Theo hình ảnh từ truyền thông Hoa Kỳ, tàu USCGC John Midgett đã được sơn hoàn chỉnh, gắn số phân hiệu 8021 Cảnh sát Biển Việt Nam (Vietnam Coast Guard) và chạy thử ở Seattle, Washington, Mỹ.
Tàu tuần duyên Mỹ đã sơn Quốc kỳ Việt Nam, chuẩn bị bàn giao cho Hà Nội?
Ngày 19/5, hình ảnh truyền thông Hoa Kỳ công bố cho thấy tàu tuần duyên USCGC John Midgett (WHEC 726), tàu tuần tra lớp Hamilton, được sơn mới lại hoàn toàn, đính kèm số hiệu 8021 Cảnh sát Biển Việt Nam và Quốc kỳ Việt Nam.
Thực tế, theo ghi nhận của báo giới Mỹ, tàu John Midgett đã treo cờ Việt Nam từ tháng 4/2021.
Hôm qua, 19/5, tờ My Edmonds News (Washington, Mỹ) đăng tải hình ảnh tàu tuần tra USCGC John Midgett (WHEC 726) đang chạy thử trên vùng biển gần bờ.
Theo ghi nhận từ truyền thông Hoa Kỳ, tàu tuần tra do phía Mỹ loại biên này đã được sơn mới, màu trắng và gắn số hiệu 8021 ở mũi tàu.
Đáng chú ý, với cùng dòng chữ “Cảnh sát Biển Việt Nam” và “Vietnam Coast Guard” dọc hai bên sườn, người ta gần như chắc chắn rằng, tàu tuần tra lớp Hamilton này đang được chuẩn bị chuyển giao cho phía Việt Nam.
Cùng với đó, hai bên ống khói trên tàu cũng đã chính thức được sơn Quốc kỳ Việt Nam, ngôi sao vàng năm cánh trên nền đỏ.
Một số tài khoản mạng xã hội cũng đăng tải hình ảnh con tàu John Midgett với ký hiệu, phân hiệu liên quan đến Việt Nam những ngày qua. Tàu tuần duyên này được phía Mỹ tiến hành chạy thử trên vịnh Elliott và khu vực Puget Sound, gần Seattle, bang Washington.
Hiện tại vẫn chưa rõ thời gian tàu hoàn thành quá trình chạy thử để bàn giao cho Cảnh sát biển Việt Nam. Tuy nhiên, dự kiến, nếu được chuyển giao cho Lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam, tàu sẽ neo đậu chính ở cảng Hải Phòng.
Về tàu USCGC John Midgett dự kiến được Mỹ bàn giao cho Việt Nam
Trên thực tế, tàu Cảnh sát Biển mang số hiệu 8021 (dự kiến biên chế cho Lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam) USCGC John Midgett là chiếc cuối cùng trong loạt 12 tàu tuần tra cỡ lớn lớp Hamilton của Tuần duyên Mỹ.
Tàu Midgett được đặt ky ngày 5 tháng 4 năm 1971 tại Nhà máy Đóng tàu Avondale ở New Orleans, Louisiana, sau đó được hạ thủy vào ngày 4 tháng 9 năm 1971.
Tàu tuần duyên này được biên chế đưa vào hoạt động chính thức từ ngày 17 tháng 3 năm 1972 và loại biên năm 2020.
USCGC John Midgett hoạt động đa năng, được thiết kế để đáp ứng các nhiệm vụ đa dạng của lực lường tuần duyên, Cảnh sát Biển ngày nay.
Tàu có nhiệm vụ chính gồm đảm bảo an ninh hàng hải nội địa, tìm kiếm và cứu nạn, thực thi pháp luật Hàng hải và hoạt động ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp của người nước ngoài cũng như duy trì sẵn sàng hỗ trợ quân sự cho các đồng minh NATO và Hải quân Hoa Kỳ.
Đặc biệt, USCGC John Midgett thường xuyên tiến hành các chuyến hành trình tuần tra ở khu bờ tây, gồm Biển Bering, Vịnh Alaska và vùng biển Trung Mỹ, thực thi Đạo luật Quản lý và Bảo tồn Thủy sản Magnuson (giới hạn 200 dặm hoặc 320 km) và cũng như đảm bảo chấp hành luật ngăn chặn tội phạm buôn bán ma túy.
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin trước đó, đây là tàu tuần tra lớp Hamilton thứ hai được chính quyền Hoa Kỳ chuyển giao cho Việt Nam, sau chiếc USCGC Morgenthau năm 2017 (dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump).
Các đặc tính cơ bản của tàu USCGC John Midgett như chiều dài 115 m, rộng 13 m, có lượng giãn nước 3.050 tấn, được trang bị hai động cơ diesel và hai động cơ turbine khí, cho phép đạt tốc độ tối đa 54 km/h. Tàu có thể làm nhiệm vụ 45 ngày liên tục trên biển với tầm hoạt động 20.000 km.
