Tại London, hàng nghìn người biểu tình yêu cầu bãi bỏ Dự luật Cảnh sát, hiện đang được thảo luận tại Quốc hội. Hòa cùng họ, các nhà bảo vệ môi trường cấp tiến thuộc nhóm Extinction Rebellion yêu cầu khẩn cấp chấm dứt hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Tại Paris, hàng chục nghìn người biểu tình tràn đầy đại lộ Champs Elysees yêu cầu chính phủ không cắt trợ cấp thất nghiệp. Trong số đó có các tổ chức công đoàn và những người "Áo ghi-lê vàng", những người theo chủ nghĩa vô chính phủ. Những thanh niên lực lưỡng mặc áo ba lỗ đen cũng tham gia hàng ngũ những người biểu tình ôn hòa và bắt đầu ném vỏ chai và pháo vào các nhân viên an ninh. Cảnh sát đáp trả bằng cách xịt hơi cay, bật vòi rồng và cực kỳ hung bạo bắt giữ những người biểu tình. Kết quả là, ít nhất 46 người bị bắt giữ và hàng chục người bị thương.
Tại Leipzig và Berlin, hàng nghìn người xuống đường yêu cầu bãi bỏ các biện pháp cách ly, bãi bỏ quy định đeo khẩu trang và các biện pháp chống dịch khác. Những người biểu tình cánh hữu, cánh tả và đại diện phong trào Querdenken (những người theo thuyết hoài nghi Covid cấp tiến nhất) đã liên kết lại thành một xung lực thống nhất. Bất kể khuynh hướng chính trị của họ, những người biểu tình bị tống lên xe cảnh sát.
Ở Turin, những người biểu tình mang theo những tấm biểu ngữ lớn "Hãy thay đổi hệ thống!" và hát to các bài hát đấu tranh và chống đối. Lực lượng an ninh đã tàn nhẫn giải tán đám đông.
Cuộc mít tinh tương đối bình lặng của hàng ngàn thành viên công đoàn đã diễn ra ở Madrid. Có lẽ đây là hành động duy nhất của châu Âu giống với truyền thống Ngày 1 tháng Năm.
Một vài năm trước, ngày 1 tháng 5 ở các khu vực đô thị châu Âu đã từng diễn ra mà không hề có biểu tình. Thông thường đó là những cuộc tuần hành cực kỳ ôn hòa với những yêu cầu dễ hiểu: tăng lương, hạ tuổi nghỉ hưu và những điều tương tự. Cuối sự kiện, những người biểu tình thường ngồi lại với nhau trong các quán cà phê đường phố. Những bức tranh bình dị này rất giống nhau - ở Paris cũng như ở Rome.
Trận chiến quyết định
Tuy nhiên, thứ Bảy vừa qua, những người biểu tình đã xuống đường hành động như một trận chiến quyết định cuối cùng. Người biểu tình ném vào lực lượng an ninh bất cứ thứ gì họ có trong tay và đá vào khiên cảnh sát. Những hình ảnh từ máy quay quadcopters, các đoạn video stream cho thấy rõ những người châu Âu nổi dậy như thế nào.
Một cuộc chiến thực sự đang diễn ra ở châu Âu trong ngày 1 tháng Năm. Người biểu tình ném pháo và đá về phía cảnh sát, cảnh sát dùng vòi rồng, hơi cay đàn áp biểu tình, kéo lê những người bị bắt trên mặt đường nhựa.
Sự hung hăng của đám đông có mối tương quan rõ rệt với những khẩu hiệu trái ngược nhau. Những người biểu tình yêu cầu cứu họ thoát khỏi đại dịch coronavirus, nhưng lại đề nghị ngay lập tức hủy bỏ mọi biện pháp chống đại dịch. Họ muốn được phép mở các cơ sở kinh doanh nhỏ của mình, nhưng lại đòi các khoản trợ cấp mà chính phủ chỉ cấp khi đóng cửa.
Điều duy nhất mà cư dân của các thành phố khác nhau nhất trí là sự căm ghét của họ đối với lực lượng an ninh. "Đả đảo cảnh sát!" là khẩu hiệu dễ hiểu duy nhất. Mọi thứ trông có vẻ “rất Mỹ” - hung hăng, la hét, ồn ào và thiếu tính xây dựng.
Các hành động trong Ngày 1 tháng Năm là sự biểu hiện của tinh thần chống đối trầm trọng
Bạo loạn đường phố đã hoành hành khắp châu Âu trong năm qua. Đó không phải là nỗi sợ hãi trước chủng vi rút mơ hồ, mà là nỗi kinh hoàng trước cảnh nghèo đói rất cụ thể.
