7 nhân sự ứng cử Đại biểu Quốc hội Việt Nam bị đệ đơn thư tố cáo là ai?

Cơ quan chức năng của Việt Nam hiện đang điều tra làm rõ và giải quyết 5 đơn thư tố cáo 7 nhân sự ứng cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV, trong đó có 2 người tự ứng của và 5 cán bộ được giới thiệu ứng cử vào Quốc hội.
Sputnik

Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối ngày bầu cử Việt Nam, bảo vệ chặt chẽ từng khu vực bỏ phiếu, từng thùng phiếu. Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm cũng nêu rõ, lực lượng Công an sẽ không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống của ngày bầu cử.

Việt Nam đang điều tra đơn thư tố cáo 7 nhân sự ứng cử ĐBQH

Các nhà chức trách Việt Nam hiện đang điều tra 5 đơn thư tố cáo 7 nhân sự ứng cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

"Tứ trụ" Việt Nam ứng cử Đại biểu Quốc hội ở đâu?

Ngày 12/5, trao đổi với báo chí, Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Việt Nam Bùi Văn Cường thông tin cho biết, theo báo cáo của Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo tính đến hôm 11/5, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã nhận được khoảng 102 đơn thư của công dân có nội dung khiếu nại, tố cáo, phản ánh về công tác bầu cử, lựa chọn ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Theo kế hoạch triển khai công tác bầu cử tại Việt Nam, ngày mai 13/5 (tức 10 ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử), cơ quan chức năng sẽ ngừng nhận, xem xét giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo liên quan đến nhân sự ứng cử ĐBQH khóa mới.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, trong tổng số 102 đơn thư tố cáo, có 11 đơn tố cáo, phản ánh về người ứng cử ĐBQH, 69 đơn tố cáo, phản ánh về người ứng cử đại biểu HĐND các cấp, 20 đơn tố cáo, phản ánh về việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác, nơi cư trú và cả 2 đơn thư không liên quan gì đến bầu cử sắp tới đây.

Đồng chí Bùi Văn Cường nhấn mạnh, Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện đã chuyển các đơn thư đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét.

Tính đến thời điểm này, cơ quan chức năng Việt Nam đã giải quyết được 54 đơn, tiến hành xếp lưu 48 đơn (24 đơn trùng, 24 đơn không rõ nội dung hoặc đơn không liên quan đến bầu cử của Việt Nam).

Kết quả, theo ông Bùi Văn Cường, đối với 11 đơn tố cáo, phản ánh về người ứng cử Đại biểu Quốc khóa XV, có 5 đơn đủ điều kiện trình cấp thẩm quyền xử lý, 6 đơn xếp lưu.

Nguyên nhân xếp lưu, theo Tổng Thư ký Bùi Văn Cường là do nội dung tố cáo của công dân xuất phát từ việc khiếu nại, tố cáo của công dân không đạt được mục đích, công dân chuyển sang tố cáo người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã giải quyết mà không cung cấp được căn cứ chứng minh sai phạm.

Cũng theo Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia, trong số 5 đơn đủ điều kiện xử lý, công dân có tố cáo, phản ánh về tiêu chuẩn đối với 7 nhân sự ứng cử ĐBQH khóa XV.

Đồng chí Bùi Văn Cường cho biết, trong số này có 2 nhân sự tự ứng cử, 5 nhân sự được giới thiệu ứng cử. Cùng với đó, hiện Tiểu ban đã có 3 văn bản chuyển đơn phản ánh của công dân đến Ủy ban bầu cử cấp tỉnh để xem xét theo thẩm quyền.

Chân dung 35 sĩ quan Quân đội ứng cử đại biểu Quốc hội

Đáng chú ý, theo đồng chí Bùi Văn Cường, có 5 văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh, trả lời về 4 nhân sự thuộc thẩm quyền quản lý cơ quan Trung ương để Tiểu ban báo cáo Hội đồng Bầu cử Quốc gia xem xét theo thẩm quyền.

Ngoài ra, Tổng Thư ký Quốc hội Việt Nam cũng tiết lộ, Tiểu ban đã nhận được thông tin kết quả về 1 nhân sự tự ứng cử đã bị loại khỏi danh sách ứng cử sau Hiệp thương vòng 3 do không đủ tín nhiệm để được bầu.

