Gia đình Việt Nam: Khi công nghệ lên ngôi thời Covid-19

HÀ NỘI (Sputnik) - Do tác động của đại dịch Covid-19, hơn bao giờ hết các bậc cha mẹ cần đến công cụ kỹ thuật số đáng tin cậy để quản lý công việc và nghĩa vụ nuôi dạy con cái của mình. Ngày Quốc tế Gia đình năm 2021 (15/5) tập trung vào chủ đề “Gia đình và Công nghệ mới”.
Sputnik

Chủ đề Ngày Quốc tế Gia đình năm nay thể hiện nhấn mạnh của Liên hợp quốc vào việc tất cả các gia đình cần tiếp cận với công nghệ kỹ thuật số để giao tiếp, làm việc và học tập. Các công cụ công nghệ mới có thể giúp cải thiện kỹ năng nuôi dạy con cái và củng cố mối quan hệ gia đình.

Học online trở thành một phần cuộc sống

Đại dịch Covid-19 kéo dài chứng tỏ tầm quan trọng của công nghệ kỹ thuật số đối với công việc, giáo dục và truyền thông. Đại dịch đã thúc đẩy những thay đổi về công nghệ đã và đang diễn ra cả trong xã hội và nơi làm việc, bao gồm việc mở rộng việc sử dụng các nền tảng kỹ thuật số và các đổi mới công nghệ liên quan như điện toán đám mây, sử dụng dữ liệu lớn và thuật toán. Do đó, các cách thức làm việc đổi mới cũng như tính linh hoạt cho cả người lao động và người sử dụng lao động đã được gia tăng.

Trong thời đại đại dịch COVID-19, khi trẻ em theo đuổi phương pháp học tập từ xa kết hợp hoặc toàn thời gian, sự tham gia của cha mẹ ở nhà là không thể thiếu để cho phép học tập liên tục, đảm bảo sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ em. Chia sẻ với Sputnik, chị Thái Hương, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết:

“Nói về thuận lợi, với tình hình dịch bệnh kéo dài thì việc học online giúp học sinh không phải đến trường, không tụ tập chỗ đông người nên đảm bảo được công tác phòng, chống dịch bệnh. Phụ huynh cũng dành thời gian nhiều hơn cho con trong việc học”.
Gia đình Việt Nam: Khi công nghệ lên ngôi thời Covid-19

Cùng quan điểm với phụ huynh trên, chị Như Hoa, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, có con học tiểu học, hoàn toàn hài lòng với việc học online.

“Tới năm nay thì gia đình tôi đón nhận việc học online hết sức bình thường. Các con rất ý thức việc hàng ngày phải học online. Về cơ bản, các con cũng quen với việc học online nên không thấy chán như năm Covid thứ nhất.Thậm chí, con gái mình còn “vào lớp” sớm hẳn 30 phút để buôn chuyện với các bạn” - Chị Như Hoa cho Sputnik biết.

Đề thi có sẵn đáp án, tỉnh Kiên Giang xử lý như thế nào?
Mặt khác, những lo ngại về tác động tiêu cực của công nghệ như “mệt mỏi màn hình” và bắt nạt trên không gian mạng cũng được nêu ra. Ngoài ra, việc đóng cửa trường học và gia tăng nhu cầu làm việc tại nhà do tác động của đại dịch Covid-19 cũng làm trầm trọng thêm mức độ kiệt sức ngày càng tăng của các bậc phụ huynh. Điều này có thể gây tác động tiêu cực lâu dài tới tình trạng thư thái bằng an của trẻ. Chị Thái Hương cho biết thêm:

“Việc tiếp thu bài của trẻ cũng bị ảnh hưởng do sự tương tác giữa giáo viên và học sinh chưa được cao khi học online. Ngoài ra, học online cũng không kích thích được sự sáng tạo, chủ động của trẻ như học ở trường. Đối với giáo viên cũng làm giảm khả năng truyền đạt và nhiệt huyết. Nhìn chung, tình hình dịch bệnh thì bắt buộc các con phải học online thôi, chứ các con vẫn muốn tới trường vì có bạn”.

Hiện nay, cha mẹ và người chăm sóc, đặc biệt là các phụ huynh làm công việc toàn thời gian, cần các nguồn lực để quản lý thành công các nghĩa vụ nuôi dạy con cái của họ. Với lĩnh vực công nghệ đổi mới ngày càng phát triển, các công nghệ kỹ thuật số mới có tiềm năng trao quyền cho các bậc cha mẹ để đáp ứng các nghĩa vụ như vậy một cách thành công.

Giám đốc bệnh viện Hữu Nghị lên tiếng về "khai báo gian dối" của vợ chồng giám đốc Hacinco

Công nghệ kết nối gia đình

Một điểm tích cực của công nghệ là cho phép chúng ta giữ liên lạc ngay cả khi không thể tiếp xúc thực tế, đặc biệt là thời điểm dịch quay trở lại hiện nay. Mặc dù các chuyên gia khuyến cáo rằng, trẻ em dưới 2 tuổi không sử dụng công nghệ, nhưng gọi điện video là một ngoại lệ. Chị Thu Huyền, có chồng hiện đang học Tiến sĩ tại Đại học Sejong, Hàn Quốc, cho biết:

“Chồng mình gần như ngày nào cũng gọi về cho mình và con gái, trừ những lúc phải làm thí nghiệm. Con gái mình đã quen với việc này, cháu thậm chí còn biết lúc nào bố gọi thông qua nhạc chuông, biết bấm vào nút gọi. Mình thấy sử dụng công nghệ theo cách này giúp con phát triển kỹ năng giao tiếp xã hội hiệu quả trong lúc hạn chế tiếp xúc do dịch bệnh”.

Với một số phụ huynh có con đang ở tuổi vị thành niên, tương tác xã hội là rất quan trọng. Anh Trần Trung Hiếu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ với Sputnik:

“Hiện tại, các con tôi đang ở tuổi vị thành niên. Cháu đang sử dụng Netflix Party để xem phim với bạn bè vì các cháu không thể ra rạp. Tôi thấy nếu mình đồng hành với các con trong việc sử dụng công nghệ thì hiệu quả rất lớn. Mùa dịch tới năm thứ hai rồi nên học cách sống chung với dịch thôi”.
Gia đình Việt Nam: Khi công nghệ lên ngôi thời Covid-19

Ngày nay, việc sử dụng công nghệ ngày càng nhiều để phát triển kiến thức, kỹ năng, tìm kiếm thông tin trên internet và giữ liên lạc với người thân của mình là điều phổ biến. Phạm Thùy Phương, sinh viên năm thứ nhất, ngành Ngôn ngữ Nga, Đại học HANU, cho biết:

“Công nghệ giúp mình trò chuyện chia sẻ, động viên hỏi thăm người yêu đang học ở Nga. Tuy không thể gặp mặt trực tiếp nhưng mà video call cũng đỡ nhớ hơn và có phần nào yên tâm. Nhờ có công nghệ chứ như ngày xưa chắc là gửi thư mất” - Thùy Phương tâm sự với Sputnik.

Ngày Quốc tế Gia đình hàng năm là dịp để nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến gia đình và các tiến trình xã hội, kinh tế và nhân khẩu học ảnh hưởng đến gia đình. Năm nay ngày này càng có ý nghĩa đặc biệt khi một số người trên thế giới phải rời xa gia đình do tác động của biện pháp hạn chế dịch trong khi một số người khác may mắn hơn khi có nhiều khoảng thời gian bên cạnh gia đình hơn./.

Thảo luận