Đà Nẵng ngừng các hoạt động taxi, Grab, shipper, Thủ tướng khen "chống dịch sáng tạo"

HÀ NỘI (Sputnik) - Từ 6h ngày 17/5, TP. Đà Nẵng sẽ tạm dừng các hoạt động taxi, Grab, shipper trên toàn địa bàn.
Sputnik

Thu 554 triệu đồng từ các vụ vi phạm phòng chống Covid-19

Tối ngày 16/5, UBND TP. Đà Nẵng đã có công văn tạm dừng một số hoạt động vận chuyển trên địa bàn Thành phố. Theo ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đây là quyết định dựa trên cơ sở xem xét diễn biến dịch COVID-19 và nhằm hạn chế tối đa sự lây lan, bùng phát của dịch bệnh trong giai đoạn cao điểm hiện nay.

Cụ thể, UBND Thành phố đã yêu cầu từ 6h ngày 17/5, tạm dừng hoạt động bao gồm:

  • Hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi trên địa bàn Thành phố (bao gồm các loại hình ứng dụng công nghệ như GrabCar...).
  • Hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô 2 bánh trên địa bàn Thành phố (bao gồm loại hình ứng dụng công nghệ, như GrabBike…).
  • Hoạt động giao nhận, vận chuyển hàng bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô 2 bánh trên địa bàn Thành phố của người giao hàng công nghệ (shipper). 

Đồng thời, TP. Đà Nẵng yêu cầu tất cả lái xe của các phương tiện nêu trên đến cơ sở y tế nơi thường trú, lưu trú để khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Khi hết thời hạn tạm dừng, các lái xe có kết quả xét nghiệm âm tính mới được phép hoạt động trở lại.

Thêm một người Việt Nam tử vong vì Covid-19, nguyên nhân do đâu?

Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 TP. Đà Nẵng, trong ngày 16/5, trên địa bàn ghi nhận thêm 12 ca mắc mới, cộng dồn từ ngày 3/5 đến nay đã có 135 ca mắc COVID-19. Trong số 12 BN mắc mới có 7 BN là F1 của các BN liên quan đến Công ty Trường Minh đã được cách ly trước đó (bao gồm chị dâu của bệnh nhân Grab); 2 BN là nhân viên công ty Amida đã được cách ly; 1 BN là F1 của BN N.V.T, V.T.N.H, D.T.C (24 Đống Đa) đã được cách ly trước đó; 1 BN là trường hợp quân nhân được chuyển đến BV17 từ Trung đoàn 143 Quảng Nam ngày 14/5, ngày 15/5 lấy mẫu xét nghiệm vì có triệu chứng nghi ngờ, kết quả xét nghiệm dương tính chiều 16/5; 1 BN là trường hợp lấy mẫu diện rộng cho những người buôn bán nhỏ trên địa bàn quận Cẩm Lệ (bán cơm gà tại quán cơm gà Lộc Ký 272 Cách Mạng Tháng Tám). 

Về tình hình tại Khu CNC và các khu CN gồm: KCN Hòa Cầm; KCN Hòa Khánh; Khu CN Liên Chiểu, KCNC Đà Nẵng; KCN Hòa Khánh mở rộng; KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng đều hoạt động bình thường. Lũy kế đến nay, trong KCNC và các KCN đã lấy mẫu xét nghiệm cho 65 doanh nghiệp với số lượng 10.160 trường hợp; từ ngày 3/5-16/5, Thành phố xét nghiệm 134.422 trường hợp.

Trong ngày 16/5, các quận huyện đã xử phạt 35 trường hợp các hành vi phạm các biện pháp phòng, chống dịch với số tiền là 127,5 triệu đồng và từ ngày 05/05 đến nay đã xử phạt 272 trường hợp với số tiền là 554 triệu đồng.

