Việt Nam rất tiếc về phán quyết của Pháp trong vụ kiện của bà Trần Tố Nga

HÀ NỘI (Sputnik) – Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 13/5 đã bình luận về việc tòa án Pháp bác bỏ vụ kiện đòi công lý cho những nạn nhân chất độc da cam của bà Trần Tố Nga.
Sputnik

Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ bà Nga

Trả lời câu hỏi của phóng viên yêu cầu bình luận về vụ kiện trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:

“Chúng tôi thấy rất lấy làm tiếc về phán quyết của tòa án đối với vụ kiện chất độc da cam của bà Trần Tố Nga. Việt Nam phải chịu hậu quả nặng nề từ chiến tranh, trong đó có tác động lâu dài và nghiêm trọng của chất độc màu da cam dioxin”.

Bà Hằng nhấn mạnh thêm:

“Chúng tôi ủng hộ việc các nạn nhân chất độc da cam dioxin yêu cầu trách nhiệm pháp lý đối với các công ty hóa chất và sản xuất, thương mại chất độc da cam dioxin của Mỹ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Chúng tôi cho rằng các công ty này phải có trách nhiệm khắc phục những hậu quả chất độc da cam dioxin đã gây ra tại Việt Nam”.

Theo bà hằng, thời gian qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã giữ liên lạc, trao đổi, động viên bà Trần Tố Nga và sẵn sàng hỗ trợ phù hợp.

Ngày 10/3, tòa án Pháp ở Paris đã bác bỏ đơn kiện của bà Nga đối với 14 công sản xuất và thương mại chất độc da cam (gồm Monsanto và Dow Chemical) vì cho rằng đây là “đơn kiện không được chấp nhận”.

Bà Nga cho biết sẽ không chùn bước trước quyết định này và sẽ bước tiếp trong cuộc chiến đòi lại công lý cho những nạn nhân chất độc da cam.

Việt Nam nhất quán bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng

Bình luận về báo cáo Tự do Tôn giáo quốc tế 2020 của Mỹ, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết:

“Việt Nam ghi nhận việc báo cáo Tự do Tôn giáo quốc tế năm 2020 của Bộ Ngoại giao Mỹ đã đề cập đến những nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng. Tuy nhiên, báo cáo vẫn đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam”.

Bà Hằng cho biết thêm:

“Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và thực hiện nhất quán chính sách bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân; đảm bảo sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng; bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật; tôn giáo cho người dân được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi”.

Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở và trên tinh thần xây dựng với Mỹ về những vấn đề còn có sự khác biệt để tăng cường sự hiểu biết và đóng góp vào sự phát triển của quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước.

Thảo luận