Đại dịch COVID-19

Việt Nam tích cực hỗ trợ Campuchia chống Covid-19, ngăn dịch lây lan xuyên biên giới

Covid-19 tăng tốc ở Campuchia. Việt Nam tích cực hỗ trợ Campuchia. Bộ Y tế của hai nước sát cánh bên nhau, hợp tác chặt chẽ. Hai nước phối hợp chia sẻ thông tin, chung tay kiểm soát đường biên giới để ngăn dịch lây lan xuyên biên giới. Người gốc Việt và công dân Việt Nam tại Campuchia nhận được sự trợ giúp lớn của Đại sứ quán.
Sputnik

Dich Covid-19 đang bùng phát trở lại tại Campuchia - nước láng giềng của Việt Nam. Tại cuộc họp sáng ngày 23/4, Ban chỉ đạo quốc gia về chống Covid-19 yêu cầu siết chặt hơn đường biên giới và tăng cường các biện pháp giới hạn.

Diễn biến dịch Covid-19 tại Thái Lan, Lào và đặc biệt là Campuchia đang gây lo ngại cho Việt Nam.

Trước tình hình trên, Campuchia đang làm gì để chống dịch? Việt Nam giúp gì cho bà con mình ở đất nước Angkor và hỗ trợ cho Campuchia như thế nào? Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Campuchia Vũ Quang Minh chia sẻ thông tin với phóng viên Sputnik.

Campuchia áp dụng những biện pháp quyết liệt chống lây lan kỷ lục của biến thể Covid-19 mới

Sputnik: Chân thành cảm ơn Đại sứ Vũ Quang Minh đã dành thời gian cho Sputnik. Thưa đại sứ, xin Đại sứ chia sẻ, Campuchia đang có những biện pháp gì để chống Covid-19?

Đại sứ Vũ Quang Minh: Trước nguy cơ đứng trên bờ của một thảm cảnh quốc gia như Thủ tướng Hun Sen cảnh báo khi Campuchia đang phải đối mặt với sự lây lan nhanh kỷ lục của biến thể mới của Covid-19 kể từ vụ bùng nổ lây nhiễm cộng động hôm 20/02/2021, Chính phủ Campuchia đã áp dụng những biện pháp quyết liệt nhằm chặn đứng chuỗi lây nhiễm hiện nay.

Bộ Y tế công bố kết quả giải trình tự gene các ca mắc Covid-19 về từ Campuchia

Thứ nhất, đó là các biện pháp giãn cách xã hội quy mô lớn. Lần đầu tiên Campuchia áp đặt lệnh giới nghiêm từ 20:00 tới 05:00 ở một số thành phố lớn, nơi có tỷ lệ lây nhiễm cao như Phnom Penh và thành phố bên cạnh là Ta Khmao thuộc tỉnh Kandal, đồng thời cấm đi lại giữa các địa phương.

Khi biện pháp này tỏ ra chưa đủ mạnh, Thủ tướng Hun Sen lần đầu tiên đã ra lệnh phong tỏa toàn bộ Thủ đô và Ta Khmao, dự kiến trong 14 ngày từ 14-28/4/2021, đóng cửa toàn bộ các cơ sở dịch vụ, giải trí,… không thiết yếu, và hôm 23/4/2021 thành phố Sihanoukville cũng đã bị áp đặt lệnh phong tỏa toàn diện.

Tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp và có nguy cơ vượt ngoài tầm kiểm soát, đặc biệt khi hầu hết các nhà máy dệt may và giày dép ở khu vực Phnom Penh và vùng kề cận có công nhân bị lây nhiễm và nhiều chợ đông người ở khu vực Thủ đô cũng phát hiện các tiểu thương và nhân viên quản lý dương tính. Ngày 24/4, Chính quyền đã buộc phải ra lệnh đóng cửa toàn bộ các chợ ở Phnom Penh và trước đó là toàn bộ các nhà máy có công nhân bị nhiễm virus.

Chính quyền Phnom Penh và Sihanoukville cũng xác định và công bố các vùng đỏ - là các quận và khu vực trong thành phố có tỷ lệ lây nhiễm cao, là các ổ bệnh phát tán mạnh, để áp dụng các chính sách phong tỏa nghiêm ngặt hơn, bao gồm cấm tuyệt đối người dân ra khỏi nhà.

Đáng chú ý, chính quyền đã giao quân đội đứng ra chủ trì việc triển khai áp dụng và theo dõi thực thi các biện pháp giãn cách xã hội và phong tỏa diện rộng này.

