Đại diện WHO, Tiến sĩ Kidong Park, bày tỏ hy vọng Việt Nam có thể đăng ký sản xuất quy mô lớn vaccine Covid-19 dựa trên công nghệ mRNA (tương tự như chế phẩm của Pfizer, BioNTech..).
Trước đó, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn trương đàm phán mua trọn gói công nghệ tiên tiến nhất (công nghệ mRNA) để sản xuất trong nước, quyết tâm đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thể tự chủ về vaccine Covid-19 trong thời gian sớm nhất.
WHO xem xét đề xuất chuyển giao công nghệ vaccine Covid-19 cho Việt Nam
Việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ủng hộ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19 cũng như dỡ bỏ toàn cầu đối với các rào cản về bằng sáng chế, là tín hiệu tốt, giúp Việt Nam đứng trước cơ hội sản xuất vaccine ngừa SARS-CoV-2 quy mô lớn.
Ngày 12/5, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, Tiến sĩ Kidong Park cho biết, WHO hiện đang xem xét đề xuất của một nhà sản xuất (chưa xác định rõ đơn vị cụ thể) ở Việt Nam muốn trở thành một trung tâm công nghệ vaccine Covid-19 mRNA tại quốc gia Đông Nam Á này.
“Một nhà sản xuất vaccine ở Việt Nam mong muốn trở thành trung tâm chuyển giao công nghệ vaccine Covid-19 dựa trên nền tảng mRNA”, TS. Kidong Park xác nhận dù không nêu chi tiết cụ thể đích danh nhà sản xuất vaccine nào.
Khẳng định với Reuters ngày 12/5, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh, WHO hiện đang xem xét đề xuất này, đồng thời bày tỏ hy vọng Việt Nam sẽ sớm đăng ký sản xuất quy mô lớn vaccine Covid-19 dựa trên công nghệ tiên tiến như mRNA.
“Nếu Việt Nam xây dựng được một trung tâm chuyển giao công nghệ vaccine Covid-19 dựa trên công nghệ mRNA thì sẽ đóng góp rất lớn vào quá trình sản xuất vaccine công nghệ mRNA ở Việt Nam nói riêng cũng như trong khu vực Đông Nam Á nói chung”, TS. Kidong Park nói.
Theo bà Lê Thị Thu Hằng, ngay từ khi dịch bệnh bùng phát và các nước tiến hành nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng bệnh, Việt Nam đã rất nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận và đàm phán với các đối tác cung cấp vaccine phòng Covid-19 trên thế giới để sớm nhập khẩu về sử dụng trong nước.
Theo đại diện Bộ Ngoại giao, đến nay Việt Nam đã tiếp cận được một số nguồn cung cấp vaccine có cam kết cung ứng từ Chương trình Covax Facility, từ nhà sản xuất và cung cấp vaccine AstraZeneca. Cùng với đó, Việt Nam cũng đang tiến hành tiêm chủng cho những đối tượng được ưu tiên, tuyến đầu chống dịch.
“Để mở ra cơ hội khống chế sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này, Việt Nam mong muốn các quốc gia chia sẻ thông tin miễn trừ bản quyền đối với vaccine Covid-19 để các loại vaccine sớm được phổ biến rộng rãi ở tất cả các nước trên thế giới”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, tại họp báo, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cũng nêu rõ, ngoài nguồn cung cấp vaccine nhập khẩu, Việt Nam đang thúc đẩy nghiên cứu, phát triển vaccine ở trong nước.
“Vaccine do Việt Nam sản xuất dự kiến sẽ được sử dụng trong năm 2022 để có thể chủ động nguồn cung, an ninh y tế, ứng phó khi đại dịch xảy ra trong tương lai”, bà Lê Thị Thu Hằng chia sẻ.
Việt Nam quyết tâm thành quốc gia tự chủ về vaccine Covid-19
Trước đó, hôm 5/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ cho biết, có một số quốc gia, điển hình như Nhật Bản đã đồng ý chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19 cho Việt Nam. Đại diện Bộ Y tế Việt Nam cũng sẽ sang Nga để đàm phán mua vaccine ngừa coronavirus.
“Sắp tới tôi sẽ sang Nhật Bản để đàm phán và Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường sẽ đi Nga đàm phán mua vaccine”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho hay.
