Đại dịch COVID-19

Hơn 1,6 triệu liều vaccine vừa về, tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam ra sao?

HÀ NỘI (Sputnik) - Tối 16/5, Việt Nam đã tiếp nhận lô vắc xin COVID-19 thứ hai từ Cơ chế COVAX với 1.682.400 liều, ổ dịch ở Bắc Giang đang nhiều chuyển biến phức tạp.
Sputnik

Mở rộng phạm vi đối tượng tiêm vaccine

Vào lúc 20h ngày 16/5, toàn bộ 1.682.400 liều vắc xin do COVAX Facility tài trợ cho Việt Nam đã được chuyển tới kho lạnh của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tại Hà Nội. PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, các thùng vắc xin được vận chuyển trong điều kiện nhiệt độ đúng như quy định.

Việt Nam ghi nhận thêm 54 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, cách ly hơn 100.000 người

Đây là lô vaccine nằm trong số 4,1 triệu liều vắc xin được cam kết hỗ trợ miễn phí cho Việt Nam của Cơ chế COVAX, một cơ chế quốc tế nhằm đảm bảo tiếp cận công bằng với vắc xin COVID-19 trên toàn cầu. Trước đó, lô hàng vaccine đầu tiên đến Việt Nam vào tháng 4, đã được tiêm cho 858.496 người, chủ yếu là cán bộ y tế và các nhân viên tuyến đầu khác.

Đối với lô vaccine bổ sung này sẽ giúp Bộ Y tế mở rộng phạm vi tiêm phòng đến nhiều người ở các nhóm ưu tiên, đồng thời cung cấp liều thứ hai cho những người đã được tiêm liều đầu tiên. Lô vaccine lần này có tên Vaxzevria® (trước đây được gọi là vaccine AstraZeneca) do AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển và được vận chuyển từ cơ sở sản xuất của Catalent Biologics ở Anagni, Italy.

Vắc xin Vaxzevria COVID-19 đã được WHO cấp phép sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp và đã được tiến hành tiêm thành công tại Việt Nam kể từ tháng 3 năm 2021 dưới tên cũ. Trong nhiều tháng qua, các đối tác COVAX bao gồm CEPI, GAVI, WHO và đối tác cung ứng UNICEF, đã và đang hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực sẵn sàng và triển khai vắc xin COVID-19 trên toàn quốc.

Các đối tác đã hỗ trợ tích cực Việt Nam xây dựng Kế hoạch Tiêm chủng Quốc gia, vì Việt Nam tham gia Cam kết Thị trường Trước (AMC). AMC là một cơ chế tài chính sáng tạo để giúp đảm bảo tiếp cận toàn cầu và công bằng với vắc xin COVID-19.

Thêm 37 ca mắc Covid-19, riêng Bắc Giang 22 ca nhiễm

Theo thông tin lúc 6h ngày 17/5 của Bộ Y tế, các ca mắc ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (22), Bắc Ninh (11), Vĩnh Phúc (3), Tuyên Quang (1). Bắc Giang tiếp tục là địa phương có số ca mắc mới tăng nhanh. Đây là những F1, liên quan các khu công nghiệp Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám đã được cách ly, phong tỏa. Kể từ dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát cho đến nay, Bắc Giang đã ghi nhận 336 ca nhiễm Covid-19.

Chiều 16/5/2021, tại Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã đến tiễn, động viên y, bác sĩ của Sở Y tế Hà Nội đi hỗ trợ tỉnh Bắc Giang phòng, chống dịch COVID-19. Đoàn gồm các y, bác sĩ có kinh nghiệm tay nghề cao, có chuyên môn sâu về truy vết khoanh vùng dập dịch và xét nghiệm.

Từ ngày 27/4 đến nay, Việt Nam ghi nhận 1.176 ca mắc Covid-19, tại 27 tỉnh, thành. Tuyên Quang là địa phương mới nhất phát hiện người nhiễm virus. Ổ dịch nghiêm trọng nhất trên cả nước hiện nay đến từ các khu công nghiệp của Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định số lượng ca mắc mới Covid-19 tại Việt Nam có thể tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, tất cả đều xác định được nguồn gốc lây nhiễm.