Nhưng cũng có một trường hợp ứng cử viên Đại biểu Quốc hội do địa phương giới thiệu đã được cơ quan có thẩm quyền của địa phương xem xét, kết luận nhân sự này đủ tiêu chuẩn để ứng cử đại biểu Quốc hội khóa mới.

Dư luận và cử tri Việt Nam hiện đang rất muốn biết, những nhân sự bị gửi đơn thư, tố cáo, không đủ tư cách, tiêu chuẩn, không xứng đáng ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND này là ai.

Việt Nam giải quyết đơn thư tố cáo nhân sự ứng cử ĐBQH thế nào?

Theo lời Tổng Thư ký Quốc hội kiêm Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia, riêng đối với 4 nhân sự thuộc thẩm quyền quản lý, giới thiệu của cơ quan ở Trung ương, Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ đôn đốc và đề nghị cơ quan có thẩm quyền có văn bản phản hồi.

Danh sách 50 ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XV tại TP.HCM

Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền liên quan của Việt Nam sẽ có trách nhiệm trả lời rõ ràng, cụ thể “để rộng đường dư luận” về nội dung công dân phản ánh nhằm báo cáo Hội đồng Bầu cử Quốc gia xem xét, quyết định theo thẩm quyền và phục vụ công tác thẩm tra của Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV nếu ứng cử viên đó trúng cử sau cuộc bầu cử ngày 23/5 này.

Liên quan đến 69 đơn tố cáo, phản ánh về người ứng cử đại biểu HĐND các cấp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay, Tiểu ban đã chuyển đến Ủy ban bầu cử các cấp 38 đơn.

Đặc biệt, Tiểu ban cũng đã chuyển đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương 3 đơn phản ánh về 2 nhân sự thuộc thẩm quyền quản lý. Ngoài ra, cơ quan chức năng đã lưu 29 đơn do nội dung tố cáo của công dân xuất phát từ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo không đạt được mục đích chuyển sang tố cáo người đứng đầu cơ quan tổ chức đó.

Theo ông Cường, tính đến thời điểm hiện tại, Tiểu ban đã nhận được báo cáo của cơ quan có thẩm quyền thông tin nội dung tố cáo đối với 3 nhân sự ứng cử đại biểu HĐND (một ở cấp xã, một cấp huyện và một cấp tỉnh).

Ngoài ra, trước đó đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, kết luận theo đúng quy định của pháp luật, nhân sự được giới thiệu đủ tiêu chuẩn ứng cử, không vi phạm tiêu chuẩn đại biểu.

Trong khi đó, đối với 20 đơn công dân khiếu nại, tố cáo, phản ánh liên quan đến việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác và lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với ứng cử viên, đồng chí Bùi Văn Cường nhấn mạnh, Tiểu ban đã chuyển 11 đơn đến Ủy ban bầu cử cấp tỉnh để xem xét, trả lời cho công dân, đồng thời, xếp lưu 9 đơn do có nội dung không rõ, đơn trùng lặp.

Công tác nhân sự Quốc hội và HĐND các cấp khóa mới của Việt Nam được đảm bảo làm chặt chẽ.

Chủ nhật, ngày 23/5/2021 tới đây là ngày bầu cử ĐBQH khóa XV và Đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của Việt Nam, ngày hội của toàn dân.

Cùng với các cơ quan tổ chức bầu cử, cả hệ thống chính trị của Việt Nam và toàn dân đang tích cực chuẩn bị mọi mặt để bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra an toàn, công khai, minh bạch, đạt kết quả tốt đẹp, lựa chọn được những đại biểu xứng đáng với kỳ vọng và niềm tin với lá phiếu của cử tri.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu bảo vệ Ngày bầu cử, bảo vệ từng khu vực bỏ phiếu

Tại Hội nghị ngày 12/5 của Bộ Công an, trước yêu cầu bảo vệ Ngày bầu cử, khu vực bỏ phiếu, đảm bảo bầu cử an toàn, Bộ trưởng - Đại tướng Tô Lâm, khẳng định, lực lượng Công an cam kết bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn ngày bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 tới đây.

Sáng nay, Bộ Công an chính thức phát lệnh ra quân bảo đảm an ninh, trật tự ngày bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới.

