Ngoài ra, danh tiếng các chiến binh SEAL đã bị tổn hại nghiêm trọng trong những năm gần đây do hàng loạt vụ bê bối gây chấn động giới truyền thông.
Chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lớn
Lực lượng Hoạt động Đặc biệt Hoa Kỳ SEAL, được thành lập vào năm 1962, tham gia vào các hoạt động trinh sát, phá hoại, tìm kiếm cứu nạn, chỉ định dẫn bắn mục tiêu cho pháo binh và không quân, đấu tranh chống khủng bố trên biển.
"Hải cẩu" huyền thoại đã tham gia hàng trăm chiến dịch quân sự - từ Việt Nam đến Syria. Tuy nhiên, Hải quân Hoa Kỳ lo ngại các đặc nhiệm SEAL từ lâu đã không gặp phải một đối thủ nghiêm túc.
"Trong hai thập kỷ qua, Lực lượng Đặc nhiệm Hải quân Mỹ chủ yếu tham gia vào các hoạt động chống khủng bố và chống du kích ở Trung Đông", theo Chuẩn Đô đốc Hugh Howard, Tư lệnh Lực lượng Đặc biệt Hải quân Mỹ, nói với các phóng viên, - Họ hoạt động lâu năm trên sa mạc Iraq và vùng núi Afghanistan. Nhưng bây giờ, những “chú hải cẩu” cần phải trở về với đại dương Tất nhiên, những người lính chúng ta đã có được những kinh nghiệm vô giá trong việc trinh sát, phát hiện và tiêu diệt mục tiêu. Tuy nhiên, điều này chưa đủ để đối đầu hiệu quả với các đối thủ có tiềm lực quân sự gần với chúng ta”.
Tất nhiên, Lầu Năm Góc bao gồm cả Nga và Trung Quốc vào số những đối thủ như vậy. Tại Washington, có ý kiến cho rằng trong khi người Mỹ chiến đấu chống lại những kẻ khủng bố ở các nước thuộc thế giới thứ ba, thì Moskva và Bắc Kinh đã kịp giành được rất nhiều lợi thế trước các nước NATO.
Đặc biệt, chỉ có Trung Quốc và Nga có khả năng thiết lập "Khu vực chống tiếp cận" (Anti-Access / Area Denial, A2/AD) gần biên giới, nơi các lực lượng không quân, hải quân và lục quân các cường quốc phương Tây sẽ chịu những tổn thất cao một cách phi lý. Theo các chiến lược gia Lầu Năm Góc, chính các lực lượng đặc biệt sẽ phải đột nhập hoạt động trong các khu vực này.
Số lượng trung đội lực lương "Hải cẩu" được lên kế hoạch giảm một phần ba. Nhưng nhân sự còn lại sẽ được tăng lên đáng kể, bổ sung bằng các chuyên gia về an ninh mạng, chiến tranh điện tử, sử dụng các phương tiện không người lái và liên lạc không gian. Lầu Năm Góc muốn những binh sĩ tinh nhuệ có thể đánh bại kẻ thù có năng lực vượt trội hơn hẳn các chiến binh IS hay Taliban.
Trật tự và kỷ luật
Việc lựa chọn nhân sự cũng được tăng cường. Trong đó, đặc biệt chú ý đến phần trắc nghiệm tâm lý. Không có gì bí mật khi lực lượng SEALs đã làm giảm uy tín của chính mình trong những năm gần đây. Một số chiến binh tinh nhuệ, hơn hẳn đồng nghiệp từ các đơn vị thông thường về huấn luyện chiến đấu, tưởng mình là "á thần" và bắt đầu công khai vi phạm pháp luật.
Cuối tháng 7 năm 2019, Chuẩn Đô đốc Colin Greene, sĩ quan cấp cao Bộ Tư lệnh Đặc nhiệm Hải quân Hoa Kỳ, thậm chí đã có một tuyên bố đáng báo động về cấp dưới của mình.
“Chúng ta có vấn đề,” ông nói.
