Huyền thoại bóng chuyền nữ Việt Nam và những rùm beng xung quanh án kỷ luật

HÀ NỘI (Sputnik) - Những lùm xùm gần đây xung quanh việc hoa khôi bóng chuyền Kim Huệ cùng và 3 VĐV Ninh Anh, Thu Hoài, Phương Anh nhận quyết định kỷ luật của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) đang gây nên những ý kiến bức xúc trong dư luận. Thực hư câu chuyện là như thế nào?
Sputnik

Đưa ra án kỉ luật khi mới nhận thông từ một phía

Vụ việc bắt đầu từ khi HLV Phạm Thị Kim Huệ và 3 học trò có ý định rời đội bóng chuyền của Ngân hàng Công Thương (NHCT) để chuyển tới đội Vĩnh Phúc. Cụ thể vào ngày 09/03, Kim Huệ lên làm việc với đội Vĩnh Phúc, và nhận được đề nghị số tiền 4 tỷ cho hợp đồng 3 năm. Chuyền hai là Thu Hoài nhận 3 tỷ, còn Phương Anh và Ninh Anh mỗi người nhận 2 tỷ. Tất cả đều là thỏa thuận miệng và chưa ký hợp đồng.

Nữ thần bóng chuyền đẹp nhất thế giới gây “sốt” ở Quảng Nam

Cho đến ngày 11/3, cô trò Kim Huệ gửi đơn xin nghỉ lên lãnh đạo đội NHCT và ngày 15/03, đội Vĩnh Phúc chuyển tiền tạm ứng 2 tỷ cho Kim Huệ, còn các vận động viên nhận đủ tiền. Tuy nhiên sau đó, Kim Huệ biết được đội NHCT đã gửi danh sách thi đấu vòng một lên VFV, nên khó giải quyết nhanh chóng để gia nhập Vĩnh Phúc. Chính vì thế, ngày 22/03 HLV Kim Huệ đã có buổi nói chuyện với đội Vĩnh Phúc ngày để nói rõ tình hình.

Tới ngày 25/3, Kim Huệ và học trò làm đơn đầy đủ theo yêu cầu và hoàn trả tiền, nhưng đội Vĩnh Phúc không đồng ý và gửi đơn lên VFV. Sau đó, Chủ tịch VFV Lê Văn Thành ra quyết định kỷ luật với 4 cô trò Kim Huệ, khi chỉ nhận đơn từ một phía là Vĩnh Phúc. Kim Huệ bức xúc:

"Chúng tôi yêu cầu nếu muốn kỷ luật phải có cơ sở. Anh Thành nói không ký là việc của chúng tôi, đây là cuộc họp nội bộ, không được công khai báo chí, tuy nhiên tôi nói đây là danh dự của tôi, tại sao không cho báo chí vào cuộc".

Cựu đội trưởng tuyển bóng chuyền nữ quốc gia cho biết quyết định kỷ luật này của VFV ảnh hưởng đến danh dự của cô và 3 học trò. Kim Huệ và Thu Hoài có rất nhiều đề nghị quảng cáo, nhưng do án kỷ luật này, tất cả đang phải đình trệ.

Phía Liên đoàn Bóng chuyền, Tổng thư ký VFV Lê Trí Trường cho biết, hiện không có quy định cụ thể về khung phạt liên quan đến chuyện thỏa thuận giữa các bên, sau đó "bể kèo". Tuy vậy, việc làm như vậy là không hay, gây ảnh hưởng xấu tới bóng chuyền Việt Nam. Án phạt chỉ mang tính chất răn đe, nhắc nhở và không có gì nghiêm trọng.

Tôi cống hiến cả đời cho bóng chuyền Việt Nam nhưng giờ họ đưa ra kỷ luật phải chịu?

Tuy nhiên, HLV Phạm Kim Huệ vẫn tiếp tục không phục án kỷ luật từ Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam và cô quyết tâm "kiện đến cùng" VFV. Hoa khôi Bóng chuyền chia sẻ:

Nữ cầu thủ bóng chuyền xinh đẹp nhất nước Nga (Ảnh)

"Tôi đã thuê luật sư kiện Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam và đang chờ bên Tổng cục Thể dục Thể thao trả lời về việc Liên đoàn có rút lại quyết định hay không. Nếu không, tôi sẽ có phản hồi tiếp".