Báo cáo tại Hội nghị, Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an cho hay, tính đến giờ, các mặt công tác bảo vệ ngày bầu cử đã cơ bản hoàn thành về tất cả các mặt trên khắp cả nước, sẵn sàng bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn ngày bầu cử trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ.

7 nhân sự ứng cử Đại biểu Quốc hội Việt Nam bị đệ đơn thư tố cáo là ai?

Chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những thành tích, kết quả, sự chủ động, nỗ lực của toàn lực lượng Công an nhân dân và các lực lượng liên quan trong triển khai các mặt công tác bảo đảm an ninh, trật tự cuộc bầu cử.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam nhấn mạnh, bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ được tổ chức vào ngày 23/5/2021 trên toàn quốc, với gần 85.000 điểm bầu cử để bầu ra 500 đại biểu Quốc hội và hàng ngàn đại biểu HĐND các cấp tham gia.

“Đây là sự kiện trọng đại diễn ra trong thời điểm chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, trong đó có tình hình dịch Covid-19 đang lây lan tại nhiều địa phương và nhiều nước trong khu vực”, ông Huệ nhắc lại.

Do đó, để bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn ngày bầu cử, đồng chí Vương Đình Huệ đề nghị tiếp tục quán triệt sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cuộc bầu cử trong toàn lực lượng công an nhân dân và các lực lượng phối hợp.

“Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Bộ Công an tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ phận chức năng rà soát kỹ các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn và phục vụ tổ chức thành công ngày bầu cử. Sẵn sàng xử lý các tình huống phức tạp nảy sinh ngay tại cơ sở theo phương châm bốn tại chỗ”, người đứng đầu Quốc hội khẳng định.

Theo đồng chí Vương Đình Huệ, cần phải sẵn sàng phương án bảo đảm an ninh trật tự với tình huống tổ chức bầu cử tại khu vực dịch Covid-19 đang lây lan trong cộng đồng.

“Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá cuộc bầu cử, huy động sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị, toàn dân, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong bảo vệ Ngày bầu cử, bảo vệ từng khu vực bỏ phiếu”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Chủ tịch Vương Đình Huệ cũng yêu cầu lực lượng Công an cũng như Quân đội chủ động tham mưu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan giải quyết kịp thời, đúng pháp luật đối với những vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân, tranh chấp, khiếu kiện, không để hình thành điểm nóng về an ninh, trật tự.

Đặc biệt, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, ông Huệ nhấn mạnh, Hội đồng bầu cử quốc gia quyết tâm không để xảy ra lây nhiễm trong cộng đồng trong quá trình tổ chức bầu cử, không để lây nhiễm từ bên ngoài vào và không để lây nhiễm trong các điểm bầu cử.

Đại tướng Tô Lâm: Công an sẽ bảo vệ tuyệt đối an ninh ngày bầu cử Việt Nam

Phát biểu tại Hội nghị, người đứng đầu Bộ Công an – Đại tướng, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng lực lượng Công an sẽ nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ cùng các lực lượng liên quan, triển khai quyết liệt, có hiệu quả các phương án, kế hoạch.

“Lực lượng Công an sẽ dành toàn tâm, toàn lực, nỗ lực phấn đấu, sẵn sàng hy sinh, để bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn Ngày bầu cử, phục vụ tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026”, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ.

Theo Đại tướng, ngành Công an sẽ không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, không để xảy ra sơ suất dù là nhỏ nhất, để Ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân Việt Nam.

Cũng trong sự kiện này, Bộ trưởng Tô Lâm đã phát lệnh ra quân bảo đảm an ninh trật tự Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trong toàn lực lượng.

7 nhân sự ứng cử Đại biểu Quốc hội Việt Nam bị đệ đơn thư tố cáo là ai?

Thay mặt cho toàn thể lực lượng, Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP.HCM đã phát biểu, nêu rõ quyết tâm bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn ngày bầu cử.

Theo Thiếu tướng Lê Hồng Nam, toàn ngành “xin hứa” quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Cùng với đó, lực lượng Công an cũng quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị quan trọng trong lần ra quân này, xứng đáng với sự kỳ vọng và sự tin tưởng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an và nhân dân đã giao phó.

Thảo luận