Những "ẩn số" đằng sau chuyến công du đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính

HÀ NỘI (Sputnik) - Những ý kiến, đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị nhận được sự đồng tình từ lãnh đạo các nước ASEAN. Đồng thời, đáp ứng trúng những quan tâm và ưu tiên của ASEAN lúc này.
Sputnik

Quyết định tham dự hội nghị "chưa đầy 20 ngày"?

Chuyến công du đầu tiên để tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Jakarta của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kết thúc tốt đẹp chuyến công tác. Đêm 24, rạng sáng 25/4, Thủ tướng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN

Ngay sau đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng trả lời về kết quả chuyến tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN vừa diễn ra tại Indonesia. Chia sẻ ý nghĩa chuyến công tác và những đóng góp nổi bật của Việt Nam khi tham gia hội nghị.

Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN lần này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi nhiều nước trong khu vực đang phải trải qua các đợt bùng phát dịch mới rất phức tạp. Mặc dù vậy, các nhà lãnh đạo ASEAN vẫn quyết tâm gặp mặt trực tiếp, cho thấy cam kết và nỗ lực rất lớn của các nước thành viên, vượt lên khó khăn, cùng chung tay xử lý những vấn đề cấp thiết đang nổi lên mà ASEAN phải đối mặt.

Đối với Việt Nam, Thủ tướng quyết định tham dự hội nghị chỉ sau chưa đầy 20 ngày nhậm chức, thể hiện tinh thần chủ động, tích cực và đóng góp trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN. Với vị thế có được trong ASEAN, đặc biệt là sau nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, là thành viên duy nhất của ASEAN trong HĐBA LHQ và đang là Chủ tịch HĐBA tháng 4/2021, sự tham gia, đóng góp của Việt Nam được cộng đồng quốc tế và khu vực rất trông đợi.

Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đã đáp ứng được kỳ vọng đó. Chúng ta tham gia, đóng góp tích cực, thực chất trên nhiều nội dung của hội nghị, đúng với tinh thần của một thành viên trách nhiệm, nỗ lực vì công việc chung của “đại gia đình ASEAN”. Ý kiến, đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị nhận được sự đồng tình và chia sẻ cao từ lãnh đạo các nước ASEAN, đáp ứng trúng những quan tâm và ưu tiên của ASEAN lúc này, nhất là về kiểm soát Covid-19, thúc đẩy phục hồi và cách thức ứng phó hữu hiệu với các vấn đề nảy sinh.

Khéo léo lồng ghép những vấn đề "nhạy cảm"

Ngoài việc thúc đẩy các kết quả đạt được trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, Thủ tướng cũng đã khéo léo kết hợp lồng ghép các vấn đề Việt Nam có lợi ích như Biển Đông, Mekong trong các định hướng hợp tác của ASEAN.  Cụ thể, Thủ tướng đề nghị ASEAN cần quan tâm đến vấn đề thu hẹp khoảng cách phát triển ở các tiểu vùng, trong đó có Mekong, đảm bảo không vùng, miền nào bị bỏ lại phía sau, nhất là trong bối cảnh các tác động của Covid-19 đang làm giãn rộng khoảng cách phát triển trong ASEAN.

Sáng 23/04: Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị Các nhà lãnh đạo ASEAN

Để giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong môi trường chiến lược diễn biến phức tạp, Thủ tướng nhận định lòng tin và thiện chí của các bên cần được thể hiện bằng các hành động thực tế, tránh các hành động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình. Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN cần duy trì lập trường nguyên tắc về vấn đề Biển Đông, trong đó có duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không, tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982, thực hiện nghiêm túc DOC và sớm hoàn tất COC hiệu lực, hiệu quả.

Chia sẻ quan điểm của lãnh đạo các nước ASEAN về các vấn đề quốc tế, trong đó có tình hình Myanmar là khu vực đang được quan tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tôn trọng nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, song với tinh thần đoàn kết của một Cộng đồng, ASEAN không thể thờ ơ trước các vấn đề nảy sinh tác động đến ổn định và phát triển chung của khu vực. Đề xuất của Thủ tướng là cần cử đại diện của ASEAN tới Myanmar tìm hiểu tình hình thực tế, tiếp xúc với các bên, thúc đẩy đối thoại, tìm giải pháp, song song với việc tăng cường các nỗ lực trợ giúp nhân đạo cho người dân. Có thể nói đây là cách thức phù hợp để ASEAN tham gia hỗ trợ Myanmar, cũng như đồng quan điểm với các lãnh đạo ASEAN.

Đề cập các nỗ lực của Việt Nam trong vai trò ủy viên không thường trực và Chủ tịch HĐBA LHQ tháng 4/2021 duy trì trao đổi cân bằng về Myanmar tại HĐBA, Thủ tướng đề nghị các nước ASEAN và Myanmar phối hợp chặt chẽ cùng Việt Nam để vận động các Đối tác ủng hộ vai trò của ASEAN thúc đẩy tìm ra giải pháp phù hợp, khả thi, căn bản, thực chất cho vấn đề Myanmar.

Có thể nói các đóng góp của Việt Nam vừa mang tính chiến lược, vừa thực chất, hiệu quả. Qua các phát biểu của Thủ tướng tại hội nghị đã cùng với các thành viên ASEAN thực sự đã tiếp tục khẳng định hình ảnh, dấu ấn của Việt Nam trong ASEAN, cùng các nước thành viên khác góp phần quan trọng làm nên thành công ngoài mong đợi của hội nghị. Đây là hoạt động cấp cao trực tiếp đầu tiên của ASEAN trong năm 2021 và sau 18 tháng ASEAN phải chuyển các hội nghị sang hình thức trực tuyến do tình hình dịch bệnh.

Sự khởi đầu tích cực

Các mục tiêu cụ thể đã được nhất trí như tăng gấp đôi kim ngạch thương mại hai chiều với Brunei,  sớm đưa thương mại hai chiều với Indonesia lên 10 tỷ USD, với Malaysia lên 15 tỷ USD…; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thương mại và thu hút đầu tư; nối lại đường bay và thiết lập hành lang đi lại an toàn; đẩy mạnh hợp tác về giáo dục đào tạo, nông - ngư nghiệp, môi trường - biến đối khí hậu, hợp tác biển và đại dương, trong đó có thực thi pháp luật trên biển…

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN sắp tới có là nền tảng công nhận chế độ quân sự của Myanmar hay không?

Các nhà lãnh đạo nhất trí phối hợp chặt chẽ và ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế, trong đó có củng cố vai trò trung tâm của ASEAN cũng như tăng cường quan hệ gắn kết giữa ASEAN với Liên hợp quốc. Trao đổi về các vấn đề an ninh, chiến lược khu vực và quốc tế cùng quan tâm, Thủ tướng ta đã khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó UNCLOS 1982.

Cũng nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị các nước tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm ăn ở sở tại, đặc biệt là bảo đảm an toàn, phòng chống Covid-19, tạo điều kiện quá cảnh và tổ chức chuyến bay đưa người Việt Nam về nước trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại một số nước trong khu vực đang diễn biến phức tạp.

Có thể nói kết quả các hoạt động song phương lần này tạo nền tảng vững chắc cho việc triển khai chính sách đối ngoại của ta với các đối tác quan trọng ngay từ đầu nhiệm kỳ của Chính phủ mới, đồng thời là khởi đầu tích cực, góp phần tạo dựng quan hệ hợp tác, hữu nghị và thân thiện giữa Thủ tướng với lãnh đạo các nước ASEAN.

Thảo luận