Nhảy múa – món ăn tinh thần không thể thiếu của bạn trẻ Việt Nam

HÀ NỘI (Sputnik) – Nhân Ngày Quốc tế Nhảy múa, để hiểu thêm về ý nghĩa và lợi ích của loại hình nghệ thuật này, Sputnik đã phỏng vấn một số bạn trẻ Việt Nam ở khắp nơi về cơ duyên, tình yêu, niềm đam mê với nhảy múa.
Sputnik

Lịch sử Ngày Quốc tế Nhảy múa

Ngày Quốc tế Nhảy múa (International Dance Day) 29/4 là ngày lễ kỷ niệm toàn cầu về nhảy múa hay tác động tích cực của các điệu nhảy đến cuộc sống của chúng ta. Nhảy múa là một loại hình nghệ thuật dùng hoạt động cơ thể để diễn đạt theo âm nhạc nhằm chuyển tải nội dung và diễn đạt ý tưởng.

"Rừng nhảy múa" của Nga trốn khách du lịch

Trên thế giới có rất nhiều loại hình vũ đạo khác nhau. Mỗi một loại lại mang những nét đặc trưng của nó. Ví dụ: múa ba lê, nhảy hiện đại, nhảy hip hop, nhảy cover, múa đương đại, dân vũ... Thông điệp của ngày này nhằm tôn vinh các điệu nhảy, vượt qua mọi rào cản chính trị, văn hóa và sắc tộc, để mang mọi người đến với ngôn ngữ chung – các điệu nhảy, với mục đích khuyến khích tham gia và giáo dục về nhảy múa thông qua các sự kiện và lễ hội được tổ chức trên toàn thế giới. Ngày Quốc tế Nhảy múa còn là dịp để tri ân hàng triệu người, qua nhiều thế hệ, đã cống hiến cho loại hình nghệ thuật này.

Ủy ban Khiêu vũ của Viện Sân khấu Quốc tế, đối tác chính cho nghệ thuật biểu diễn của UNESCO, đã chọn ngày 29/4 hàng năm là Ngày Quốc tế Nhảy múa để kỷ niệm sự ra đời của Jean-Georges Noverre – người tạo ra vở ballet hiện đại. Ngày này được chính thức công nhận vào năm 1982.

Để kỷ niệm Ngày Quốc tế Nhảy múa, hàng năm vào ngày 19/4, Học viện Sân khấu Quốc tế mời các thành viên của mình cùng với các vũ công, biên đạo múa, sinh viên và những người đam mê múa tham gia Gala Kỷ niệm.

Ngoài ra, Viện Sân khấu Quốc tế (ITI) sẽ chọn ra một nhân vật xuất sắc trong làng nhảy múa thế giới làm diễn giả thông điệp cho sự kiện này. Với mỗi thông điệp, Viện hy vọng rằng các diễn giả có thể nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa của vũ đạo. Một số diễn giả các năm trước là Gregory Vuyani Maqoma (2020), Karima Mansour (2019), Georgette Gebara, Salia Sanou, Marianela Boan, Willy Tsao & Ohad Naharin (2018), Trisha Brown (2017), Lemi Ponifasio (2016), Israel Galván (2015)... Năm nay, ITI thông báo vũ công ballet nổi tiếng, vũ công chính của Stuttgart Ballet – Friedemann Vogel đến từ Đức – sẽ trình bày thông điệp của Ngày Quốc tế Nhảy múa.

Tự học trở thành thầy dạy nhảy

Tại Việt Nam, hiphop, sexy dance, popping, múa đương đại, dân vũ... được đông đảo giới trẻ hưởng ứng bởi các điệu nhảy không chỉ bắt mắt, lôi cuốn mà còn chứa đựng nhiều cảm xúc, phong cách, sắc thái, ngôn ngữ.

Trên các phố đi bộ Hà Nội, Nguyễn Huệ (TP. HCM) có thể dễ dàng bắt gặp nhóm các bạn trẻ Việt Nam nhảy các điệu nhảy hiện đại, hay cover các ca khúc mới, nổi tiếng trên thế giới, thu hút đông đảo người dân đứng xem.