Hơn nữa, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) ra quyết định cảnh cáo HLV Phạm Kim Huệ, cùng 3 vận động viên vào ngày 10/4 - đúng ngày khai mạc vòng một giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2021. Tuy nhiên phải 3 ngày sau, Kim Huệ và học trò mới nhận được quyết định. Kim Huệ chia sẻ bản thân bất ngờ khi biết mình bị phạt và nhận được tin này thông qua báo chí. Cựu đội trưởng tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam và các học trò vẫn được chỉ đạo và thi đấu tại giải quốc gia, nhưng điều này ảnh hưởng tới tâm lý và danh dự của đội.

Đội bóng do Kim Huệ dẫn dắt đã thi đấu xong vòng một giải vô địch quốc gia với 1 trận thắng và 3 trận thua, xếp thứ 4 bảng A. Lúc này, Kim Huệ vẫn đang đợi câu trả lời từ phía Tổng cục và Liên đoàn. Kim Huệ cho biết thêm:

"Tôi cống hiến cả đời cho bóng chuyền Việt Nam, nhưng giờ họ đưa ra án kỷ luật thì phải chịu? Như thế này chẳng khác gì chúng tôi bị ép phải nhận án kỷ luật, không đơn giản như vậy đâu. Tôi đang chờ phía Tổng cục làm việc với Liên đoàn, nếu không rút lại án phạt, tôi sẽ tiếp tục kiện".

Phạm Thị Kim Huệ là một vận động viên bóng chuyền Việt Nam. Ngoài việc được mệnh danh là hoa khôi bóng chuyền Việt nam trong hơn một thập kỷ, Kim Huệ cùng Nguyễn Thị Ngọc Hoa đã từng là cặp đôi Phụ công hàng đầu Đông Nam Á. Ở tuổi 16, Kim Huệ đã giành một suất chính thức tại CLB cũng như ĐTQG.

Tại SEA Games 2003 trên sân nhà, Huệ đã chính thức được khẳng định với tư cách mũi đánh nhanh vào loại hay nhất Đông Nam Á, đặc biệt với cú đánh một chân ở vị trí số 2 đủ khuất phục mọi dàn chắn. Chưa đầy 19 tuổi, Kim Huệ được giao chiếc băng đội trưởng ở cả CLB lẫn đội tuyển quốc gia - trẻ nhất trong lịch sử. Thời đỉnh cao 2002 - 2007, không ai ở khu vực Đông Nam Á có thể chơi hay hơn chị ở vị trí phụ công, cũng như có sức ảnh hưởng đến một đội tuyển quốc gia, một CLB như Kim Huệ.

Năm 2007 Kim Huệ từng gặp phải một chấn thương khá nặng khiến cô phải nghỉ thi đấu gần 2 năm.Năm 2012 Kim Huệ quyết định chuyển sang CLB Ngân hàng Công Thương, chia tay Bộ tư lệnh Thông tin sau 16 năm gắn bó. Trong sự nghiệp của mình, Kim Huệ từng nhiều năm là đội trưởng đội tuyển nữ BCVN, cũng như tại Bộ tư lệnh Thông tin. Kim Huệ đã mang về tổng cộng 6 HCB trong 6 lần tham dự SEA Games.

Hiện tại, Kim Huệ đang giữ kỷ lục là nữ cầu thủ duy nhất của bóng chuyền Việt Nam dự 17 mùa giải vô địch quốc gia liên tiếp

Đôi bên đôi co, ảnh hưởng hình ảnh

Sau chuỗi ngày chờ đợi, cuối cùng Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Văn Thành khẳng định có đầy đủ lý do để đưa ra hình thức kỷ luật cho Phạm Thị Kim Huệ và các vận động viên. Chủ tịch Thành nói:

"Chúng tôi phạt Kim Huệ để làm gương, tránh làm rối loạn nền bóng chuyền Việt Nam. Đây cũng là bài học cho các vận động viên khác trong việc chuyển nhượng".

Ông Thành giải thích thêm về quyết định của VFV:

Các cô gái Việt Nam thắng sốc đội tuyển bóng chuyền nữ Kazakhstan

"Kim Huệ chưa nghỉ ở đội bóng cũ, nhưng đã nhận tiền lót tay hàng tỷ đồng để sang đội bóng mới, nhưng cuối cùng trả lại tiền để không đi nữa, như vậy là thiếu minh bạch và không nên. Bên Vĩnh Phúc kiến nghị lên Liên đoàn đòi cấm chỉ đạo và thi đấu với Kim Huệ và các vận động viên (VĐV), nhưng chúng tôi chỉ phạt cảnh cáo. Chúng tôi có đầy đủ căn cứ kỷ luật răn đe Kim Huệ và các vận động viên".

