Cách tiếp cận của ASEAN trong việc giảm leo thang khủng hoảng ở Myanmar gần giống với cách tiếp cận của Trung Quốc và Nga, theo ý kiến các chuyên gia được Sputnik phỏng vấn bình luận về kết quả hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra vào ngày 24 tháng Tư vừa qua tại Jakarta.
Thực tế những cuộc hội đàm cá nhân của các nhà lãnh đạo hoặc đại diện chín nước ASEAN với Thượng tướng Min Aung Hlaing đã trở thành một trong những kết quả quan trọng của hội nghị thượng đỉnh. ASEAN, đã phải rất nỗ lực để đưa người đứng đầu giới quân sự Myanmar đến Jakarta. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi lên nắm quyền từ ngày 1 tháng Hai. Đồng thời, các nước ASEAN không có quan điểm thống nhất về tình hình ở Myanmar, là một trở ngại khác cho việc tổ chức hội nghị cấp cao đầu tiên của hiệp hội về tình hình ở một quốc gia riêng lẻ.
Lộ trình giảm leo thang khủng hoảng ở Myanmar
Chín nước ASEAN đã thỏa thuận với Min Aung Hlaing về một lộ trình giảm leo thang cuộc khủng hoảng ở Myanmar. Đồng thời, việc đạt được thỏa thuận 5 điểm về chấm dứt bạo lực ở Myanmar đã được "chính phủ trong bóng tối" của đất nước hoan nghênh - Chính phủ Thống nhất Quốc gia (National Unity Government - NUG) đã gọi thỏa thuận này là "tin tức đáng khích lệ".
Viktor Sumsky, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Trung tâm ASEAN của trường MGIMO, trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik, cho biết hội nghị thượng đỉnh đã đạt được mục tiêu của mình.
"Sự đồng thuận ở đây không phải là một kế hoạch chi tiết ổn định tình hình ở Myanmar. Đúng hơn, đó là một thỏa thuận về các phương pháp tiếp cận cần được áp dụng ngay bây giờ để bắt đầu một cuộc tìm kiếm ít nhiều nghiêm túc hơn cho một dàn xếp như vậy. Từ quan điểm này, hội nghị thượng đỉnh có thể được coi là hiệu quả, với sự nhất trí mà không có phản đối từ Tướng Min Aung Hlaing Đây là những lập trường như chấm dứt ngay bạo lực với biểu hiện là các bên kiềm chế tối đa, tham gia đối thoại mang tính xây dựng, vốn rất quan trọng, với sự trung gian của ASEAN. Chuyến thăm của đặc phái viên ASEAN tới Myanmar để khởi động đối thoại nội bộ Myanmar cũng đã được lên kế hoạch".
Tuyên bố cuối cùng của Chủ tịch ASEAN nói gì?
Trong tuyên bố cuối cùng của chủ tịch ASEAN, đưa ra sự đồng thuận 5 điểm, có đề cập đến việc hiệp hội sẽ tham vấn với các đối tác đối thoại. Cả Nga và Trung Quốc đều là đối tác của ASEAN. Chuyên gia Viktor Sumsky lưu ý trong vấn đề này rằng ở nhiều khía cạnh, cách tiếp cận của Nga và ASEAN đối với việc giải quyết ở Myanmar giống nhau về nhiều mặt, điều này tạo cơ hội cho sự tương tác mang tính xây dựng:
"Cuộc xung đột ở Myanmar gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế. Nhiều bên đã tham gia đánh giá tình hình ở Myanmar và đề xuất tất cả các loại phương hướng giải quyết. ASEAN, với vai trò là người điều tiết trong việc giải quyết xung đột, ở một mức độ nào đó bảo vệ Myanmar khỏi sự can thiệp vào công việc nội bộ từ các đối tác bên ngoài, và tạo điều kiện thoải mái hơn phần nào để giải quyết một tình huống khó khăn. Về điều này, cách tiếp cận của ASEAN và Nga rất trùng khớp. Bất ổn ở Myanmar cũng nguy hiểm đối với châu Á như bất ổn ở Afghanistan. Cũng có những đánh giá cho rằng Myanmar gần như là Syria của châu Á. Hiện đã có những lời kêu gọi từ các phần tử Hồi giáo cực đoan biến bang Rakhine, nơi sinh sống của người Rohingya, thành một khu vực thánh chiến, nơi tất cả các loại phần tử cực đoan, đặc biệt, các chiến binh từ khu vực xung đột Syria, sẽ tham gia. Trong điều kiện đó, người ta chỉ có thể hoan nghênh việc ASEAN đã đảm nhận sứ mệnh gìn giữ hòa bình đầy khó khăn và quan tâm đến đối thoại với các đối tác quốc tế".
Tuyên bố cuối cùng của hội nghị cấp cao ASEAN đề cập riêng đến việc những nước tham gia đã "nghe thấy lời kêu gọi" trả tự do cho các tù nhân chính trị, kể cả người nước ngoài. Tài liệu không có yêu cầu trả tự do, điều mà cả các nhà hoạt động nhân quyền và những người phản đối chính quyền quân sự Myanmar đều nhấn mạnh. Từ một bài đăng trên mạng xã hội của Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein, người ta biết Malaysia đã tìm kiếm điều này tại hội nghị thượng đỉnh.
Yêu cầu trả tự do cho các tù nhân chính trị đã không trở thành một trong những điểm được đồng thuận. Trong tuyên bố cuối cùng của chủ tịch ASEAN, không đề cập đến sự cần thiết phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho các nhà lãnh đạo Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, cũng như vai trò của Chính phủ Thống nhất Quốc gia. Theo các nhà quan sát, đây có thể là kết quả của sự thỏa hiệp giữa ASEAN và Min Aung Hlaing trong việc xây dựng lộ trình. Cơ hội dàn xếp chỉ đơn giản là mất đi nếu ASEAN khăng khăng với những yêu cầu này. Lập trường của ASEAN, rõ ràng, đã tìm thấy sự hiểu biết từ Chính phủ Thống nhất Quốc gia. Họ kêu gọi giới quân sự giữ lời hứa và ASEAN có hành động quyết đoán để thực hiện các quyết định của mình và khôi phục nền dân chủ ở Myanmar.