Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam: “Điểm sáng” trong phong trào Quốc tế

HÀ NỘI (Sputnik) - “Kết nối cộng đồng - Vượt qua thách thức” là chủ đề được Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (ICRC) chọn làm chủ đề của Ngày ICRC năm 2021 (08/05). Qua đó, ICRC muốn thể hiện quyết tâm không lùi bước trước đại dịch COVID-19, hỗ trợ cộng đồng có kiến thức, phương tiện tự bảo vệ bản thân trước dịch bệnh.
Sputnik

Là thành viên tích cực của ICRC, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực trong bối cảnh dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp.

Giữ vững vai trò nòng cốt trong hoạt động nhân đạo

Năm 2020 Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phải đương đầu với nhiều sự cố bất ngờ  liên tiếp xảy ra như dịch Covid-19, hạn hán xâm nhập mặn, bão lũ, sạt lở đất... Càng khó khăn bao nhiêu, Hội Chữ thập đỏ các cấp đã nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác.

Với vai trò là nòng cốt trong hoạt động nhân đạo và nhận thức được vai trò của mình, Trung ương Hội Chữ thập đỏ và các tỉnh, thành Hội đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực; xác định rõ trách nhiệm, đảm bảo thống nhất đầu mối trong quá trình triển khai thực hiện. Trả lời báo chí mới đây, ông Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết:

Kịp tiêm vaccine trước khi dịch Covid-19 bùng, Việt Nam may mắn hay có tính toán?

“Đặc biệt, ở Việt Nam mỗi khi có thiên tai, thảm họa hay sự cố nghiêm trọng xảy ra, truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của người dân nổi lên rất mạnh mẽ. Nhờ sự chủ động, quyết liệt để ứng phó hiệu quả; huy động được nguồn lực, sự ủng hộ của các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng bạn bè quốc tế nên các hoạt động của Hội năm qua đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Minh chứng là tổng giá trị hoạt động nhân đạo đạt gần 4,8 nghìn tỷ đồng, tăng trên 10% so với năm 2019, trợ giúp cho trên 21,5 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn”.

Trong năm 2020, hai đối tượng chính mà Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tập trung đó chính là những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19 và những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai tại miền Trung. Ông Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết thêm:

“Nhiều mô hình hay, sáng tạo được lồng ghép thực hiện để phòng, chống dịch bệnh, đồng thời hỗ trợ cho người dân như: "Chợ Nhân đạo", "Chuyến xe yêu thương, hạt gạo nghĩa tình", "Hành trình tri ân".

Để ứng phó tốt với mùa thiên tai trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Hội đã chủ động tổ chức hội nghị phòng ngừa, ứng phó thảm họa năm 2021, tập trung thảo luận về kế hoạch chuẩn bị ứng phó, dự phòng cũng như lập bản đồ nguồn lực để ứng phó các thảm họa; điều chỉnh kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp phù hợp với công tác phòng, chống dịch bệnh. Trung ương Hội cũng ban hành Lời kêu gọi hỗ trợ các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng mưa lũ; vận động nguồn lực; tổ chức nhiều đoàn cứu trợ khẩn cấp, để kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng nặng nề đạt trị giá trên 237 tỷ đồng.

“Điểm sáng” trong phong trào quốc tế

Theo thống kê gần đây nhất, toàn thế giới đã có hơn 154 triệu ca mắc Covid-19, trong đó số ca tử vong là hơn 3,2 triệu người. Những con số thống kê này cho thấy, 2021 vẫn là một năm đầy rẫy khó khăn, thử thách. Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (ICRC), ông Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, cho biết:

“Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam cũng đã hỗ trợ cho người dân các quốc gia như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Campuchia với hơn 800.000 khẩu trang y tế, trị giá 176.000 USD; đồng thời đóng góp 30.000 USD cho Lời kêu gọi khẩn cấp toàn cầu phòng, chống dịch COVID-19 của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế; cập nhật thường xuyên về tình hình diễn biến dịch COVID-19 cho các đối tác liên quan”. 
Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam: “Điểm sáng” trong phong trào Quốc tế

Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng là cách mà Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam đã đang và tiếp tục thực hiện với mong muốn các quốc gia trên thế giới sớm kiểm soát được đại dịch như Việt Nam.

