dạ cả tin.
Nguy hiểm hơn, theo cơ quan chức năng, hiện nay trên các mạng xã hội có nhiều hội, nhóm kín được lập ra để trao đổi, mua bán và hướng dẫn cách chăm sóc, thờ cúng búp bê “ma” Kumanthong.
Chưa kể đây là hoạt động mê tín dị đoan thì giá của mỗi búp bê Kumanthong được rao bán với giá từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng vì được đồn thổi là có khả năng mang lại sự may mắn cho người nuôi tạo nên suy nghĩ, nhận thức lệch lạc ở một số bộ phận người dân.