Thứ hai, Campuchia đẩy mạnh việc xét nghiệm diện rộng, trong đó trước hết tập trung vào các khu vực nguy cơ cao và tỷ lệ lây nhiễm lớn. Hôm nay, 24/4/2021, chính quyền đã tuyên bố người dân ở các khu vực đỏ bắt buộc phải đi xét nghiệm chứ không còn là khuyến nghị.

Thứ ba, tăng tốc tiêm chủng vaccine cho người dân ở các khu vực nguy cơ cao, bao gồm khu vực Thủ đô, người có tuổi, công nhân, các nhân viên y tế, cảnh sát, sỹ quan quân đội tuyến đầu, v..v. Chính quyền đã kêu gọi người dân và đặc biệt là các nhà hảo tâm có điều kiện, các doanh nghiệp, doanh nhân lớn quyên góp tiền để lập quỹ mua vaccine, với mục tiêu mua đủ để tiêm cho 70% dân số đủ điều kiện tiêm chủng nhằm đạt miễn dịch cộng đồng.

Chỉ cần Campuchia lên tiếng, Việt Nam sẵn sàng giúp đỡ

Cho đến nay Campuchia đã tiêm cho gần 1.3 triệu người trên tổng số gần 16 triệu dân, là một tỷ lệ cao trong khu vực và trên thế giới (Việt Nam là khoảng 80 ngàn người). Đặc biệt, khi dịch ở Thủ đô bùng phát mạnh, Thủ tướng Hun Sen đã yêu cầu mở chiến dịch ưu tiên tiêm chủng cho người già trên 60 tuổi, sử dụng vaccine AstraZeneca do chương trình COVAX của LHQ cung cấp. Kế hoạch của Campuchia là tiêm khoảng một triệu liều mỗi tháng, với hai loại vaccine chủ yếu do Trung Quốc cung cấp (viện trợ và bán thương mại) là Sinopharm và Sinovac. 

Thứ tư, tăng cường chiến dịch kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp vệ sinh dịch tễ phòng chống Covid-19, bao gồm yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, với mức tiền phạt vi phạm cao. Vào thời điểm diễn ra Tết Khmer, chính quyền đã ra lệnh nghiêm cấm bán rượu bia, đồ uống có cồn, tụ tập ăn nhậu đông người,… và đã tiến hành phạt rất nặng các vụ vi phạm, kể cả một Tướng Cảnh sát hai sao, Phó Tham mưu trưởng Cảnh sát Quốc gia.

Thứ năm, tăng tốc xây dựng các bệnh viện dã chiến, sử dụng những không gian lớn như trung tâm tiệc cưới,… và giao quân đội đứng ra xây dựng. Đồng thời, để đề phòng trường hợp diễn biến xấu, tránh nguy cơ lây lan, một số khu vực đã được dành riêng để xây các cơ sở hỏa táng các nạn nhân của Covid-19.

Thứ sáu, đưa ra các biện pháp hỗ trợ người dân trong phong tỏa, như cho phép tổ chức các chợ di động, cửa hàng thực phẩm trên xe buýt cải tạo lại, tổ chức cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm miễn phí cho một số khu vực bị phong tỏa chặt chẽ như trong các vùng đỏ, lập kênh thông tin cứu trợ trên mạng telegram để người dân cần cứu giúp khẩn cấp có thể liên lạc và đăng ký nhu cầu,… Chính quyền cũng trợ cấp tiền mặt cho một số lực lượng tuyến đầu như cảnh sát đang thực thi phong tỏa.

Việt Nam tích cực hỗ trợ Campuchia chống Covid-19, ngăn dịch lây lan xuyên biên giới

Thứ bảy, áp dụng công nghệ tối đa vào cuộc chiến chống Covid 19, bao gồm đưa vào sử dụng các app, các QR code để truy dấu và yêu cầu bắt buộc người dân phải truy cập và đăng ký khi tới các điểm công cộng như nhà hàng, cửa hàng thực phẩm, v.v.

Thứ tám, phân loại người bệnh để xử lý, tránh quá tải hệ thống y tế. Theo đó, do năng lực và nguồn lực của hệ thống y tế Campuchia còn nhiều hạn chế, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế ra bộ quy trình hướng dẫn người dân điều trị tại nhà khi có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng.

Campuchia và Việt Nam luôn duy trì hợp tác chặt chẽ chống Covid-19 từ khi dịch xuất hiện

Sputnik: Thưa Đại sứ, như Đại sứ đã nói, hệ thống y tế Campuchia còn nhiều hạn chế, vậy Campuchia phối hợp với Việt Nam như thế nào và Việt Nam trợ giúp Campuchia như thế nào trong cuộc chiến chống Covid-19?