Tại cuộc họp báo Chính phủ này, ông Thuấn cũng cho biết, trong tháng 5/2021, Tổ chức Y tế thế giới và các đối tác đồng ý chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mới nhất cho Việt Nam, là công nghệ mRNA.
“Trong tháng 5 này, Bộ Y tế sẽ bàn cụ thể hơn với WHO và các đối tác về việc chuyển giao này”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.
Về tình hình sản xuất vaccine Covid-19 tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin, hiện nay, trong nước đang có hai đơn vị tiến hành thử nghiệm vaccine Covid-19. Trong đó Nanocovax sắp thử nghiệm giai đoạn 3.
Nếu không may dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam, Bộ Y tế sẽ xem xét phê duyệt vaccine Nanocovax khi đã thử nghiệm thành công được một nửa ở giai đoạn thứ 3, theo Thứ trưởng Thuấn.
Đến ngày 8/5, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Chương trình nghiên cứu chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine phòng Covid-19, Bộ Y tế Việt Nam cho biết đang chuẩn bị tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA dưới sự chủ trì của GS.TS Nguyễn Thanh Long.
Tại cuộc họp này, Bộ Y tế cho biết đã huy động tối đa các nguồn lực tiếp cận các nhà cung cấp. Tuy nhiên để chủ động Viêt Nam cần thêm các công nghệ sản xuất tiên tiến để có nguồn sản xuất tự chủ trong nước.
Đồng thời, với nguyên tắc đa dạng hóa các nguồn công nghệ, thực hiện nhanh nhất các hoạt động chuyển giao, sản xuất vaccine Covid-19 cho Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo khẩn trương đàm phán mua trọn gói công nghệ tiên tiến nhất (công nghệ mRNA) để sản xuất tại Việt Nam, mua và chuyển giao các công nghệ tiềm năng khác, đồng thời tham gia vào các cơ chế chia sẻ công nghệ chung của Tổ chức Y tế Thế giới.
“Bộ Y tế với sự đồng hành tham gia tích cực của các nhà sản xuất vaccine trong nước, các doanh nghiệp có đủ năng lực và tâm huyết sẽ quyết tâm đưa Việt Nam trở thành nước có thể tự chủ về vaccine phòng Covid-19 trong thời gian sớm nhất”, cổng thông tin điện tử Bộ Y tế khẳng định.
Tại cuộc họp ngày 8/5, các thành viên ban chỉ đạo cũng đã trao đổi về các yêu cầu, điều kiện chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA chống Covid-19 từ WHO cũng như kế hoạch tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA.
Vaccine Covid-19 dựa trên công nghệ mRNA là gì?
Công nghệ Messenger RNA (mRNA), là công nghệ sản xuất vaccine mới nhất trên thế giới.
mMRNA được sử dụng trong các chế phẩm vaccine do các hãng BionTech và Pfizer phối hợp điều chế, giúp cơ thể người sản sinh một loại protein vốn là một phần của virus (SARS-CoV-2), theo đó kích hoạt phản ứng miễn dịch.
Cụ thể, các vaccine Covid-19 mRNA không làm cho người tiêm nhiễm SARS-CoV-2 vì không dùng virus sống gây Covid-19. Nhờ công nghệ mRNA, thay vì dùng protein sống của virus corona, loại vaccine này chỉ mang thông tin di truyền của virus vào cơ thể. Vật chủ sau đó tự sản xuất protein và đào tạo hệ miễn dịch chống lại mầm bệnh.
Kế tiếp, các tế bào sẽ hiển thị các mảnh protein lên trên bề mặt, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ nhận ra rằng các mảnh protein không thuộc về cơ thể và bắt đầu tạo ra các phản ứng miễn dịch và tạo ra kháng thể chống lại các mảnh protein này, điều này giống như những gì xảy ra trong nhiễm trùng tự nhiên Covid-19.
Đồng thời, sau một thời gian tiêm, cơ thể đã học được cách bảo vệ chống lại sự lây nhiễm Covid-19 trong tương lai. Nhờ đó, vaccine mRNA mang lại lợi ích giống như tất cả các loại vaccine khác, là giúp cơ thể chống lại sự tấn công của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2).
Đây cũng chính là ưu điểm lớn nhất của phương pháp này – tức không cần nuôi protein virus tinh khiết, nhờ đó, giúp tiết kiệm thời gian chuẩn hóa và đẩy mạnh sản xuất vaccine. Giải pháp này đặc biệt phù hợp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khi dịch bệnh lây lan nhanh và đa chủng, khó kiểm soát như hiện nay.