Theo ông, trong những đội quân tinh nhuệ, có những khó khăn lớn về việc giữ gìn trật tự và kỷ luật. Điều này cần phải được giải quyết một cách khẩn cấp.
Trước đó không lâu, 19 lính SEAL từ trung đội Foxtrot thuộc đội SEAL 7 đã được đưa trở về căn cứ đóng quân ở California sau nhiệm vụ ở Iraq. Các quân nhân ưu tú bị tình nghi ép một nữ quân nhân quan hệ tình dục và lạm dụng rượu trong lễ kỷ niệm Ngày Độc lập. Sau những phiên tòa kéo dài, hầu hết các biệt kích đều được tuyên trắng án; Điều hành viên Hạng nhất (Operator First Class) Adelya Enayatu, bị buộc tội hiếp dâm, và chỉ bị kết án 90 ngày giam giữ. Tuy nhiên, dư vị khó chịu vẫn còn đọng lại.
Vài ngày trước khi câu chuyện được công khai, lực lượng SEAL dính vào một vụ bê bối khác: 6 chiến binh SEAL 10 bị kết tội sử dụng cocaine có hệ thống. Họ đã dùng thuốc kích thích tâm thần trong vài tháng. Hơn nữa, với việc kiểm tra ma túy thường xuyên, những người lính tinh nhuệ đã hoán đổi mẫu kiểm tra với những người lạ. Không ai bị đưa ra tòa, nhưng các biệt kích lặng lẽ bị bãi nhiệm. Một trong số họ đã tự sát một tháng sau đó.
Giờ đây, từ viết tắt SEAL không chỉ gắn liền với chứng nghiện ma túy, nghiện rượu, nghiện ngập mà còn với tội ác chiến tranh.
Tháng 6 năm 2019, diễn ra phiên tòa xét xử "hải cẩu" Edward Gallagher. Các đồng nghiệp từ trung đội mà anh ta chỉ huy vào năm 2017 ở Mosul (Iraq), nói với các đại diện bộ chỉ huy rằng họ đã thấy Gallagher giết chết một tù nhân bằng dao, người trước đó đã được lực lượng đặc biệt hỗ trợ y tế. Sau đó, người lính, như không có chuyện gì xảy ra, chụp ảnh cùng với xác chết "như vật kỷ niệm." Ngoài ra, Gallagher còn bị cáo buộc nhắm vào mục tiêu dân thường: anh ta cố tình bắn vào một cô gái mặc khăn trùm đầu thêu hoa khi cô đi dọc bờ sông, và vào một ông già mang theo bình nước.
Hơn nữa, cuộc điều tra đã đưa ra bằng chứng cho thấy Edward Gallagher liên tục vi phạm các yêu cầu theo quy chế và quy tắc thi hành công vụ. Một quả lựu đạn huấn luyện được tìm thấy trong nhà để xe của anh ta. Người ta cũng tìm thấy các tin nhắn của Gallagher cho biết anh ta cùng với các "đồng đội" khác đã sử dụng cần sa và các loại ma túy khác nhau. Tuy nhiên, công lý Mỹ nhìn chung không trừng phạt hà khắc những tội phạm hoạt động ở điểm nóng. Gallagher chỉ bị kết tội vì hành vi sai trái - do những bức ảnh bẩn thỉu chụp với xác chết.
Các "Hải cẩu" còn phạm tội với chính đồng đội của mình. Hai chiến binh biệt đội SEAL 6, cùng những người đã tham gia tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden vào tháng Năm 2011, đã bị buộc tội giết hại lính "mũ nồi xanh" Mỹ ở Mali vào năm 2017. Cuộc điều tra cho thấy Trung sĩ Logan Melgar, một hạ sĩ quan được luân chuyển cho Nhóm Lực lượng Đặc nhiệm số 3, đã bị trói bằng băng keo và bóp cổ chết. Anh đã bắt quả tang cấp dưới ăn cắp thiết bị quân sự dùng để chống khủng bố và hoạt động tình báo.