Bầu cử Việt Nam: Một người đi bỏ phiếu thay cả nhà là thiếu trách nhiệm với đất nước

Theo các chuyên gia, hiện tượng một người đi bỏ phiếu thay cả nhà cần được xem xét. Người dân chưa ý thức được hết quyền và trách nhiệm của bản thân với đất nước khi đưa ra lựa chọn, quyết định lá phiếu bầu nhân sự Đại biểu Quốc hội và HĐND xứng đáng.
Sputnik

Hội đồng Bầu cử Quốc gia nêu rõ, Tổ bầu cử không được cho phép cử tri bầu thay hay bầu cử hộ. Cử tri phải tự mình đi bầu cử.

Không thể một người đi bỏ phiếu thay cho cả nhà

Cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV, Đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 là sự kiện chính trị trọng đại của Việt Nam.

Bầu cử Việt Nam lần này diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt, đảm bảo ba nhiệm vụ quan trọng – tâọ trung ưu tiên về thời gian, nguồn lực phòng chống Covid-19, tập trung cao độ cho công tác bầu cử, đồng thời, phải tiếp tục phục hồi, phát triển kinh tế, đảm bảo các hoạt động bình thường của hệ thống chính trị.

Vì sao không một thế lực nào có thể phá hoại bầu cử ở Việt Nam?

Đến nay, căn cứ vào báo cáo, ý kiến của các địa phương cũng như kết quả kiểm tra, giám sát của Hội đồng Bầu cử Quốc gia cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mọi công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử ngày 23/5 tới về cơ bản đã hoàn tất, sẵn sàng.

Công tác nhân sự của Việt Nam được khẳng định chuẩn bị đúng quy trình và tiến hành chặt chẽ theo từng bước, nhằm lựa chọn ra những ứng cử viên xứng đáng, phù hợp, có năng lực và đủ phẩm chất để hoàn thành tốt những công việc và trọng trách được giao.

Công tác tổ chức để các ứng cử viên tiếp xúc cử tri, thực hiện vận động bầu cử cũng được chú trọng và hoàn tất. Cùng với đó, tất cả các địa phương đều quyết tâm hoàn thành bầu cử đúng thời gian, kể cả các địa phương đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát mạnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc…đều nỗ lực đảm bảo bầu cử diễn ra suôn sẻ.

Công tác chuẩn bị bầu cử tại Việt Nam gần như đã sẵn sàng, tuy nhiên, hiện còn xuất hiện một số ý kiến lo ngại về hiện tượng bầu thay, bầu hộ. Thực tế, chuyện một người đi bỏ phiếu, bầu hộ cả nhà không phải “chuyện lạ” ở Việt Nam.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia thông tin về vấn đề này cho biết, về nguyên tắc, việc bầu hộ, bầu thay, một người đi bỏ phiếu thay cho cả nhà là không được phép, không đúng quy định của pháp luật.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường lý giải có hiện tượng này là do người dân không hiểu đúng quyền và nghĩa vụ của mình.

“Việc bỏ phiếu bầu cử bên cạnh là quyền lợi thì còn là nghĩa vụ của cử tri để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, đồng chí Bùi Văn Cường nhắc lại.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, để thực hiện quyền và nghĩa vụ này thì cử tri phải trực tiếp thực hiện nghĩa vụ bỏ phiếu, trực tiếp lựa chọn người mà mình tin tưởng, trao phiếu bầu.

Bầu cử Việt Nam: Một người đi bỏ phiếu thay cả nhà là thiếu trách nhiệm với đất nước

Một nguyên nhân khác dẫn đến việc “một người đi bầu hộ cả nhà”, theo đồng chí Bùi Văn Cường, chính là ngoài việc mỗi cử tri chưa ý thức được hết quyền và nghĩa vụ của mình thì ở các tổ bầu cử vẫn còn câu chuyện nể nang.

