Có học giả Trung Quốc nêu quan điểm rằng, cuộc tiếp xúc cấp cao giữa quan chức lãnh đạo của Trung Quốc và Việt Nam cho thấy Hà Nội đã ‘chọn được bên và đang nghiêng về phía láng giềng (Bắc Kinh) của mình’. Nhưng liệu sự thật có phải như thế?
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, Việt Nam sẽ không hy sinh lợi ích cốt lõi của mình ở Biển Đông chỉ để ‘xoa dịu’ Bắc Kinh.
Mỹ - Trung “đối địch” đặt ra thách thức lớn cho lãnh đạo Việt Nam?
Tờ Bưu điện Nam hoa Buổi sáng (SCMP) của Hồng Kông vừa có bài viết phân tích về việc liệu Việt Nam có “chọn bên” trong quan hệ đối địch giữa Trung Quốc và Mỹ cũng như chính quyền Hà Nội phải làm sao để cân bằng giữa lợi ích quốc gia dân tộc mà không vi phạm bất cứ “lằn ranh” nào trong quan hệ ba bên Washington – Hà Nội – Bắc Kinh.
Giới quan sát cho rằng, thế hệ lãnh đạo mới của Việt Nam sẽ phải chọn đúng phương hướng, đi đúng con đường trong chiến lược đối ngoại của mình với Trung Quốc, nhất là khi Hà Nội tìm cách giải quyết, xử lý các tranh chấp trên Biển Đông với Bắc Kinh và phải đảm bảo ngăn để Việt Nam không dễ dàng bị lôi kéo vào thế cạnh tranh đối đầu của nước láng giềng khổng lồ - Trung Quốc với Mỹ.
Sau chuyến thăm của Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) tới Hà Nội hôm thứ Hai và có cuộc gặp gỡ, hội đàm cấp cao trực tiếp với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, chính quyền Bắc Kinh tin rằng “quốc gia Đông Nam Á này (Việt Nam – PV) dường như đã đưa ra sự đảm bảo rằng Hà Nội sẽ không ủng hộ bất kỳ nỗ lực phá hoại nào Trung Quốc”.
Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao Trung Quốc tới Việt Nam kể từ khi diễn ra “cuộc chuyển giao quyền lực ở Hà Nội”.
SCMP đánh dấu mốc khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử vị trí người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm nguyên thủ quốc gia và đồng chí Phạm Minh Chính chính thức trở thành tân Thủ tướng của Việt Nam. Tất cả đều với số phiếu tín nhiệm cao, thể hiện niềm tin của người dân vào thế hệ các nhà lãnh đạo mới của đất nước.
“Trong các cuộc gặp gỡ chính thức, lãnh đạo hai chính quyền Việt Nam – Trung Quốc đều khẳng định cam kết tăng cường quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác về quốc phòng, quân sự và phối hợp chặt chẽ hơn giữa các bên nhằm tìm giải pháp giải quyết các tồn tại giữa Hà Nội – Bắc Kinh trong tranh chấp ở Biển Đông”, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nêu rõ.
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn giữ tâm thế ôn hòa, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng là nhà lãnh đạo có cái nhìn tương đối khách quan về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc”, ông Phùng Siêu nói.
Nhà nghiên cứu này cũng cho rằng, cuộc gặp giữa Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa có thể là “một dấu hiệu cho thấy Việt Nam đã chọn một bên”.
“Đây có thể là chỉ dấu cho thấy Việt Nam đã chọn bên và đang xích lại gần hơn với nước láng giềng Trung Quốc, quốc gia có những ưu tiên cao hơn trong chính sách đối ngoại của mình”, ông Phùng Siêu nhấn mạnh.
Lập trường của Việt Nam ở Biển Đông và việc cân bằng quan hệ Mỹ - Trung
Tuy nhiên, ông Trương Minh Lượng (Zhang Mingliang), chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á tại Đại học Tế Nam, Quảng Châu, cho biết truyền thông hai nước có quan điểm khá khác nhau về chuyến thăm của ông Ngụy Phượng Hòa tới Hà Nội và các cuộc gặp lãnh đạo cấp cao.
Cụ thể, theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói với ông Ngụy Phượng Hòa rằng Việt Nam sẽ “nâng cao cảnh giác và kiên quyết chống lại mọi nỗ lực phá hoại quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, và sẽ ‘không bao giờ theo chân các nước khác chống lại Trung Quốc”, ông Trương Minh Lượng cho hay.
Tuy nhiên, dù điểm này được truyền thông Nhà nước Trung Quốc đưa ra, nhưng thông tin trên lại hoàn toàn không được đề cập trong các thông báo tương ứng của báo chí Việt Nam.
Cụ thể, theo Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), đồng chí Nguyễn Phú Trọng cho rằng hai bên cần “nỗ lực hơn nữa để duy trì môi trường hòa bình và hợp tác trên cơ sở tôn trọng các lợi ích chính đáng của nhau và tình hữu nghị giữa hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và thế giới”.
Trong khi đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc “lành mạnh, ổn định, bền vững và lâu dài, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi”.