Đại diện WHO tại Việt Nam nói về khả năng virus lây lan âm thầm trong cộng đồng
TS. Kidong Park cho biết, WHO cũng đang theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch tại Việt Nam, đồng thời, đánh giá, có khả năng virus đã lây lan âm thầm trong cộng đồng khi ‘mất dấu dần các F0’ hoặc không xác định được nguồn lây hay các mối liên hệ dịch tễ.
“Dịch đang lây lan nhanh chóng và diễn biến phức tạp. Nguồn lây nhiễm ở một số ổ dịch vẫn chưa rõ ràng, cùng với đó là sự xuất hiện của các biến thể đáng lo ngại”, TS. Kidong Park nói và cho rằng, những tuần tới là giai đoạn đặc biệt quan trọng Việt Nam cần đặc biệt lưu ý để có thể kiểm soát dịch thành công.
“Do một số trường hợp không xác định được mối liên hệ dịch tễ, không thể bỏ qua khả năng virus đã lây truyền âm thầm. Để tìm ra nguồn lây và ngăn chặn chuỗi lây lan, cần tiến hành điều tra dịch tễ kỹ lưỡng và giám sát chặt chẽ”, TS. Kidong Park nhấn mạnh.
Vị chuyên gia lưu ý, trong khi dịch còn diễn biến phức tạp tại các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam cần đặc biệt chú trọng công tác kiểm soát xuất nhập cảnh, ngăn chặn người nhập cảnh trái phép dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao. Ông Park cũng khẳng định trong cuộc chia sẻ với VnExpress rằng WHO rất tin tưởng vào các quyết sách ứng phó quyết liệt hiện tại của Chính phủ Việt Nam. Ngay sau khi phát hiên ca bệnh cộng đồng ở Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bộ Y tế, toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đều hành động quyết liệt.
“Các biện pháp y tế công cộng toàn diện đã được triển khai và điều chỉnh hàng ngày theo diễn biến của dịch. Việt Nam đã tăng cường các biện pháp ứng phó được chứng minh là có hiệu quả trong các đợt dịch trước”, TS. Kidong Park đánh giá.
WHO đang nỗ lực đưa vaccine Covid-19 về Việt Nam sớm nhất
Trưởng Đại diện WHO nêu rõ, Tổ chức Y tế Thế giới tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực kỹ thuật, tư vấn và cung cấp các bằng chứng khoa học mới, đặc biệt là những thông tin liên quan đến các biến thể đáng lo ngại, giám sát và đánh giá nguy cơ, hỗ trợ việc triển khai và phân phối vaccine Covid-19, truyền thông hiệu quả.
Về vấn đề vaccine Covid-19, đặc biệt là nguồn cung từ chương trình Covax, ông Park khẳng định, “đang nỗ lực để đưa vaccine đến Việt Nam sớm nhất”.
“Nếu không có trở ngại nào về mặt hậu cần, lô hàng tiếp theo với 1.682.400 liều dự kiến sẽ đến Việt Nam vào ngày 16/5/2021”, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam thông tin.
TS. Kidong Park cũng lưu ý Việt Nam cần duy trì hệ thống giám sát và kế hoạch ứng phó với phản ứng phụ sau khi tiêm vaccine Covid-19 dựa trên hướng dẫn của WHO.
Trường hợp nữ nhân viên y tế An Giang tử vong do sốc phản vệ sau khi tiêm AstraZeneca, theo ông Kidong Park, cũng cần được điều tra nhằm đảm bảo an toàn khi tiêm cho người dân.
“Việt Nam cần tiếp tục triển khai tiêm chủng ở mức độ an toàn cao nhất bằng cách đảm bảo các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực”, Trưởng Đại diện WHO nhấn mạnh.
Như đã thông tin, Việt Nam bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng bao phủ vaccine Covid-19 từ ngày 8/3/2021, trước hết cho một số nhóm đối tượng ưu tiên đặc biệt, tuyến đầu chống dịch.
Theo số liệu từ Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, đến hết ngày 13/5/2021, trên toàn quốc đã có 959.182 liều vaccine được tiêm. Bộ Y tế yêu cầu khẩn trương tiêm hoàn thành trước ngày 15/5 theo kế hoạch, đảm bảo không bỏ phí bất cứ liều vaccine nào và “tiêm đến đâu, an toàn đến đó”.