Thủ tướng khen sáng kiến lấy mẫu gộp của Đà Nẵng

Cũng trong ngày 16/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định tặng bằng khen cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) và Sở Y tế thành phố Đà Nẵng vì đã có thành tích trong công tác phòng, chống Covid-19. Bên cạnh việc khẳng định được năng lực trong phòng, chống dịch hiệu quả, Đà Nẵng là đơn vị tiên phong thực hiện thành công phương pháp xét nghiệm mẫu gộp.

Hơn 1,6 triệu liều vaccine vừa về, tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam ra sao?

Đây là phương pháp gộp nhóm của Đà Nẵng đã tiết kiệm gần 1/5 so với chi phí xét nghiệm mẫu đơn, nâng năng lực xét nghiệm lên hơn 22.000 mẫu/ngày. Đây là những kinh nghiệm từ đợt Covid-19 thứ hai năm 2020, khi Đà Nẵng là tâm dịch, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khi đó là ông Huỳnh Đức Thơ đã yêu cầu CDC thành phố thực hiện ngay việc xét nghiệm gộp và đã thành công trong khoanh vùng, dập dịch.

Theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng, trong đợt dịch thứ hai phương pháp lấy mẫu gộp 5 (gộp mẫu của 5 người trong cùng ống nghiệm) đã mang lại nhiều lợi ích, chi phí xét nghiệm giảm còn 12 tỷ đồng, thay vì hơn 55,4 tỷ đồng nếu xét nghiệm mẫu đơn. Thống kê từ ngày 8 đến 23/8/2020, thành phố đã lấy được hơn 97.000 mẫu, trong vòng 16 ngày, bằng phương pháp gộp nhóm, nhờ đó "quét" được toàn bộ ổ dịch tại Bệnh viện Đà Nẵng, mở rộng xét nghiệm cho đại diện hộ gia đình. Sau một tháng, dịch bệnh được khống chế.

Trong đợt dịch thứ tư, Đà Nẵng đã nâng cấp độ xét nghiệm gộp nhóm 5 lên nhóm 10, truy vết ở cộng đồng khi chưa xác định được nguồn lây. Đỉnh điểm ngày 13/5, ngành y tế đã xét nghiệm cho 22.840 người, cao nhất từ trước đến nay. Theo ông Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC Đà Nẵng, thành phố đã kiểm chứng phương pháp này, cho thấy không ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Ông Huỳnh Đức Thơ, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết ban đầu khi đề nghị áp dụng phương pháp gộp nhóm đã có nhiều ý kiến trái chiều và CDC lo ngại về tính khả thi, khi Bộ Y tế chưa có hướng dẫn. Ông Thơ nói:

Đà Nẵng công bố kết quả xét nghiệm người liên quan đến cựu Giám đốc Hacinco ở Đà Nẵng

"Tuy nhiên, khi tình hình dịch ở Đà Nẵng quá căng thẳng, ghi nhận 45 ca nhiễm trong một ngày, tôi đã yêu cầu CDC thực hiện và nhờ đó thành phố có vũ khí để chủ động tấn công, ngăn chặn dịch bệnh".

Sau đó vào ngày 05/02/2021, Bộ Y tế đã có Công văn kèm văn bản hướng dẫn chính thức gửi Sở Y tế các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương về "Phương pháp gộp ngay que mẫu bệnh phẩm khi lấy mẫu vào chung một ống môi trường vận chuyển". Mục đích của Công văn là nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 và kiểm soát dịch bệnh kịp thời. Nguyên Chủ tịch UBND TP cho biết rất vui vì phương pháp gộp nhóm của Đà Nẵng đã được Chính phủ ghi nhận và cho nhân rộng ra các địa phương khác.

Từ ngày 3 đến 16/5, Đà Nẵng đã xét nghiệm tổng cộng 134.420 mẫu, qua đó phát hiện 135 ca dương tính nCoV (đã được Bộ Y tế công bố). Nhờ xét nghiệm cộng đồng, hôm nay thành phố xác định được một ca dương tính, là chủ tiệm cơm gà, chưa rõ nguồn lây.

Thảo luận