Đại sứ Vũ Quang Minh: Từ khi có dịch bệnh nổ ra, hơn một năm nay Campuchia và Việt Nam luôn duy trì hợp tác chặt chẽ, đặc biệt là chia sẻ thông tin, chung tay kiểm soát đường biên giới để ngăn chặn các vụ vượt biên trái phép, trốn tránh cách ly, để ngăn nguy cơ lây truyền dịch bệnh xuyên biên giới. Và đặc biệt, Việt Nam đã nhiều lần viện trợ các trang thiết bị y tế, vật tư máy móc và tiền mặt để hỗ trợ nước bạn trong cuộc chiến cam go chống Covid-19.

Campuchia bùng dịch COVID-19, người Việt vẫn không ngừng nhập cảnh trái phép về Việt Nam

Đầu năm 2020 ngay từ khi dịch bệnh có dấu hiệu bùng phát, Việt Nam đã hỗ trợ Campuchia một số lượng lớn các bộ xét nghiệm nhanh và nhiều vật tư y tế như khẩu trang, nước sát khuẩn. Các tỉnh, thành phố và các bộ ngành của Việt Nam cũng liên tục hỗ trợ các địa phương và bộ, ngành Campuchia bằng hiện vật và tiền mặt. Gần đây nhất, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tổ chức trao tặng quà hỗ trợ Bộ Quốc phòng Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi thư thăm hỏi Thủ tướng Hun Sen và thông báo Chính phủ Việt Nam tặng 200 ngàn đô la Mỹ, và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng vừa gửi thư thăm hỏi và thông báo Đảng và Nhân dân Việt Nam gửi tặng Đảng CPP và nhân dân Campuchia 300 ngàn đô la để chung sức chống dịch bệnh trong thời điểm hết sức khó khăn này của Campuchia.

Đáng chú ý, hai Bộ Y tế của hai nước cũng luôn sát cánh bên nhau, hợp tác chặt chẽ. Bộ Y tế Campuchia vừa đề nghị Bộ Y tế Việt Nam cung cấp thông tin về lịch trình và lịch sử di chuyển của một số bệnh nhân là công dân Việt Nam về từ Campuchia và bị phát hiện nhiễm bệnh khi nhập cảnh Việt Nam để Campuchia truy dấu, ngăn chặn lây lan.

Đặc biệt, Bộ trưởng Y tế hai nước vừa có cuộc điện đàm quan trọng, trong đó Bộ Y tế Việt Nam bày tỏ sẵn sàng cử bác sỹ, chuyên gia sang giúp Campuchia đối phó dịch bệnh, bao gồm cả điều trị các trường hợp nặng, hoặc tư vấn, hội chẩn trực tuyến. Đồng thời, Việt Nam sẽ gửi tặng Campuchia một số lượng lớn các thiết bị và vật tư y tế, trong đó có 800 máy thở, hai triệu khẩu trang y tế đặc chủng và nhiều vật tư quan trọng khác mà Campuchia đang cần. Hàng không Việt Nam sẽ có chuyến bay riêng để vận chuyển sang Phnom Penh trong thời gian sớm nhất.

Campuchia cũng đã có nhiều nỗ lực giúp tiêm chủng sớm cho cán bộ nhân viên và gia đình của Đại sứ quán Việt Nam, hai Tổng Lãnh sự quán, và các cơ quan bên cạnh Sứ quán như Quân vụ, Thương vụ, Đại diện Bộ Công an, bốn cơ quan truyền thông như Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, VTV, và VOV. Tất cả sinh viên Việt Nam đang theo học tại Đại học Hoàng gia Phnom Penh cũng đã được tiêm chủng vaccine. Ngoài ra, cán bộ quản lý và người lao động Việt Nam ở một số công ty và doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở Campuchia cũng đã được tiêm chủng, bao gồm các y bác sỹ ở bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh, các công ty cao su thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Metfone (Viettel Cambodia), Angkor Milk (Vinamilk Cambodia), hay ngân hàng MB Bank Cambodia,…

Chính quyền sở tại cũng đã cho bà con gốc Việt ở trên 10 tỉnh, thành phố đăng ký tiêm chủng như công dân Campuchia, và vừa qua Kandal tỉnh giáp biên với Việt Nam và với Thủ đô Phnom Penh đã tổ chức tiêm chủng đợt đầu cho gần 200 bà con gốc Việt tại xã Xam Pau Pun, đối diện cửa khẩu quốc tế Long Bình.

Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia nỗ lực hết sức giúp người Campuchia gốc Việt và công dân Việt Nam ở Campuchia

Sputnik: Như vậy, Việt Nam hỗ trợ tích cực cho Campuchia trong cuộc chiến chống Covid-19. Vậy, trong thời gian dịch Covid-19 Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia có những hoạt động gì để hỗ trợ công dân Việt Nam và người gốc Việt ở Campuchia?

Đại sứ Vũ Quang Minh

Hơn một năm qua kể từ khi dịch bắt đầu xuất hiện đầu năm 2020 và cho tới tháng 2 năm nay Campuchia đã phòng chống rất thành công và là một trong số ít nước có con số nhiễm bệnh thấp nhất thế giới, không có ai tử vong. Tuy nhiên, từ vụ bùng phát hôm 202/2, chủng virus mới với tốc độ lây nhiễm nhanh đã lan truyền mạnh trong cộng đồng. Tính đến sáng ngày 24/4 đã có tổng cộng 9.359 người mắc bệnh, hiện đang còn điều trị là 6072 người, tử vong 71 người.

Việt Nam dành “những gì tốt nhất” giúp Campuchia chống Covid-19

Riêng kể từ sự kiện lây nhiễm cộng đồng 20/02/2021 (do một nhóm bốn người Trung Quốc đút lót cho cảnh sát trốn khỏi khách sạn Sokha nơi đang cách ly và ra ngoài làm lây nhiễm cho cộng đồng người Trung Quốc và người Khmer và Việt Nam làm dịch vụ cho các công ty Trung Quốc này), nguyên nhân chính gây ra bùng phát dữ dội dịch Covid-19 hiện nay, tới nay đã có 8301 người mắc mới. Trong số những người mắc bệnh hiện nay có cả bà con gốc Việt và công dân Việt Nam sang làm ăn, du lịch, hoặc quá cảnh từ nước thứ ba kẹt lại...

Các tỉnh Kandal, Svay Rieng, Preh Sihanouk và Thủ đô Phnom Penh là các địa phương tập trung nhiều người gốc Việt (khoảng trên 80 ngàn) cũng là những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt, một số khu vực bị cách ly, phong tỏa cũng có nhiều người Việt sinh sống. Đời sống người gốc Việt đã trở nên khó khăn hơn trước vừa vì mất việc hoặc sa sút công ăn việc làm, vừa vì phải chịu cách ly và phong tỏa. Ước tính khoảng 25 ngàn hộ gốc Việt chịu ảnh hưởng, riêng Phnom Penh có khoảng 2500 hộ nghèo đang phải cách ly và phong tỏa, thiếu lương thực và nhu yếu phẩm.

Thời gian qua Đại sứ quán và hai Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sihanoukville và Battambang đã hết sức nỗ lực phối hợp cùng Tổng hội Khmer Việt Nam và chi nhánh Hội ở các tỉnh, thành phố hỗ trợ và cứu trợ bà con gốc Việt ở những nơi gặp nhiều khó khăn nhất vì dịch bệnh, thông qua kêu gọi sự giúp đỡ và tài trợ nhu yếu phẩm, vật phẩm y tế phòng bệnh, tiền mặt... từ các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, địa phương, đoàn thể và các nhà hảo tâm ở Việt Nam và Campuchia, để phân phối kịp thời tới tay bà con. Chúng tôi đã tuyên truyền, hướng dẫn bà con nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân, tuân thủ các quy định của chính quyền sở tại, đồng thời theo dõi sát tình hình các điểm nóng nhất để có trợ giúp kịp thời và thiết thực để bà con không thiếu đói, vận động bà con không di cư tự do và tìm cách nhập cảnh trái phép vào Việt Nam thông qua các dịch vụ nhập cảnh lậu.

Hội Khmer Việt Nam đã phát hành trên 50 bản tin qua mạng xã hội và các kênh truyền thông khác để cập nhật thông tin cho bà con và khuyến cáo các biện pháp phòng dịch. Người dân gốc Việt lo lắng và bị động hoang mang cũng dễ hiểu vì đây là lần đầu tiên Campuchia phải áp dụng các biện pháp mạnh như cách ly và phong tỏa, giới nghiêm toàn bộ những khu vực rộng lớn trong khi các điều kiện và biện pháp của chính quyền nhằm hỗ trợ cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm, v..v  còn chưa hoàn thiện ngay.

Sứ quán và các Tổng Lãnh sự quán, Hội Khmer Việt đã tích cực hết sức để vận động các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp Việt và gốc Việt cứu trợ tại chỗ, trong đó có từ Câu lạc bộ doanh nghiệp Việt Nam VBCC và các doanh nhân thành đạt khác ở các địa phương Campuchia.

