Các thành viên của Nghị viện châu Âu đang kêu gọi EU có chính sách cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, phiên họp toàn thể lần này đã chuẩn bị nghị quyết tương ứng.
Theo các nghị sĩ, đây là động thái đáp trả các biện pháp trừng phạt của Bắc Kinh đối với các nghị sĩ châu Âu.
Dự thảo nghị quyết nêu rõ: “Chúng tôi cho rằng khi xem xét các biện pháp trừng phạt mà Trung Quốc thông qua, điều hợp lý là đóng băng việc xem xét thỏa thuận đầu tư toàn diện giữa Trung Quốc và EU, cũng như mọi cuộc thảo luận về việc phê duyệt thỏa thuận này của Nghị viện châu Âu”.
Phiên họp toàn thể lần này của EP được tổ chức trong các ngày 17-21 tháng 5, kết quả dự kiến sẽ được công bố trong ngày thứ Sáu.
Nghị quyết của Nghị viện Châu Âu về các vấn đề quốc tế có tính chất tuyên bố, không ràng buộc. Tuy nhiên, các thể chế khác của Liên minh châu Âu cần phải lắng nghe ý kiến của các nghị sĩ.
Hồi cuối năm ngoái, Liên minh châu Âu và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc về Hiệp định đầu tư toàn diện; dự kiến thỏa thuận về nội dung văn kiện và công tác chuẩn bị cho việc phê chuẩn sẽ tiếp tục trong năm nay. Theo EU, hiệp định này cần phải cân bằng các mối quan hệ thương mại song phương.
Trả lời phỏng vấn Sputnik, ông Yuri Tavrovsky, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia của Ủy ban Hữu nghị, Hòa bình và Phát triển Nga-Trung, bày tỏ quan điểm rằng để làm hài lòng Mỹ, Liên minh châu Âu sẽ làm cho quan hệ với Trung Quốc phức tạp thêm, trái ngược với lợi ích của chính mình.
"Khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden bước vào Nhà Trắng, một quá trình toàn cầu hóa mới đã bắt đầu. Biden đang tạo ra một hệ thống toàn cầu mới chủ yếu nhằm chống Trung Quốc, thậm chí còn có thể gọi điều đó là "quốc tế chống Trung Quốc." Lợi dụng các kênh liên lạc lâu đời của mình với giới tinh hoa các nước châu Âu và các nước lớn châu Á (như Nhật Bản và Hàn Quốc), Biden đang xây dựng những "đội hình chiến đấu" đó", - ông Yuri Tavrovsky nói
Tất cả những điều này được thực hiện nhằm gây tổn hại cho lợi ích kinh tế, chuyên gia Yuri Tavrovsky lưu ý.
"Việc thắt chặt chính sách đối với Trung Quốc, mà chúng ta chứng kiến trong những tuần gần đây, rõ ràng là mâu thuẫn với lợi ích kinh tế của các nước này - hiện nay việc phê chuẩn một thỏa thuận đầu tư rất lớn giữa EU và Trung Quốc đang gặp vấn đề. Rõ ràng là doanh nghiệp đang rất không hài lòng. Nhưng chính trị lại chiếm ưu thế lớn hơn so với lợi ích kinh tế. Vì vậy, tôi nghĩ rằng việc xây dựng một quốc tế chống Trung Quốc, các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc sẽ tiếp tục và sẽ gia tăng", – ông Yuri Tavrovsky nói.