“Hai bên cũng cần tăng cường hợp tác giữa cơ quan chính trị của Quân đội hai nước, đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân mỗi nước, nhất là thế hệ trẻ về tình cảm hữu nghị, truyền thống giữa hai nước, hai Quân đội, không để các thế lực thù địch phá hoại”, TTXVN dẫn lời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Nhà nghiên cứu Trương Minh Lượng nói rằng việc Hà Nội ngừng tuyên bố sẽ không “té nước theo mưa”, nối tiếp các nước khác phản đối Trung Quốc cho thấy Việt Nam đang cố gắng cân bằng quan hệ với Washington cũng như Bắc Kinh.
“Quan điểm của hai nhà lãnh đạo bao gồm việc khẳng định một số yếu tố khiến Trung Quốc cảm thấy an tâm hơn nhưng về phía truyền thông Việt Nam, lập trường của Hà Nội về vấn đề Biển Đông có vẻ gần với quan điểm của Mỹ hơn,” học giả Trương Minh Lượng nhận định.
Việt Nam không hy sinh lợi ích của mình ở Biển Đông chỉ để xoa dịu Bắc Kinh
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore - ISEAS Yusof Ishak, cho biết cuộc cải tổ lãnh đạo không thay đổi chính sách đối ngoại của Hà Nội mà chỉ theo hướng “duy trì đường lối tiếp cận tinh tế, tế nhị”.
Theo TS. Lê Hồng Hiệp, Việt Nam muốn duy trì mối quan hệ ổn định và hòa bình với Trung Quốc và phân bạch rõ ràng tranh chấp Biển Đông ra khỏi tổng thế mối quan hệ Việt - Trung.
“Tuy nhiên, Việt Nam không hy sinh lợi ích cốt lõi của mình ở Biển Đông chỉ để ‘xoa dịu’ Bắc Kinh vì Biển Đông không chỉ có ý nghĩa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đối với Việt Nam”, TS. Lê Hồng Hiệp nhấn mạnh.
Các nhà làm chính sách của Hà Nội có thể tìm kiếm nhiều phương cách khác nhau để cân bằng lợi ích của đất nước ở Biển Đông, nơi Mỹ và đồng minh Hoa Kỳ có thể là “đối tác tự nhiên” trong quá trình đối trọng với chính quyền Bắc Kinh.
“Do căng thẳng ngày càng gia tăng trong thế đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, những nỗ lực của Việt Nam nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ với Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh khác của Washington có thể khiến Trung Quốc khó chịu, nhưng Việt Nam khó có lựa chọn nào khác nếu Trung Quốc tiếp tục gây hấn ở Biển Đông”, TS. Lê Hồng Hiệp nhấn mạnh.
Theo ông Hiệp, quan hệ Việt - Trung có thể sẽ có những tác động, điều chỉnh tùy theo mức độ “gây hấn” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Thời gian qua, Việt Nam đã tăng cường quan hệ ngoại giao và hợp tác an ninh, quân sự, quốc phòng với Mỹ trong nỗ lực kiềm chế sự bành trướng và những hành vi gây phức tạp tình hình của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Trong khi Washington cũng nhấn mạnh coi trọng, ưu tiên quan hệ với Hà Nội theo cam kết chiến lược “một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở” mà Trung Quốc luôn coi là nỗ lực kích động hận thù và kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh.
Việt Nam không ‘chọn phe’ trong quan hệ Mỹ - Trung
Như Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, một trong những vị tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam giàu kinh nghiệm về đối ngoại Quốc phòng từng khẳng định – không có nước nào có thể buộc Việt Nam chọn phe vì Việt Nam có độc lập, tự chủ, giành và giữ độc lập bằng sức của mình.
“Mục tiêu tối thượng là bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi. Chúng ta không đứng về bên này để chống bên kia”, Tướng Vịnh nêu rõ.
Cả Mỹ và Trung Quốc là những đối tác quan trọng hàng đầu của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam cùng với khối ASEAN. Do đó, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ảnh hưởng đến toàn cầu và cả ASEAN.
Tuy nhiên, bất kể là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á hay Việt Nam, chắc chắn sẽ không có việc “chọn phe” – hoặc đi với nước này để chống nước kia.
Việt Nam và ASEAN luôn mong muốn một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, thịnh vượng, hợp tác cùng phát triển và chắc chắn không muốn phải chọn bên nào, như đồng chí Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khẳng định khi còn là Thủ tướng Việt Nam tại cuộc họp báo quốc tế để cung cấp thông tin về kết quả hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 năm ngoái.
“Chúng tôi hợp tác phát triển cùng có lợi vì hòa bình ở khu vực và sự phát triển tương lai của các đối tác, trong đó có Trung Quốc, Mỹ, là những đối tác chúng tôi rất quan tâm”, ông Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Lập trường với vấn đề Biển Đông của Việt Nam cũng hết sức rõ ràng. Chắc chắn, với chính sách Quốc phòng “bốn không” - không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, Việt Nam cũng sẽ không “chọn phe”.
Chính quyền Hà Nội sẽ luôn đặt lợi ích, quốc gia dân tộc lên hàng đầu và tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước và giải quyết các thách thức an ninh chung.
Cùng với đó, tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ kiên định mục tiêu, nguyên tắc chiến lược, vận dụng sách lược mềm dẻo, linh hoạt, chủ động ứng phó với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, sự biến động phức tạp của tình hình.