Anh Nguyễn Quốc Đăng Khoa, 27 tuổi, người dạy nhảy sexy dance, Kpop dance tại trung tâm California Fitness & Yoga Center có tiếng tại TP. HCM chia sẻ với Sputnik về cơ duyên đưa anh đến với sự nghiệp nhảy:

“Thật ra từ nhỏ đến giờ mình chưa theo học một lớp nhảy chính thức nào hết. Sau này, vào học ở Đại học mình mới bắt đầu tập nhảy khi được tuyển vào đội nhảy của trường. Ban đầu, để tập thành thục động và nhớ động tác là điều hết sức khó khăn. Nhưng có lẽ do tình yêu âm nhạc từ nhỏ và các điệu nhảy của Michael Jackson, hay nhóm Vengaboys… nên mình cảm được nhạc khá tốt”.
Nhảy múa – món ăn tinh thần không thể thiếu của bạn trẻ Việt Nam

Dần dần, tình yêu với nhảy hiện đại đưa Khoa đến sự nghiệp dạy nhảy. Các lớp học của anh gần như luôn kín chỗ vì anh không chỉ hướng dẫn vũ đạo, mà còn truyền đi tình yêu vô bờ bến với các điệu nhảy và âm nhạc.

“Khi nhảy mình thấy mình như một diễn viên, mỗi bài nhạc là một vai mới. Với mình, nhảy như một cách truyền tải những tư tưởng và thế giới quan của một người bằng ngôn ngữ cơ thể, có thể chạm đến trái tim mọi người một cách chân thật, xúc động nhất. Mình chọn dạy nhảy cũng một phần vì có nhiều thời gian hơn dành cho tập luyện và nhảy”.

Yêu múa đương đại qua các bộ phim cổ trang

Giống như anh Khoa, chị Đỗ Hải Yến (27 tuổi) sinh sống và làm việc ở Hà Nội nảy sinh niềm đam mê với múa đương đại một cách tình cờ - qua các bộ phim cổ trang Trung Quốc.

“Múa đương đại có nhiều hình thức: múa dân gian đương đại, múa ballet đương đại, múa dân tộc đương đại... Mình yêu thích loại hình nghệ thuật này vì với mình, các điệu múa đương đại truyền tải được nhiều cảm xúc, nội tâm của người múa, không khác gì một vở kịch không lời”, chị Yến nói với Sputnik.

Hiện nay, ngoài công việc chính, chị Yến vẫn miệt mài theo đuổi một trung tâm dạy múa đương đại ở quận Ba Đình, Hà Nội. Ngoài tập luyện các bài học trên lớp, chị cũng tự tập theo các điệu múa qua các video trên mạng.

“Múa đương đại đòi hỏi sự dẻo dai, uyển chyển, đôi lúc là mạnh mẽ của các động tác, kết hợp cùng cảm xúc, nội tâm của người múa. Với múa đương đại, biên đạo không phải là tác giả duy nhất của tác phẩm múa, mà người múa cũng là “người kể chuyện, miêu tả” lại nội dung, tư tưởng của tác phẩm đến khán giả”.
Nhảy múa – món ăn tinh thần không thể thiếu của bạn trẻ Việt Nam

Qua mỗi tác phẩm, chị Yến cảm nhận như được sống một cuộc đời khác. Để gia tăng thêm cảm xúc và cảm hứng với các màn trình diễn, chị Yến thường chọn đi đến một địa điểm đẹp, độc, lạ để ghi hình lại bài múa của mình.

“Quá trình tập luyện của mình đã diễn ra ở trên lớp và ở nhà tại Hà Nội rồi. Nên đến khi múa thành thạo một tác phẩm, mình sẽ chọn đến một nơi thật đẹp để thể hiện nó và ghi hình lại. Trước mắt, mình chỉ múa vì đam mê, còn dự định sau này mình sẽ chia sẻ vào một ngày không xa”.

Chị Yến cho biết múa không chỉ là hình thức để chị thể hiện đam mê, mà còn giúp chị xả stress, căng thẳng, làm mới mình sau những bộn bề công việc và áp lực từ cuộc sống.

Với anh Khoa, chị Yến, nhảy múa không chỉ là đam mê, là sự nghiệp, mà còn như một món quà của cuộc sống ban tặng, như ý nghĩa của câu nói “Không phải ai sinh ra cũng là một vũ công nhưng ai cũng có thể nhảy”.

Thảo luận