Ngoài ra, Việt Nam có thể tiếp tục ghi nhận ổ dịch khác trong cộng đồng tại một số địa phương khác, nhất là các địa phương có tập trung đông người trong dịp nghỉ lễ vừa qua do nguồn lây bệnh chưa phát hiện hoặc từ nguồn nhập cảnh. Do đó, người dân cần tuyệt đối tuân thủ các khuyến cáo từ Bộ Y tế.

Cử tri khai báo y tế trước khi bỏ phiếu bầu cử

Bầu cử mùa dịch Covid-19, Việt Nam làm sao để đảm bảo an toàn và công bằng?
Khi mà ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (23/05) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đang đến rất gần, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phưc tạp, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký văn bản gửi Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành hướng dẫn nghiệp vụ công tác bầu cử.

Theo đó, những người tham gia công tác bầu cử (gồm cử tri, thành viên các tổ chức phụ trách bầu cử) cần khai báo y tế trực tiếp hoặc khai báo y tế điện tử theo hướng dẫn chung của Bộ Y tế thông qua các ứng dụng Vietnam Health Declaration, Bluezone, Ncovi... Cử tri khi đi bầu cử phải đeo khẩu trang, không tụ tập đông người, không khạc nhổ bừa bãi, che miệng mỗi khi ho và hắt hơi.

Việc khai báo y tế sẽ được kiểm tra tại cổng ra vào của khu vực bỏ phiếu. Lực lượng chức năng cũng kiểm tra thân nhiệt, hướng dẫn phòng, chống dịch và sàng lọc nhanh sức khỏe của cử tri có các biểu hiện sốt, ho, khó thở và thực hiện khử khuẩn. Khu vực bỏ phiếu có 2 lối vào, ra để đảm bảo di chuyển một chiều.

Sẽ có 3 kịch bản trong trường hợp phát hiện cử tri biểu hiện sốt hoặc ho sẽ được đưa đến khu vực cách ly tạm thời.

  1. Với việc tổ chức bầu cử cho người đang cách ly tại nhà, Bộ Nội vụ yêu cầu phải có tối thiểu hai thành viên tổ bầu cử tại một khu vực, có lực lượng công an hoặc dân quân đi cùng, trang bị phương tiện phòng hộ cá nhân. Thành viên tổ bầu cử có thể đặt hòm phiếu phụ trong hoặc ngoài nhà ở của cử tri, hạn chế tối đa việc tiếp xúc gần.
  2. Tại khu vực cách ly tập trung và nơi thực hiện cách ly xã hội hoặc địa bàn bị phong tỏa, ngoài các thành viên của Tổ bầu cử, người đang làm nhiệm vụ trong khu vực phong tỏa, giãn cách sẽ được bổ sung vào lực lượng làm nhiệm vụ. Các khu vực phong tỏa, giãn cách có số lượng cử tri đông hoặc nguy cơ lây nhiễm cao thì Ủy ban nhân dân cấp xã có thể thành lập bổ sung khu vực bỏ phiếu riêng. Khu vực bỏ phiếu được bố trí trên nguyên tắc đảm bảo cách biệt giữa trong và ngoài hàng rào ngăn cách. Tổ bầu cử chịu trách nhiệm bố trí trang thiết bị khu vực bên ngoài hàng rào, tổ Covid cộng đồng chịu trách nhiệm bố trí trang thiết bị khu vực bên trong hàng rào.
  3. Tại bệnh viện, cơ sở y tế điều trị cho cử tri là bệnh nhân nghi ngờ hoặc xác định mắc Covid-19 cũng được bổ sung thêm thành viên là người đang làm nhiệm vụ trong cơ sở cách ly tập trung.

Sau khi bàn giao hòm phiếu phụ về phòng bỏ phiếu hoặc kết thúc kiểm phiếu tại bệnh viện, cơ sở y tế, thành viên tổ bầu cử tự theo dõi sức khỏe 14 ngày.

Thảo luận