“Trong hội nghị trực tuyến các nhà lãnh đạo các Hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ khu vực Đông Nam Á lần thứ 17, Hội đã có báo cáo chia sẻ các bài học thành công trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19 và được đánh giá rất cao” - Ông Trần Quốc Hùng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Trần Quốc Hùng, Hội đã nhận được sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật, kinh phí từ Hiệp hội Chữ Thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, Hội Chữ thập đỏ Đức, Hội Chữ thập đỏ Thụy Sỹ, Hội Chữ thập đỏ Singapore trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Gần đây, Hội đang tiếp tục đề xuất những dự án mới có liên quan tới vaccine COVID-19 thông qua Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế hoặc một số đối tác của các Hội quốc gia khác. 

Ổ dịch bệnh viện K phức tạp hơn BV nhiệt đới, Hà Nội vẫn chưa phong tỏa

“Vì một cộng đồng an toàn”

Khi dịch Covid-19 bùng phát những tháng đầu năm 2021, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã phát động Chiến dịch “Chung sức cùng người dân tiêu thụ nông sản” trong thời gian 23/2/2021 - 5/3/2021 nhằm hỗ trợ cho người dân vùng dịch tỉnh Hải Dương tiêu thụ nông sản. Trong Chiến dịch “Chung sức cùng người dân tiêu thụ nông sản” Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã hỗ trợ người dân vùng dịch Hải Dương tiêu thụ 769 tấn nông sản. Chiến dịch đã góp phần lan tỏa tinh thần chia sẻ, chung tay của toàn xã hội hỗ trợ những địa phương và người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Ngày 5/5/2021, Hội Chữ thập đỏ Thành phố Hà Nội đã tổ chức Lễ phát động “Tháng Nhân đạo” năm 2021 với chủ đề "Vì một cộng đồng an toàn". Lễ phát động “Tháng Nhân đạo” đã được tổ chức theo điều kiện, hình thức phù hợp với diễn biến của tình hình dịch bệnh Covid- 19. Tại lễ phát động, các cơ sở Hội, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã ủng hộ trên 11 tỷ đồng. Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đánh giá cao những kết quả, nỗ lực không ngừng của các cấp Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội thời gian vừa qua.

“Trong 3 năm thí điểm “Tháng Nhân đạo”, từ năm 2018 đến năm 2021, Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội đã huy động các nguồn lực xã hội để trợ giúp những hoàn cảnh khó khăn, những người yếu thế trong xã hội với kết quả ấn tượng là trợ giúp cho 153.459 lượt người với tổng trị giá gần 53 tỷ đồng, hàng trăm nghìn lượt hộ nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già cô đơn, trẻ tàn tật, người dễ bị tổn thương… được quan tâm, thăm hỏi, trợ giúp theo hướng phát triển bền vững” - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nêu rõ.
Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam: “Điểm sáng” trong phong trào Quốc tế

Đặc biệt, tinh thần "Hà Nội vì cả nước, Hà Nội đồng hành cùng cả nước” thể hiện rõ trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành và lúc thiên tai tàn phá nặng nề các tỉnh miền Trung. Những đoàn hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội đã kịp thời đến với một bộ phận người dân có hoàn cảnh khó khăn, động viên các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch. Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu còn nhấn mạnh:

“Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội đã trở thành lá cờ đầu của cả nước trong công tác nhân đạo với nhiều hoạt động đa dạng, sáng tạo, tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, lôi cuốn các tầng lớp xã hội cùng tham gia làm nhân đạo”.

Với chủ đề “Vì một cộng đồng an toàn”, “Tháng Nhân đạo” năm 2021 bắt đầu từ ngày 1/5 đến ngày 31/5, cao điểm từ ngày 8/5 (Ngày Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế) đến ngày 19/5 (Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh). 

2021 là năm diễn ra Đại hội Chữ thập đỏ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Hội; kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Hội và là năm đầu tiên "Tháng Nhân đạo" chính thức được triển khai trên toàn quốc. 

Dự báo tình hình thiên tai, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường; nền kinh tế trong nước và quốc tế tiếp tục gặp những khó khăn, bất lợi. Do đó, Hội đặt mục tiêu tiếp tục tổ chức có hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động theo hướng đổi mới, sáng tạo, phù hợp thực tế; chủ động củng cố, nâng cao năng lực của các tổ chức, cán bộ Hội các cấp; tăng cường công tác đối ngoại để đảm bảo nguồn lực thực hiện các phong trào, các cuộc vận động của Hội./.

Thảo luận