Trước khi được lực lượng Tuần duyên Mỹ loại biên, tàu cũng được sơn trắng, mang số hiệu 726 và dòng chữ U.S. Coast Guard của Hoa Kỳ.
Trong quá trình hoạt động, USCGC John Midgett trải qua đợt nâng cấp toàn diện hồi năm 1991, được nâng cấp vũ khí, bộ cảm biến, bổ sung nhà chứa trực thăng, đại tu động cơ và cải thiện không gian sinh hoạt của thủy thủ đoàn. Tàu có sức chứa lớn, có thể mang theo 24 sĩ quan và 160 thủy thủ.
Phần lớn radar và vũ khí của tàu đã được tháo bỏ trước khi chuyển giao cho Cảnh sát biển Việt Nam, tàu chỉ được giữ lại pháo Otobreda cỡ 76 mm trước mũi.
Hiện tại, chỉ còn một chiếc lớp Hamilton đang phục vụ trong Tuần duyên Mỹ là chiếc Douglas Munro (WHEC 724, tại Kodiak, bang Alaska), chiếc Mellon (WHEC 717) đã loại biên trong năm 2020. Trong khi đó, 10 chiếc khác đã chuyển giao cho một số nước gồm Việt Nam (dự kiến 2 chiếc), Bangladesh (2 chiếc), Nigeria (2 chiếc), Philippines (3 chiếc), Sri Lanka (1 chiếc).
Việt Nam tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ
Quan hệ ngoại giao, Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ đang phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, đến an ninh quốc phòng, quân sự.
Hợp tác quốc phòng Việt – Mỹ không ngừng được tăng cường thời gian qua. Từ ngoại giao tàu chiến, chuyển giao trang thiết bị quân sự, tàu tuần tra đến các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Quốc phòng song phương.
Tuần duyên Mỹ năm 2017 bàn giao tàu tuần tra tải trọng cao USCGC Morgenthau thuộc lớp Hamilton cho Cảnh sát biển Việt Nam thông qua Chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA).
Trước khi bàn giao USCGC Morgenthau, Mỹ đã huấn luyện cho các sĩ quan Cảnh sát biển Việt Nam tại Hawaii để sử dụng con tàu. Tàu USCGC Morgenthau sau đó được biên chế vào Cảnh sát biển Việt Nam và đổi tên thành CSB 8020.
Như chính quyền Washington nhiều lần tuyên bố về quyết tâm đảm bảo khu vực châu Á- Thái Bình Dương tự do cởi mở, nhất là tránh các động thái gây hấn ở Biển Đông của Trung Quốc, Mỹ gần đây tăng cường hợp tác với Việt Nam, đặc biệt là về an ninh hàng hải.
Với mong muốn hỗ trợ Việt Nam tăng cường khả năng tuần tra trên biển, bảo vệ chủ quyền, an ninh hàng hải, Mỹ đã cung cấp nhiều phương tiện, tàu bè cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Trong năm 2018 và năm 2019, Mỹ cũng đã chuyển giao tổng cộng 12 xuồng tuần tra Metal Shark cho Cảnh sát Biển Việt Nam nhằm nâng cao năng lực hàng hải.
Điều này thể hiện sự hợp tác sâu sắc giữa hai nước trong thực thi pháp luật, tìm kiếm cứu nạn trên biển trong lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Cùng với đó, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ được cho là cũng cung cấp cho Việt Nam 6 máy bay không người lái (UAV) ScanEagle cho Việt Nam với tổng trị giá hơn 9,7 triệu USD.
Hợp đồng được tiết lộ là do công ty con của Boeing phụ trách còn bao gồm phụ tùng thay thế và sửa chữa, thiết bị hỗ trợ, các dịch vụ thực địa cùng quá trình huấn luyện và hỗ trợ kỹ thuật.
Gần đây nhất, như Sputnik Việt Nam đã thông tin, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều 13/5, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng cũng đã trả lời câu hỏi của truyền thông về khả năng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Việt Nam sau Đối thoại Shangri-La.
Trước đó, theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, ngày 30/4 vừa qua, nhận lời mời của Bộ Tư lệnh các lực lượng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM), Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc đã dự lễ nhậm chức Tư lệnh INDOPACOM của Đô đốc John Aquilino tại Honolulu, Hawaii.
Cũng nhân dịp này, Đại sứ Hà Kim Ngọc có chào xã giao Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin. Đáng chú ý, tại cuộc gặp, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin bày tỏ mong muốn sẽ đến thăm Việt Nam trong thời gian tới.
Về vấn đề này, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ trong thời gian qua đang duy trì đà phát triển trên rất nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác về an ninh và quốc phòng,
“Trên cơ sở những thỏa thuận đã đạt được giữa hai bên, trong đó có bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng 2011, Tuyên bố về tầm nhìn chung hợp tác quốc phòng năm 2015 và kế hoạch hợp tác quốc phòng 2018-2020, hai bên Việt Nam và Mỹ tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương qua các kênh trao đổi khác nhau, tăng cường trao đổi đoàn, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên trường quốc tế”, bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ.