Bộ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam vừa ban hành Quyết định số 568/QĐ-BNV cho phép thành lập Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam. Vì sao điều này cần thiết cho ngành logistics Việt Nam? Hoạt động của Hiệp hội này sẽ tập trung vào lĩnh vực nào? Sputnik đã có cuộc phỏng vấn người phụ trách chính lĩnh vực logistics của Việt Nam - ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương về sự kiện nóng trên.
Việt Nam cần nguồn nhân lực mạnh và chất lượng cho ngành logistics
Sputnik: Bộ trưởng Bộ Nội vụ vừa ban hành Quyết định số 568/QĐ-BNV ngày 30/4/2021 cho phép thành lập Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam. Ông có thể cho đánh giá của mình về sự kiện trên?
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương:
Trong những năm vừa qua, dịch vụ logistics tại Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ. Sự phát triển dịch vụ logistics tại Việt Nam đặt ra nhu cầu rất cao đối với nguồn nhân lực cho lĩnh vực này, cả về số lượng và chất lượng. Cùng với thể chế chính sách, cơ sở hạ tầng, năng lực doanh nghiệp, công nghệ thì nhân lực là một khía cạnh nền tảng trong phát triển dịch vụ logistics. Đặc biệt, về lâu dài nhân lực sẽ là yếu tố quyết định để giúp doanh nghiệp logistics Việt Nam nhanh chóng đuổi kịp các nước, nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường ở cả trong nước và quốc tế.
Công tác đào tạo nhân lực logistics ở Việt Nam còn một số hạn chế, từ nhận thức chưa đồng đều của các trường cũng như xã hội, đội ngũ giảng viên còn thiếu và chưa được đào tạo bài bản, hệ thống giáo trình chưa được chuẩn hóa, tính kết nối với doanh nghiệp còn thấp, v.v...
Mạng lưới Đào tạo Logistics Việt Nam được hình thành từ cuối năm 2017 nhằm đẩy mạnh liên kết giữa các trường, khắc phục những điểm hạn chế trên. Cho đến nay, Mạng lưới đã có sự tham gia của hơn 50 trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo ngắn hạn trên cả nước. Mạng lưới đã tổ chức được một số buổi hội thảo, tọa đàm, các chuyến khảo sát thực tế tại doanh nghiệp. Đặc biệt, cuộc thi Tài năng trẻ Logistics Việt Nam do Mạng lưới chủ trì tổ chức hàng năm đã trở thành sự kiện được sinh viên các trường quan tâm, nhiệt tình hưởng ứng tham gia, qua đó góp phần nâng cao nhận thức chung của xã hội về ngành học này.
Tuy nhiên, hoạt động của Mạng lưới Đào tạo Logistics Việt Nam cũng có một số điểm bất cập, trong đó bất cập lớn nhất là Mạng lưới thiếu tư cách pháp nhân, không có bộ máy, nhân sự để có thể phối hợp các cơ sở đào tạo với nhau và liên kết các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp là người sử dụng nhân lực.
Để khắc phục những bất cập trên, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động phát triển nhân lực logistics nói chung và đào tạo logistics nói riêng, ngày 30 tháng 4 năm 2021, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 568/QĐ-BNV cho phép thành lập Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam.
Đây là một bước cụ thể nhằm triển khai các nhiệm vụ đã được nêu trong Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã được nêu tại Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 2 năm 2017 và Quyết định 221/QĐ-TTg ngày 22 tháng 2 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ: Phát huy vai trò của các Hiệp hội trong lĩnh vực logistics nhằm xác định tầm nhìn, định hướng phát triển và hỗ trợ cho các doanh nghiệp về hoạt động kinh doanh logistics, phát triển nhân lực ngành logistics.
Phát triển nhân lực logistics là vấn đề cấp bách
Sputnik: Việt Nam đang có Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, vậy vì sao lại cần phải có Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam?
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương:
Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) là tổ chức có nhiệm vụ chủ yếu là liên kết hợp tác các doanh nghiệp dịch vụ logistics, giao nhận, kho bãi để thực hiện chức năng kinh doanh dịch vụ logistics đạt hiệu quả cao, còn Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt nam (VALOMA) là tổ chức liên kết hợp tác các trường đại học, cao đẳng cùng các viện, cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp logistics, các công ty vận tải, hãng tàu, cảng biển, cảng hàng không, kể cả các chủ hàng... và các nhân có kinh nghiệm trong lĩnh vực logistics để thực hiện chức năng phát triển nhân lực cho ngành logistics Việt Nam. Phát triển nhân lực logistics có nội hàm không chỉ bao gồm đào tạo kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp về logistics mà còn hướng tới thay đổi hành vi nghề nghiệp của người lao động, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, từ đó góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp dịch vụ logistics, các doanh nghiệp vận tải, cảng biển, cảng hàng không, giao nhận... và nền kinh tế.
Phát triển nhân lực logistics là vấn đề cấp bách nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành logistics Việt Nam hiện nay. Như vậy, phạm vi chức năng nhiệm vụ hoạt động của hai Hiệp hội này tuy khác nhưng cùng một mục đích nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp logistics và phát triển ngành logistics Việt Nam vững mạnh, ngang tầm quốc tế.
5 nhiệm vụ cụ thể của đào tạo và nâng cao chất lượng nhân lực logistics
Sputnik: Sau khi chính thức ra đời, Hiệp hội sẽ thực hiện những nhiệm vụ gì để thúc đẩy phát triển ngành logistics Việt Nam?
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương:
Nhân lực đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững logistics ở Việt Nam, nhưng lại thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc phát triển nhân lực logistics. Tại Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 ban hành Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 và Quyết định 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 sửa đổi, bổ sung Quyết định 200/QĐ-TTg nói trên, Thủ tướng Chính phủ đã dành một mục riêng về đào tạo và nâng cao chất lượng nhân lực logistics với 5 nhiệm vụ cụ thể:
- Đẩy mạnh đào tạo logistics ở cấp đại học;
- Đẩy mạnh đào tạo nghề logistics;
- Nâng cao chất lượng và số lượng giảng viên về logistics;
- Đào tạo cơ bản về logistics cho cán bộ quản lý doanh nghiệp và cán bộ quản lý nhà nước;
- Kết nối các tổ chức đào tạo, doanh nghiệp logistics Việt nam với các tổ chức đào tạo nước ngoài.
Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam có nhiệm vụ tham gia thực hiện quyết định của chính phủ nhằm phát triển nhân lực logistics, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp logistics và phát triển ngành logistics đạt được những mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra.
Hy vọng cùng với các hiệp hội khác trong lĩnh vực logistics như Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội Đại lý và môi giới hàng hải Việt Nam, ... Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam sẽ cùng chung tay đóng góp để thực hiện mục tiêu đưa ngành logistics Việt Nam phát triển nhanh, vững chắc hơn nữa trong giai đoạn tới.
Sputnik: Chân thành cảm ơn ông Trần Thanh Hải. Chúc ngành logistics Việt Nam phát triển mạnh và hiệu quả!