Trong cuộc trao đổi với VTC, Tổng Thư ký Quốc hội tái khẳng định, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và công tác tuyên truyền cho kỳ bầu cử sắp tới, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã đẩy mạnh thông tin để mỗi công dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, tránh hiện tượng bầu hộ, bầu thay.

Theo đó, ở địa bàn, yêu cầu đối với cấp uỷ, chính quyền địa phương trong quá trình chỉ đạo triển khai công tác bầu cử phải quán triệt và đề nghị đối với các khu dân cư có trao đổi để mỗi công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

“Các tổ chức, cơ quan đơn vị tuyên truyền vận động để người dân hiểu rõ, trên cơ sở đó thực hiện quyền đi bầu để Ngày bầu cử 23/5 tới sẽ đạt tỷ lệ đi bầu cao nhất, góp phần vào thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp 2021-2026”, đồng chí Bùi Văn Cường nói.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Đi bầu cử là thể hiện trách nhiệm với đất nước

Về vấn đề này, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) cho rằng, trước hết thì các tổ bầu cử phải xem xét lại khi để xảy ra hiện tượng một người đi bầu cử thay cho cả gia đình.

Theo ông Nhưỡng, nếu xảy ra tình trạng này thì chính tổ bầu cử tạo điều kiện cho cử tri làm sai chứ không phải họ tự nhiên làm sai được.

“Quan trọng nhất theo tôi là kiểm soát của tổ bầu cử”, Đại biểu Nhưỡng nêu quan điểm.

Ông Lưu Bình Nhưỡng nhắc lại, theo quy định, cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp quy định. Khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri đầy đủ.

Bầu cử Việt Nam: Một người đi bỏ phiếu thay cả nhà là thiếu trách nhiệm với đất nước

Đại biểu đoàn Bến Tre nêu rõ, mỗi cử tri khi đi bỏ phiếu không chỉ là nghĩa vụ mà phải tự mình suy nghĩ, lựa chọn người đủ đức đủ tài, phải tránh tình trạng “trao nhầm lá phiếu”, lựa chọn sai người, người không xứng đáng rồi sau này đánh mất quyền lợi của mình.

“Bản thân những người đó tự triệt tiêu quyền lợi của mình vì ngay từ đầu họ vô trách nhiệm với lá phiếu bầu cử, bầu ra người không xứng đáng nên không yêu cầu được họ điều gì. Đây là một trong những vấn đề mà cử tri  phải hiểu rõ”, ông Nhưỡng nói.

Về vấn đề này, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí Nguyễn Túc, nhận định hiện tượng một người thay mặt cả gia đình chủ yếu xuất hiện ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa của Việt Nam.

Ông Nguyễn Túc phân tích, ở các thành phố lớn như Hà Nội, việc tổ chức bầu cử được làm tốt do có sự giám sát của các cơ quan cấp trên thường xuyên hơn, ý thức của các đồng chí ở các tổ cũng cao hơn.

“Tuy nhiên ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, những hiện tượng này còn xảy ra. Có những đơn vị do thành tích hoặc nể nang mà chấp nhận cho bầu thay”, ông Túc nói.

Theo vị chuyên gia, lý do có thể do bận việc, do đường xá xa xôi hay khách quan như sức khoẻ, nhưng chủ yếu vẫn là do ý thức trách nhiệm của người dân với lá phiếu của mình.

Không khí chuẩn bị bầu cử trên quần đảo Trường Sa

Bên cạnh đó, ông Túc cũng nhận định hệ thống chính trị ở nơi đó cũng làm không đến nơi đến chốn để người dân coi việc đi bầu cử là bình thường, không thấy ý nghĩa và tầm quan trọng lá phiếu của mình với vận mệnh của đất nước và trách nhiệm xây dựng nhà nước.

Đặc biệt, theo Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, việc bầu hộ, bầu thay không chỉ thể hiện sự thiếu trách nhiệm với bản thân mà còn là sự vô trách nhiệm với đất nước.

Ông Túc nhắc lại, khi bầu cử Quốc hội lần đầu tiên tháng Giêng năm 1946, Bác Hồ nói đây là quyền lợi lớn lao nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề, vì đã có biết bao thế hệ hy sinh để đất nước giành được độc lập, và giành được độc lập thì mới có quyền bầu cử và ứng cử.

“Bây giờ được quyền lợi đó rồi thì trách nhiệm phải làm sao dùng là phiếu để lựa chọn những người có đức, có tài, có tâm, có tầm phụng sự đất nước chứ không thể vô trách nhiệm với đất nước, để bầu ai cũng được”, ông Túc nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia, nếu không đi bầu thì sẽ không biết lá phiếu của mình bầu cho ai, không biết ai trúng cử và không thể đòi hỏi quyền lợi và giám sát được những đại biểu ở khu vực mình bầu ra.

Phải làm nghiêm, không thỏa hiệp chuyện “bầu thay, bầu hộ”

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng nhận định, hiện tượng một người đi bầu cho cả nhà là tình trạng đã diễn ra nhiều năm nay. Ông Đồng còn khẳng định, hiện tượng này diễn ra ở cả những thành phố lớn chứ không chỉ vùng sâu vùng xa.

Đối với vấn đề này, theo ông Đồng, không thể thỏa hiệp, đồng tình với hiện tượng bỏ phiếu hộ, bầu hộ, bầu thay, cho dù có viện giải các lý do gì đi nữa.

“Theo tôi bầu cử thể hiện quyền công dân của mỗi người, thể hiện tính khách quan, dân chủ và công bằng. Do vậy, tốt nhất là từng cá nhân nên tự đi bầu cử để lựa chọn ứng cử viên mà bản thân thấy là phù hợp nhất và chỉ uỷ quyền cho người khác đi bầu cử thay khi đi công tác đột xuất không về kịp, đau ốm”, ông Đồng nói.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, hiện Việt Nam chưa có chế tài xử lý vấn đề này, cũng chưa từng có trường hợp nào bị xử lý, chủ yếu vẫn “đánh vào ý thức tự giác” của mỗi cử tri.

Âm mưu thâm độc phá hoại bầu cử Việt Nam

Ông Nhưỡng lưu ý, điều cốt yếu là phải tuyên truyền, giác ngộ giúp người dân hiểu việc tự mình cầm lá phiếu đi bầu cử sẽ mang lại những hiệu quả hay bất lợi gì sau này để họ tham gia đầy đủ, nghiêm túc chứ không bầu hộ, bầu thay.

Ông Hà Sỹ Đồng cũng nêu quan điểm, các tổ bầu cử phải tích cực tuyên truyền, công khai minh bạch phổ biến lý lịch, tiểu sử của các ứng cử viên đến cử tri. Theo đó, trước khi cử tri đi bỏ phiếu thì tổ bầu cử nên hướng dẫn họ quan sát kỹ tiểu sử của các ứng cử viên để đưa ra lựa chọn một cách khách quan.

“Điều quan trọng nhất là tổ bầu cử phải giám sát chặt chẽ hiện tượng này, tuyệt đối không thỏa hiệp với chuyện đi bầu cử hộ”, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị nêu rõ.

Cũng như quan điểm của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, ông Hà Sỹ Đồng cho rằng, hiện nay pháp luật chưa có chế tài về việc xử lý hiện tượng một người đi bầu cử thay cho cả nhà nên biện pháp xử lý khả quan nhất lúc này là đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng cử tri, từng gia đình để tự họ ý thức cao hơn trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình khi bầu cử.