Sáng 27/4, Kim Huệ tiếp tục chia sẻ những tình tiết mới của vụ việc:

"Chúng tôi được mời lên VFV làm việc, nhưng không hề biết họ mời cả đại diện Vĩnh Phúc, và mời không phải để nói về vấn đề lý do ra quyết định kỷ luật. Họ không giải đáp được tại sao chúng tôi bị kỷ luật mà ép chúng tôi nhận quyết định kỷ luật trước mặt đại diện Vĩnh Phúc. Tôi cống hiến cho bóng chuyền cả sự nghiệp, nhưng giờ bị kỷ luật không lý do như vậy. Thực sự nó ảnh hưởng lớn tới danh dự và tiếng tăm của cả đời tôi".
Giao dịch bằng lời nói, văn bản viết tay - lợi bất cập hại

Đại diện nhà tài trợ của đội bóng chuyền nữ Vĩnh Phúc, cho biết đã gửi công văn đến Thanh tra Ủy ban Thể dục Thể thao, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam và Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Vĩnh Phúc về việc tố cáo hành vi lợi dụng hoạt động thể dục thể thao để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công ty trong cùng ngày 25/03.

Theo công văn, đội bóng chuyền nữ Vĩnh Phúc, với mục đích kiện toàn nhân sự tham gia thi đấu trong mùa giải 2021 và trên cơ sở văn bản đề nghị của các cầu thủ theo yêu cầu nhận khoản tiền để cam kết về thi đấu cho đội, công ty đã tài trợ cho HLV Phạm Thị Kim Huệ 2 tỷ đồng, Nguyễn Thu Hoài 3 tỷ đồng, Nguyễn Thị Ninh Anh 2 tỷ đồng và Hoàng Thị Phương Anh 2 tỷ đồng. Cá nhân Kim Huệ yêu cầu chuyển khoản 4 tỷ đồng, nhưng đồng ý nhận trước 2 tỷ đồng và số tiền còn lại sẽ nhận sau khi hoàn tất thủ tục gia nhập đội Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, Kim Huệ và 3 vận động viên đã từ chối tham gia đội Vĩnh Phúc mà không có lý do chính đáng, không phối hợp với công ty để hoàn tất các hồ sơ đăng ký thi đấu theo quy định. Công văn có đoạn:

Vì sao chuyên gia Nhật nghỉ huấn luyện tuyển bóng chuyền VN?

"Sau nhiều nỗ lực trao đổi trên tinh thần hợp tác, thương lượng nhưng không đạt được kết quả, công ty đã bị các cầu thủ nói trên lợi dụng hoạt động thể thao để xâm phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích hợp pháp, vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Thể dục thể thao 2006 được sửa đổi bổ sung bởi điểm a khoản 2 Điều 1 Luật Thể thục Thể thao sửa đổi 2018, có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015. Công ty đề nghị Quý Cơ quan CSĐT điều tra các cá nhân nêu trên, làm rõ về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của công ty theo quy định pháp luật".

Kim Huệ cho biết tất cả quá trình đàm phán hợp đồng, chuyển tiền từ phía nhà tài trợ với cô và các vận động viên chỉ bằng miệng và giấy viết tay, chứ hai bên chưa ký vào bất kỳ hợp đồng nào. Sau khi nhận tiền lót tay, cô trò Kim Huệ mới biết không thể đầu quân cho Vĩnh Phúc vì đã có tên trong danh sách đăng ký thi đấu của NHCT. Kim Huệ cho biết:

"Do không thanh lý được hợp đồng với NHCT, chúng tôi có làm việc với nhà tài trợ đội Vĩnh Phúc để thông báo tình hình. Tôi và các VĐV đã hoàn trả tiền, cũng chưa ký bất cứ hợp đồng nào mà chỉ giao dịch bằng lời nói và văn bản viết tay. VFV chỉ nghe phản ánh từ một phía và đưa ra kỷ luật".

Hiện tại, vụ việc vẫn chưa đi đến hồi kết.

Thảo luận