Các cuộc biểu tình ở Rome là sự tiếp nối của những trận ẩu đả ác liệt giữa cảnh sát và chủ các nhà hàng, cửa hiệu, quán cà phê, những người yêu cầu cứu họ khỏi đống đổ nát. Ngày 1 tháng Năm ở London chỉ là một loạt hành động mới chống các đợt phong tỏa nghiêm trọng nhất, khiến cho kinh tế của thành phố sụt giảm chưa từng thấy, khiến cho các khách sạn, quán bar, nhà hàng, nhà hát và phòng tập thể thao phá sản .
Tại Berlin, kể từ tháng 2, sinh viên và những người dân nghèo khác đã đấu tranh với cảnh sát để cố gắng bảo vệ quyền được thuê nhà giá rẻ. Tòa án hiến pháp Đức đã dỡ bỏ các hạn chế về giá thuê nhà trong thành phố, vì vậy hàng trăm nghìn người phải đối mặt với viễn cảnh bị ném ra đường.
Người Pháp phẫn nộ trước sáng kiến mới của Tổng thống Macron nhằm cắt giảm trợ cấp thất nghiệp xuống thấp hơn nữa. Ý tưởng này có vẻ đặc biệt kỳ lạ giữa những ngày này, khi mà hàng triệu người mất việc do đóng cửa chống dịch COVID-19.
Nhìn chung, mặc dù có nhiều khẩu hiệu khác nhau, nhưng lý do biểu tình ở châu Âu là giống nhau. Đại dịch coronavirus đã đẩy nhanh sự trượt dài của tầng lớp trung lưu vào cảnh nghèo đói một cách thảm khốc. Hơn nữa, quá trình này không chỉ tự phát, mà còn do con người tạo ra. Các doanh nhân la hét tại cuộc biểu tình ở Roma: "Hãy nhìn xem, chính phủ đang cố tình làm cho tiểu thương phá sản!"
Trong hai mươi năm qua, người dân các đại đô thị truyền tai nhau rằng họ đang sống trong một xã hội hậu công nghiệp và được hưởng "nền kinh tế dịch vụ" tiên tiến. Thế mà đột nhiên có quyết định đóng cửa toàn bộ nền kinh tế dịch vụ này. Dĩ nhiên, điều đó ảnh hưởng khủng khiếp nhất tới tầng lớp xã hội cực lớn. Giới chủ nhà hàng và các nhà thiết kế, nghệ sĩ tự do và chuyên gia PR, thợ làm tóc và huấn luyện viên - cả một thế hệ xa hoa được nuôi dưỡng từ những huyền thoại hậu công nghiệp, nay phải đối mặt với sự nghèo đói tầm thường nhất.
Ngày nay, những người xuống đường biểu tình không phải giai cấp vô sản đấu tranh giai cấp với các nhà tư bản, mà là tầng lớp những người bất ổn về mặt xã hội, những người không có hợp đồng lao động, không có phúc lợi xã hội, không có bất kỳ bảo đảm nào.
Do đó, những người biểu tình này hoàn toàn không có một chương trình nghị sự chặt chẽ, không có khẩu hiệu rõ ràng, không có các đảng phái chính trị có thể giúp họ tổ chức đấu tranh đòi quyền lợi. Vì vậy, các cuộc biểu tình Ngày 1 tháng Năm giống như các cuộc đấp phá ở Mỹ. Đây là cuộc nổi loạn của những người trong năm qua đã phải tồn tại như những người Mỹ gốc Phi trong khu dân cư nghèo khổ của họ, phải sống dựa vào những khoản trợ cấp ít ỏi và không có một chút triển vọng sống nào.
Trợ cấp của nhà nước cho phép người dân tồn tại bấp bênh một thời gian. Nhưng hôm nay, nỗi sợ hãi về tương lai đã đẩy họ xuống phố và quảng trường. Mùa hè này ở Anh và lục địa Châu Âu sẽ dỡ bỏ các hạn chế trục xuất người thuê nhà, truy thu khoản tiền nợ mà họ chưa trả. Chủ bất động sản bị mất thu nhập cả năm qua có thể kiện họ ra tòa. Do đó, hàng triệu người có nguy cơ phải ra đường, không nơi cư trú.
Thêm vào đó là việc cấm cấm những quyền con người tối thiểu - bắt đầu từ điều bình thường nhất là quyền được ra khỏi nhà. Đồng thời, bản thân các biện pháp này ngày càng ít giống như cuộc chiến chống đại dịch, mà ngày càng càng gia tăng bạo lực nhà nước cứng rắn và vô luật pháp.
Dân chúng các đô thị “tỷ phú vàng” đã tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động trong không khí “tươi vui” như vậy. Không có lao động, không có hòa bình - chỉ có tỷ lệ thất nghiệp cao ngất trời và các cuộc đụng độ có nguy cơ leo thang thành cuộc đối đầu dân sự toàn diện.
Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông phương Tây có vẻ thích viết về "các cuộc biểu tình" ở Nga hơn.