Để khắc phục tình trạng bầu hộ, bầu thay, theo ông Nguyễn Túc, ngoài việc tăng cường tuyên truyền vận động người dân đến các tổ bầu cử thì vấn đề chính phải có sự đôn đốc và giám sát. Theo đó, đến ngày bầu cử, hệ thống chính trị tại đơn vị bầu cử từ Bí thư chi bộ, ban công tác mặt trận đến các hội, đoàn thể phân công đến đôn đốc tới từng nhà, từng người. Phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức thành viên của hệ thống chính trị tại địa bàn để hạn chế tối đa câu chuyện bầu hộ, bầu thay.

“Các tổ bầu cử cần dứt khoát không chấp nhận chuyện một cử tri mang phiếu bầu thay cho cả nhà, cho nhiều người khác và nếu làm nghiêm có thể thực hiện được”, ông Nguyễn Túc nêu rõ.
Hội đồng Bầu cử Quốc gia nói về bầu cử thay, bầu cử hộ

Về vấn đề này, Hội đồng Bầu cử Quốc gia cũng đã có trả lời cử tri và khẳng định, Tổ bầu cử không được cho phép cử tri bầu cử thay hay bầu cử hộ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử tại Hà Nội

Làm rõ về trách nhiệm của tổ bầu cử phải tổ chức chu đáo, đúng quy định, để cử tri thực hiện việc bỏ phiếu, Hội đồng Bầu cử Quốc gia nêu rõ, cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử hộ, bầu cử thay. Khi đến phòng bỏ phiếu, cử tri xuất trình Thẻ cử tri để được nhận phiếu bầu.

Tiếp đó, khi bắt đầu việc bỏ phiếu, Tổ bầu cử mời những cử tri có tên trong danh sách cử tri là lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, người có công với cách mạng, chức sắc tôn giáo (nếu có) và cử tri là người cao tuổi nhất có mặt tại thời điểm khai mạc bỏ phiếu trước. Đồng thời, việc bỏ phiếu được tiến hành liên tục. Tổ bầu cử phải thường xuyên thông báo, hướng dẫn cử tri thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bầu cử, thể lệ bầu cử, nội quy phòng bỏ phiếu, đôn đốc cử tri tích cực thực hiện quyền và nghĩa vụ bầu cử của công dân, hướng dẫn cử tri cách thức bỏ phiếu và gạch phiếu bầu.

Theo Hội đồng Bầu cử Quốc gia, khi cử tri gạch phiếu bầu, không ai được xem, kể cả các thành viên Tổ bầu cử. Nếu cử tri gạch bị nhầm hoặc bị hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác, nếu cử tri yêu cầu đổi phiếu bầu khác do gạch hỏng, Tổ bầu cử phải thu hồi phiếu gạch hỏng của cử tri, sau đó mới được phát phiếu bầu khác.

Đáng chú ý, cử tri không thể tự gạch phiếu bầu thì nhờ người khác gạch phiếu hộ nhưng phải tự mình bỏ phiếu. Người gạch phiếu hộ phải đọc đầy đủ họ và tên những người ứng cử trên phiếu bầu để cử tri tự mình quyết định. Người gạch hộ phiếu bầu phải ghi trung thực ý muốn của cử tri nhờ viết hộ và bảo đảm bí mật phiếu bầu. Khi viết hộ phiếu bầu xong phải giao lại phiếu bầu cho cử tri để cử tri tự mình bỏ phiếu vào hòm phiếu.

“Người khuyết tật không thể bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu. Ngoài các trường hợp nói trên, Tổ bầu cử không được cho phép cử tri bầu cử thay hay bầu cử hộ cho cử tri khác”, Hội đồng Bầu cử Quốc gia nêu rõ.

Cơ quan này cũng nêu rõ, trong suốt quá trình diễn ra việc bỏ phiếu, các thành viên Tổ bầu cử phải “ân cần, lịch sự, hướng dẫn tận tình, chu đáo cho cử tri đến tham gia bỏ phiếu”.

“Cán bộ Tổ bầu cử không được cho phép cử tri bầu cử thay hay bầu cử hộ cho cử tri khác, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 69 Luật Bầu cử”, Hội đồng Bầu cử Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh.
Thảo luận