Mở tiệc trong đại dịch: Tướng cảnh sát Campuchia bị sa thải vì vi phạm cách ly

Vừa qua nhiều Tỉnh, Thành phố, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức hữu nghị như Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia, Mặt trận Tổ quốc, các quân khu 5, 7 và 9, các tổ chức tôn giáo như Phật giáo và Thiên Chúa giáo, cả Cơ đốc và Tin Lành,... đã gửi nhiều nhu yếu phẩm, gạo, vật phẩm y tế, tiền mặt... để hỗ trợ bà con. Từ đầu tháng 3 tới nay các cơ quan đại diện Việt Nam và Hội Khmer Việt Nam đã tiếp nhận và phân phát trực tiếp hàng cứu trợ thiết yếu tới hơn 3500 gia đình, trong đó có hơn 60 tấn gạo, 2500 thùng mỳ ăn liền, 120 ngàn khẩu trang, hơn 5000 chai dung dịch sát khuẩn và nhiều mặt hàng thiết yếu khác... Các tỉnh thành và bộ ngành Việt Nam cũng tích cực gửi cứu trợ tới các tỉnh, thành phố kề bên hoặc kết nghĩa và các bộ ngành tuyến đầu chống dịch của Campuchia.

Sáng nay 24/4/2021, Đại sứ đã dẫn đầu đoàn công tác của Sứ quán, cùng Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh, và Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội Khmer Việt Nam tại Campuchia đến thăm và hỗ trợ khẩn cấp mỗi gia đình 20 kg gạo, một hộp khẩu trang và một chai dung dịch sát khuẩn cho 350 hộ gốc Việt có hoàn cảnh khó khăn tại khu vực chùa Champa, quận Chbaam Pov, Thủ đô Phnom Penh, và 150 hộ gia đình Khmer khó khăn của phường Kbal Khon, Phnom Penh. Đây là khoản tài trợ 5000 đô la của các cán bộ nhân viên Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh ủng hộ để mua 10 tấn gạo tặng cho 500 gia đình. Số khẩu trang và nước sát khuẩn là quà của các Phật tử Chùa Sùng Đức, Phường 1, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh gửi tặng qua Hội Khmer – Việt Nam, là sản phẩm của công ty 5AE Medical, Quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.

Chúng tôi cũng rất nỗ lực hỗ trợ công dân Việt Nam hiện đang làm ăn, sinh sống và học tập ở Campuchia hoặc bị kẹt lại vì dịch bệnh. Vừa qua, Sứ quán và các TLSQ đã phối hợp với Bộ Nội vụ Campuchia đưa một số bệnh nhân quốc tịch Việt Nam vi phạm luật nhập cảnh, sau khi cách ly và xét nghiệm âm tính, trở về Việt Nam an toàn. Chúng tôi cũng đã tổ chức hai chuyến xe đặc biệt, sử dụng xe có biển số ngoại giao, xin phép Chính quyền, để đưa hơn 20 công dân Việt, đa số là sinh viên từ các nước thứ ba quá cảnh Campuchia, do lệnh phong tỏa nên khi hết cách ly không thể tự đi, ra cửa khẩu để về nước an toàn.

Bên cạnh đó, Sứ quán đã làm việc chặt chẽ với các cơ quan của Campuchia và phối hợp với các doanh nghiệp Việt Nam để thu xếp việc đăng ký tiêm chủng cho công nhân và công dân Việt Nam đang làm ăn, sinh sống ở Campuchia như trên đã nêu. Cho đến nay, các sinh viên Việt Nam, công nhân Việt Nam ở một loạt các doanh nghiệp lớn như các công ty cao su Việt Nam, các công ty viễn thông, y bác sỹ tại bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh... và một số bà con gốc Việt đã được tiêm chủng đợt đầu.

Các cơ quan truyền thông của Việt Nam ở Campuchia như Đài tiếng nói Việt Nam VOV, VTV, báo Nhân dân, Thông tấn xã đã và đang rất tích cực truyền tải thông tin, cập nhật các chính sách và diễn biến mới nhất của dịch bệnh để cộng đồng bà con gốc Việt nắm bắt đầy đủ và kịp thời.

Sứ quán, TLSQ và Hội Khmer Việt Nam luôn vận động và nhắc nhở cộng đồng gốc Việt bình tĩnh, yên tâm thực hiện đúng mọi chính sách, quy định và biện pháp phòng chống dịch bệnh của chính quyền địa phương, đồng lòng, đoàn kết và chung tay, kiên trì nhẫn nại, vượt qua dịch bệnh quay lại cuộc sống bình thường.

Sputnik: Một lần nữa chân thành cảm ơn Đại sứ đã trả lời phỏng vấn cho Sputnik.

Thảo luận